Vào nội dung chính
CUBA - NHÂN QUYỀN

Người dân Cuba sắp được tự do xuất cảnh

Kể từ ngày 14/01 năm nay, người dân Cuba có thể tự do ra nước ngoài mà không cần phải có giấy phép xuất cảnh cũng như là phải có thư mời của người sống ở nước ngoài theo như quy định trước đây. Theo quy định mới, chỉ cần có passport và visa nhập cảnh của nước muốn đến là đủ. Với thông báo mới này, chính quyền La Habana dự đoán sẽ có một làn sóng di cư ồ ạt

Một công dân Cuba với tấm hộ chiếu mới, trước cửa cơ quan xuất cảnh Cuba, 11/01/2013.
Một công dân Cuba với tấm hộ chiếu mới, trước cửa cơ quan xuất cảnh Cuba, 11/01/2013. REUTERS/Enrique De La Osa
Quảng cáo

Le Figaro nhận xét, người dân Cuba đang mừng run trước một cuộc cách mạng mới. Đó là khả năng đi du lịch dễ dàng hơn. Kể từ thứ hai sắp đến, 14/01/2013, người dân trong nước được phép tự do xuất nhập cảnh, mà không cần phải có các giấy phép xuất cảnh và thư mời của người định cư ở nước muốn đến. Chỉ cần có passport và thị thực nhập cảnh của quốc gia muốn đến là đủ. Thời hạn vắng mặt trong nước là hai năm và có thể được gia hạn, thay vì là 11 tháng như trước đây. Đồng thời, người đi du lịch còn có thể giữ nơi ở.

Sau chính sách mở cửa kinh tế do ông Raul Castro đưa ra, đây là chính sách di dân được người dân Cuba trông đợi nhiều nhất. Theo quan sát của Le Figaro, giới trẻ và giới kinh doanh là tầng lớp dân cư háo hức muốn rời khỏi đất nước nhất. Một số sinh viên sẵn sàng từ bỏ ghế nhà trường, dù đó là năm học cuối cùng của bậc cao học với mong ước có thể tìm được ai đó tài trợ cho mình việc xuất cảnh. Vì theo quy định của nhà nước, sinh viên sau khi tốt nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ cho nước trong vòng hai năm nhà nước trước khi có thể đi ra các nước khác.

Tuy nhiên, niềm vui đó không được chia sẻ đồng đều như nhau. Nguời lớn tuổi thì có thái độ thận trọng và cái nhìn chín chắn hơn. Họ cho rằng không phải ai cũng có thể và có đủ điều kiện để đi đến các nước khác để sinh sống hay lập nghiệp, do đồng peso của Cuba không có giá ở nước ngoài.

Ngay cả chuyện đi du lịch cũng không phải là dễ. Hiện nay, tại Cuba, các công ty du lịch vẫn còn hiếm hoi và chi phí cho một chuyến bay, chẳng hạn từ Cuba sang Hoa Kỳ cũng đã tiêu mất hết hai tháng lương kỹ sư.

Thế nhưng, Le Figaro cho rằng chính phủ Cuba có một cái nhìn rất thực dụng trong chính sách di cư mới này. La Habana dự đoán rằng sẽ có làn sóng di cư ồ ạt sau khi quy định mới có hiệu lực. Như vậy, đối với Cuba, nguồn thu từ ngành du lịch, cộng với lượng ngoại tệ gởi từ nước ngoài về, sẽ là những nguồn thu nhập chính cho đất nước. Bên cạnh đó, việc gây khó khăn về mặt hành chính cũng không ngăn cản được người dân quyết tâm rời đảo quốc này một cách phi pháp. Đồng thời còn làm giàu cho những kẻ tổ chức đưa người trái phép sang Hoa Kỳ, thông qua ngả Mêhico hay Trung Mỹ.

Trước chính sách mở cửa mới này của La Habana, các cơ sở ngoại giao tại Cuba cũng lên tiếng cảnh báo rằng thủ tục xin cấp giấy thị thực nhập cảnh cũng không phải dễ dàng. Nhất là, theo lời một quan chức ngoại giao, lưu ý rằng sẽ không có chuyện cấp visa nhập cảnh cho những cô gái trẻ tuổi đôi mươi ý định rời đất nước bằng cách lập gia đình với những ông già tuổi « thập cổ lai hy ».

Về phần mình, chính quyền La Habana cũng nêu rõ nhà nước vẫn có thể từ chối cấp passport vì lý do chính trị. Bên cạnh đó, chính phủ đã có những biện pháp để phòng ngừa việc chảy máu chất xám, trước hiện tượng « săn lùng nhân tài từ các nước có thế lực », theo như thông báo đăng trên tờ Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba.

