Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Chiến lược Châu Á Thái Bình Dương, một năm sau ngày được Mỹ công bố

Đăng ngày:

Một năm trước đây, Hoa Kỳ thông báo chính sách tái định vị tại châu Á Thái Bình Dương, gián tiếp xem Bắc Kinh là mối đe dọa trong tương lai. Một năm sau, tình hình có nhiều dấu hiệu thuận lợi cho Hoa Kỳ : Tổng thống Obama tái đắc cử vẻ vang, Miến Điện tìm cách thoát gọng kềm Trung Quốc vào lúc Bắc kinh không còn che dấu tham vọng bá quyền trước công luận quốc tế qua tranh chấp với Nhật Bản và kế hoạch làm « cường quốc biển ».

Đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đến căn cứ Darwin của Úc ngày 04/04/2012.
Đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đến căn cứ Darwin của Úc ngày 04/04/2012. REUTERS/Australian Department of Defence
Quảng cáo

Cách nay đúng một năm, tại Quốc hội Liên bang Úc, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo với công luận thế giới là « với tư cách là một quốc gia Thái Bình Dương, Hoa Kỳ sẽ làm nhiệm vụ lâu dài xây dựng tương lai cho khu vực ».

Hai tháng sau, chiến lược châu Á Thái Bình Dương được chính thức loan báo : tăng cường Thủy Quân Lục Chiến, hải quân, không quân. Vào năm 2020, 60% lực lượng hải quân Mỹ sẽ được bố trí  tại Thái Bình Dương và còn 40% tại Đại Tây Dương.

Về nguyên tắc, Mỹ sẽ gia tăng tập trận với đồng minh khu vực, thắt chặt quan hệ hợp tác quốc phòng và quan tâm nhiều hơn đến châu Á.

Một năm sau, kế hoạch tái định lực lượng về châu Á đã được thực hiện với nhiều bước cụ thể. Theo báo New York Times, một đại đội Thủy Quân Lục Chiến đầu tiên đã đến Úc từ tháng tư năm nay. Mùa xuân tới, các hạm đội cận chiến duyên hải sẽ đến Singapore để theo dõi hoạt động hải quân Trung Quốc. Quan hệ quốc phòng của các nước đồng minh trong khu vực từ hợp tác song phương với Mỹ hay giữa các quốc gia trong vùng với nhau như Úc với Indonesia, giữa Nhật Bản với Philippines, giữa Philippines với Úc đã được tăng cường. Vòng đai án ngữ Trung Quốc sẽ được mở rộng lên tận Ấn Độ dương theo như chủ đề thảo luận trong hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ-Úc tại Perth ngày hôm qua 14/11/2012.

Về chính trị, chiến lược tái định vị của Washington cũng ghi dấu nhiều thuận lợi : Tổng thống Mỹ Obama ngồi lại tại Nhà Trắng thêm 4 năm trong lúc Bắc Kinh, với một ban lãnh đạo mới thuộc loại bảo thủ, có khả năng bị mất một đồng minh tại Đông Nam Á là Miến Điện.

Lực lượng tác chiến với 320.000 quân hiện nay mà nòng cốt là Thủy Quân Lục Chiến cũng sẽ được tăng cường. Với kế hoạch giảm quân tại Afghanistan, Hoa Kỳ có thừa lực lượng trừ bị .

Tuy không một lãnh đạo Hoa Kỳ và đồng minh châu Á nào công khai xem Trung Quốc là đối thủ, nhưng đã có rất nhiều những cuộc tập trận chung trong khu vực, kể cả chiến dịch thao dợt hàng năm Rim-Pac, Vành đai Thái Bình Dương, với việc Nga được tham dự nhưng Trung Quốc không được mời. Để xoa dịu phản ứng của Bắc Kinh, Hoa Kỳ mời Trung Quốc tham gia vào năm tới.

Trong trung tuần tháng 11 này, sinh hoạt ngoại giao của Hoa Kỳ rất nhộn nhịp : Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Tổng tham mưu trưởng Liên quân, Tư lệnh Lực lượng Thái Bình Dương đến Úc, Tổng thống Obama đến Cam Bốt , Thái Lan và lần đầu tiên từ nửa thế kỷ qua, một vị tổng thống Mỹ đến Miến Điện.

