Vào nội dung chính
Ý

Tuyên bố "sốc" của Berlusconi về nhà độc tài Mussolini

Sau khi dính líu vào nhiều vụ bê bối tình dục, tài chính cùng các vụ kiện tụng tư pháp liên miên và phải rời khỏi vị trí thủ tướng Ý, ông Silvio Berlusconi lại một lần nữa nhăm nhe trở lại chính trường. Lần này, cựu thủ tướng Ý lại có tuyên bố khiến dư luận và giới chính trị phẫn nộ khi ca ngợi công trạng nhà độc tài Mussolini đối với đất nước trong quá khứ.

Berlusconi ngủ gục trong buổi lễ tưởng niệm nạn nhân của Đức Quốc Xã hôm 27/01/2013 ở Milano (Reuters)
Berlusconi ngủ gục trong buổi lễ tưởng niệm nạn nhân của Đức Quốc Xã hôm 27/01/2013 ở Milano (Reuters)
Quảng cáo

Đây không phải lần đầu tiên Silvio Berlusconi có những phát biểu gây sốc, mục tiêu vẫn chỉ là khuấy động sự chú ý của dư luận, tìm cách trở lại chính trường. Từ Roma, thông tín viên Huê Đăng phân tích :

07:09

Thông tín viên Huê Đăng

Như hàng năm, ngày 27/01 vừa qua hàng loạt lễ “tưởng niệm những nạn nhân diệt chủng của phát-xít Đức” được tổ chức khắp nơi. Và ở thành phố Milano, lễ tưởng niệm được tổ chức ngay tại nhà ga thành phố để nhớ đến hàng đoàn xe lửa đã chuyển tải người Ý gốc Do Thái đến các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Buổi lễ có sự hiện diện của các đại diện của các cơ chế nhà nước, các lực lượng chính trị, các tổ chức cựu kháng chiến, các tổ chức nạn nhân diệt chủng, các tổ chức Do Thái .... Và đặc biệt là có sự hiện diện bất ngờ của ông Silvio Berlusconi.

Nói bất ngờ là bởi vì Silvio Berlusconi không có tên trong danh sách được mời tham dự, nhưng ông ta vẫn cứ đùng đùng đến dự lễ .... Điều ngạc nhiên là trong suốt mấy chục năm cầm quyền, trong cương vị Thủ tướng trước đây, chưa bao giờ Silvio Berlusconi tham gia các ngày lễ tưởng niệm nạn nhân diệt chủng .... vậy mà năm nay ông ta lại “đơn phương quyết định” tham dự lễ ... Một số kẻ xấu mồm thì bảo rằng ... vì nước Ý đang trong mùa tranh cử bầu Quốc hội mới ... và ông Silvio Berlusconi không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để có thể xuất hiện trước công chúng !!!

Vấn đề nổ ra là ngay trong buổi lễ, khi được báo chí hỏi về quyết định của Mussolini áp dụng sắc luật kỳ thi chủng tộc đối với người gốc Do Thái thì Berlusconi lại “biện hộ” rằng “Mussolini đã phải áp dụng luật kỳ thị ... vì bị sức ép của Đức .... Chứ thực ra thì chế độ Mussolini cũng đã làm nhiều điều hữu ích cho nước Ý”.

Thế là một làn sóng công luận phẫn nộ đã nổ ra.

Thực ra thì con người của Silvio Berlusconi không hề có một tư duy chính trị rõ nét. Đối với Berlusconi vấn đề không phải là phân biệt tả hay hữu, phát xít hay cộng sản, bảo thủ hay tiến bộ .... Tư duy duy nhất mà Silvio Berlusconi có trong đầu là “quyền lực kinh tế”. Và để duy trì quyền lực kinh tế có trong tay, nếu cần Silvio Berlusconi không ngần ngại ca ngợi bất cứ một thể chế nào ... và cũng ngay sau đó cũng có thể quay lưng chửi rủa chế độ đó nếu cần.

Cụ thể như công chúng đã thấy Berlusconi đã từng ca ngợi tôn vinh, thậm chí đến hôn tay hôn chân một tay đồ tể độc tài như Kadhafi ... khi ông này còn quyền hành trong tay và Belusconi đang có những mối “áp phe” béo bở với Libya lúc đó ... Để rồi ngay khi chế độ của Kadhafi bị triệt hạ .... thì lập tức cũng chính Berlusconi đã “thở phào nhẹ nhỏm” vì một tên đồ tể gian ác đã bị “thế giới tự do” loại trừ.

Thậm chí trong quá khứ, cũng đã có lần Berlusconi lại quàng khăn đỏ đi diễn hành cùng với các tổ chức cựu kháng chiến kỷ niệm ngày giải phóng nước Ý ... thế rồi để đến hôm nay lại khen ngợi Mussolini. Tất cả những gì mà con người Berlusconi nói và làm ... đều dựa theo các tính toán riêng tư nhất thời lúc đó chứ không phải tuân theo một tư duy chính trị nào cả.

