Vào nội dung chính
NGÀY THẾ GIỚI CHỐNG SIDA

Dịch bệnh Sida vẫn còn nghiêm trọng, dù có nhiều tiến bộ lớn

Tổ chức ONUSIDA, ngày 20/11/2012, công bố bản báo cáo năm 2012, ghi nhận những bước tiến tích cực trong cuộc chiến chống Sida. Số lượng bệnh nhân Sida tử vong tiếp tục giảm năm năm liên tục. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, dịch bệnh này vẫn chưa lùi bước tại nhiều khu vực và nhiều nhóm dân cư.

Các hiệp hội tại Pháp như Sida Info service hay Aides tham gia các chiến dịch thông tin nhân ngày 01/12/2012 (DR)
Các hiệp hội tại Pháp như Sida Info service hay Aides tham gia các chiến dịch thông tin nhân ngày 01/12/2012 (DR)
Quảng cáo

Năm 2011, có 1,7 triệu người chết, giảm 5,6% so với năm trước. Trong khoảng thời gian từ 2005-2011, số lượng người tử vong vì Sida giảm 24%.

Số người bị nhiễm mới cũng giảm nhẹ khoảng 100.000 người, tức 2,5 triệu so với 2,6 triệu năm 2010. Trong vòng 10 năm nay, kể từ năm 2010, số người bị nhiễm mới giảm 20%. Đặc biệt, số trẻ em bị nhiễm vi rút HIV giảm đến 24% so với năm 2009. Tại sáu nước Châu Phi, nơi Sida là nguyên nhân tử vong số một đối với trẻ nhỏ, lượng các em bé bị nhiễm mới giảm đến 40%.

Và trong số 25 quốc gia được điều tra, trong đó có nhiều nước Châu Phi – nơi bệnh dịch phát triển mạnh - số lượng nhiễm mới giảm hơn 50% trong vòng một thập niên.

Với các kết quả này, báo cáo cho thấy, một kỷ nguyên hy vọng mới đã mở ra tại nhiều khu vực và nhiều cộng đồng trên thế giới, vốn bị bệnh dịch Sida tàn phá.

Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc nhận định rằng, nói đến việc loại trừ căn bệnh thế kỷ đáng sợ này không còn là một viễn cảnh xa xôi nữa, đây là một mục tiêu có thể thực hiện được. Vào thời điểm còn khoảng 1000 ngày nữa là đến điểm hẹn 2015, mà theo các Mục tiêu Thiên niên kỷ của cộng đồng quốc tế, bệnh dịch Sida phải được diệt trừ, ông Michel Sidibé, tổng giám đốc Onusida, cho biết, các tiến bộ trong lĩnh vực này diễn ra ngày càng nhanh chóng, « hiện tại người ta có thể thực hiện trong vòng 24 tháng, những điều trước kia phải làm trong một thập niên ».

Theo tổng giám đốc Onusida, trong vòng hai năm trở lại đây, số lượng nhiễm mới giảm đặc biệt mạnh, chủ yếu ở trẻ em. Mục tiêu không em nào bị nhiễm HIV từ 2015 tỏ ra là điều có thể đạt được.

Việc tỷ lệ tử vong do HIV gây ra sở dĩ đạt được, một phần quan trọng là do ngày càng có nhiều người được hưởng trị liệu kháng HIV.

Sida vẫn chưa lùi bước tại nhiều khu vực và nhiều nhóm dân cư

Tuy nhiên, bên cạnh sự lạc quan, thực tế của dịch bệnh buộc phải có cái nhìn thận trọng. Năm 2011, số lượng người mang virus HIV tăng lên so với năm 2010, tức 34 triệu so với 33,5 triệu. Khoảng 0,8% người ở lứa tuổi 15 – 49 trên toàn thế giới có virus HIV và ảnh hưởng của bệnh dịch là khác nhau rất đáng kể tùy theo các khu vực.

Châu Phi vẫn là nơi bệnh dịch hoành hành nặng nhất, với khoảng 20% người trưởng thành nhiễm HIV. Cư dân sống ở vùng Châu Phi phía nam sa mạc Sahara chiếm đến 69% tổng số người bị nhiễm HIV trên thế giới, với 1,2 triệu người chết vào năm ngoái. Châu Á cũng là nơi bị ảnh hưởng nặng, với khoảng 5 triệu người bị lây nhiễm, và 309.000 trường hợp tử vong năm 2011. Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại đối với sự gia tăng của số lượng nhiễm mới tại một số khu vực. Cụ thể là ở Cận Đông và Bắc Phi, tỷ lệ này là 25% kể từ năm 2001, bên cạnh đó là vùng Trung Á và Đông Âu nơi bệnh dịch bắt đầu tăng trở lại từ cuối thập niên 2010.

