Vào nội dung chính
KINH TẾ

"Những nhà chinh phục mới" lấn sân các nhà công nghiệp hàng đầu thế giới

Phụ trang kinh tế của nhật báo Le Monde quan tâm đặc biệt đến các nước mới trỗi dậy về kinh tế và đang vươn lên trong lĩnh vực công nghiệp. Các tập đoàn của các nước mới trỗi dậy đang mở cuộc tấn công vào lĩnh vực công nghiệp, cạnh tranh ngang bằng với những người khổng lồ của phương Tây.

Logo của tập đoàn điện thoại di động Ấn Độ bên lề đường, Calculta (còn gọi là Kolkata), miền Đông Ấn Độ, 01/02/2013.
Logo của tập đoàn điện thoại di động Ấn Độ bên lề đường, Calculta (còn gọi là Kolkata), miền Đông Ấn Độ, 01/02/2013. REUTERS/Rupak De Chowdhuri
Quảng cáo

Những người khổng lồ mới của thế giới đến từ những nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Nam Phi và thậm chí là cả Chilê. Với một tốc độ phát triển đáng kinh ngạc, các tập đoàn của Thế giới mới trỗi dậy đang bắt kịp tốc độ về công nghệ và thương mại đến mức làm lu mờ cả hình ảnh của các nhà công nghiệp hàng đầu thế giới.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều tập đoàn trước đó vẫn còn là vô danh, của những nước có nền kinh tế đang trỗi dậy như Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi đã có cuộc chinh phục thế giới khá ngoạn mục, cạnh tranh hay liên doanh ngang hàng với các tập đoàn vốn đã thành danh từ lâu nay trong thế giới công nghiệp. Le Monde gọi họ là « những người chinh phục thế giới mới ».

Theo một nghiên cứu mới đây của tập đoàn tư vấn Mỹ Boston Consulting Group (BCG), hiện trên thế giới có 100 đại tập đoàn mới nổi lên ở khắp nơi, chủ yếu là châu Á, hoạt động trong những lĩnh vực như năng lượng, hóa dầu, dược phẩm, thực phẩm, chế tạo xe hơi và hàng không. Các tập đoàn này trong năm 2011 có thu nhập 2600 tỷ đô la với mức tăng trưởng đều đặn từ năm 2008 là trên 10%.

Số lượng cũng như quốc tịch các tập đoàn lớn cũng mở mang nhanh chóng có thể kể ra nhà khổng lồ khai thác mỏ Brazil Vale, tập đoàn Wilmar của Indonesia trong lĩnh vực chế biến dầu cọ, hay SABMiller của Nam Phi trong lĩnh vực bia rượu giải khát. Le Monde nhận định, chìa khóa thành công của họ là thị trường nội địa đang phát triển mạnh mẽ và năng lực cải tiến.

Tờ báo dẫn ra trường hợp ấn tượng của Hoa Vi và ZTE. Năm 2006, hai tập đoàn viễn thông Trung Quốc này mới chỉ chiếm dưới 1% thị phần thế giới, xếp cách xa các tên tuổi lớn như Nokia, Acatel hay Siemens. Nhưng đến năm 2012 Hoa Vi đã phế ngôi của người khổng lồ Thụy Điển Ericsson để chiếm vị trí số 1 thế giới.

Theo các nhà phân tích, các thị trường châu Âu hay Bắc Mỹ không phải là mục tiêu ưu tiên của những tập đoàn mới nổi. Bởi đó không phải là những vùng đất tăng trưởng. Tất cả đang nằm ở châu Phi, châu Á hay châu Mỹ La tinh. Đây là vùng đất mà những người khổng lồ mới nổi lên đi trước một bước dài, bởi họ nắm bắt được người tiêu dùng.

Một thí dụ khác là tập đoàn dịch vụ điện thoại di động của Ấn Độ Bharti Airtel đang chính phục thành công châu Phi nhờ một mô hình rất phù hợp, đáp ứng được ngân sách của khách hàng ở châu lục này chỉ giới hạn 1 đô la/một tháng. Tương tự như vậy các nhà sản xuất xe hơi Ấn Độ còn thành công với việc tung ra các mẫu xe có giá bán chỉ bằng 1/5 hay 1/7 so với các mẫu xe của các nhà chế tạo quen thuộc của phương Tây. Nhà sản xuất xe hơi Ajaj Auto của Ấn Độ đã xuất khẩu được 40% sản lượng sang Đông Nam Á và châu Phi.

