Vào nội dung chính
BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ

Dự đoán bầu cử tổng thống Mỹ : Từ cá cược đến những mô thức dự báo khoa học

Nếu người ta không được biết gì nhiều về việc tuyển chọn lãnh đạo tại Trung Quốc cho đến khi Đại hội khóa 18 của đảng Cộng sản kết thúc vào trung tuần tháng này thì ngược lại, cuộc bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ lại được rất nhiều nơi dự đoán trước. 

AFP PHOTO/Mandel NGAN /Nicholas KAMM
Quảng cáo

Đầu tiên là cả ngàn cuộc thăm dò ý kiến cử tri, được cả chục cơ quan chuyên nghiệp thông báo hàng tuần rồi thậm chí hàng ngày. Nhưng bên cạnh các cuộc thăm dò ấy, người ta còn chú ý đến hai nguồn dự báo khác về kết quả bầu cử Hoa Kỳ. Trước hết là từ thị trường cá cược và thứ nhì là từ các giáo sư về chính trị học.

Vì sao lại có thị trường đánh cá về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và các học giả về chính trị dự báo ra sao là câu hỏi được nêu ra cho chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ.

RFI: Thưa anh, theo các cuộc thăm dò ý kiến của cử tri được nhiều cơ quan truyền thông Mỹ dồn dập thực hiện từ nhiều năm nhiều tháng nay thì cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ có kết quả cực kỳ khít khao. Dường như cử tri một số tiểu bang, thậm chỉ của một tiểu bang hay quận hạt của một bang như là Ohio chẳng hạn, sẽ giữ hòn cân quyết định vì xưa nay, chưa ai đắc cử Tổng thống Mỹ mà không thắng tại Ohio.

Tuy nhiên, bên cạnh các cuộc thăm dò ấy, người ta còn để ý đến hai nguồn dự báo khác. Thứ nhất là trên thị trường cá cược. Đây là nơi mà đa số các công ty thực hiện đều đoán rằng Tổng thống Barack Obama sẽ tái đắc cử, có khi với một xác suất rất cao là 65%. Thứ hai là dự đoán có phần hơi khác của các giáo sư chính trị học, trong đó còn có một kết quả bất ngờ là ứng cử viên Mitt Romney sẽ thắng phiếu cử tri đoàn với tỷ lệ áp đảo. Anh giải thích thế nào về những dự báo khá “trống đánh xuôi kèn thổi ngược này” ? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, dư luận khắp nơi đều quan tâm đến cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, nhưng vấn đề ưu tiên của nước Mỹ hiện nay là kinh tế xã hội bên trong. Mà về lĩnh vực đó, Tổng thống phải thoả hiệp với Quốc hội và bị chi phối bởi Tối cao Pháp viện và Ngân hàng Trung ương là hai cơ chế độc lập. Vì vậy, kết quả bầu cử toàn thể 435 Dân biểu Hạ viện và 33 Nghị sĩ Thượng viện cũng vào ngày Thứ Ba mùng sáu này sẽ chi phối quyết định của người sẽ lãnh đạo Hành pháp và cũng rất đáng chú ý.

 Trở lại chuyện dự báo kết quả bầu cử tổng thống thì về đại lược người ta có ba phương pháp. Thứ nhất là thăm dò ý kiến, chủ yếu là qua điện thoại, những người dự tính đi bầu. Thứ hai là qua kết quả đánh cá của một số người trên thị trường cá cược. Thứ ba là qua công trình nghiên cứu của các giáo sư về những yếu tố chi phối quyết định của cử tri Mỹ. Họ định lượng hoá các yếu tố này thành con số dự đoán.

Về phương pháp thứ nhất là thăm dò dân ý, tôi xin ngắn gọn trình bày rằng kết quả không mấy chính xác nếu ta kiểm lại những dự báo so với kết quả bầu bán trong quá khứ. Lý do là thăm dò ai, tức là kích thước của dân số mẫu, là những người được hỏi ý kiến qua điện thoại cố định ở nhà hay điện thoại di động chẳng hạn, nó có đủ tiêu biểu cho xã hội Mỹ không? Kế đó là thăm dò hoặc đặt câu hỏi thế nào, và sau cùng người được hỏi có nói thật chủ đích bỏ phiếu của họ hay chăng. Dù sao, loại kết quả thăm dò ấy cũng khiến ban tranh cử của đôi bên theo dõi mà điều chỉnh cách gây ấn tượng và khích động cử tri. Đây là điều tốt vì các ứng cử viên phải coi trọng dân ý, dù rằng dân ý có thể không được diễn tả một cách chính xác.

