Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Thủ tướng Monti trên đà vực dậy kinh tế nước Ý

Đăng ngày:

Sau một năm cầm quyền, nước Ý dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Mario Monti không còn là mục tiêu tấn công của các nhà đầu cơ. Đe dọa nền kinh tế thứ ba trong khối euro bị phá sản đã tiêu tan cho dù Ý cần có thời gian để quay lại với tăng trưởng. Dù phải áp dụng các biện pháp khắc khổ, không được lòng dân, nhưng nhà kỹ trị Monti vẫn được dư luận Ý tin cậy. Quốc tế đánh giá cao một năm ông đứng đầu Hội đồng chính phủ.

Thủ tướng Ý Mario Monti phát biểu tại lễ khai giảng trường đại học Bocconi, Milan, ngày 15/11/2012.
Thủ tướng Ý Mario Monti phát biểu tại lễ khai giảng trường đại học Bocconi, Milan, ngày 15/11/2012. REUTERS/Alessandro Garofalo
Quảng cáo

Nhân kỷ niệm một năm lên cầm quyền, hôm 17/11/2012 Thủ tướng Monti không ngần ngại tuyên bố « chính sách khắc khổ của Ý đã cứu khu vực đồng euro, nhờ đó khối euro mới được toàn vẹn như ngày hôm nay ».

Giáo sư Mario Monti, 69 tuổi là một nhà kinh tế lỗi lạc. Ông tốt nghiệp đại học Bocconi-Milano và Yale của Hoa Kỳ. Từng là ủy viên châu Âu trong suốt 10 năm liền, trước khi cố vấn cho ngân hàng Goldman Sachs. Ngày 16/11/2011 ông được chỉ định vào chức vụ thủ tướng. Mario Monti lên cầm quyền vào lúc nước Ý bị đe dọa mất khả năng thanh toán vì nợ chồng chất, uy tín của một nước Ý dưới sự lãnh đạo của ông Silvio Berlusconi bị sứt mẻ và Roma phải đi vay tín dụng với lãi suất cao chưa từng thấy. Kinh tế Ý chính thức lâm vào suy thoái cuối năm 2011. Tỉ lệ thất nghiệp leo thang, kèm theo đó là làn sóng phẫn nộ của nhiều tầng lớp trong xã hội.

Tuy chưa thoát khỏi khủng hoảng và chưa tìm lại được tăng trưởng nhưng trong năm qua, bộ mặt kinh tế của Ý đã có nhiều thay đổi. Vậy trong 12 tháng qua, nội các Monti với một dàn chuyên gia đã làm những gì để vực dậy kinh tế đất nước và tiến trình cải tổ đó đã bắt đầu đem lại những kết quả nào ? Tại sao khác với trường hợp của Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha các biện pháp thắt lưng buộc bụng của Ý tương đối được dư luận chấp nhận dễ dàng hơn ?

Những bước cải tiến rất dài

Hơn một tháng sau khi ngồi vào chiếc ghế thủ tướng, ông Mario Monti đã lập tức trình lên Quốc hội kế hoạch « Salva Italia –cứu nguy nước Ý». Theo đó Roma cam kết rót thêm 63 tỉ euro vào ngân quỹ nhà nước trong thời hạn 3 năm. Mục tiêu đó sẽ đạt được nhờ tăng thuế trị giá gia tăng, tăng thuế nhà đất IMU, đánh thuế trên những sản phẩm xa xỉ… Kế hoạch này đã được Hạ viện thông qua và bắt đầu được áp dụng.

Đến tháng 7/2012 chính phủ thông báo kế hoạch cắt giảm 26 tỉ euro chi tiêu công cộng từ nay đến năm 2014. Cụ thể là giảm trợ cấp cho các chính quyền cấp vùng và địa phương, cắt giảm ngân sách của ngành tư pháp, giảm 10 % số công nhân viên chức nhà nước, giảm 20 % nhân sự trong các cơ quan hành chính, giảm các khoảng trợ cấp cho các trường đại học … Trong lĩnh vực xã hội, hệ thống hưu bổng của Ý đã được cải tổ theo hướng kéo dài thời gian làm việc của mỗi người, xóa bỏ các quy chế hưu bổng ưu đãi. Hệ thống hưu bổng mới này đã được áp dụng kể từ ngày 01/01/2013. Những cắt xén chi tiêu công cộng và trợ giúp xã hội đã và đang gây khó khăn cho nhiều chính phủ cấp vùng, cho các cơ quan nhà nước và nhất là cho tư nhân.