Hiện thời nước Ý đang trong mùa tranh cử, theo các cuộc thăm dò ý kiến cho đến nay thì lực lượng liên minh trung tả vẫn còn đang dẫn đầu với khoảng cách trên dưới 10-12 điểm ... Và do đó hiện nay Berlusconi đang tìm đủ mọi cách để rút ngắn khoảng cách đó.

Những tuyên bố “sốc” kiểu nói trên thực ra chỉ có dụng ý là cố gây được sự chú ý trong công luận để sân khấu chính trị tiếp tục nhắc đến Berlusconi ... dù là nhắc đến một cách chê bai .. còn hơn là bị lãng quên tên tuổi trong mùa tranh cử.

Dư luận, giới chính trị Ý phản ứng ra sao ?

Câu tuyên bố rất “sốc” nói trên của Berlusconi đã gây ra một làn sóng phản đối phẫn nộ trong công chúng. Các lực lượng chính trị, ngoại trừ các lực lượng cực hữu, đều lên tiếng phản đối Berlusconi. Dĩ nhiên là trong mùa tranh cử nên các lực lượng chính trị, nhất là các lực lượng chính trị đối thủ của Berlusconi, cũng đều “tận dụng” tối đa vụ việc để hạ uy tín của Berlusconi.

Thậm chí đến các “đồng minh” cựu phát-xít của Berlusconi cũng phải lấy khoảng cách với Berlusconi ... để tránh bị hệ lụy trong mùa tranh cử.

Các tay chân bộ hạ của Berlusconi thì đang tìm cách “gỡ mìn” với những luận điệu chống chế kiểu: “công luận hiểu lầm câu nói của Berlusconi” ... hoặc “Berlusconi muốn nói đến những giá trị khách quan lịch sử” ... Hay thậm chí ... là các lực lượng chính trị đối thủ đang tìm cách thổi phồng vụ việc với thâm ý tranh cử ....

Báo chí truyền thông quốc tế cũng đã lên tiếng chỉ trích khá đông. Tuy nhiên, phải nói là công luận phần lớn không ai tin rằng Berlusconi có thể rút ngắn khoảng cách tranh cử với các lực lượng đối thủ bằng những “thủ thuật” kiểu tuyên bố “sốc” như thế này .... Thậm chí nó có thể càng làm tăng thêm sự nhàm chán của công luận trước một Berlusconi đã “quá đát”. 

Mặc dù theo các cuộc thăm dò ý kiến thì khó mà Berlusconi có thể thắng cử, nhưng xem ra Berlusconi vẫn còn nuôi hy vọng trở lại chính trường Ý? Thực chất ý đồ của Berlusconi trong lần đọ sức chính trị lần này là như thế nào ?

Đúng là cho đến nay, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy là Berlusconi cùng các đồng minh cũng chỉ chiếm được trên dưới khoảng 30% số phiếu, trong khi phe trung tả có thể có 38% và lực lượng trung dung của ông Mario Monti có thể được 16%.

Kịch bản giản dị trước mắt là hai lực lượng trung tả và trung dung có thể bắt buộc phải hợp tác với nhau để có đa số trong quốc hội và nắm quyền hành pháp.

Do đó, chiến lược của Berlusconi kỳ này không phải là thắng cử để có đa số trong Quốc hội, mà chỉ cần làm giảm tối đa mức thắng cử của các lực lượng đối thủ ... và như thế có nghĩa là Quốc hội mới cũng sẽ có đa số rất mỏng ... và không có sự ổn định sâu rộng. Trong tình thế đó, lực lượng thiểu số của phe Berlusconi có thể trong từng trường hợp cụ thể có khả năng chi phối hay điều kiện hóa Quốc hội ... thí dụ như trong việc bỏ phiếu cho một đề luật hay chính sách nào đó không thuận lợi cho quyền lực kinh tế của Berlusconi.

Cũng cần phải nó thêm là ngay sau khi Quốc hội mới ra đời (cuối tháng 2) thì đến tháng 5 Quốc hội lại phải bầu Tổng thống mới. Và như ta đã biết, việc bầu Tổng thống thường phải xuyên qua một quá trình thương thuyết và thỏa hiệp giữa các lực lượng chính trị trong Quốc hội.

Và Berlusconi hy vọng rằng nếu phe đa số không có độ dày cần thiết, thì trong quá trình hiệp thương để bầu Tổng thống mới, Berlusconi có thể có những “đánh đổi” với phe đa số để có thể đi đến một hình thức thỏa thuận nào đó cho phép Berlusconi “xù” hết tât cả các nợ nần công lý tồn đọng ... và nhất là có lá chắn bảo vệ tất cả các cơ ngơi kinh tế tài chánh của chính Berlusconi.

Suy cho cùng, thì đây cũng là mục tiêu cốt lõi mà suốt hai thập niên vừa qua Berlusconi đã dương đông kích tây lôi cả nước Ý vào một cuộc thánh chiến với ngành tư pháp và làm tê liệt cả nước Ý.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.