Báo cáo của Onusida cũng chỉ ra rằng, các nhóm dân cư dễ bị lây nhiễm HIV như, những người làm nghề bán dâm (nam và nữ), những người đàn ông có quan hệ đồng tính, những người tiêu thụ ma túy bằng con đường tiêm chích, là những công đồng đặc biệt bị ảnh hưởng của bệnh dịch, tuy nhiên « các chương trình phòng và điều trị HIV nói chung vẫn chưa đến được với các nhóm cư dân này ».

Để thành công trong cuộc chiến chống Sida, sự đóng góp tài chính của cộng đồng quốc tế và chính phủ các nước là hết sức thiết yếu. Trong những năm tới, Onusida ước tính phải chi từ 22 đến 24 tỷ đô la hàng năm cho cuộc chiến này. Hiện tại, còn có đến 7 triệu người nhiễm HIV không có điều kiện để được trị liệu. 

Chiến dịch chẩn đoán nhanh virus HIV của Hiệp hội Aides (Pháp)

Phát hiện HIV sớm là một điều kiện tiên quyết để đẩy lui bệnh dịch. Trong năm vừa qua, tại Pháp, hiệp hội Aides đã tiến hành một chiến dịch chẩn đoán nhanh virus HIV, đặc biệt với các nhóm dễ bị lây nhiệm, như cộng đồng những người quan hệ đồng tính hay các cư dân có nguồn gốc Châu Phi-Caribê.

Theo báo cáo Aides vừa được công bố, từ 01/01 đến 30/09, gần 13.000 test chẩn đoán nhanh đã được làm khắp nước Pháp, trong đó 70% là tại các địa điểm ngoài bệnh viện hay cơ sở y tế, tức là các nơi công cộng, như các câu lạc bộ, phòng trà, nhà tắm hơi… Với biện pháp chẩn đoán nhanh và tại chỗ này, Aides đã phát hiện đươc hơn 1000 trường hợp dương tính, tức chiếm 1% số lượng test, vượt gấp 5 lần so với các trắc nghiệm thông thường.

Từ năm 2010 tại Pháp, những người không phải là bác sĩ được phép làm các chẩn đoán sớm kể trên. Biện pháp này mang lại một kết quả gần như ngay lập tức, với khoảng 30 phút đợi, so với nhiều ngày chờ đối với các xét nghiệm cổ điển. Một lợi ích khác của test này là đến được với rất nhiều người chưa bao giờ xét nghiệm HIV. Trong chiến dịch chẩn đoán nhanh của hiệp hội Aides, có đến 30% chưa bao giờ đi xét nghiệm.

Theo Aides, tại Pháp, có khoảng từ 30.000 người đến 40.000 người có HIV mà không biết. Aides khẳng định, kết quả sơ bộ kể trên cho thấy, chẩn đoán HIV nhanh tại các nơi công cộng là một biện pháp mang lại nhiều hiệu quả. Năm tới, tổ chức này tuyên bố sẽ mở rộng chương trình hoạt động, đặc biệt trong việc thuyết phục những người nhiễm HIV chữa bệnh, để giảm số lượng những người « biến mất » sau khi biết là mình bị HIV.

Hôm qua, trên France Info, bộ trưởng Y tế Pháp Marisol Touraine lưu ý rằng, « Sida không phải là căn bệnh của quá khứ ». Chính phủ Pháp đề ra nhiệm vụ tăng cường đáng kể các xét nghiệm chẩn đoán nhanh. Bộ trưởng Pháp hứa gia tăng tài trợ cho hoạt động này, đặc biệt sẽ tiến hành « tuần chẩn đoán nhanh » tại một số khu vực bệnh dịch đáng ngại. Hiệp hội Aides cũng kêu gọi thành lập một tổ chức liên bộ để tăng cường cuộc chiến chống Sida.

Ngoại trưởng Mỹ công bố kế hoạch « một thế hệ không Sida »

Thứ Năm 29/11, tại Washington, Ngoại trưởng Hillary Clinton công bố bản báo cáo dài 54 trang, về kế hoạch cho một thế hệ không Sida từ năm 2015, với mục tiêu không bé sơ sinh nào bị nhiễm HIV ngay từ khi ra đời.

Các phương hướng hành động cụ thể là, mở ra khả năng điều trị miễn phí HIV (tổng thống Obama hứa hẹn sẽ có 6 triệu người được hưởng điều trị này từ đây đến cuối 2013), mở rộng việc cắt bao quy đầu ở đàn ông, tạo điều kiện dễ dàng cho việc xét nghiệm HIV hay đẩy mạnh tư vấn dùng bao cao su hay các phương tiện phòng HIV khác...

Theo ông Eric Goosby, điều phối viên Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống Sida, hiện nay, hàng năm có 390.000 trẻ sơ sinh bị mang HIV từ trong bụng mẹ. Với sự phối hợp ba loại thuốc kháng HIV dùng cho sản phụ, lượng trẻ bị nhiễm HIV sẽ giảm xuống còn 40.000 em vào năm 2015.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.