Biện pháp cải tổ được coi là ngoạn mục nhất và can đảm nhất liên quan đến thị trường lao động. Nội các Monti đã « cởi trói » cho các doanh nghiệp khi cho phép họ sa thải nhân viên trong trường hợp cần thiết. Biện pháp này nhằm giúp cho giới chủ có chính sách tuyển dụng nhân viên uyển chuyển hơn và phù hợp hơn với nhu cầu. Tuy nhiên, tránh để người lao động bị thiệt thòi, cính phủ Monti cũng đòi giới chủ phải bồi thường thỏa đáng cho nhân viên khi sa thải họ.

Một dấu ấn đáng chú ý khác của chính quyền Monti là sắc lệnh đã được Quốc hội thông qua ngày 20/01/2012 nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nhiều ngành nghề. Cụ thể là từ đầu năm nay, thủ tục xin phép mở nhà thuốc tây, hay bất kỳ một hoạt động thương mại nào ở Ý đều trở nên đơn giản hơn.

Nhiệm vụ chưa hoàn tất

Các bộ luật về tài chính, lao động hay kinh tế nói trên tuy đã được thông qua, nhưng theo các nhà quan sát trên thực tế, một phần lớn còn chưa được áp dụng triệt để. Hơn nữa chính phủ Monti còn chưa hoàn thành mục tiêu trong những lĩnh vực như là bài trừ nạn gian lận thuế khóa, cải tổ hệ thống y tế và tăng cường khả năng cạnh tranh của khu vực sản xuất. Hàng năm ngân sách nhà nước thất thu đến 120 tỉ euro do nạn trốn thuế. Giải quyết được khâu này giúp làm giảm bớt áp lực trong mục tiêu cần bằng ngân sách nhà nước.

Bước kế tiếp trong chính sách vực dậy kinh tế nước nhà Thủ tướng Mario Monti đang hướng tới là kế hoạch tư hữu hóa nhiều lĩnh vực đang do nhà nước quản lý. Roma dư trù thu về từ 15 đến 20 tỉ euro trong vòng 5 năm sắp tới. Cuối cùng, nhiệm vụ vực dậy kinh tế của ông Mario Monti chỉ có thể được coi là hoàn thành khi 10,7 % dân số hiện đang thất nghiệp tìm lại được một công việc làm. Hiện tại 1/3 thanh niên trong lứa tuổi từ 16 đến 24 không có việc làm.

Tóm lại trong 12 tháng qua, chính phủ Monti đã có những bước tiến rất dài để hiện đại hóa kinh tế của nước Ý và tránh cho nền kinh tế thứ 3 của khối euro bị vỡ nợ. Nhưng kế hoạch cải tổ mà ông Monti đã và đang tiến hành là một công trình dài hơi và chỉ mới ở giai đoạn đầu.

Cuối tháng 9 vừa qua, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) Angel Gurria đã khẳng định rằng ê-kíp Monti trong vỏn vẹn 1 năm đã có những bước tiến rất dài trên con đường cải tổ cơ cấu kinh tế của Ý. Nội các này đã làm được những gì mà các chính phủ tiền nhiệm, trong suốt 10 và thậm chí là 20 năm đã bất lực.

OCDE khen ngợi Roma đã can đảm « tấn công vào những nhược điểm của kinh tế nước Ý, như là sự xơ cứng về luật lao động hay chính sách hưu bổng ». Nếu như Ý áp dụng những biện pháp cải tổ đã được thông qua, thì trong thập niên tới, GDP của quốc gia này sẽ tăng thêm đến 4 %.

Đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) đã làm ấm lòng người dân Ý vào lúc họ đã phải hy sinh rất nhiều. Nhưng còn quá sớm để có thể cho rằng người dân Ý đã « trông thấy ánh sáng cuối đường hầm ». Hơn nữa, như nhận định của thông tín viên Huê Đăng người dân Ý sau một năm chịu đựng, bắt đầu mệt mỏi vì phương pháp trị liệu của « Il Professor » ông thầy thuốc Monti.

