Vào nội dung chính
HOA KỲ - LIBYA

Bốn quan chức cao cấp Mỹ bị mất chức vì vụ Benghazi

Hôm qua thứ Tư 20/12/2012, theo AFP, một trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ đã phải từ nhiệm, đồng thời ba viên chức khác đã bị cách chức, tiếp theo việc công bố một báo cáo, chỉ trích Bộ Ngoại giao Mỹ đã không bảo đảm được an ninh cho lãnh sự quán tại Benghazi, trước cuộc tấn công của Hồi giáo cực đoan ngày 11/09/2012.

Vụ tấn công lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Benghazi 11/09/2012 (REUTERS)
Vụ tấn công lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Benghazi 11/09/2012 (REUTERS)
Quảng cáo

Theo một thông điệp của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngoại trưởng Hillary Clinton đã chấp nhận ngay lập tức quyết định từ nhiệm của ông Eric Boswell, thứ trưởng phụ trách Vụ an ninh ngoại giao. Ông Eric Boswell là người phụ trách an ninh đối với toàn bộ các đại sứ quán và lãnh sự quán của Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, hai giới chức khác trong vụ này, cùng với một viên chức thuộc văn phòng Cận đông của Bộ Ngoại giao, cũng đã bị đình chỉ công tác. Như vậy, thông điệp kể trên của bộ Ngoại giao Mỹ chính thức khẳng định các thông tin trước đó của các đài truyền hình CNN và CBS, và từ phía các dân biểu Cộng hòa.

Ngay lập tức, bà Ileana Ros-Lehtinen, chủ tịch ủy ban đối ngoại của Hạ viện Mỹ, do đảng Cộng hòa kiểm soát, tuyên bố : « Việc từ nhiệm của các quan chức bộ Ngoại giao chưa khép lại câu chuyện này. Chúng ta cần tiếp tục hành động để chính phủ nhìn nhận trách nhiệm về các thất bại nặng nề này, và để tránh xảy ra một vụ Benghazi mới ».

Kể từ thứ ba tuần này, ngành ngoại giao Hoa Kỳ liên tục bị chỉ trích, sau khi báo cáo chính thức của một ủy ban « độc lập » về vụ Benghazi được công bố. Báo cáo này đã chỉ ra « các thất bại và khiếm khuyết của hai cơ quan thuộc Bộ ngoại giao, phụ trách bảo vệ an ninh (cho lãnh sự quán ở Benghazi). Ngành bảo vệ an ninh ngoại giao đã bất lực trước cuộc tấn công ».

Xin nhắc lại là, vụ tấn công khủng bố ngày 11/09/2012 của lực lượng Hồi giáo cực đoan đã khiến đại sứ Hoa Kỳ tại Libya Christopher Stevens và ba nhân viên Mỹ thiệt mạng.

Vào tháng 9, tiếp theo vụ khủng bố, ngoại trưởng Hillary Clinton đã quyết định thành lập một ủy ban « độc lập » - có tên gọi « Ủy ban xem xét hành động của chính phủ » (ARB) – để điều tra về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan.

Hôm qua, thứ trưởng bộ Ngoại giao William Burns thừa nhận rằng, báo cáo của ARB đã chỉ ra « các khiếm khuyết nghiêm trọng và không thể chấp nhận được » của Bộ Ngoại giao và khẳng định đã nhận được « những bài học rất nặng nề và đau đớn » từ vụ Benghazi. Các dân biểu Cộng hòa yêu cầu ngoại trưởng Mỹ ra điều trần trước Quốc hội. Nếu bà Hillary Clinton vắng mặt, thì thứ trưởng William Burns phải giải trình trước các Ủy ban đối ngoại của lưỡng viện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.