Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - EURO

Châu Âu chuẩn bị kế hoạch mới nhằm gia tăng hội nhập

Đêm thứ Năm 13/12/2012 rạng sáng thứ Sáu 14/12, tại Bruxelles, sau một phiên họp kéo dài 9 giờ, lãnh đạo các nước thuộc Liên hiệp Châu Âu đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc cho một lộ trình nhằm gia tăng hội nhập của khối, từ nay cho đến kỳ bầu cử Châu Âu vào giữa năm 2014. Kế hoạch hành động cụ thể mới được ủy nhiệm cho Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Herman Van Rompuy. 

Các lãnh đạo Liên hiệp châu Âu trong hội nghị thượng đỉnh ở Bruxelles ngày 13/12/2012.
Các lãnh đạo Liên hiệp châu Âu trong hội nghị thượng đỉnh ở Bruxelles ngày 13/12/2012. REUTERS/Yves Herman
Quảng cáo

Nhóm 27 nước Châu Âu đã ủy nhiệm cho Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Herman Van Rompuy, chuẩn bị một chương trình hành động, dự kiến được công bố vào tháng 6/2013, với những mục tiêu ít tham vọng hơn chương trình cũng vừa được chính Chủ tịch Hội đồng Châu Âu đưa ra cách đây ít hôm.

Chương trình hành động mà Chủ tịch Hội đồng Châu Âu sẽ đệ trình vào tháng 6/2013 liên quan đến bốn lĩnh vực : sự phối hợp chuẩn bị giữa các quốc gia trong các cải cách kinh tế dự kiến, tác động về mặt xã hội của Liên hiệp kinh tế và tiền tệ Châu Âu, tính khả thi và các thỏa ước giữa các quốc gia Châu Âu với các định chế Châu Âu về cạnh tranh và tăng trưởng, và cuối cùng là các cơ chế tương trợ gắn liền với các thỏa ước kể trên.

Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định với báo giới : « Chúng tôi đã nhất trí được về một lộ trình cho sự phát triển của Liên minh tiền tệ (Châu Âu) ».

Trong thỏa thuận vừa đạt được, các nước Châu Âu không còn vạch ra kế hoạch cho giai đoạn sau các kỳ bầu cử Châu Âu 6/2014 và cũng không nêu ra khả năng thành lập « một ngân sách đối ứng riêng » của khu vực euro, tiền đề cho một ngân sách chung của nhóm sử dụng đồng tiền chung, nhằm hỗ trợ các nước gặp khó khăn trong khu vực euro.

Một « ngân sách đối ứng » là điều vốn được Pháp ủng hộ, nhưng bị Đức và một số nước khác phản đối. Theo Thủ tướng Đức, Châu Âu sẽ dành một ngân sách nhỏ khoảng từ 10 đến 20 tỷ euro để ủng hộ các nỗ lực tăng cường khả năng cạnh tranh.

Trong kết luận của hội nghị kể trên, Hội đồng Châu Âu khẳng định, mỗi giai đoạn mới trong việc tăng cường năng lực điều hành kinh tế của Liên hiệp Châu Âu đều phải "gắn liền với các bước đi mới nhằm tăng cường trách nhiệm và quyền hạn". Theo Tổng thống Pháp François Hollande, vào năm 2014 sẽ có bầu cử Quốc hội Châu Âu. Một Ủy ban Châu Âu mới sẽ được bổ nhiệm, như vậy sau thời điểm đó, sẽ có một cuộc tranh luận về chính trị để xác định các hướng đi cho Châu Âu trong tương lai, cụ thể là việc xem xét lại các thỏa ước của Châu Âu. Tuy nhiên trong hiện tại, vấn đề là cần tiếp tục hành động trong khuôn khổ các thỏa ước có sẵn, để « không bỏ phí thời gian ».

Sau khi đã đạt được đồng thuận về cơ chế giám sát ngân hàng trong ngày hôm qua, lãnh đạo các nước Châu Âu đã nhất trí được về nguyên tắc của các cơ chế giải quyết khủng hoảng ngân hàng, được xem như là để bổ sung cho cơ chế giám sát kể trên. Lãnh đạo các nước Châu Âu hy vọng một thỏa thuận về cơ chế giải quyết khủng hoảng ngân hàng sẽ được ký kết trước tháng 6/2013.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.