Sự hình thành của nội các Monti

Một năm qua, những thay đổi dồn dập, những sự kiện diễn biến thay đổi liên tục, những khó khăn đời sống ngày càng gia tăng, tình trạng khủng hoảng triền miên như vô tận … khiến cho người ta có cảm giác là chính phủ kỹ trị của Mario Monti đã kéo dài từ nhiều năm.

Vào mùa xuân năm 2011, những biến động dồn dập trên thị trường kinh tế tài chánh thế giới đã bắt đầu đe dọa khả năng chi trả nợ nhà nước của nước Ý với số nợ lên đến mức báo động: 1.900 tỉ euro, tương đương với 123% trên tổng sản lượng nhà nước GDP. Nguy cơ vỡ nợ của Ý cũng đã bắt đầu đe dọa sự sống còn của chính đồng Euro.
Trước tình hình nguy kịch nói trên, Hội đồng Châu Âu đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo chính phủ nước Ý, thời điểm đó Thủ tướng là ông Silvio Berlusconi. Bruxelles yêu cầu nước Ý phải có những biện pháp giải cứu nhanh chóng. Nhưng cho đến mùa hè năm 2011, chính phủ Silvio Berlusconi vẫn không chứng tỏ có khả năng giải cứu, và song song đó các lực lượng chính trị của Ý cũng không có giải pháp nào để thay thế cho chính sách kinh tế tồi tệ của ông Berlusconi. Các nước Châu Âu cũng bắt đầu thực sự lo ngại trước những hệ lụy lên đồng tiền euro, lên nền kinh tế tài chánh Châu Âu trong trường hợp Ý bị vỡ nợ nhà nước.

Trước tất cả những nguy cơ nói trên, và cũng trước những thôi thúc của các nước Châu Âu, điển hình là của Đức và Pháp, Tổng thống Ý, ông Giorgio Napolitano đã bắt đầu triển khai mô hình chính phủ kỹ trị với mục tiêu đưa nước Ý ra khỏi cơn nguy khốn trước mắt.

Ngày 12/11/2011, sau khi tỉ số spread - khác biệt về lãi suất tín dụng mà Đức và ý phải đi vay - đã vượt qua hơn 570 điểm, sau những màn hỉ nộ ái ố ở Quốc hội, những giằng co căng thẳng ngay trong phe đa số trung-hữu, Thủ tướng Silvio Berlusconi đã phải từ chức. Chính phủ kỹ trị Mario Monti ra đời trong cảnh dầu sôi lửa bỏng như thế . Gọi là kỹ trị là để phân biệt với các Hội đồng chính phủ Ý trước đây vốn bao gồm phần lớn những chính trị gia đến từ các lực lượng đảng phái chính trị, trong khi Hội đồng chính phủ của ông Mario Monti đều toàn là những chuyên gia trong các lãnh vực kinh tế tài chánh, văn hóa, học thuật hoặc các yếu nhân xã hội. Hoàn toàn không có sự tham gia trực tiếp vào Hội đồng chính phủ của bất cứ một chính khách của bất cứ một đảng chính trị nào cả. Điều nầy cũng thể hiện sự khủng hoảng trầm trọng của các đảng phái chính trị ở Ý trong thời điểm đó.

Nhiệm vụ giải cứu” nước Ý và ấy lại uy tín với quốc tế

Chính phủ kỹ trị của ông Mario Monti, ra đời với hai mục tiêu chánh yếu: thứ nhất là “giải cứu” cấp thời nước Ý ra khỏi nguy cơ khủng hoảng ngân sách và vỡ nợ nhà nước. Mục tiêu thứ hai là thực thi hàng loạt một số cải cách nhà nước cần thiết, như cải cách cơ chế phúc lợi xã hội (chế độ hưu trí, hoạt động cứu tế, dịch vụ y tế, giáo dục ...), cải cách thị trường lao động, cải cách tổ chức thuế khóa, cải cách một số cơ chế nhà nước ...
Mục tiêu thứ nhất, được xem như là một cuộc giải phẫu cấp cứu để cứu con bệnh ra khỏi con đường tử vong, là điều kiện tối ưu cần thiết nhất thời. Còn mục tiêu thứ hai chính là chiến lược trọng điểm để nước Ý có thể tìm lại được quân bình trong ngân sách nhà nước cũng như thu phục lại uy tín trên thị trường kinh tế tài chánh thế giới.