Để cưỡng lại sức cạnh tranh mới mẻ này, một số tập đoàn phương Tây đã phải chọn giải pháp liên minh. Các tập đòan mới nổi, giờ là khách hàng không thể thiếu được của những nhà công nghiệp kỳ cựu. Trong quan hệ làm ăn các đối tác mới trỗi dậy này vẫn thường kèm theo yêu cầu chuyển giao công nghệ, một cách làm có nhiều rủi ro cho các đối tác phương Tây.

Le Monde dẫn lại trường hợp của Airbus. Để xâm nhập vào thị trường Trung Quốc, nhà chế tạo máy bay của Pháp đã phải chấp nhận chuyển giao một phần công nghệ cho đối tác Comac-Commercial Aircraft Corporation of China. Đây sẽ là một cú hích quý giá đối với tập đoàn Trung Quốc đang hy vọng năm 2016, sẽ cho ra đời chiếc máy bay tự sản xuất đầu tiên để bán cho khách hàng là Ryanair và British Airway. Ngoài ra còn rất nhiều thí dụ tượng tự diễn ra trong các ngành sinh học hay hóa dầu, dược phẩm từ xưa đến nay vẫn thuộc độc quyền của các nước phát triển.

Các nhà công nghiệp phương Tây đang đứng trước một thách thức là phải mau chóng tìm cách chiếm lĩnh lại vị thế của mình. Nếu không các tập đoàn mới nổi lên sẽ liên kết với nhau để chinh phục những vị trí tốt nhất. Le Monde kết luận, vào thời điểm không khí tăng trưởng ở châu Âu đang lặng như tờ, thì thực tế nói trên là đáng lo ngại, nhưng dường như các đối thủ lão luyện của châu lục này lại án binh bất động.

Trung Quốc đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng

Libération nhìn sang Trung Quốc với bài phân tích của thông tín viên về hiện trạng kinh tế của đất nước này. Sau nhiều quý nhịp độ tăng trưởng bị giảm, Bắc Kinh đang tìm cách định hướng lại sự phát triển.

Tác giả ghi nhận, theo con số chính thức, năm ngoái tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 7,8%, một tỷ lệ đáng để nhiều nước thèm muốn, nhưng với một đất nước mà tăng trưởng kinh tế liên tục trong ba thập kỷ qua qua chưa xuống dưới 10% thì con số của năm qua có thể coi như là ở mức báo động.

Để đối phó, chính phủ đã chủ trương đầu tư ồ ạt trong các chương trình kích thích tăng trưởng. Mới đây Bắc Kinh vừa cho khai trương rầm rộ tuyến đường sắt cao tốc dài gần 2000 km. Chương trình xây dựng đường sắt cao tốc ở Trung Quốc đã bị đình lại một thời gian vào năm ngoái, vì những sự cố nghiêm trọng về an toàn và tham nhũng. Đây cũng là chương trình bị nhiều nhà kinh tế chỉ trích là không mang lại hiệu quả, chi phí thì tốn kém.

Nhưng bất kể thế nào với Bắc Kinh lúc này, khởi động lại tăng trưởng kinh tế là mục tiêu ưu tiên. Chính phủ vừa quyết định bổ sung 50 tỷ đô la để mở rộng hàng nghìn km mạng lưới đường sắt, với tham vọng đến năm 2015 nâng chiều dài mạng đường sắt của cả nước lên 40 nghìn km.

Lĩnh vực dầu lửa cũng được quan tâm đầu tư đặc biệt. Các côgn ty nhà nước trong lĩnh vực cho biết sẽ đầu tư thêm gần 2 tỷ đô la cho thăm dò các mỏ khí mới. Các thành phố nhỏ được ngân hàng Trung ương bật đèn xanh tín dụng cho các thành phố nhỏ để thúc đẩy đô thị hóa cùng với một chương trình xây dựng nhà ở trên quy mô rộng khắp, bắt chấp nợ xấu của chính quyền địa phương dành cho các đầu tư như vậy đã ở mức báo động . Nhận thấy đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc giảm mạnh, chính phủ kêu gọi các nhà công nghiệp trong nước đẩy mạnh cải tiến nâng cao chất lượng song song với các biện pháp kích thích tiêu dùng nội địa bù lại với những thâm hụt xuất khẩu.

