Vào nội dung chính
ALGERI

Vụ bắt con tin tại Algeri kết thúc đẫm máu

Vụ bắt con tin tại cơ sở khí đốt In Amenas đã kết thúc hôm qua 19/01/2013, sau khi lực lượng đặc nhiệm của quân đội Algeri mở cuộc tấn công cuối cùng, với nhiều con tin ngoại quốc và Algeri thiệt mạng. Nhưng cho tới hôm nay cũng vẫn chưa có thống kê chính xác về số nạn nhân. 

Những con tin người Algeri đầu tiên thoát khỏi tay của những kẻ bắt cóc tại cơ sở dầu khí  In Amenas chiều ngày 18/01/2013. Ảnh chụp qua truyền hình Algeri ENTV.
Những con tin người Algeri đầu tiên thoát khỏi tay của những kẻ bắt cóc tại cơ sở dầu khí In Amenas chiều ngày 18/01/2013. Ảnh chụp qua truyền hình Algeri ENTV.
Quảng cáo

Theo báo chí chính thức của Algeri, 11 kẻ bắt con tin đã giết 7 con tin ngoại quốc cuối cùng, trước khi bị quân đội Algeri bắn hạ tại cơ sở khí đốt In Amenas ( nằm cách thủ đô Alger 1.300 km về phía Đông Nam ), nơi mà hàng trăm người Algeri và hàng chục người ngoại quốc đã bị một nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan bắt làm con tin từ ngày 16/01/2013.

Theo thống kê tạm thời của Bộ Nội vụ Algeri, kể từ khi mở chiến dịch tấn công vào cơ sở khí đốt In Amenas, lực lượng đặc nhiệm đã giải cứu được tổng cộng 685 nhân viên người Algeri và 107 người ngoại quốc. Lực lượng này đã bắn hạ 32 kẻ bắt con tin. Cũng theo Bộ Nội vụ Algeri, ngoài 21 con tin chết trong lúc bị cầm giữ, hai người, một người Algeri và 1 người Anh đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan vào chiếc xe bus chở các nhân viên của cơ sở khí đốt trước khi diễn ra vụ bắt con tin. Tức là có tổng cộng 23 con tin ngoại quốc bỏ mạng. Thế nhưng, ngay chính Bộ trưởng Truyền thông Mohamed Said hôm nay nhìn nhận rằng số nạn nhân của vụ bắt con tin này có thể cao hơn nữa.

Về phía Tokyo thông báo là có 10 công dân Nhật Bản còn mất tích, như trường hợp của 5 công dân Na Uy và 2 công dân Malaysia. Luân Đôn thì vừa cho biết là 3 công dân Anh và 1 người sống ở Anh được xác nhận đã thiệt mạng, còn 3 công dân Anh khác thì « gần như chắc chắn » cũng đã chết. Trong số những người ngoại quốc mà chính phủ nước họ xác nhận đã thiệt mạng, có 1 người Pháp, 1 người Mỹ và 1 người Rumani.

Bộ trưởng Truyền thông Algeri cũng cho biết là nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan bắt con tin gồm những công dân của ít nhất là 6 quốc gia Ả Rập, châu Phi và ngoài châu Phi ( ám chỉ các nước phương Tây ). Đài truyền hình Nhà nước Algeri tối qua khẳng định là nhóm bắt con tin gồm các công dân Libya, Hà Lan, Tunisia, Syria, Ai Cập, Mali, Yemen và Canada. Báo chí Pháp thì đã nêu khả năng có một người Pháp trong nhóm bắt con tin, nhưng chính phủ Pháp chưa xác nhận thông tin này.

Hiện giờ, người ta đã có thể nhận diện một vài thành viên của nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan bắt con tin ở Algeri. Từ Alger, thông tín viên RFI Berrato Leila tường trình : 

"Lamin Ben Cheneb là một trong những kẻ khủng bố đầu tiên được quân đội Algeri nhận diện. Cách nay ít lâu, nhân vật này đã thành lập phong trào « Trẻ em sa mạc Sahara » và là tác giả nhiều vụ tấn công khủng bố ở miền Nam Algeri.

Người thứ nhì là Abdul Rahman el-Nigeri đã gia nhập Nhóm Hồi giáo Vũ trang GSPC ở miền Bắc Mali và là một người thân cận của Mokhtar Belmokhtar, được là là đầu não vụ bắt giữ con tin ở In Amenas. Abdul Rahman đã từng bị phát hiện tại Mauritani, Mali và Niger. Vào tháng 7/2005, nhân vật này đã tham gia vào một vụ tấn công vào quân đội Mauritani, làm 17 quân nhân thiệt mạng.

Một tay khủng bố khác đã được các giới chức Algeri nhận diện là Abou al-Baraa al-Jazaïri. Đây là kẻ đã liên lạc với đài truyền hình Qatar Al Jazeera ngay ngày thứ nhì của vụ bắt con tin ở In Amenas. Theo giới điều tra, việc Abou al-Baraa al-Jazaïri liên lạc với các báo đài quốc tế cho đây là một trong những nhân vật cao cấp.

Chính quyền Alger cho rằng tất cả những phần tử khủng bố kể trên đã từ biên giới Libya thâm nhập vào lãnh thổ Algeri. Đường biên giới này không còn được kiểm soát chặt chẽ kể từ khi chế độ Kadhafi sụp đổ. Báo chí Algeri cảnh báo : một khi vụ bắt giữ con tin ở In Amenas và chiến dịch giải cứu con tin kết thúc, sẽ có rất nhiều nghi vấn được nêu lên. Hơn nữa, chính quyền Alger sẽ phải thuyết phục dư luận rằng Algeri không phải là địa bàn để các nhóm khủng bố tung hoành. Đấy không phải là nơi để cho các nhóm khủng bố có thể bắt giữ con tin một cách bình an vô sự ! "

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.