Vào nội dung chính
SYRIA

Pháp, Mỹ công nhận liên minh đối lập là đại diện của Syria

Sau khi ban lãnh đạo mới của phong trào đối lập Syria, tập hợp trong một liên minh thống nhất được thành lập ngày 12/11/2012, vào hôm qua, Pháp và Hoa Kỳ là hai quốc gia đầu tiên lên tiếng chính thức công nhận tính chính đáng của lực lượng này. Thậm chí Paris còn gợi lên khả năng trợ giúp vũ khí cho lực lượng nổi dậy tại Syria.

Ông  Ahmad Moaz al-Khatib đã được bầu làm lãnh đạo liên minh đối lập Syria.
Ông Ahmad Moaz al-Khatib đã được bầu làm lãnh đạo liên minh đối lập Syria. REUTERS/Mohammed Dabbous
Quảng cáo

Một ngày sau khi ban lãnh đạo mới của Liên minh được thành lập, Tổng thống Pháp François Hollande vào hôm qua, trong cuộc họp báo, đã công nhận rằng cơ chế đó là “đại diện duy nhất của nhân dân Syria, và như thế sẽ là chính phủ lâm thời tương lai của nước Syria dân chủ, cho phép đoạn tuyệt với chế độ Bachar al-Assad.”

Về phần mình, dù cũng khẳng định liên minh đối lập là “đại diện chính đáng của dân chúng Syria”, nhưng Washington chưa vội xem đó là cơ quan hành pháp lâm thời tương lai của Syria, vì còn phải chờ xem Liên minh này”chứng tỏ khả năng đại diện cho người dân bên trong nước Syria”.

Tuy nhiên, để đánh dấu sự kiện trên, tại Úc vào hôm nay, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thông báo là Hoa Kỳ tăng phần trợ giúp nhân đạo cho Syria, chi thêm 30 triệu đô la.

Tổng thống Pháp vào hôm qua, cũng đã nhắc đến vấn đề trợ giúp vũ khí, cho rằng vấn đề này sẽ “cần được đặt ra trở lại”. Cho đến nay một số quốc gia vùng Vịnh như Qatar đã kêu gọi quốc tế đáp ứng yêu cầu của phe nổi dậy Syria, muốn được trợ giúp vũ khí, nhưng vẫn bị phương Tây từ chối. Lý do đưa ra là phe đối lập Syria còn tản mạn, không thống nhất. Hoa Kỳ rất ngại là vũ khí trợ giúp rơi vào tay các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Phản ứng trước việc Hoa Kỳ và Pháp công nhận liên minh đối lập Syria, Thủ tướng Nga Medvedev công du Phần Lan vào hôm nay 14/11, đã chỉ trích những nước đứng bên cạnh phe đối lập và nhấn mạnh trên thái độ trung lập của Matxcơva.

Trả lời báo chí tại Helsinki, ông Medvedev cho là Nga “không hậu thuẫn cho ai, không ủng hộ Tổng thống Bachar al Assad cũng như không hậu thuẫn phe nổi dậy, ngược lại với những gì nhiều người đã nghĩ”.

Nhưng theo ông, điều đáng tiếc là “một số quốc gia lại nghiêng về một bên : đòi một bên (chính quyền Syria) phải ra đi ngay, còn bên kia (phe nổi dậy) lại được trợ giúp vũ khí”. Theo Thủ tướng Nga, đây là điều sai lầm.

Nga và Iran hiện vẫn kêu gọi các bên đối thoại. Hôm nay các lãnh đạo ngoại giao các nước vùng Vịnh và Nga họp lại tại Ryad, thủ đô Ả Rập Xê Út để thảo luận vềcông cuộc chuyển tiếp chính trị tại Syria.

Tại chỗ, chiến sự vẫn dữ dội. Chiến xa quân đội Syria bắn vào khu vực phiá Nam thủ đô Damas nơi mà lực lượng nổi dậy đã xuất phát đê gia tăng các đợt tấn công. Trong lúc đó, không quân dội bom các thị trấn miền Tây Bắc. Máy bay chính phủ vào hôm nay đã trút bom xuống thành phố Maaret al- Noomane, nơi mà phe nổi dậy rút vào.

Vào hôm qua, theo Tổ chức Đài Quan sát Nhân quyền Syria OSDH, hơn 100 người đã thiệt mạng trong các trận giao tranh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.