Vào nội dung chính
NGA

Nga khởi công dự án đường ống dẫn khí đốt South Stream

Hôm nay, 07/12/2012, tập đoàn khí đốt Nga Gazprom đã làm lễ khởi công xây dựng đường ống dẫn khí đốt South Stream, sẽ được dùng để cung cấp khí đốt cho Liên Hiệp Châu Âu qua ngõ Hắc Hải, tránh đi qua Ukraina. Tham dự lễ khởi công, diễn ra tại khu nghỉ mát Anapa bên bờ Hắc Hải, có tổng thống Nga Vladimir Putin. Tập đoàn Gazprom cũng đã mời hơn một trăm phóng viên và quan chức đến dự lễ.

Chủ tịch tập đoàn Gazprom Alexei Miller và tổng thống Nga  Vladimir Putin. Ảnh ngày 29/10/ 2012
Chủ tịch tập đoàn Gazprom Alexei Miller và tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh ngày 29/10/ 2012 REUTERS/Aleksey Nikolskyi/RIA Novosti/Pool
Quảng cáo

Dự án South Stream, với tổng chi phí được thẩm định khoảng 16,5 tỷ euro, sẽ xây một đường ống dẫn khí đốt có chiều dài 2.380 km. Với đường ống này, Nga có thể cung cấp mỗi năm 63 tỷ mét khối cho châu Âu, tức là khoảng 10% lượng khí đốt tiêu thụ dự kiến của Liên hiệp châu Âu vào năm 2020.

Đường ống dẫn khí đốt South Stream sẽ đi ngang qua đáy biển Hắc Hải, rồi qua các nước Bulgaria, Serbia, Hungary, Slovenia, đến Ý, nhưng tránh đi ngang qua Ukraina, cho tới nay vẫn là quốc gia trung chuyển chủ yếu.

Trong những năm gần đây, Nga và Ukraina thường xuyên tranh chấp với nhau về giá khí đốt, khiến nhìều lần việc cung cấp khí đốt cho châu Âu bị rối loạn, buộc tập đoàn Gazprom phải tìm những ngõ khác. Ở phía Bắc, từ tháng 11 năm ngoái, Gazprom đã bắt đầu sử dụng đường ống dẫn khí North Stream giữa Nga và Đức, ngang qua biển Baltic, với chiều dài tổng cộng 1.220 km.

Vấn đề là dự án South Stream được khởi công trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đã khiến mức tiêu thụ khí đốt của Liên Hiệp Châu Âu sụt giảm 11%, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế và dự báo là sẽ còn sụt giảm nữa. Về mặt chính trị, quan hệ giữa tập đoàn khí đốt Nga và châu Âu cũng đang căng thẳng sau khi Uỷ ban châu Âu điều tra về Gazprom, bị cáo buộc là cản trở cạnh tranh.

Trước tình hình đó, tập đoàn Gazprom nay đang chuyển hướng đầu tư sang thị trường châu Á, nơi mà giá khí đốt còn tương đối cao và nhu cầu tiêu thụ rất mạnh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.