Vào nội dung chính
VATICAN

Giáo Hoàng Benedicto XVI thoái vị : Quyết định bất ngờ, lịch sử

Hôm qua ngày 11/02/2013, tại Vatican, trước toàn thể hội đồng Hồng y, Đức Giáo Hoàng đã ra thông báo thoái vị vì lý do sức khỏe không cho phép tiếp tục đảm nhiệm sứ mệnh, điều chưa từng xảy ra trong giáo hội Công giáo từ thời Trung Cổ. Quyết định mang tính lịch sử của Giáo hoàng đã gây bất ngờ không chỉ với dư luận trên toàn thế giới mà còn cả đối với tòa Thánh.

Tin quyết định từ nhiệm của Benedicto XVI nổ ra như ... sét đánh ngang tai.( Ảnh chụp Thánh đường St.Pierre, Vatican trong một cơn giông, do Ansa cung cấp ngày 11/2/2013)
Tin quyết định từ nhiệm của Benedicto XVI nổ ra như ... sét đánh ngang tai.( Ảnh chụp Thánh đường St.Pierre, Vatican trong một cơn giông, do Ansa cung cấp ngày 11/2/2013) REUTERS/ANSA/ Alessandro Di Meo
Quảng cáo

Từ Roma, thông tín viên Huê Đăng tường trình:

Quyết định thoái vị của Giáo Hoàng Benedicto XVI bất ngờ ngay trong chính Tòa thánh

Hôm qua ngày 11/02/2013, vào cuối buổi lễ Công nghị Hồng y để phong thánh cho một số tử đạo lúc 11 giờ, Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI đã bất ngờ tuyên bố, bằng tiếng latin, về quyết định xin từ nhiệm.Nói theo cách nói của người Việt thì tin Đức Giáo Hoàng từ nhiệm nổ ra như “sét đánh ngang tai”, tất cả các Hồng y có mặt trong buổi lễ Công nghị đều bị bất ngờ. Và lập tức ngay sau đó tin đã được loan đi nhanh chóng khắp thế giới trên các mạng truyền thông đại chúng.

Theo nội dung của bản tuyên bố thì Đức Giáo Hoàng từ nhiệm vì lý do tuổi cao và sức khỏe yếu kém, do đó Đức Giáo Hoàng e rằng sẽ không còn thích hợp để thi hành sứ vụ lãnh đạo giáo hội công giáo một cách thích đáng nữa.Thêm vào đó, Đức Giáo Hoàng xét rằng thế giới hôm nay cực kỳ năng động và bị xáo động bởi nhiều vấn đề, do đó sứ vụ Giáo chủ cũng đòi hỏi người mang trọng trách phải có đầy đủ năng lực vừa của cơ thể vừa của linh hồn. Đức Giáo Hoàng cũng đã ngỏ lời cám ơn tất cả giáo dân và hàng giáo phẩm đã cùng chia sẽ với Ngài trọng trách của sứ mệnh thiên liêng cũng như xin lỗi nếu đã có những thiếu sót trong khi thi hành sứ mệnh.

Trưa hôm qua Cha Federico Lombardi, phát ngôn viên của Tòa thánh đã lập tức mở một cuộc họp báo để cung cấp các chi tiết về quyết định từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng, theo đó Benedicto XVI sẽ chấm dứt vai trò Đức Giáo Hoàng vào lúc 20 giờ ngày 28/02 sắp tới và kể từ lúc đó ngôi vị Giáo chủ của giáo hội Công giáo coi như bỏ trống. Benedicto XVI sẽ di chuyển ra tạm ngụ trong dinh thự ở Castel Gandolfo, cách Roma 25 cây số, vốn được dùng làm nơi nghĩ hè của Đức Giáo Hoàng, trong khi chờ đợi tu sửa một chủng viện nằm ngay trong nội thành Vatican nơi sẽ được dùng làm nơi cư ngụ cho Benedicto XVI.

Cha Lombardi phủ nhận tất cả những tin đồn rằng Benedicto XVI có thể bị một chứng bệnh nan y nào đó. Trong lịch sử cận đại thì đây là lần đầu tiên một Đức Giáo Hoàng từ nhiệm. Trong lịch sử lâu đời của Giáo hội thì cách đây 600 năm cũng có trường hợp từ nhiệm, đúng ra là bị ép từ nhiệm. Đó là trường hợp của Đức Giáo Hoàng Gregorio XII vào năm 1415.

Tại Ý người dân và giới chức chính trị đã phản ứng thế nào về thông báo của Giáo hoàng Benedicto 16?

Khi tin vừa được loan ra thì lập tức ngay trước quảng trường S.Pietro của Tòa thánh hàng trăm phóng viên ký giả báo chí đã tụ tập đông đảo để phỏng vấn giáo dân và để săn tin. Đông đảo giáo dân đủ mọi quốc tịch chủng tộc cũng đứng trên quảng trường để trong ngóng những thông tin mới về quyết định có tính lịch sử của Benedicto XVI.

Tin từ chức của Đức Giáo Hoàng cũng gây sửng sốt cho hầu hết tất cả các nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Ở Ý thì quyết định từ chức của Benedicto XVI cũng được coi là đột ngột trong giới chính trị. Tuy nhiên theo một số báo chí thì quyết định nói trên cũng đã được Đức Giáo Hoàng đắn đo suy nghĩ và chuẩn bị từ lâu ... và rất có thể là Tổng Thống Ý, ông Giorgio Napolitano, cũng đã được “thông báo” trước từ hôm 04/02 vừa qua nhân buổi gặp gở giữa Tổng Thống và Đức Giáo Hoàng trong một cuộc hòa nhạc được tổ chức nhân dịp kỹ niệm 84 năm ngày ký kết Hiệp ước Lateranensi giữa nhà nước Ý và Tòa thánh.

