Vào nội dung chính
HOA KỲ

Nhiệm kỳ của ngoại trưởng Clinton không trọn vẹn vì Benghazi

Bốn năm đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton được báo chí đánh giá là “siêu năng động”. Bà Clinton đã “ngang dọc” trên thế giới, đặc biệt đã đóng một vai trò quan trọng trong chính sách trở lại Châu Á-Thái Bình Dương của tổng thống Barack Obama.

Ngoại trưởng Hillary Clinton và tổng thư ký NATO, Anders Fogh Rasmussen (Reuters)
Ngoại trưởng Hillary Clinton và tổng thư ký NATO, Anders Fogh Rasmussen (Reuters)
Quảng cáo

Thế nhưng, bức tranh tổng kết nhiệm kỳ 4 năm của nữ chính khách này có lẽ không tươi sáng trọn vẹn, mà có một vết hoen ố bởi vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ tại Libya hồi tháng 9 rồi. Đó là nhận định của nhật báo Le Monde số ra ngày hôm nay, trong bài viết chạy tựa: “Bảng tổng kết nhiệm kỳ của Hillary Clinton nhạt màu bởi cuộc tấn công vào lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Benghazi”.

Vụ tấn công trên đã diễn ra đúng vào ngày nhạy cảm nhất đối với nước Mỹ : ngày 11/9. Những tên khủng bố đã tấn công bất ngờ vào tòa lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thủ đô Benghazi của Libya, làm thiệt mạng đại sứ Mỹ tại Libya ông Christopher Stevens và ba nhân viên ngoại giao khác của Mỹ. Ngày 20 tháng này, bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã phải điều trần trước Ban đối ngoại của lưỡng viện quốc hội về một bản báo cáo theo đó đã có những thiếu sót ở một số cơ quan bộ ngoại giao để dẫn đến việc thành lập một hệ thống an ninh tại lãnh sứ quán nói trên không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Bản báo cáo trên được đệ trình bởi một ủy ban điều tra độc lập về hành động của chính phủ Mỹ (ARB). Báo cáo nêu rõ, trước khi cuộc tấn công xảy ra, các cơ quan tình báo Mỹ đã không hề có một thông tin cấp báo nào cho thấy tòa lãnh sự có nguy cơ bị tấn công. Điểm đáng chú ý là những kẻ tấn công đã có thể xâm nhập lãnh sự quán Mỹ với thuốc nổ và vũ khí. Những tên này được cho là chiến binh Hồi Giáo cực đoan thân cận với tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaida.

Trong buổi điều trần, thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ ông William Burns đã thừa nhận trách nhiệm của bộ Ngoại giao về vụ việc. Ông cho biết: “Đã có những vấn đề nghiêm trọng và không thể chấp nhận được” mà bộ Ngoại giao phải chịu trách nhiệm. Ông cũng cho biết: “Chúng tôi đã nhận được một bài học kinh khiếp”.

Khi bản báo cáo được công bố, bà Hillary Clinton đã gửi thư điện tử cho biết là chấp nhận tất cả những khuyến nghị của ủy ban điều tra nói trên. Bà thông báo sẽ cho tăng cường hàng trăm lính thủy đánh bộ để bảo vệ các cơ quan ngoại giao Mỹ ở các nước như Afghanistan, Ai Cập, Azerbaidjan, Indonesia, Irak, Jordani, Libya, Syria, Tunisia, Kenya, Nigeria và Yemen.

Báo cáo cũng yêu cầu trong 10 năm tới phải dành 2,3 tỷ đô la cho các hoạt động này. Le Monde cho biết, hôm thứ Tư này, thứ trưởng đặc trách an ninh của bộ ngoại giao Mỹ Eric Boswell đã từ chức, ba quan chức khác của bộ này cũng đã bị cách chức.

Bà Hillary Clinton không có mặt trong buổi điều trần vì lý do sức khỏe. Theo Le Monde, các bác sỹ của bà đã đề nghị bà phải nghĩ ngơi đến hết giữa tháng 01/2013. Bà Hillary năm nay 65 tuổi, sẽ chính thức rời nhiệm sở vào ngày 20/01/2013 theo chính yêu cầu của bà.

Nhiều nhà phân tích cho rằng bà tạm đình binh để chuẩn bị cho kỳ bầu cử tổng thống vào năm 2016. Kế nhiệm bà sẽ là ông John Kerry, một cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam. Le Monde cho biết, thật đúng là trò đời trớ trêu bởi trong buổi điều trần vừa qua, ông Kerry là chủ trì vì ông là đương nhiệm chủ tịch ủy ban đối ngoại của thượng viện.

