Vào nội dung chính
NGA

Phe đối lập Nga bị đàn áp ngày càng dữ dội

Một lãnh đạo đối lập có nguy cơ lãnh án 10 năm cải tạo, một nhà đối lập khác bị bắt cóc ở Ukraina và đưa về giam ở Matxcơva, hết đạo luật này đến đạo luật kia được thông qua nhằm trấn áp những tiếng nói phản kháng : tổng thống Vladimir Putin rõ ràng là đã chọn con đường trấn áp mọi hình thức chống đối ở Nga.

Lãnh đạo Mặt trận Cánh tả Serguei Oudaltsov bị bắt tại nhà riêng hôm 17/10/2012 (REUTERS /M. Shemetov)
Lãnh đạo Mặt trận Cánh tả Serguei Oudaltsov bị bắt tại nhà riêng hôm 17/10/2012 (REUTERS /M. Shemetov)
Quảng cáo

Hôm qua 26/10/2012, một trong những gương mặt hàng đầu của phe đối lập, ông Serguei Oudaltsov, lãnh đạo Mặt trận Cánh tả, đã bị truy tố với tội danh « chuẩn bị gây rối quy mô lớn », một tội danh mà ông cho là hoàn toàn ngụy tạo và có thể khiến ông bị kết án 10 năm trại cải tạo. 

Ngành tư pháp Nga đã mở cuộc điều tra nhắm vào Oudaltsov sau khi một đài truyền hình thân chính quyền chiếu một phim tài liệu, với những hình ảnh quay lén và có nguồn gốc không rõ ràng, cáo buộc ông và những nhà đối lập khác nhận tiền của nước ngoài để chuẩn bị lật đổ chính quyền bằng vũ lực. Hai người thân cận với ông Oudaltsov trước đó cũng đã bị bắt và bị truy tố trong vụ này, đó là Konstantin Lebedev và Leonid Razvozjaev. 

Trường hợp của ông Razvozjaev đã gây sự chú ý đặc biệt của quốc tế, vì nhà đối lập này khẳng định đã bị bắt cóc ở Ukraina khi ông đến đây để xin tỵ nạn chính trị. Sau khi tra tấn và dọa giết, an ninh Nga dùng vũ lực bí mật đưa ông về giam ở Nga. 

Hai sự kiện trên dường như đánh dấu một bước ngoặt trong trong chiến dịch của điện Kremlin nhằm trấn áp phong trào phản kháng đã phát triển mạnh mẽ tại Nga kể từ tháng 12/2011. Từ gần một năm nay, phong trào biểu tình đã dần dần lớn mạnh đến mức chưa từng có tại Nga, có lúc quy tụ hàng trăm ngàn người, nhằm phản đối những cuộc bầu cử bị tố cáo có nhiều gian lận, cũng như phản đối việc ông Putin trở lại làm tổng thống. 

Chính quyền ngày càng nặng tay với phong trào này. Cho tới nay, những người biểu tình bị bắt thường chỉ bị tuyên phạt tối đa là 15 ngày tù giam. Nhưng nay, 18 người bị cáo buộc đã xung đột với cảnh sát trong một cuộc biểu tình chống Putin ngày 06/05 vừa qua tại Matxcơva đang có nguy cơ lãnh án từ 3 đến 10 năm cải tạo. 

Trả lời hãng tin AFP, cựu tù chính trị và nhà ly khai dưới thời Liên Xô Serguei Kovalev nhận định : « Việc bắt cóc ông Razvozjaev cho thấy là họ đã tiến thêm một bước : dùng nhục hình để bức cung ». Theo ông Kovalev, « mọi thứ đều đã được chuẩn bị để đàn áp quy mô theo như mong muốn của chính quyền, tất cả những đạo luật, về cái gọi là « nhân viên nước ngoài », về biểu tình, về tội vu khống, phản quốc... ».

Trong những tháng gần đây, chính quyền Matxcơva đã thông qua nhiều đạo luật bị phe đối lập và các nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích kịch liệt. Đạo luật này buộc các tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ của nước phải tự khai là « các nhân viên nước ngoài », đạo luật kia thì mở rộng một cách mơ hồ khái niệm về tội « phản quốc » và « gián điệp », đạo luật nọ thì đề ra những biện pháp trừng phạt nặng hơn đối với những người bị coi là « gây rối » trong các cuộc biểu tình. 

Thái độ cứng rắn của chính quyền Putin đối với phong trào phản khác còn được thể hiện qua việc tuyên phạt 2 năm tù cải tạo đối với 2 trong 3 thành viên ban nhạc Pussy Riot. Trong tuần này, họ đã bị đưa đến những trại cải tạo nằm rất xa thủ đô Matxcơva ( 500 km và 1.400 km ) để thọ án. 

Đến mức mà nhiều nhà bình luận cho rằng, người ta có cảm tưởng nước Nga đang quay trở lại thời Liên Xô, thậm chí trở lại thời thập niên 1930 dưới chế độ Stalin.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.