Vào nội dung chính
HOA KỲ - NHẬP CƯ

Chi tiết về kế hoạch cải tổ luật di trú của Tổng thống Obama bị rò rỉ

Tiến trình cải cách luật di trú tại Hoa Kỳ, liên quan đến khả năng hợp thức hóa đối với 11 triệu người nhập cư « bất hợp pháp », bước sang một giai đoạn mới, với biến cố các thông tin về dự án cải cách của tổng thống Obama bị rò rỉ trên báo chí trong kỳ nghỉ tuần này. Để cung cấp thêm thông tin tới thính giả, RFI Việt ngữ đặt câu hỏi với nhà báo Hà Ngọc Cư (Houston).

Tổng thống Barak Obama phát biểu về vấn đề nhập cư tại đại học Washington, 01/07/2010.
Tổng thống Barak Obama phát biểu về vấn đề nhập cư tại đại học Washington, 01/07/2010. REUTERS/Larry Downing
Quảng cáo

RFI : Xin chào nhà báo Hà Ngọc Cư. Xin ông cho biết về những diễn biến mới đây liên quan đến cuộc cải cách luật di trú ở Hoa Kỳ

Nhà báo Hà Ngọc Cư : Sau khi tổng thống Obama tái đắc cử, vấn đề luật di trú, hay nói cách khác, việc cho phép 11 triệu cư dân nhập cư bất hợp pháp, được ở lại Mỹ một cách hợp pháp là trọng tâm hoạt động của tổng thống Obama và lưỡng viện.

09:12

Nhà báo Hà Ngọc Cư (Houston)

Như quý vị đã biết, trong kỳ bầu cử vừa qua, các lá phiếu giúp Obama tái đắc cử là của người Mỹ latinh, thứ hai là của các cộng động thiểu số, thì đảng Cộng hòa bó buộc phải thay đổi chính sách, nhất là về vấn đề di dân. Việc cải tổ luật di trú trở thành vấn đề trọng tâm của cả hai đảng. Từ nay đến ngày hai đảng đưa ra dự luật cải tổ luật di trú có thể còn vài tháng nữa. Khi cái dự luật được thi hành, thì nhanh nhất phải cuối năm nay, vì còn phải qua sự đồng thuận của cả hai viện của Quốc hội, được tổng thống phê chuẩn.

Nhưng ngày thứ bảy 16/02 vừa qua, tờ USA Today rò rỉ tin tức về dự thảo của tổng thống Obama, gây tranh cãi. Thứ nhất là đảng Cộng hòa phản đối, người ta cho rằng tổng thống Obama đã « tiên hạ thủ vi cường », chiếm cái tiên cơ đối với người di dân bất hợp pháp.

Tôi xin nói qua về chương trình dự kiến của Obama thay đổi luật di trú. Thứ nhất là, 11 triệu cư dân bất hợp pháp đang có mặt ở Hoa Kỳ phải trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là xin quy chế « Lawful Prospective Immigrant » (Bảo vệ cho người di dân). Lúc đó chưa có Thẻ Xanh đâu, mà chỉ là ở giai đoạn chờ Thẻ Xanh, làm đơn xin Thẻ Xanh. Để nhận được Thẻ Xanh, trước hết những người đó phải đóng thuế trong những năm làm việc tại Hoa Kỳ mà chưa đóng thuế. Thứ hai là, phải đóng một số tiền phạt. Thứ ba là phải đóng một số lệ phí. Những người nào vi phạm luật pháp thì không được điều kiện vào diện này. Sau khi lăn tay chụp hình và điều tra rồi, thì mới được cấp cái quy chế bảo vệ di dân.

Bốn năm sau, lúc bấy giờ mới được làm đơn xin Thẻ Xanh. Khi làm đơn xin Thẻ Xanh, thì người này phải chứng minh là đóng đủ thuế, đủ tiền phạt và các lệ phí, rồi phải chờ tới 8 năm sau, mới được cấp Thẻ Xanh, nếu đủ điều kiện. Khi được cấp Thẻ Xanh rồi, dĩ nhiên phải chờ thêm năm năm nữa mới được vào quốc tịch. Đó là một đoạn đường rất dài. Tổng cộng như vậy phải mất 13 năm trở lên mới được trở thành công dân Hoa Kỳ, sau khi đã chứng minh đầy đủ các điều kiện nên trên, phải đóng thuế, tiền phạt, lệ phí, phải thông thạo Anh ngữ và có công ăn việc làm. Đó là hành trình để trở thành công dân Hoa Kỳ đối với 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp.

RFI : Xin ông cho biết thêm về phản ứng của phía đảng Cộng hòa ?