Châu Âu và Pháp hoan nghênh tân ngoại trưởng Mỹ

Cũng nhìn về ngành bộ ngoại giao Hoa Kỳ, nhật báo cánh tả Pháp Libération có bài: “John Kerry, một ngoại trưởng ăn khớp với Châu Âu”. Tờ báo cho biết, đối với Châu Âu và Pháp, việc ông John Kerry trở thành ngoại trưởng Mỹ là một tin đại hỉ, nhất là đối với Pháp vì ông Kerry là người nói tiếng Pháp và thuộc hàng “thân Pháp”.

Một quan chức ngoại giao Pháp được Libération trích dẫn: “Ông Kerry về cơ bản là ăn khớp với Pháp và Châu Âu trên những hồ sơ mà ông quan tâm như hồ sơ hạt nhân Iran, hòa bình Trung Đông hay biến đổi khí hậu”. Quan chức Pháp này cũng thừa nhận ông Kerry là “một người có khát vọng”.

Một quan chức ngoại giao Châu Âu nhận định, ông Kerry là người “có óc sáng tạo”. Libération cho biết thêm, từ lâu ông Kerry đã là nhân vật thân thiện với các lãnh đạo thế giới. Ông đã được tổng thống Obama cử đi làm nhiệm vụ ngoại giao ở một số nơi nhạy cảm như Afghanistan, Pakistan và Trung Đông. Từ bốn năm nay, ông Kerry giữ chức chủ tịch ủy ban đối ngoại thượng viện.

Ai Cập : chính trị, tôn giáo và kinh tế …. rối bù

Hôm nay, ngày 22/12/2012, tại Ai Cập diễn ra đợt hai cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo Hiến pháp gây chia rẽ sâu sắc đất nước này từ mấy tuần qua. Báo chí Pháp hôm nay chú ý đến sự kiện này, trong đó đáng chú ý nhất là bài của đặc phái viên báo Libération tại Ai Cập với dòng tựa “Bản Hiến pháp, mối đe dọa tiềm ẩn đối với tín đồ chính thống giáo tại Ai Cập (Copte)”.

Bài viết được thực hiện tại thành phố Al-Minya tỉnh Minya, một trong 17 tỉnh thực hiện đợt hai cuộc trưng cầu dân ý hôm nay. Bài viết cho thấy sự lo ngại của người Copte về tính Hồi Giáo cực đoan trong bản dự thảo Hiến pháp. Bài viết dẫn lời của một linh mục địa phương cho biết, gần như toàn bộ người Copte của khu vực miền Trung Ai Cập không chấp nhận bản Hiến pháp.

Theo vị linh mục này, nguyên nhân không chấp nhận đến từ mối lo ngại bị Hồi Giáo cực đoan thống trị. Vị linh mục nói: “Nói chung là những người Cơ Đốc Giáo cảm thấy bị đe dọa. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi đối chọi với người Hồi Giáo. Đã từ lâu chúng tôi sống và làm việc cùng nhau. Thế nhưng, chính phong trào Huynh đệ Hồi Giáo và các đồng minh Salafi của họ đã đe dọa sự cộng sinh này. Họ dùng chiêu bài chia rẽ để thiết lập quyền lực trên toàn xã hội”.

Trong khi đó, những người Hồi Giáo ở địa phương này thì nói điều ngược lại. Họ cho rằng cần thiết phải thông qua dự thảo Hiến pháp để thiết lập sự ổn định cho đất nước. Thế nhưng, khi bàn về tính Hồi Giáo cực đoan trong bản dự thảo Hiến pháp thì họ có vẻ độc tài trong tư tưởng. Bài viết dẫn lại ý kiến một tín đồ Hồi Giáo ở đấy để minh chứng. Người này nói: “Chúng tôi không cấm người Cơ Đốc Giáo khi ra được phải đeo khăn che mặt, nhưng chúng tôi sẽ thuyết phục họ ….Mục đích của chúng tôi là giáo dục dân chúng chứ không phải ép buộc họ bằng vũ lực. Nên nhớ rằng Ai Cập là một đất nước bảo thủ”.

Bài viết cũng cho biết, cách Al-Minya chừng 1h xe, ở bờ bên kia dòng sông Nil, thị trấn Barsha có 25 000 dân số với 4 nhà thờ Copte và 16 đền thờ Hồi Giáo. Người dân ở đây từ lâu sống hòa thuận cùng nhau, tối lửa tắt đèn có nhau. Nhưng về bản dự thảo Hiến Pháp lần này thì họ cũng bị chia rẽ. Người Copte thì phản đối, người Hồi Giáo thì ủng hộ.

Trong bối cảnh tranh cải mang màu sắc vừa chính trị vừa tôn giáo đó, thì cái cần thiết nhất tại Ai Cập bây giờ lại là vấn đề kinh tế, tức chuyện cơm áo gạo tiền của người dân. Về vấn đề này hai bên Hồi Giáo và Copte có vẻ đồng thuận. Một người Hồi Giáo nhận định: “Chúng ta cần ổn định để kinh tế phục hồi, để giá cả giảm xuống”. Một người Copte cũng chia sẻ: “Vấn đề thật sự chính là tình hình kinh tế”. Người này còn tuyên đoán mạnh dạng rằng: Nếu kinh tế tiếp tục điêu tàn, thì trong tương lai các cuộc nổi dậy sẽ còn dữ dội hơn năm 2011; và nếu tổng thống Morsi không làm việc hiệu quản trong hồ sơ kinh tế thì ông ta “sẽ bị quét đi”.

