Vào nội dung chính
NGA

Tư pháp Nga muốn điều tra về vụ giải cứu con tin năm 2002 tại Matxcơva

Sau một thập niên đối diện với sự im lặng từ phía chính quyền, cuối cùng những người sống sót và thân nhân 125 nạn nhân của vụ giải cứu con tin kinh hoàng, tại một nhà hát ở thủ đô nước Nga cách đây 10 năm, đã nhận được sự ủng hộ của tư pháp.

Nhà hát Dubrovka, trung tâm Matxcơva, nơi đã xảy ra vụ bắt con tin vào năm 2002 (DR)
Nhà hát Dubrovka, trung tâm Matxcơva, nơi đã xảy ra vụ bắt con tin vào năm 2002 (DR)
Quảng cáo

Hôm qua 02/11/2012, theo AFP, một tòa án Nga đã khẳng định, việc từ chối điều tra về trách nhiệm của những người ra lệnh tấn công giải cứu con tin tại nhà hát Dubrovka, là « bất hợp pháp ».

Năm 2002, 912 khán giả đã bị một biệt đội Tchetchenia bắt làm con tin trong ba ngày, để đòi Nga rút quân đội ra khỏi nước cộng hòa này. Đặc nhiệm Nga đã tiến hành giải cứu con tin bằng khí độc khiến 125 người chết.

Tòa án Lefortovski đã đưa ra phán quyết kể trên, sau khi ngày 19/10, Cơ quan điều tra liên bang Nga từ chối tiến hành điều tra, bất chấp yêu cầu của Tòa án Nhân quyền Châu Âu. Thông tín viên Veronika Dorman tường trình từ Matxcơva :

Đây là thắng lợi đầu tiên của những con tin trước đây và thân nhân của những nạn nhân của thảm kịch vụ giải cứu con tin tại nhà hát Dubrovka. Từ 10 năm nay, tư pháp Nga luôn từ chối không xem xét lại chiến dịch giải thoát kể trên, khiến 125 người thiệt mạng. Nhưng hôm nay, một tòa án Matxcơva đã thừa nhận rằng, phải mở lại một cuộc điều tra, theo khuyến cáo của Tòa án Nhân quyền Châu Âu.

Tòa án Nhân quyền Châu Âu thừa nhận rằng, việc trợ giúp về y tế đối với các con tin được giải thoát là không đủ và rất hỗn loạn. Các êkíp cứu nạn phối hợp rất kém và họ chuyển các nạn nhân tới các bệnh viện đã chật cứng người. Các bác sĩ thì không biết thành phần của loại khí độc, đã được dùng để tấn công nhóm khủng bố, và đã không thể giúp gì cho những người bị ngạt thở. Theo Tòa án Châu Âu, các nạn nhân phải nhận được khoản bồi thường là 1,3 triệu euro.

Theo ông Igor Trunov, luật sư của các nạn nhân, nếu được mở ra, cuộc điều tra sẽ phải nhắm vào các chỉ huy cuộc tấn công giải cứu, các bác sĩ cũng như thị trưởng Matxcơva vào thời điểm đó là Yuri Lujkov.

Do việc thời hạn đã vượt quá quy định, không ai trong số họ sẽ bị kết án tù. Ngược lại, luật sư cho rằng, nếu các công chức nhà nước bị kết án, thì Nhà nước Nga sẽ phải có trách nhiệm đền bù các nạn nhân.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.