Vào nội dung chính
Ý - TƯ PHÁP

Ý phạt tù 7 chuyên gia địa chấn vì không dự báo được động đất

Đầu tháng 4 năm 2009, một trận động đất lớn đã xảy ra tại Aquila, miền trung nước Ý, gây thiệt hại nặng nề về người và vật chất.Hôm 22/10/2012, tòa án thành phố Aquila đã quy cứu trách nhiệm cho các nhà khoa học và tuyên phạt họ 6 năm tù cùng gần 8 triệu euro tiền bồi thường thiệt hại. Bản án nặng nề chưa từng có tiền lệ đối với các nhà khoa học trong một vụ thiên tai này đang gây nhiều tranh cãi tại Ý.

Thành phố Aquila, miền trung Ý , hầu như bị đổ nát sau vụ động đất hôm  6/4/ 2009.
Thành phố Aquila, miền trung Ý , hầu như bị đổ nát sau vụ động đất hôm 6/4/ 2009. REUTERS/Alessandro Bianchi/Files
Quảng cáo

Thông tín viên Huê Đăng tại Roma, tường trình :

Như ta đã biết là rạng sáng ngày 06/04/2009, lúc 3h30 (giờ địa phương), một trận động đất mạnh đến 6,3 độ Richter đã triệt hạ thành phố l’Aquila và các vùng lân cận, thủ phủ của vùng Abruzzo thuộc miền trung Ý, cách thành phố Roma khoảng 130 km hướng đông bắc và toàn bộ vùng trung Ý đều bị chấn động lớn nhỏ khác nhau. Chấn động mạnh đến nổi toàn thể thủ đô Roma cũng đã nghe chấn động và nhiều gia đình ở Roma cũng đã thức giấc khi xẩy ra động đất.

Trận động đất dữ dội nói trên đã gây thiệt mạng 309 người, khoảng 2000 bị thương và 70 ngàn người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Cả trung tâm cổ của thành phố l’Aquila coi như đổ nát hoàn toàn, và cho đến nay, tức là sau hơn 3 năm, trung tâm cổ của thành phố vẫn còn ngổn ngang gạch vụn.

Vì sao tòa án của thành phố l’Aquila lại tuyên án tù và đồi bồi thường thiệt hại đối với một số chuyên gia về địa chấn ?

Trở lại vụ động đất tại Aquila hồi năm 2009. Non một tháng trước khi nổ ra trận động đất thì ở thành phố l’Aquila đã liên tục xẩy ra những chấn động lớn nhỏ khác nhau. Những chấn động này đã gây thiệt hại về vật chất cho một số khu vực nhà ở như tường nhà bị rạn nứt hay nền nhà bị xô lệch, và đặt dân cư ở thành phố l’Aquila vào tình trạng lo sợ và báo động. Trước tình hình đó, Ủy ban chuyên trách về các “đại nguy cơ”, trực thuộc vào Cơ quan phòng vệ dân sự, (Cilvil protection) của nhà nước, được điều động để đánh giá tình hình về các hiện tượng chấn động ở l’Aquila.

Sau khi đã thu thập các thông tin về địa chấn, sau khi đã đối chiếu với các thống kê, và dựa theo các kinh nghiệm chuyên môn, 7 chuyên gia địa chấn đã đồng ý tuyên bố “an toàn, khả năng động đất không có, do đó không cần phải báo động và không ra lệnh di tản dân chúng”. Kết quả của tuyên bố nói trên đã khiến cho Cơ quan phòng vệ dân sự và các cơ quan hữu trách địa phương đã không chuẩn bị các phương án phòng vệ động đất, và nhất là đại bộ phận dân cư ở thành phố l’Aquila không di tản đi đâu cả.

Do đó, khi động đất nổ ra, con số thiệt hại nhân mạng quá cao, và bộ máy cứu tế đã gặp khó khăn trễ nải. Đây chính là lý do khiến các tổ chức quần chúng của các gia đình có thân nhân thiệt mạng đã đệ đơn tố cáo sự thiếu trách nhiệm của Ủy ban chuyên trách về các “đại nguy cơ”, và nhất là đối với 7 chuyên gia địa chấn.

Sau hơn 30 phiên tòa xét xử, hôm 22/10 vừa qua, tòa án của thành phố l’Aquila, với tội danh là “ngộ sát và gây thiệt hại vật chất cho nhiều người”, đã tuyên án 6 năm tù cho toàn thể 7 chuyên gia địa chấn, và phạt họ phải bồi thường 7 triệu 800 ngàn Euro, và nghiêm cấm vĩnh viễn làm việc cho Nhà nước.