RFI: Bây giờ, ta bước qua thị trường cá cược, với công ty Intrade Market dự báo ông Obama sẽ tái đắc cử tổng thống với xác suất rất cao là 65%, tính đến Chủ Nhật mùng bốn vừa qua, tức là hai ngày trước bầu cử. Lối cá cược đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa anh, trên thị trường đầu tư tài chính, người ta phải ước đoán mọi loại biến cố, từ chuyện được mùa qua vụ lãi suất lên xuống hay nguy cơ chiến tranh chẳng hạn, để bỏ tiền ra đầu cơ. Đoán đúng thì có lời, sai thì mất tiền. Từ việc lãi suất lên hay xuống và ai sẽ là Thủ tướng nước này hoặc Tổng thống nước nọ, người ta cũng mở ra thị trường đánh cá chính trị và các tay có máu đỏ đen thì nhảy vào cá với nhau, công ty đứng ra tổ chức thì ăn hoa hồng.

Vì cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được cả thế giới chú ý nên biến cố ấy được thị trường cá độ chú ý và mở bát ra mời các con bạc tham gia. Bên cạnh các công ty chuyên nghiệp cũng có đại học mở ra chương trình dự đoán trong mục tiêu không phải là kiếm lời mà là nghiên cứu và mô phạm để giúp sinh viên hiểu sự vận hành của loại thị trường có hạn kỳ, "marchés à terme" theo tiếng Pháp hay "futures" theo tiếng Anh.

RFI: Thưa anh, thế thị trường cá cược này vận hành thế nào và kết quả có chính xác không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Theo quy luật mà tôi xin gọi là "của đau con xót" cho dễ hiểu, muốn đánh cá thì phải bỏ tiền ra, dù là không nhiều, chứ chẳng phải đánh cá miệng cho vui. Bây giờ đánh cá cái gì? Nếu phe này thắng hay thua thì mình được hay mất bao nhiêu tiền? Dựa trên cơ sở gì mà người ta lại đặt tiền ở cửa nay hay cửa kia?

Tôi nghĩ rằng những người đánh cá dựa trên ấn tượng chung của cả thị trường, nghĩa là cảm giác chung như được truyền thông loan báo và bình luận. Khi ấy, ta cũng có hiện tượng tâm lý trên thị trường kinh tế và đầu tư là "phản ứng bầy đàn". Đó là khi nghe thấy rằng món hàng này sẽ lên giá hoặc liên danh kia sẽ thắng cử thì nhiều người cũng đổ xô vào châm tiền đánh cá.

Kết quả thì chúng ta có thể gặp hiện tượng là "đoán mà thành đúng", dự báo trở thành hiện thực, vì chính cử tri cũng theo dõi chuyện cá cược đó để bỏ phiếu cho người mà họ đoán rằng sẽ thắng. Tuy nhiên có hai vấn đề ta nên chú ý ở đây.

Thứ nhất là các cử tri quan tâm đến quyền lợi thiết thực của mình, thí dụ như bị sụt lương hoặc thất nghiệp, thì ít chú ý đến thị trường cá cược mà bỏ phiếu vì loại yếu tố thiết thân hơn. Trong hoàn cảnh kinh tế Mỹ chưa khởi sắc, thành phần này thật ra cũng khá đông và khi bỏ phiếu thì có thể gác một bên loại tiêu chuẩn về đạo lý hay xã hội như quyền phá thai hay hôn nhân đồng tính.

Thứ hai, thị trường cá cược đó thật ra không lớn và số tiền bỏ ra cũng chẳng nhiều, từ vài chục đến trăm bạc, nên chính hai phe tranh cử cũng có thể thả tiền vào để tác động vào ấn tượng của cử tri như dẫn cừu đi ăn cỏ. Thí dụ về ấn tượng là loại tin tức trên mặt báo với tựa đề rằng "Đa số dân chúng cho là Tổng thống Obama sẽ tái đắc cử", hay "Thị trường Intrade Market dự đoán Tổng thống Obama sẽ làm Mitt Romney tan nát". Với hai tỷ đô la được tung ra cho cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm nay thì vài chục triệu qua công ty này công ty khác cũng chẳng là cái gì quá lớn nếu người ta muốn gây ấn tượng.

RFI: Thưa anh, sau cùng là kết quả dự báo của các học giả về chính trị học? Theo dõi chuyện này thì anh thấy có gì hấp dẫn?

