Vào nội dung chính
AI CẬP

Đối lập Ai Cập kêu gọi biểu tình, tố cáo gian lận trong cuộc trưng cầu dân ý

Phong trào đối lập tại Ai Cập đã kêu gọi toàn quốc xuống đường vào hôm nay 18/12/2012 để tố cáo hành vi gian lận trong ngày trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp hôm thứ Bảy vừa qua. Trước sự phẫn nộ của dân chúng ngày dâng cao, Tổng thống Morsi đề nghị đối thoại, nhưng các đối thủ của ông cho biết là không muốn gặp. 

Cảnh sát ngăn người biểu tình tiếp cận Hội đồng tối cao Tư pháp tại Cairo ngày 17/12/2012.
Cảnh sát ngăn người biểu tình tiếp cận Hội đồng tối cao Tư pháp tại Cairo ngày 17/12/2012. REUTERS/Mohamed Abd El Ghany
Quảng cáo

Thông tín viên Alexandre Buccianti tại Cairo tường thuật tình hình:

Những đòi hỏi của phe đối lập ngày gia tăng, trong lúc chính quyền thì cứ hành động như không nghe thấy gì. Mặt trận Cứu nguy Tổ quốc (thuộc phe đối lập) yêu cầu đình chỉ các biện pháp gây bất hòa, Tổng thống đáp lại bằng cách kêu gọi đối thoại việc đề cử người ở Thượng viện. Mặt trận phản đối kết quả vòng đầu trưng cầu dân ý mà họ cho là đầy rẫy hiện tượng gian lận và không hợp lệ. Ủy ban bầu cử thì giải thích là ngoài một vài vấn đề về hậu cần, thì mọi chuyện đều diễn ra ổn thỏa.

Mặt trận đánh giá là Hiến Pháp phải được một đa số quan trọng thông qua. Phủ tổng thống cho là chỉ cần đa số đơn thuần, 50%+1 mà thôi. Phe đối lập yêu cầu mở điều tra về vụ nhà báo bị hành hung, trong khi mà chính quyền truy tố các nhà báo vì ‘đã xúc phạm đến tổng thống’. Tóm lại, tình hình đang là một cuộc đối thoại giữa những kẻ điếc. Điều này càng làm sâu thêm hố chia chia rẽ Ai Cập.

Riêng Ủy ban bầu cử có vẻ không quan tâm gì đến sự phản đối của các thẩm phán cũng như tuyên bố của các thẩm phán trong Hội đồng Nhà nước, cho biết là sẽ không giám sát vòng hai cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử cho là họ có đủ thẩm phán dự bị để làm công việc này.

Xin nhắc lại là để giám sát cuộc bỏ phiếu phải cần đến gần 7.000 thẩm phán và phải giám sát toàn bộ hai lần bầu để cuộc bỏ phiếu có thể được công nhận là hợp pháp. Số thẩm phán giám sát vòng đầu chỉ vừa đủ. Phe đối lập còn tố cáo việc một số thẩm phán đã được những người thân cận với đảng Huynh đệ Hồi giáo thay thế.

Dù sao thì hiện nay, Ủy ban vừa bị thiếu hụt ít ra 1.500 thẩm phán. Cho nên họ chỉ có 2 lựa chọn : Thuyết phục các thẩm phán trở lại làm việc, hoặc phải có ‘giải pháp sáng tạo’.

Tình hình càng khó khăn hơn đối với chính phủ Morsi khi Chưởng lý vừa mới được bổ nhiệm là ông Talaat Ibrahim, đã từ chức vào hôm qua. Trước đó vài tiếng khoảng, 1.300 thẩm phán đã tập hợp trước văn phòng chưởng lý đòi ông từ chức. Phe đối lập chào mừng sự kiện như một thắng lợi của tính độc lập của ngành Tư pháp.

Chưởng lý Talaat Ibrahim được tổng thống Morsi bổ nhiệm vào tháng 11 vừa qua. Việc bổ nhiệm này bị giới thẩm phán kịch liệt chống đối, xem đó là một sự vi phạm tính độc lập của ngành. Đơn từ nhiệm của chưởng lý sẽ được đưa lên Hội đồng Thẩm phán Tối cao vào Chủ nhật tới đây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.