Theo nhà phân tích địa lý chiến lược Mỹ Benjamin Shobert, Giám đốc viện nghiên cứu chiến lược Rubicon Strategy Group, trong cuộc đọ sức với Trung Quốc, Hoa Kỳ đang chiếm thế thượng phong. Nếu thật sự vì quyền lợi quốc gia, Bắc Kinh sẽ phải đi theo con đường tây phương vạch ra : càng ngày càng phải cởi mở hơn, phải cải cách sâu rộng hơn.

Một năm sau khi loan báo chiến lược tái định vị, từ nguyên tắc đến thực tế, Hoa Kỳ và đồng minh châu Á đã làm được gì và những bước kế hoạch tới ra sao ? RFI đặt câu hỏi với nhà phân tích Lưu Tường Quang từ Sydney.

12:34

Nhà báo Lưu Tường Quang từ Sydney

« Những sinh hoạt chính trị, bang giao quốc tế , ngoại giao, an ninh quốc phòng trong tuần lễ này thật sự rất quan trọng vì diễn ra sau khi Tổng thống Obama tái đắc cử thêm nhiệm kỳ bốn năm và đúng vào thời điểm mà Bắc Kinh cũng có thay đổi lãnh đạo với ông Tập Cận Bình làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với một ban thường vụ bộ chính trị gồm 7 người mới.

Cách nay đúng một năm, Tổng thống Obama đọc diễn văn tại quốc hội Úc tại Canberra để công bố bản « Tuyên bố Thái Bình dương » và sau đó vào tháng Giêng năm 2012 thì Tổng thống Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta công bố chính sách « định vị mới » tăng cường hiện diện quân sự Hoa Kỳ tại châu Á -Thái Bình Dương, chuyển quân số hải quân từ châu Âu Bắc Đại Tây Dương sang châu Á -Thái Bình Dương từ tỉ lệ 50-50 sang 40-60.

Từ nguyên tắc đến thực tế thì chúng ta thấy thủy quân lục chiến Mỹ đã đến căn cứ Darwin để tập huấn từ tháng 4/2012 và sẽ được thay quân vào tháng 4/2013. Sự kiện cụ thế này đã gây quan ngại cho Trung Quốc…

Các dữ kiện khác cho thấy Hoa Kỳ nhứt tâm thực hiện chính sách định vị mới diễn ra nhân hội nghị Ausmin giữa Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Úc tại thành phố Perth ngày 14/11/2012 : vấn đề định vị Thái Bình dương mở rộng sang Ấn Độ Dương. Thứ nhất, Hoa Kỳ khuyến khích Ấn Độ theo đuổi chính sách hướng về phương Đông và khuyến khích Úc thực hiện chính sách hướng về phía Tây, về Ấn Độ Dương. Hoa Kỳ khuyến khích Úc và Ấn Độ tập trận chung về hải quân.

Về không gian mà ông Leon Panetta gọi là « biên giới mới » thì với sự đồng ý của Úc, Hoa Kỳ sẽ thiết lập một giàn ra-đa cực mạnh với tầm phủ sóng rộng lớn để có thể theo dõi hỏa tiễn của Trung Quốc... Căn cứ hải quân và không quân ở bắc và tây bắc Úc sẽ được canh tân để đón tiếp trang thiết bị, phi cơ tối tân của Mỹ.

Cũng trong chính sách tái định vị này, có một biến chuyển rõ rệt nhất mà cách nay một năm người ta không dự trù được đó là tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện…. sự cải cách mà Tổng thống Thein Sein nói là "không thể đảo ngược"...đã giúp cho ông Obama có cơ hội thăm Miến Điện trong chuyến công du Cao Miên tham dự Thượng đỉnh Đông Á, ông cũng đến Thái Lan, một đồng minh của Mỹ từ 60 năm nay.

Những hoạt động ngoại giao dồn dập của bà Hillary Clinton, của ông Leon Panetta tại Úc, Singapore, sau đó tháp tùng Tổng thống Obama trong chuyến công du Thái Lan, Cam Bốt, Miến Điện bày tỏ quan tâm sâu xa của Hoa Kỳ theo đuổi một cách cụ thể chính sách định vị mới tại châu Á -Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy của Trung Quốc mặc dù Hoa Kỳ lúc nào cũng nói rằng Hoa Kỳ luôn hoan nghênh sự "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc, rằng châu Á -Thái Bình dương "đủ rộng" cho tất cả mọi quốc gia kể cả Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước khác mà Hoa Kỳ gọi là « thời kỳ Thái Bình dương của Mỹ… ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.