Nhà báo Hà Ngọc Cư : Tại sao một số đại biểu Quốc hội Hoa Kỳ là phản đối. Ngôi sao sáng của đảng Cộng hòa bây giờ, tức là ông Marco Rubio, thượng nghị sĩ tiểu bang Florida, được báo Times coi là « người cứu tinh » của đảng Cộng hòa. Ông Marco Rubio, có thể là ứng cử viên tổng thống năm 2016, một tiếng nói rất có trọng lượng, chống lại dự án của Obama, cho rằng dự luật của Obama quá rộng rãi, sẽ có nhiều khuyết điểm, và tiên đoán dự luật này sẽ « chết lâm sàng ».

Người ta cũng hy vọng rằng, đảng Cộng hỏa, vì sự tồn vong của đảng mình, sẽ có một cái nhìn hào hiệp hơn đối với 11 triệu người di dân bất hợp pháp. Nhưng đảng Cộng hòa luôn luôn nhấn mạnh rằng, chừng nào biên giới Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ bảo đảm không có một người di dân bất hợp pháp nào vượt qua được biên giới, lúc đó mới bắt đầu thi hành việc cho phép 11 triệu cư dân bất hợp pháp này trở thành hợp pháp.

Tại sao chính quyền Obama lại có thể rò rỉ ra cái dự luật ? Có thể đây là sự cố ý. Có thể Obama muốn ra tay trước khi đảng Cộng hòa ra tay, thì dù họ có phản đối dự luật của ông Obama, thì ông Obama vẫn có được cái uy tín với một người gốc Mễ, người gốc Latinh, rằng là : Đây tôi có cái thiện chí, nhưng các vị dân biểu đảng Cộng hòa không đồng ý với tôi, cho nên là không được.

Cho nên, tôi nghĩ rằng, đó có thể là một chiêu võ của Obama, cũng có thể đây là một chiến thuật nhằm thúc đẩy cho chương trình cải tổ di trú đó nhanh chóng hơn, tức là đẩy đảng Cộng hòa đến chỗ phải có hành động gấp hơn.

RFI : Xin ông cho biết phản ứng của xã hội Mỹ về chủ đề này.

Nhà báo Hà Ngọc Cư : Thời ông tổng thống Bush, khi ông ấy ủng hộ dự luật cải tổ di trú, thì số người Mỹ ủng hộ cho di dân bất hợp pháp được hợp thức hóa chỉ có 40%. Nhưng bây giờ số người ủng hộ việc này lên tới 56%.

Thực sự ra nước Mỹ chẳng còn cách nào. Bây giờ làm thế nào trục xuất được 11 triệu người. Tiền bạc đâu mà làm, phương tiện đâu mà làm. Nếu mà không trục xuất họ được, cứ để họ trong bóng tối như vậy, thì rất phiền. Phiền về vấn đề an ninh, phiền về vấn đề kinh tế, phiền về vấn đề xã hội, cho nên họ không còn lựa chọn nào khác.

RFI : Ông có thể cho biết về tình trạng nhập cư bất hợp pháp nói chung vào Hoa Kỳ.

Nhà báo Hà Ngọc Cư : Trong hai, ba năm gần đây, số người dân bất hợp pháp vào Mỹ giảm đi rất nhiều. Có ba lý do. Lý do thứ nhất là kinh tế của nước Mỹ không còn là bãi cỏ xanh để quyến rũ những người ở Nam Mỹ vào Mỹ. Thứ hai là, trong ba năm vừa rồi, ông tổng thống Obama đã trục xuất rất nhiều cư dân bất hợp pháp, những người có trọng tội, nên họ cũng nản. Thứ ba là, cái hàng rào ở biên giới tỏ ra có kiến hiệu, với việc sử dụng cả các máy bay không người lái trong việc kiểm soát. Gần như không có ai lọt qua được.

Nước Mỹ vẫn cần những người lao động chân tay. Không có 11 triệu cư dân bất hợp pháp đấy, thì ai mà hái cam, ai mà nhổ rau, ai trồng rau… ai quét dọn trong các khách sạn, các building, ai làm nhà… Những công việc đó chỉ có người Mễ làm.

Đối với các sắc dân khác, có thể nói đến 99% là vào hợp pháp, nhưng cư trú bất hợp pháp, ví dụ như vào du lịch, sau đó ở lại, hay kết hôn được một hai năm sau đó ly dị… Tôi không hiểu rằng, luật di trú, nếu có, liệu sẽ có bao gồm những trường hợp nhập cư thì hợp pháp, nhưng sau đó rơi vào tình trạng bất hợp pháp, như tôi nói với anh như vừa rồi. Cái đó chúng ta còn phải chờ.

Tôi sẽ cố gắng làm vấn đề này rõ hơn, khi các dự luật của hai đảng, cũng như dự luật của lưỡng đảng được công bố. Lúc đó mới có cái nhìn rõ ràng về tương lai của đạo luật di trú này.

RFI xin cảm ơn nhà báo Hà Ngọc Cư
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.