Vào nội dung chính
PALESTINE

Palestine, Nhà nước quan sát viên Liên Hiệp Quốc

Bất chấp áp lực của Hoa Kỳ và Israel, ngày 29/11/2012 Liên Hiệp Quốc biểu quyết để nâng cấp quy chế của Palestine : từ một « thực thể » quan sát viên, Palestine sẽ trở thành một « nhà nước » quan sát viên nhưng vẫn chưa phải là thành viên Liên Hiệp Quốc.

Người Palestine biểu tình ủng hộ nghị quyết về quy chế Nhà nước quan sát viên cho Palestine ngày 29/11/2012.
Người Palestine biểu tình ủng hộ nghị quyết về quy chế Nhà nước quan sát viên cho Palestine ngày 29/11/2012. REUTERS/Ammar Awad
Quảng cáo

Vào 20 giờ, giờ quốc tế tối nay Chủ tịch Palestine, Mahmoud Abbas sẽ đề trình lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc dự thảo nghị quyết đòi quốc tế nâng cấp quy chế, công nhận Palestine là một « nhà nước quan sát viên » Liên Hiệp Quốc. Theo giới quan sát cho dù chưa được chính thức công nhận là một thành viên thực thụ của tổ chức đa quốc gia này, nhưng đây là một thắng lợi lịch sử đối với Palestine.

Theo AFP dự thảo nghị quyết Chủ tịch Abbas trình lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm nay có nhiều khả năng được đa số trong tổng cộng 193 thành viên ủng hộ. Hoa Kỳ, Canada, Israel sẽ bỏ phiếu chống. Liên Hiệp Châu Âu không có chung một quan điểm về hồ sơ Palestine : 12 trong số 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu – trong đó có Pháp, Tây Ban Nha, Đan Mạch … sẽ ủng hộ đòi hỏi của Palestine. Anh Quốc và Đức sẽ vắng mặt. Dự thảo nghị quyết của Chủ tịch Abbas được Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Một số nhà quan sát lo ngại Palestine bị Mỹ trừng phạt sau khi đòi được nâng cấp quy chế tại Liên Hiệp Quốc. Tháng 10/2011 sau khi gia nhập tổ chức Unesco Palestine đã lập tức bị Hoa Kỳ trừng phạt tài chính.

Thông tín viên thường trực Karim Lebour, từ New York cho biết thêm về ý nghĩa và tầm mức quan trọng của cuộc bỏ phiếu hôm nay tại trụ sở Liên Hiệp Quốc :

« Palestine bước vào Liên Hiệp Quốc bằng ‘cửa phụ’. Trước mắt người dân Palestine phải hài lòng với quy chế ‘một nhà nước quan sát viên’, tương tự như trong trường hợp của Tòa Thánh Vatican. Palestine chưa được công nhận là thành viên toàn phần của tổ chức đa quốc gia này. Tham vọng của Palestine đã bị Hoa Kỳ chặn lại trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Cụ thể là dù với quy chế vừa được nâng cấp, Palestine vẫn không có quyền biểu quyết tại Liên Hiệp Quốc và sẽ không ai trông thấy lá cờ Palestine tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York. Nhưng điều quan trọng hơn cả là đây là lần đầu tiên quốc tế nhìn nhận quy chế ‘một nhà nước’ của Palestine.

Ngoài ý nghĩa mang tính tượng trưng đó, thì với tư cách ‘một nhà nước quan sát viên’ từ nay trở đi Palestine sẽ có thể được tham dự một số tổ chức quốc tế, chẳng hạn như là Tòa án Hình sự Quốc tế. Đại diện Palestine tại Liên Hiệp Quốc cho biết là chính quyền Palestine có khả năng kiện Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ Palestine ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế CPI.

Tuy nhiên việc quy chế của Palestine bên cạnh Liên Hiệp Quốc được nâng cấp sẽ có những hậu quả khác. Để trừng phạt Chủ tịch Abbas đòi Liên Hiệp Quốc công nhận quy chế ‘nhà nước quan sát viên’, Quốc hội Mỹ dọa chặn lại kế hoạch viện trợ 200 triệu đô la cho Palestine. Về phần mình, Israel đe dọa đưa ra một số các biện pháp trừng phạt tài chính hay là hủy bỏ hiệp ước Oslo quy định về quyền tự trị của Palestine đã được ký kết vào năm 1993».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.