Ý định thoái vị không phải mới có, dường như những diễn biến phức tạp trong nội bộ tòa Thánh gần đây cũng góp phần vào quyết định ngày hôm qua của Giáo Hoàng Benedicto XVI?

Thực ra thì trên dưới khoảng một năm trở lại đây thỉnh thoảng cũng có nhiều chuyên gia về Vatican đưa ra giả thuyết về khả năng từ chức của Benedicto XVI. Thông thường các giả thuyết này dựa trên việc có những xung khắc thường trực giữa các phe nhóm trong hàng giáo phẩm đã khiến Benedicto XVI thường xuyên bị căng thẳng tinh thần và có vẻ như không có đủ uy tín để dàn xếp êm thấm những xung khắc đó. Gần đây nhất là vụ người quản gia của Đức Giáo Hoàng dính dáng đến một âm mưu nhầm đánh cắp và tẩu tán những tư liệu mật của Đức Giáo Hoàng ra ngoài. Và vụ này, được báo chí đặt tên là “Vatileaks”, được cho rằng là hậu quả của những đấu đá nội bộ trong hàng giáo phẩm của Tòa thánh.

Đặc biệt là trước đây vào năm 2010, trong một cuộc phỏng vấn của ký giả Đức, ông Peter Seewald, không biết vô tình hay hữu ý thế nào mà ký giả đã có hỏi Benedicto XVI có bao giờ nghĩ đến một quyết định từ nhiệm hay không .... Thì lần đó chính Benedicto XVI trả lời rằng “... khi một Giáo Hoàng đi tới ý thức rõ ràng mình không thể chu toàn về thể lý, tâm trí và tinh thần, trách vụ được ủy thác thì ngài có quyền, và trong một số hoàn cảnh ngài có nghĩa vụ từ nhiệm”.

Có một sự trùng lập ngẫu nhiên hiếm có giữa sự thật ngoài đời với tình tiết giả tưởng của một cuốn phim nổi tiếng năm 2011 của đạo diễn Ý Nanni Moretti mang tên “Habemus Papam” (tiếng latin, có nghĩa là “Chúng ta có Đức Cha”, thông thường đây là câu văn được dùng để tuyên bố mỗi khi các Hồng y hoàn thành việc bầu cử ra một Đức Giáo Hoàng mới), trong đó vị Đức Giáo Hoàng, do tài tử Michel Piccoli thủ vai, xin từ nhiệm vì cảm thấy mình không đủ năng lực để lãnh đạo Giáo hội. Chuyện phim hoàn toàn giả tưởng ... nhưng trước quyết định từ nhiệm hôm nay của Benedicto XVI ... truyện phim trở thành như một lời tiên tri.

Còn hơn hai tuần nữa Vatican sẽ phải bầu ra một Đức thánh cha mới để kế vị Benedicto 16, các công việc chuẩn bị ngay từ bây giờ đã bắt đầu?

Về việc tổ chức bầu cử Giáo hoàng mới thì theo lời của Cha Lombardi sẽ được tổ chức vào khoảng tháng 3 sắp tới, rất có thể sẽ trong khoảng thời gian từ 14 đến 19 tháng 3. Từ nay cho đến ngày 28/02, tất cả các chương trình hoạt động của Đức Giáo Hoàng, lịch trình các buổi tiếp kiến hay thăm viếng, các buổi lễ vẫn sẽ được tiếp tục như đã dự định. Báo chí sáng nay đã bắt đầu cho đăng tải hàng loạt những phân tích và bình luận của các chuyên gia về các bước chuẩn bị phía sau hậu trường Vatican để bước vào cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng mới. Thậm chí có người bắt đầu tổ chức “đánh cuộc” xem ai sẽ là Đức Giáo Hoàng mới.

Tên tuổi của một vài Hồng y có vai vế quan trọng trong hàng giáo phẩm cũng bắt đầu được quăng lên sân khấu, trong đó có Hồng y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Ý, hoặc Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh của Tòa thánh, hay Hồng Y Angelo Scola, Tổng giám mục giáo phận thành phố Milano .... Đó là những nét mặt tiêu biểu của giới Giám mục Ý.

Ngoài ra công luận cũng chú ý đến những Hồng y của các quốc gia khác hay thậm chí ở các châu lục khác, chẳng hạn như Hồng y Christoph Schonborn, người Áo và là Tổng giám mục giáo phận thủ đô Vienna, hay Hồng y Marc Ouellet, người Canada, Chủ tịch giáo đoàn giám mục, hoặc Hồng y Timothy Dolan, giám mục giáo phận Newyork và cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ.

Đặc biệt là có Hồng y Frencis Arinze, người Nigeria, tuy đã 81 tuổi, tức là sẽ không tham dự bầu cử, nhưng được báo chí nói đến như một nhân vật có nhiều khả năng trở thành Đức Giáo Hoàng da màu đầu tiên của Giáo hội .... như trường hợp của Tổng thống Barack Obama ở Mỹ. Một trong những câu hỏi đầu môi của công luận ở Ý là: sau hai Đức Giáo Hoàng người nước ngoài (tức là Giovanni Paolo II người Ba Lan ,và Benedito XVI người Đức), có phải đã đến lúc Giáo hội nên quay về với một Giáo chủ thành Rome ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.