Sau một năm hoạt động, có thể nói là chính phủ Mario Monti đã thành công trong mục tiêu giải cứu cấp thời: điển hình là chỉ số sai biệt giữa công trái nhà nước Đức và nhà nước Ý đã giảm xuống còn khoảng trên dưới 360 điểm. Trong kỳ đấu giá chứng khoán nhà nước hồi tháng 10 vừa qua, thị trường tài chánh thế giới đã bắt đầu trở lại thu mua chứng khoán nhà nước Ý thay vì phải bán tháo bán đổ như trước đây. Điều quan trọng nhất, sau một năm nắm chính quyền, bản thân của ông Mario Monti, với uy tín quốc tế mà ông đã có trước đây khi còn hoạt động trong ngành tài chánh thế giới cũng như trong những năm ông là Ủy viên Châu Âu, đã gây lại được uy tín cho nước Ý trên sân khấu quốc tế, uy tín mà nước Ý đã đánh mất một cách nhục nhã dưới thời của chính phủ Silvio Berlusconi.

Nhưng khi nói đến mục tiêu thứ hai là thi hành các chính sách cải tổ thì cho đến nay, trừ cải tổ về chính sách hưu trí, còn lại những cải tổ khác vẫn chưa đạt được yêu cầu. Cải tổ thị trường lao động vẫn còn đang bị các lực lượng chính trị và công đoàn chỉ trích nghiêm khắc ; cải tổ thuế má vẫn chưa cụ thể, kể cả đề án thay đổi luật thuế để có thể bãi bỏ miễn thuế bất động sản cho Tòa thánh Vatican, vốn là một trong những yêu cầu mà Ủy ban Châu Âu đã nhiều năm nay kêu gọi chính phủ Ý phải phải nhanh chóng khắc phục để tránh tình trạng “cạnh tranh thương mại bất bình đẳng” giữa các cơ sở thương mại hoạt động trên bất động sản của Vatican, vốn được miễn thuế, và các cơ sở thương mại dân sự bình thường khác phải đóng thuế ; luật cải tổ cơ chế tư pháp vẫn còn đang trong vòng tranh cãi ; những đề án cải tổ ngành ngân hàng, các biện pháp chống trốn thuế, tự do hóa một số ngành nghề có tính chất “phường hội” như ngành lái taxi, bác sĩ, dược sĩ, luật sư ... vẫn chưa có những bước chuyển biến “đổi đời” như ông Mario Monti đã hứa.

Những thiếu sót này thực ra cũng không khó hiểu : cho dù là kỹ trị, trong nghĩa là không có chính khách trực tiếp tham gia vào hội đồng chính phủ, nhưng các quyết định của chính phủ Mario Monti, chiếu theo hiến pháp hiện hành ở Ý, vẫn luôn luôn tùy thuộc vào những biểu quyết thông qua của Quốc hội, ở đó các lực lượng chính trị đảng phái, và nhất là các “phường hội” lobby vẫn tiếp tục tìm cách gây khó khăn hay tạo trì trệ cho các chính sách cải tổ.

Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng về lâu về dài, nước Ý bắt buộc phải có những cải tổ nếu không muốn bị tách rời ra khỏi Châu Âu và nếu không muốn bị cô lập trên thị trường quốc tế.

Thủ tướng Monti trong mắt người dân

Trong một năm qua, chính phủ của Mario Monti đã phải liên tục cắt xén các khoản chi tiêu nhà nước, từ các khoản chi cho phúc lợi xã hội như hưu trí, y tế, giáo dục, giao thông công cộng, hoạt động văn hóa ... cho đến việc rà soát lại các kế hoạch chi tiêu của các cơ sở nhà nước mà ngôn từ thời thượng gọi là “spending review”. Song song đó, để tái tạo quân bình ngân sách, chính phủ Mario Monti cũng đã buộc phải tăng thuế, tăng giá cước của các dịch vụ xã hội như điện nước, tăng thuế lên các “nhu yếu phẩm” hay xăng dầu, nhà cửa ... Tất cả các biện pháp cắt xén và tăng thuế nói trên, trong thời điểm công ăn việc làm giảm sút đã khiến cho đời sống của người dân, nhất là những thành phần thấp trong xã hội vợi mức lợi tức kém cỏi (như những người hưu trí, những người lao động thấp, hay thất nghiệp), ngày càng thêm khó khăn.