Tuy nhiên có nhiều yếu tố đang cản trở mô hình phát triển của Trung Quốc. Theo tác giả, đó là dân số già đi khiến lực lượng lao động không còn dồi dào như trước. Lương nhân công cũng tăng mạnh khiến nhiều xí nghiệp tính chuyện rời ra nước ngoài. Ngoài ra hiệu quả đầu tư ở Trung Quốc giảm mạnh. Lý do là vì khu vực kinh tế của nhà nước chiếm tỷ trọng lớn. Theo các chuyên gia kinh tế thì về mặt chính thức khu vực kinh tế nhà nước chỉ chiếm 30% nền kinh tế. Nhưng trên thực tế, nếu tính cả các doanh nghiệp trực thuộc nhà nước thì tỷ trọng nói trên phải là 60%. Thế nhưng theo chuyên gia kinh tế Patrick Chovanec, giáo sư đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, thay đổi mô hình, tạo điều kiện hơn nữa cho khu vực tư nhân không phải là chuyện dễ dàng vì với chế độ bắc Kinh thì giữa cái được và cái mất ở đây là không nhỏ. Ông kết luận : Vấn đề ở đây là phải xem đảng Cộng sản sẵn sàng từ bỏ bao nhiêu quyền lực để đem lại hiệu quả cho nền kinh tế.

Miến Điện giải ngũ binh sĩ vị thành niên

Về thời sự châu Á, La Croix quan tâm đến Miến Điện với bài viết « Miến Điện giải ngũ lính trẻ em một cách nhỏ giọt ». Thứ Sáu tuần qua, 24 binh sĩ ở tuổi thiếu niên đã được quân đội cho giải ngũ trả về với cha mẹ. So với số lượng trẻ vị thành niên bị xung vào lính dưới chế độ độc tài quân sự thì con số trẻ em được giải ngũ nói trên là quá ít.

La Croix ghi nhận thấy, sau khi tiếp quản chế độ tập đoàn quân từ gần hai năm qua, chính phủ dân sự của Miến Điện đang dần dần đoạn tuyệt với hệ thống chính trị cũ, đã có nhiều động thái tỏ rõ thiện chí cải cách. Tháng Sáu năm ngoái, Miến Điến chấp nhận hợp tác với Unicef và nhiều tổ chức phi chính phủ để xác định số lượng trẻ vị thành niên bị bắt đăng lính.

Trong vòng 8 tháng từ khi có sự hợp tác nói trên, mới chỉ có 66 binh sĩ trẻ em được giải thoát khỏi quân đội. Con số này thấp hơn rất nhiều so với số liệu ước tính thông qua các đơn kiện mà tổ chức Lao động Quốc tế OIT tại Rangoon nhận được hàng năm. Theo nguồn điều tra riêng, một nhân viên của tổ chức Liên hiệp quốc cho rằng vẫn còn hàng nghìn trẻ vị thành niên đang phục vụ trong các trại lính ở Miến Điện. Dưới chế độ cũ, gia đình của các em nhỏ này không dám làm gì vì sợ chính quyền. Giờ đây họ cảm thấy tin tưởng hơn và bắt đầu dám đứng ra tố giác trường hợp con em mình bị ép buộc nhập ngũ ở tuổi vị thành niên.