Đây là một quy định bất di bất dịch đang gây bất bình trong giới nhân sĩ trí thức trong nước. Họ cho rằng chính phủ đang có sự đối xử bất công đối với giới trí thức, những người mất nhiều năm theo đuổi chuyện học hành.

Cuối cùng, Le Figaro nhận định rằng, dĩ nhiên biện pháp mới ban hành này không những không đặt dấu chấm hết cho các vụ vượt biên trái phép, mà sẽ còn đẩy mạnh hơn nữa hiện tượng di cư hợp pháp kể từ năm 1958. Trong con mắt nhà cầm quyền La Habana, Washington sẽ phải chịu trách nhiệm chính về việc từ chối cấp visa trong các vụ chìm tàu đưa người vượt biên trái phép.

Pháp : Biểu tình phản đối đạo luật « Hôn nhân cho tất cả mọi người »

« Hôn nhân cho tất cả mọi người » là chủ đề thời sự nóng bỏng trên các trang báo Pháp cuối tuần. Các tờ báo đều dự đoán rằng cuộc biểu tình chống dự thảo luật « Hôn nhân cho tất cả mọi người », diễn ra vào ngày mai, chủ nhật 13/01/2013, sẽ thu hút đông đảo người tham gia, kể cả các chính khách.

Trang nhất Le Figaro chạy tít « Gia đình : tổng động viên ». Tờ báo dành hẳn trang 2 và 3 để bàn về chủ đề nhạy cảm này. Đối với tờ báo thiên hữu, ngày mai sẽ là một « cuộc biểu tình cho tất cả mọi người » nhằm chống lại dự thảo luật « hôn nhân cho tất cả mọi người ». Tham gia biểu tình sẽ có các lãnh đạo cao cấp của cánh hữu, như đảng UMP và phe cực hữu Mặt trận Quốc gia (Front National).

Trong bài xã luận đề tựa « Người Pháp bắt đầu lên tiếng », Le Figaro cho rằng cuộc biểu tình ngày mai « không đơn giản chỉ là phản ứng của những người theo Công giáo ». Khi mà hàng trăm ngàn người xuống đường, từ mọi miền đất nước, bất kể là tôn giáo nào, đủ mọi lứa tuổi, là vì người Pháp muốn lên tiếng. Bởi vì cho đến giờ tiếng nói của họ đã không được lắng nghe. Vì những người ủng hộ cải cách đã không đưa vấn đề này ra bàn cãi một cách chính thức. Bài viết cho rằng tiếng nói của người dân đã bị một nhóm thiểu số cộng đồng người đồng giới đè lấp, những người đã bỏ phiếu ủng hộ ông Francois Hollande, trong kỳ bầu cử tổng thống năm rồi.

« Nói không với hôn nhân đồng tính : những điều cơ bản của một phong trào rộng lớn » là tít lớn trên trang nhất Le Monde. Cuộc biểu tình ngày mai được tờ báo đánh giá có tầm vóc quan trọng. Tờ báo phác họa lộ trình đoàn biểu tình, nguyên nhân phát sinh sự phản đối, vai trò của Giáo hội, và bài điều tra về phe hữu và những quan niệm xã hội về vấn đề này.

Đáng chú ý nhất là trong bài viết « Hôn nhân cho tất cả mọi người : nguồn gốc của làn sóng phản đối », Le Monde cho rằng những người theo Công giáo là hạt nhân chính của phong trào phản đối chống dự thảo luật.

Theo bài báo, đợt biểu tình hôm 17/11 năm vừa qua với hơn 100 ngàn người tham dự, là một thành công lớn của các hiệp hội công giáo (những tổ chức đấu tranh vì gia đình, trẻ thơ và chống phá thai…). Sự việc còn cho thấy khả năng kích động các mạng lưới tại Pháp, tính hiệu quả của giới cư dân « mạng công giáo » và nhất là kể từ hồi tháng 8 năm rồi, bài diễn văn của Giáo hội đã bày tỏ thái độ kiên quyết phản đối dự thảo luật của chính phủ.

Le Monde nhận định rằng việc chống lại dự thảo luật đã nhen nhóm ngay từ mùa hè năm rồi. Vào ngày 15/8/2012, trong một buổi thánh lễ, Đức Hồng Y André Vingt-Trois, chủ tịch Hội đồng giám mục Pháp, đã kêu gọi cầu nguyện sao cho « trẻ thơ và tuổi trẻ không còn là mục tiêu của những sự ham muốn và những xung đột của người lớn để được hưởng đầy đủ tình thương của cha và mẹ ».