Dù biết rằng đó những liều thuốc đắng là cần thiết nhưng sau một năm thắt lưng buộc bụng, nhất là khi mà tình hình kinh tế tài chánh sau một năm xem ra vẫn chưa “thoát ra khỏi đường hầm”. Các thành phần xã hội bắt đầu có những thái độ phản kháng, nhất là trong những tháng gần đây, các cuộc đình công, xuống đường phản đối chính phủ đang ngày đêm nổ ra rầm rộ và ngày thêm gay gắt. Điển hình là những xô xát bạo động trong các cuộc biểu tình ngày 15/11/2012.

Dựa theo các cuộc thăm dò ý kiến trong những tuần gần đây, số người dân tin tưởng vào ông Mario Monti có giảm sút: nếu một năm trước đây. Khi vừa mới lên nhậm chức, Mario Monti được hơn 60% và đến hiện nay con số phần trăm đã giảm xuống chỉ còn 48%, dù rằng con số này tính ra vẫn còn cao hơn bất cứ một chính khách nào khác ở nước Ý hiện nay.

Đó là nói về sự tin tưởng cho riêng cá nhân của ông Mario Monti, còn đối với toàn thể Hội đồng chính phủ kỹ trị thì số phần trăm còn giảm mạnh hơn: từ khoảng 55% trước đây một năm bây giờ chỉ còn có 32%.

Riêng đối với từng Bộ trưởng trong hội đồng chính phủ, thì hầu như ông bà nào cũng bị giảm uy tín, tuy nhiên cá nhân bà Bộ trưởng Lao động Elsa Fornero là bị giảm sút nhiều nhất: từ 58% đến nay chỉ còn 32%, lý do là bởi những chính sách cải tổ về luật hưu trí (tăng tuổi lao động) và cải tổ thị trường lao động.

Monti và thách thức chính trị nội bộ

Tuy là chính phủ kỹ trị thoát thai từ sự bế tắc của các đảng phái chính trị, chính phủ Mario Monti là chính phủ có được một đa số lớn nhất trong Quốc hội từ trước đến nay. Cả hai đảng lớn là Đảng Nhân dân Tự do (đảng hữu của ông Silvio Berlusconi) và Đảng Dân chủ (đảng lớn nhất trong khối trung-tả)đều ủng hộ nội các Monti. Điều này cũng rất dễ hiểu: một phần là các lực lượng chính trị đều ý thức được sự bất lực của chính mình trước tình cảnh dầu sôi lửa bỏng của nước Ý. Mặt khác, chẳng có lực lượng chính trị nào dám có can đảm tẩy chay chính phủ Mario Monti để phải nhận lãnh trách nhiệm trước lịch sử là đã đưa nước Ý đến phá sản.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, do tình hình khó khăn xã hội ngày càng thêm gay gắt, và nhất là chỉ còn trên dưới trên dưới 4 tháng nữa là cử tri lại đi bỏ phiếu bầu Quốc hội mới, nên các đảng phái chính trị ngay trong phe đa số đang ủng hộ chính phủ Mario Monti cũng bắt buộc phải lấy khoảng cách để không bị mất phiếu vào kỳ bầu cử sắp tới.

Thậm chí ngay cả đảng Nhân dân Tự do của ông Silvio Berlusconi, vốn đang đứng trước nguy cơ “tự hủy diệt”, cũng cứ ngày một ngày hai hăm dọa cho ngã chính phủ.

Khả năng một nội các Monti bis ?

Sau một năm “nằm gai nếm mật”, các lực lượng chính trị đảng phái rất muốn trở lại trực tiếp nằm quyền hành pháp. Nguyện vọng nói trên thực ra cũng phù hợp với Hiến pháp của Ý: quyền hành pháp phải được các lực lượng chính trị trong Quốc hội luân phiên gánh vác. Chính phủ kỹ trị như kiểu Mario Monti phải được xem như là một biện pháp nhất thời mà thôi.

