Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Lá phiếu cử tri gốc nước ngoài trong bầu cử tổng thống Mỹ

Đăng ngày:

Trong vài ngày nữa, ngày 6/11, cử tri Mỹ sẽ tham gia bầu cử tổng thống. Họ sẽ tiếp tục chọn vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, hay sẽ giao trọng trách lãnh đạo cường quốc hàng đầu thế giới cho một tín đồ Mormon ?

Cử tri người Mỹ da đen tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sớm tại Orlando, bang Florida ngày 28/10/2012.
Cử tri người Mỹ da đen tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sớm tại Orlando, bang Florida ngày 28/10/2012. Reuters
Quảng cáo

Hiện giờ không ai có thể dự đoán kết quả cuộc bỏ phiếu ngày thứ ba tới, bởi lẽ theo các cuộc thăm dò mới nhất, hai ứng cử viên Barack Obama và Mitt Romney vẫn ngang ngửa với nhau, lúc thì người này qua mặt chút ít, lúc thì người kia chiếm ưu thế hơn vài điểm. Có thể nói, bầu cử tổng thống 2012 là một trong những cuộc bầu cử có tỷ lệ sát sao nhất trong lịch sử gần đây của nước Mỹ.

Năm 2008, trong các cuộc thăm dò cuối cùng trước khi bỏ phiếu, ứng cử viên Dân chủ Obama vẫn hơn ứng cử viên Cộng hòa John McCain đến hơn 6 điểm. Bốn năm trước đó, năm 2004, tổng thống mãn nhiệm của đảng Cộng hòa Geroge W. Bush lúc nào cũng qua mặt đối thủ Dân chủ John Kerry.

Nhưng cho dù khó đưa ra dự báo nào, thì một điều chắc chắn là trong cuộc bầu cử tổng thống lần này tại Hoa Kỳ, phụ nữ sẽ là một thành phần cử tri có khả năng quyết định thắng thua giữa hai ông Obama và Romney. Cho nên cả hai ứng viên vào Nhà trắng trong những ngày qua đều nỗ lực ve vãn thành phần cử tri này trên các vấn đề như sức khoẻ và việc phá thai.

Tất cả các nhà phân tích đều cho rằng phụ nữ là thành phần cử tri trọng yếu, không chỉ vì họ chiếm 53% tổng số cử tri Mỹ, mà còn là vì họ đi bỏ phiếu đông hơn là nam giới, cũng như thành phần cử tri này bao gồm rất nhiều người còn do dự, chưa biết chọn mặt gởi vàng cho ai.

Nếu trong cuộc bầu cử lần trước vào năm 2008, ông Obama đã thu được đến 56% lá phiếu phụ nữ, thì lần này, theo các cuộc thăm dò ý định bầu cử của nữ cử tri Mỹ, tổng thống mãn nhiệm Dân chủ chỉ hơn ứng cử viên Cộng hòa có vài điểm. Cho nên, ông Obama càng cần phải « chăm sóc » kỹ lưỡng quý bà, để bảo toàn cơ may tái đắc cử.

Nhưng bên cạnh đó, có một thành phần cử tri khác cũng quan trọng không kém đối với ông Obama, đó là cộng đồng người Mỹ gốc châu Mỹ Latinh, tức là cộng đồng người nói tiếng Tây Ban Nha. Cộng đồng này hiện chiếm 16% tổng dân số Hoa Kỳ và có trọng lượng ngày càng lớn, đến mức họ sẽ đóng vai trò quyết định trong các tiểu bang chủ chốt. Theo kết quả thăm dò của trung tâm Pew Hispanic Center tuần trước, có đến 69% cử tri gốc Nam Mỹ cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông Obama, chỉ có 21% tuyên bố sẽ bầu cho ông Mitt Romney.

Về cộng đồng người Mỹ da đen thì dĩ nhiên đa số vẫn sẽ bầu cho ông Obama, có điều ứng cử viên Dân chủ phải liên tục thúc giục thành phần cử tri này đi bỏ phiếu đông đảo, nếu không, ông có nguy cơ thất cử.

Riêng cử tri gốc châu Á cũng là một thành phần cử tri đóng vai trò ngày càng quan trọng, và theo các cuộc thăm dò mới nhất, đa số cử tri thuộc thành phần này sẽ bầu cho ông Obama.

Ngay cả cử tri gốc Việt từ trước đến nay vẫn nghiêng về đảng Cộng hòa, thì nay cũng đã chuyển hướng, dồn phiếu cho đảng Dân chủ nhiều hơn, theo lời nhà báo Hà Ngọc Cư, hệ thống báo Ngày Nay, tại Houston, Texas, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ vào tuần trước. Mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn.

10:43

Nhà báo Hà Ngọc Cư, Houston, Texas

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.