Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

Washington phê phán việc lãnh đạo Google tới Bắc Triều Tiên

Theo AFP, hôm qua 03/01/2013, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo chuyến đi của chủ tịch tập đoàn internet nổi tiếng Google Eric Schmidt tới Bắc Triều Tiên là « không đúng lúc », trong bối cảnh Bình Nhưỡng vừa có vụ thử tên lửa mới đây, gây nhiều chỉ trích. Cho đến nay, Google từ chối đưa ra thông tin về chuyến đi của ông Eric Schmidt.

Eric Schmidt ông chủ của Google.
Eric Schmidt ông chủ của Google. Reuters/Brendan McDermid/Files
Quảng cáo

Trong một cuộc trả lời báo giới, bà Victoria Nuland - người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ - tuyên bố : « Thực sự mà nói, chúng tôi không nghĩ rằng thời điểm (của chuyến đi này) là thực sự có lợi … trong bối cảnh các hành động mới đây (của Bình Nhưỡng) ». Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh đến vụ thử tên lửa tầm xa của Bắc Triều Tiên vào tháng trước.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định rằng, hai ông Eric Schmidt và Bill Richardson đã được thông báo về lập trường của bộ Ngoại giao về chuyến đi này là : họ không mang « bất cứ một thông điệp nào » của chính quyền Hoa Kỳ.

Hôm qua, bộ Ngoại giao Hàn Quốc xác nhận rằng ông chủ của Google sẽ đến Bắc Hàn trong thời gian tới. Tuy nhiên, Seoul cũng không có thông tin về thời điểm cụ thể, cũng như mục tiêu của chuyến đi.

Thông tin về chuyến đi của ông Eric Schmidt thoạt tiên được hãng thông tấn AP và tờ The Wall Street Journal thông báo. Theo đó, ông chủ Google sẽ tới Bắc Triều Tiên trong một phái đoàn nhân đạo, do cựu thống đốc tiểu bang New Mexico Bill Richardson đứng đầu.

Cựu thống đốc tiểu bang New Mexico đã tới Bắc Triều Tiên nhiều lần trong 20 năm qua, để thương thuyết về việc trả tự do cho các kiều dân Mỹ. Lần gần nhất ông Richardson tới Bắc Hàn là vào năm 2010 nhằm làm dịu căng thẳng, sau vụ Bình Nhưỡng pháo kích vào một hòn đảo của Hàn Quốc, khiến 4 người thiệt mạng.

Cuối tháng 12/2012, Bình Nhưỡng thông báo đã bắt giữ một công dân Mỹ gốc Triều Tiên, ông Pae Jun-Ho vào ngày 03/11, khi người này nhập cảnh vào Bắc Triều Tiên với tư cách khách du lịch. Chính quyền Bình Nhưỡng cáo buộc công dân Hoa Kỳ nói trên đã « phạm tội », nhưng không đưa ra các thông tin cụ thể.

Năm 2010, sự can thiệp của cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã từng giúp cho ông Aijalon Mahli Gomes được trả tự do. Công dân Mỹ này bị kết án 8 năm tù khổ sai, vì tội vào Bắc Hàn không có giấy phép. Một năm trước đó, cựu tổng thống Bill Clinton cũng đã thành công trong việc giúp cho hai nhà báo Mỹ - Laura Ling và Euna Lee - được trả tự do.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.