Cuộc chiến Syria: Nga sắp bỏ chính quyền Assad ?

Báo chí Pháp hôm nay tiếp tục thông tin về cuộc khủng hoảng tại Syria, trong đó đáng chú ý là bài đăng trên le Figaro với dòng tựa cảnh báo: “Putin đang giữ khoảng cách với chính quyền Damas”. Tờ báo cho biết, sau cuộc họp thượng đỉnh Nga-EU ngày hôm qua tại Bruxelles, tổng thống Nga Putin bày tỏ hy vọng nhìn thấy “sự nổi lên của một hệ thống dân chủ dựa trên nguyện vọng của người dân Syria”. Ông nói thêm: “Tôi không phải là luật sư của chính quyền Damas. Theo tôi trước hết cần đồng thuận về tương lai Syria dựa trên lợi ích của tất cả người dân, của tất cả cộng đồng thiểu số về sắc tộc và tín ngưỡng. Tất cả các bên có liên quan phải ngồi vào bàn đàm phán”.

Với những tuyên bố đó, Le Figaro cho rằng, ông Putin đã tiếp tục thể hiện quan điểm xa dần đối với chính quyền Damas. Trước đó, trong cuộc họp báo tại Nga, tổng thống Putin đã tuyên bố “cần thiết có sự thay đổi chính trị ở Syria”. Như vậy, theo tờ báo, Nga không còn coi mình là một “đồng minh vô điều kiện” của chính quyền Assad nữa. Tờ báo nhấn mạnh, trong mắt của ông chủ điện Kremlin, sự tồn tại của chính quyền Damas chỉ còn tính từng ngày.

Bên cạnh đó, Le Figaro cũng có bài cho biết tình hình thiếu quần áo và lương thực đang trầm trọng tại Syria, và càng trở nên trầm trọng khi mà nguồn hảo tâm quyên góp của cộng đồng thế giới không đủ yêu cầu và do chiến loạn nên vật dụng cứu trợ không thể tiếp cận được nhiều khu vực. Trong bối cảnh ảm đạm đó, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc và Liên Đoàn Ả Rập ông Brahimi lại dọa sẽ từ chức, khiến cho lối thoát hòa bình tại Syria đã bế tắt lại càng bế tắc.

Ngày tận thế ... rốt cuộc đã không đến

“Ở làng Bugarach, hội Carnaval của ngày tận thế đã kết thúc”, đó là tựa đề bài viết đăng trên Le Figaro nhìn về ngày tận thế vừa qua. Ngày 21/12 hôm qua, những người tin theo truyền thuyết Maya hồi hộp chờ đợi ngày tận thế. Và cuối cùng, hôm nay cả thế giới vẫn sống tốt, có nghĩa là tin đồn tận thế lần thứ 184 trong lịch sử loài người đã “thất bại”.

Ngôi làng Bugarach nói trên dưới chân núi Pic de Bugarach thuộc tỉnh Aude miền nam nước Pháp. Pic de Bugarach là đỉnh cao nhất của dãy núi Corbieres, với độ cao 1230 mét, được tin là nơi trú ẩn cuối cùng cho tất cả những ai tin vào viễn cảnh đáng sợ của ngày tận thế.

Vào ngày được cho là tận thế hôm qua, 21/12, thì tại ngôi làng này mọi việc có vẻ tấp nập hơn. Tấp nập hơn không phải bị náo loạn bởi ngày tận thế, mà đó là khách du lịch đông hơn, mọi người vui đùa nhiều hơn, thậm chí nhiều người còn tận dụng cơ hội để giao dịch làm ăn. Đến buổi chiều, không khí trở nên thoải mái hơn những ngày trước. Mọi người tưng bừng hóa trang, có người hóa trang thành người ngoài hành tinh, có người tham gia diễu hành.

Đặc biệt trong đám đông còn có cả chức sắc tôn giáo của Quốc hội Pháp. Người này đến Bugarach không phải để lánh nạn, mà theo Le Figaro là để … đọc diễn văn trấn an mọi người. Một vị lãnh đạo địa phương thậm chí còn đùa với đám đông: “Nếu quý vị nhìn thấy một đĩa bay, quý vị có dám leo lên thử hay không?”. Vui chơi nhưng không quên nhiệm vụ: chính quyền địa phương quyết định duy trì tình trạng kiểm soát ở một số địa điểm xung quanh ngôi làng đề phòng kẻ xấu “đục nước béo cò”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.