Bên cạnh những người theo Thiên chúa giáo toàn thống, những người phản đối mạnh mẽ nhất, thậm chí có thái độ bài trừ những người đồng tính, làn sóng phản đối còn quy tụ những người theo các tôn giáo khác, không có đạo hay một số nhân vật có tiếng tăm, kể cả một số chính trị gia. Tuy nhiên, Le Monde cho rằng, những người phản đối đó, ít nhiều gì cũng có chút cảm tình với Công giáo.

Thế nhưng, không phải tất cả những ai theo Công giáo đều phản đối hôn nhân đồng tính. Trong một thăm dò Ipsos cho tờ báo Công giáo « Người hành hương » (Le Pèlerin) thực hiện hôm 10/01 vừa qua, có đến 41% số người được hỏi ủng hộ cho hôn nhân đồng tính (so với mức 70% người Pháp được hỏi). Nhưng liên quan đến việc nhận con nuôi, có đến 70% số người được hỏi phản đối (so với mức 54% trên toàn nước Pháp).

Trong bối cảnh đó, nhiều giám mục lên tiếng kêu gọi xuống đường. Các nhà tổ chức nhận được nhiều sự ủng hộ từ những tín đồ Công giáo tình nguyện. Le Monde ước tính, đợt biểu tình ngày mai tốn ít nhất một triệu euro cho các nhà tổ chức mà nguồn tài trợ chủ yếu từ các khoản đóng góp cá nhân và các hoạt động quyên góp.

Nhật Bản : 86,4 tỷ euro được giải ngân để phục hồi nền kinh tế

Theo phụ san kinh tế báo Le Figaro, ngay sau khi tân thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố « giải ngân 10.300 tỷ yên (tương đương 86,4 tỷ euro) để vực dậy nền kinh tế đất nước », thị trường tài chính Nhật Bản dường như khởi sắc trở lại. Môi trường kinh doanh tại Nhật cũng bắt đầu có tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, theo tân thủ tướng, để giúp đất nước thoát khỏi trì trệ hoàn toàn cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ và Ngân hàng trung ương Nhật.

Le Figaro cho biết trong số 10.300 tỷ yên đó, tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ chi 3.800 tỷ (35 tỷ euro) cho công cuộc tái thiết các vùng Đông-Bắc bị tàn phá nặng nề bởi sóng thần và tai nạn hạt nhân Fukushima xảy ra vào ngày 11/3/2011 và 3.100 tỷ (gần 30 tỷ euro) để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhằm phát triển hoạt động sản xuất ở nước ngoài.

Một chuyên gia kinh tế thuộc tập đoàn Pricewatehouse của Pháp nhận xét, để thực hiện chính sách đó, Nhật Bản phải dựa vào nguồn dự trữ tiền mặt quan trọng của mình để phát triển các hoạt động đầu tư.

Đây là một trong những chính sách hỗ trợ tài chính quan trọng nhất kể từ bùng nổ khủng hoảng kinh tế vào năm 2008-2009.

Le Figaro cho biết, bất chấp việc hôm qua công bố thâm thủng ngân sách 222,4 tỷ yên, trong tháng 11 năm rồi, thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng 1,4% ngày lúc kết thúc phiên giao dịch. Và giá đồng yên so với đô la đã rớt xuống đến mức thấp nhất kể từ hơn hai năm rưỡi nay.

Đối với ông Shinzo Abe, đây là chiến thắng trong công cuộc chống sự đắt đỏ của đồng tiền, vốn đang gây thiệt hại cho ngành xuất khẩu của đất nước.

Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản cũng không thể nào chỉ trông cậy vào một bản kế hoạch bổ sung như vậy. Ông Abe hy vọng Hạ viện có thể thông qua việc triển hạn khoản ngân sách 13.100 tỷ yên (110,2 tỷ đô-la) vào cuối tháng giêng này. Nhất là ông muốn nâng mức lạm phát lên 2% thay vì là 1%.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, ông Shinzo Abe buộc phải có sự chấp thuận của ngân hàng trung ương Nhật Bản (Boj). Để chấm dứt tình trạng giảm giá đang kìm hãm các hoạt động sản xuất, cản trở đầu tư và gây tê liệt thị trường tiêu thụ, ông Abe cho rằng cần phải « làm việc tay trong tay ». Le Figaro nhận xét, đây một lời mời hợp tác lịch sự, nhưng chẳng khác gì là lời đe dọa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.