Nhưng câu hỏi cần đặt ra là: cho đến mùa xuân năm tới, nước Ý sẽ hoàn toàn ra khỏi cảnh dầu sôi lửa bỏng hay không ? Câu trả lời đương nhiên là không. Chắc chắn là cho đến mùa xuân năm tới, dù cố gắng đến đâu, ông Mario Monti cũng không thể nào hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ lịch sử. Tình hình khó khăn kinh tế tài chánh của nước Ý vẫn còn chưa ra khỏi “đường hầm”. Và cũng còn có quá nhiều cải tổ cần phải tiếp tục để đưa nước Ý trở lại đời sống bình thường, tái tạo quân bình cán cân nhà nước.

Chính bản thân của các chính phủ Châu Âu, thậm chí đến nước Đức vốn là quốc gia “đầu tàu” của Châu Âu, cũng phải nhìn nhận rằng tình hình trì trệ kinh tế sản xuất sẽ vẫn còn tiếp diễn trong một hai năm tới.

Trên thực tế, ngoài cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay, nước Ý còn đang phải đối đầu với một cuộc khủng hoảng chính trị tính ra còn trầm trọng hơn cả khủng hoảng kinh tế tài chánh : các lực lượng đảng phái chính trị vẫn còn trong vòng bế tắc chưa tìm ra được một mô hình tổ chức hoạt động và chiến lược để đối đầu với những thay đổi mới trong xã hội.

Chính bản thân của giai cấp lãnh đạo chính trị, không phân biệt đảng phái, tả hay hữu, cũng đang bị các vụ xì-căng-đan tham nhũng hối lộ, ăn cắp công quỹ, làm giảm uy tín một cách thê thảm.

Thậm chí sau một năm bị “truất phế” ra khỏi quyền hành pháp, bản thân Quốc hội vẫn chưa cụ thể có một cải tổ nào để có thể lành mạnh hóa các đảng phái: thí dụ vẫn chưa có một quyết định về việc giảm con số dân biểu trong Quốc hội với con số 945 hiện nay vốn đang bị xem là quá cao. Trong khi chính Quốc hội đồng ý cho thông qua các cắt xén phúc lợi xã hội, các cải tổ thị trường lao động có hệ lụy trực tiếp lên người dân thì Quốc hội lại không “nặn” ra nổi một cải tổ nào để cắt xén các đặc quyền đặc lợi của dân biểu.
Trước những khó khăn vừa kể trên, khó mà có thể hình dung được một ông Mario Monti “về vườn” vào mùa xuân năm tới.

Trước nhất là vì nếu ông Mario Monti về vườn khi tình hình khủng hoảng kinh tế tài chánh vẫn còn tồn đọng thì cũng có nghĩa là những hy sinh khắc khổ mà người dân đã phải chịu đựng suốt năm 2012 sẽ coi như đem đổ sông đổ biển, như là hy sinh vô ích. Đó là chưa nói đến những áp lực quốc tế : tất cả đều đang đánh giá cao chính phủ Ý hiện nay trên con đường cải tổ, nhưng phần lớn cũng đều nhờ vào uy tín của chính cá nhân ông Mario Monti. Chính các chính phủ Tây Âu đều đặt câu hỏi: người kế tục Mario Monti có đủ khả năng và có thiện chí để đi tiếp con đường cải tổ mà Mario Monti đã vạch ra hay không ?

Chưa ai có câu trả lời chắc chắn. Trong khi chời đợi, theo nhận định của các chính phủ Tây Âu, tốt nhất ông Monti nên tiếp tục nhiệm vụ. Người ta có thể hình dung ra một vài kịch bản, trong đó kịch bản nào cũng vẫn phải có một Monti trong một vai trò nào đó. Dù sao, với tư cách là “Nghị sĩ mãn đời”, ông Mario Monti sẽ tiếp tục hiện diện trong Quốc hội mới.

Kịch bản thứ nhất, kịch bản được các chính phủ Tây Âu, các tổ chức quốc tế “ưu ái” nhất là Mario Monti vẫn tiếp tục cương vị Thủ tướng trong chính phủ mới, một chính phủ có thể không hoàn toàn kỹ trị mà sẽ có sự tham gia trực tiếp của một vài nhân vật chính trị. Nếu kịch bản này được áp dụng thì nước Ý sẽ tiếp tục giữ được “uy tín” trên sân khấu quốc tế. Nhưng đấy lại là kịch bản “tồi tệ” nhất đối với các lực lượng chính trị đảng phái, vì như thế minh chứng rằng các đảng phái chính trị vẫn tiếp tục bị bế tắc, cho thấy rằng các lực lượng chính trị vẫn tiếp tục bị “quản thúc” vì không có đủ khả năng để đưa nước Ý ra khỏi cơn sóng gió.