Phán quyết của tòa án Aquila đã gây ra những phản ứng như thế nào ở Ý? 

Nhìn chung mà nói, trừ phía các gia đình nạn nhân của cuộc động đất, thì từ các lực lượng chính trị đến giới khoa học hàn lâm, các tổ chức nghiên cứu khoa học, đều cho rằng quyết định nói trên là “quá đáng”. Quá đáng không phải ở chỗ số năm tù tội hay con số tiền phải bồi thường, mà quá đáng là vì theo các nhà khoa học, cho đến nay trên thế giới chưa có công cụ khoa học nào có khả năng tiên đoán một cách chắc chắn về sự cố động đất. Do đó không thể nào buộc tội các chuyên gia địa chấn vì họ đã không có đủ “khả năng tiên đoán về một cuộc động đất”.

Theo tin báo chí Ý sáng nay thì đã có rất nhiều chuyên gia khoa học đang công tác ở nhiều cấp bậc trong Cơ quan phòng vệ dân sự, một vài giáo sư đại học, một số thành viên của các tổ chức khoa học đã đệ đơn xin từ chức để phản đối quyết định kết án nói trên. Trước những phản ứng ồ ạt của các chuyên gia, chính ông Chủ tjch của Cơ quan phòng vệ dân sự cũng đã lên tiếng báo động rằng tình hình này có thể khiến các hoạt động phòng vệ dân sự sẽ bị tê liệt.

Mà không phải chỉ ở Ý, ngay sau khi bản án vừa được tung ra, thì cũng đã có những nhà khoa học thế giới như ở Mỹ, ở Nhật, cũng đã lên tiếng “sửng sốt” và chỉ trích “bản án không có cơ sở khoa học”. Các báo chí và các hảng thông tấn quốc tế cúng đã đưa tin về bản án với những bình luận phê phán cho rằng quyết định của tòa án không có cơ sở khoa học vững chắc.

Các phản ứng nói trên cũng đã làm tòa án của thành phố l’Aquila “sửng sốt”. Tòa án đã ra thông cáo rằng quyết định tuyên án hôm kia không có nghĩa là tòa án muốn kết án giới khoa học, mà chỉ thuần dựa vào các yếu tố pháp lý.

Bản án có hệ lụy gì đối với các hoạt động phòng vệ dân sự trước các thiên tai ?

Vấn đề đặt ra là hệ lụy của bản án này đối với các cơ quan chuyên trách về phòng vệ dân sự: người ta tự hỏi là

07:17

TTV.Huê Đăng-Roma

trong tương lai sẽ có những chuyên gia khoa học nào dám có can đảm đứng ra lấy trách nhiệm khi phải có những đánh giá về những khả năng thiên tai ? Và chẳng lẽ ở một quốc gia như Ý, vốn nằm trong vùng có địa chấn, từ đây về sau mỗi khi có một chấn động dù nhỏ đến đâu, các Ủy ban phòng vệ cứ phải “phòng xa” lên tiếng báo động và cho lệnh di tản hay sao ? Và nếu như thế thì về lâu về dài, những quyết định của cơ quan phòng vệ dân sự sẽ không còn có uy tín. Tức là, nói tóm tắt là các hoạt động phòng vệ sẽ bị “sơ cứng”.

Tạm bỏ qua một bên các trách nhiệm của các chuyên gia địa chấn trong vụ này, cần phải nói là, dựa theo các nghiên cứu của các cơ quan thẩm định về xây cất, thì hiện nay dù Ý là quốc gia nằm trên khu vực có chấn động, nhưng đại đa số các thành phố, nhất là các thành phố cổ, các khu vực dân cư, nhà cửa đều không được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế về phòng chống động đất. Rất nhiều khu nhà cổ đều không được xây dựng bằng bê-tông, đều dùng các nguyên vật liệu cũ của cả gần trăm năm về trước, do đó mõi khi có động đất là thiệt hại về nhân mạng và tài sản rất cao.

Thêm vào đó, chẳng hạn như ở thành phố l’Aquila, lại có những tình trạng thiếu trách nhiệm của các cơ sở xây dựng các công trình nhà nước, một số công trình bị “rút ruột”, thí dụ như trường hợp của khu cư xá sinh viên, do đó động đất đã triệt hạ hoàn toàn các công trình này.

Do đó, thay vì phải cáo buộc kết tội những ai có trách nhiệm xây dựng, thì tòa án lại đang chỉ cáo buộc những người có tội là đã không có “khả năng tiên tri”.Theo các luật sư của các chuyên gia địa chấn bị kết tội, thì họ sẽ chống án.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.