Nga tiếp tục bán thiết bị quân sự cho chế độ Assad

Trong khi các nước châu Âu đang suy tính việc gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đến Syria, vì lệnh cấm này cũng mặc nhiên nhằm vào lực lượng nổi dậy thì Nga đã nhắc lại sự hậu thuẫn của mình đối với chế độ Damas. Ông Anatoly Isaikin, Giám đốc công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport khẳng định Nga sẽ tiếp tục các hợp đồng bán thiết bị quân sự cho Damas. Giá trị các hợp đồng bán vũ khí cua Matxcơva cho Damas trong năm 2011 ước tính khoảng một tỷ đô la. Nga cũng là nước đã phủ quyết ba nghị quyết của Hội đồng Bảo an lên án chế độ Assad. Tuy nhiên Matxcơva cam đoan không cung cấp máy bay chiến đấu và trực thăng quân sự cho Damas. Các thiết bị bán cho Syria, theo Matxcơva chủ yếu là hệ thống phòng thủ chống tên lửa và chi tiết sửa chữa thay thế các khí tài bị hư hại trong chiến tranh. Không mấy ai tin vào những lời trần tình đó. Le Figaro khẳng định chế độ Syria hiện nay vẫn là đối tác chiến lược của Nga trong lĩnh vực quân sự. Đó mới là lý do chính để Matxcơva không muốn bỏ rơi chế độ Bachar al-Assad.

Trang nhất các báo Pháp

Chính phủ Pháp đang chuẩn bị thông báo chủ trương thắt lưng buộc bụng mới trong chi tiêu vì ngân sách Nhà nước đã cạn đến mức báo động. Mục tiêu là nhằm vào việc cải cách, cắt giảm trợ cấp xã hội. Ngay lập tức thông tin này đã làm dấy lên cuộc tranh luận đầy lo lắng trong dư luận cũng như giới chính trị. Đây là chủ đề chính của nhiều tờ báo lớn ra tại Pháp hôm nay.

Trợ cấp gia đình vốn vẫn là trụ cột trong chính sách xã hội ở Pháp. Theo Le Figaro thì ở Pháp trong năm 2011 có 11,4 triệu người Pháp được hưởng các khoản trợ cấp khác nhau lên tới 77 tỷ euro. Đó là các trợ cấp cho trẻ em, gia đình đông con, những người thu nhập thấp, tàn tật, mất khả năng lao động... Cắt giảm nguồn trợ cấp này trong thời điểm khủng hoảng kinh tế là một việc làm không khả thi cho dù ngân sách dành cho an sinh xã hội Pháp đang thâm hụt hàng tỷ euro.

Nhật báo Công giáo La Croix phân tích, hầu hết mọi người đều đồng ý với nhau rằng « mất cân đối ngân sách thì cần phải tiết kiệm chi tiêu…. Vào tình thế (chính phủ) bị dồn đến chân tường như hiện nay thì tiết kiệm là điều phải làm, cắt giảm trợ cấp gia đình tỏ ra là một cách làm đỡ bất công ». Nhưng với điều kiện là phải đả thông cho các gia đình gặp khó khăn và cả những gia đình khá giả hiểu được rằng chính quyền đang cần sự thông cảm của họ. Còn với nhật báo Cộng sản, cách tốt nhất tránh cho xã hôi Pháp không phải chịu kham khổ đó là đánh thuế thêm vào những người có thu nhập cao.

Vẫn là khủng hoảng, nhưng là khủng hoảng chính trị. Báo Libération quan tâm đến nước Ý trước cuộc bầu cử quyết định vào cuối tuần này. Libération chạy tựa lớn trang nhất « Du hành trong một nước Ý khủng hoảng ». Tờ báo dành tới 13 trang báo để đưa độc giả đến khắp các vùng miền của nước Ý và cho thấy bầu không khí hoài nghi, chán chường của người dân đang bao trùm trước cuộc bầu cử Quốc hội sắp diễn ra. Libération đưa ra một hình ảnh nước Ý đang phải chịu khủng hoảng kép, kinh tế và chính trị : « tham nhũng và tâm trạng chán trường đối với giới chính trị còn lưu lại từ những năm tháng của Berlusconi có nguy cơ dẫn đến việc cử tri bỏ phiếu phản kháng sẽ rất đông ».

Trong khi đó Le Monde cũng chung nhận định trên với tựa bài xã luận « Silvio Berlusconi hay sự rối ren của bán đảo (Ý) ». Tờ báo nhận định, « lối thóat duy nhất có thể sẽ là thắng lợi của cánh tả, dù sít sao. Thế nhưng cánh tả chỉ giành được chiến thắng nêu đáp ứng được những lo lắng của tầng lớp bình dân ở Ý. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.