Nguyễn Xuân Nghĩa:  Đây là lúc ta chú ý đến chuyện, xin lỗi, "cờ trong bạc ngoài"!. Các giáo sư chính trị học thì coi cả xã hội như phòng thí nghiệm về động thái của công dân một nước. Họ nghiên cứu xem vào hoàn cảnh kinh tế, xã hội và an ninh chẳng hạn thì người dân quyết định thế nào về cách lựa chọn lãnh đạo. Họ không thăm dò ý kiến cử tri mà đi sâu vào tâm lý của cử tri để đoán xem cử tri ở từng nơi sẽ bỏ phiếu như thế nào, căn cứ trên yếu tố gì?

Nhân đây mình mới nói đến Hiệp hội Chính trị học Hoa Kỳ. Tạp chí PS số Tháng 10 của họ lấy chủ đề là "Kết quả Bầu cử Hoa Kỳ ở cấp Toàn quốc", trên cơ sở của những dữ kiện thu thập mới nhất là cuối Quý Hai hay đến Tháng Chín. Tạp chí này giới thiệu 13 mô thức dự báo khác nhau do các giáo sư từ nhiều trường Đại học tiến hành biệt lập, theo từng công trình riêng của họ.

RFI: Như anh trình bày thì khác với thị trường cá cược là con bạc bỏ tiền đánh cá kết quả bầu cử, còn theo lối dự báo này thì các giáo sư phân tích tâm lý của người trong cuộc là dân Mỹ đi bỏ phiếu. Thưa anh, có những gì là hấp dẫn và đáng chú ý trong phương pháp này? 

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa nói chung, các phương pháp này dựa trên cơ sở tình hình kinh tế và vị trí của người đương nhiệm, rồi điều chỉnh hay gia trọng bởi nhiều yếu tố khác, thí dụ như chiến dịch tranh cử hoặc động thái của cử tri căn cứ trên các cuộc bầu cử trước. Riêng tôi thì xin giới thiệu hai công trình. Thứ nhất là của hai giáo sư Pháp, thưa vâng, giáo sư Bruno Jerôme của Đại học Paris 2 và Véronique Jerôme-Speziari của Đại học Paris Sud 11. Thứ hai là của hai giáo sư Mỹ từ hai Đại học ở Boulder và Denver trong tiểu bang Colorado.

13:07

Chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa - Hoa Kỳ

Công trình của hai giáo sư Pháp rất lý thú vì lấy cơ sở là số liệu tại từng tiểu bang Mỹ tính đến quý hai năm nay và châm thêm các yếu tố chính trị để dự đoán số phiếu phổ thông lẫn số phiếu Đại cử tri đoàn. Từ mô thức này, họ suy ngược về tám cuộc bầu cử trước từ năm 1980 đến 2008 để nghiệm lại mức độ chính xác và ta thấy một mức khả tín rất cao. Cho cuộc bầu cử năm nay, họ đưa ra hai kịch bản gọi là chính và phụ. Theo kịch bản chính thì ông Obama sẽ tái đắc cử với 51,6% số phiếu phổ thông và 324 số phiếu Đại cử tri đoàn. Theo kịch bản thứ hai là do làn sóng chống Obama dâng mạnh, ông ta có thể đại bại, và chỉ được 47% số phiếu phổ thông.

Kịch bản thứ hai này ngẫu nhiên cũng phù hợp với dự đoán của hai Giáo sư Chính trị học của Colorado. Họ nghiên cứu và đoán ra con số Đại cử tri đoàn của 50 tiểu bang và đặc khu hành chính là thủ đô Hoa Kỳ. Ta biết lá phiếu Đại cử tri đoàn mới quyết định chứ không phải số phiếu của cử tri. Họ kiểm chứng ngược giá trị của phương pháp dự đoán này với mức chuẩn xác cao nhất, kể cả duy nhất đoán trước kết quả bất ngờ năm 2000 khi Thống đốc Bush thua phiếu phổ thông mà thắng phiếu Đại cử tri đoàn và trở thành Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ. Lần này, họ dự báo như hai Giáo sư Pháp trong kịch bản hai là ông Romney đại thắng với 330 phiếu của Đại cử tri đoàn và đáng chú ý là còn thắng lớn ở Ohio.

Dĩ nhiên là chẳng ai biết rõ tương lai và còn một ngày là cuột bầu cửa kết thúc mà cả hai ban tranh cử đều cùng vừa gáy vừa run. Họ chưa thể biết được sự thật sau cùng. Nhưng các dự đoán quá khác biệt giữa ấn tượng với nhiều tính toán thực tế cũng là chuyện hấp dẫn. Hấp dẫn nhất là mọi người đều công khai nói ra những dự báo chứ không im lìm bí hiểm như trong cuộc đổi ngôi sắp tới ở Trung Quốc.

RFI: Xin cám ơn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa đã trả lời từ Hoa Kỳ và chúng ta cùng hồi hộp chờ xem kết quả để so sánh với các dự báo.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.