Kịch bản thứ hai là Mario Monti sẽ được giao ghế Bộ trưởng Kinh tế Tài chánh trong một Hội đồng chính phủ trong đó đa số Bộ trưởng là giới chính trị gia. Kịch bản này, trong chừng mực nào đó, cho phép Mario Monti tiếp tục theo đuổi con đường cải tổ do chính ông ta đã vạch ra, và cũng trong chừng mực nào đó, có thể “trấn an” được thị trường quốc tế và các chính phủ Tây Âu.

Nhưng liệu trong vai trò Bộ trưởng, ông Mario Monti có thể hoàn toàn có được quyền tự quyết để làm trọn vẹn các cuộc cải tổ hay không ? Nhất là khi những cải tổ đó có thể gây ra những căng thẳng với chính các lực lượng chính trị ngay trong Hội đồng chính phủ ? Vả lại, một số người quan niệm rằng chính phủ kỹ trị Mario Monti hiện nay đang thực thi những giải pháp “mạnh tay”, đang ép cử tri Ý uống những liều “thuốc đắng” cần thiết để “chữa bệnh”, tức là những quyết định khó khăn mà trước nay chẳng có một lực lượng chính trị nào có can đảm thực hiện nếu không muốn mất phiếu. Chẳng lẽ ông Mario Monti chấp nhận đối đầu với những khó khăn như thế, chấp nhận hy sinh đứng ra “đứng mũi chịu sào” để rồi tự dưng giao hết “gia sản cơ ngơi” cho các đảng phái chính trị ? Xem ra kịch bản thứ hai này cũng khó chấp nhận cho chính bản thân của Mario Monti.

Kịch bản thứ ba: năm 2013, sau khi Quốc hội mới được bầu ra, thì cũng là lúc Tổng thống Ý, ông Giorgio Napolitano, mãn nhiệm kỳ 7 năm. Quốc hội mới sẽ phải bầu Tổng thống mới. Mario Monti có thể được bầu làm Tổng thống Ý, và trong cương vị đó, dù không trực tiếp nắm quyền hành pháp, Monti vẫn có đủ điều kiện để “dòm ngó” và “khuyên răn” Hội đồng chính phủ, và nhất là trong cương vị Tổng thống, Mario Monti vẫn có thể “bảo kê” cho nước Ý và trấn an được các chính phủ Tây Âu như Tổng thống Giorgio Napolitano đã làm khi “nặn” ra mô hình chính phủ kỹ trị Mario Monti để thay thế chính phủ tồi tệ và không có uy tín quốc tế của Silvio Berlusconi hồi năm ngoái.

Nhưng đó chỉ là những kịch bản do các chuyên gia phân tích chính trị vẽ ra. Tình hình nước Ý từ đây cho đến mùa xuân năm tới còn nhiều biến đổi khó lường. Khó có thể đoán trước một cách chắc chắn “số phận” của ông Mario Monti ra sao.

Trong khi đó, các đảng phái chính trị đang chuẩn bị “dàn binh bố trận” bước vào mùa tranh cử, có đảng thì hô hào ủng hộ một chính phủ “Monti bis”, có đảng thì cám ơn “công lao” của Mario Monti và đồng thời ưỡn ngực tuyên bố sẳn sàng “sang trang” thay thế chính phủ kỹ trị để lèo lái nước Ý, có đảng thì đang cực lực chỉ trích tẩy chay chính phủ Mario Monti ... Mỗi đảng chọn một “thế đứng” với hy vọng là thế đứng đó cho phép thu hút được sự chú ý của cử tri.

Khi mới bắt đầu nhậm chức, chính bản thân của ông Mario Monti cũng đã tuyên bố rằng ông ta không có bất cứ một kế hoạch gì cho chính bản thân sau khi hết nhiệm kỳ thủ tướng hiện nay . Nhưng trong khoảng những tuần gần đây ông Mario Monti lại tuyên bố rằng nếu tình hình đất nước còn đòi hỏi thì ông ta sẵn sàng tiếp tục đóng góp. Nhưng đóng góp như thế nào thì ông ta cũng chưa đá động đến và đó lại chính là câu hỏi trọng điểm của chính trường Ý hôm nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.