Vào nội dung chính
TUNISIA

Thủ tướng Tunisia từ chức

Vào hôm qua, 19/02/2013, Thủ tướng Tunisia Hamadi Jebali thông báo là ông đã đệ đơn từ chức lên tổng thống Moncef Marzouki. Nguyên do khiến ông quyết định từ nhiệm là việc ông đã không thành lập được một chính phủ kỹ trị, do lập trường sự chống đối của đảng Hồi giáo Ennahda của chính ông.

Thủ tướng Tunisia Hamadi Jebali đệ đơn từ chức do đã không thành lập được một chính phủ kỹ trị (REUTERS)
Thủ tướng Tunisia Hamadi Jebali đệ đơn từ chức do đã không thành lập được một chính phủ kỹ trị (REUTERS)
Quảng cáo

Thất bại của Thủ tướng Jebali càng khiến Tunisia chìm sâu thêm vào cơn khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất từ sau "Cách mạng Hoa lài". Ông Jebali giữ ghế thủ tướng từ tháng 12/2011, sau thắng lợi của đảng ông trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong lịch sử Tunisia hai tháng trước đó.

Theo giới quan sát ông Jebali không thể nào làm khác hơn là từ nhiệm, khi không thành lập được một chính phủ như ông mong muốn, một chính phủ chỉ gồm các “chuyên gia” và gạt bỏ giới chính khách ra ngoài.

Phe đối lập đánh giá đây là một cái nhìn thực tế, sáng suốt. Ông Hamadi Jebali công nhận như thế là đảng của ông thất bại trong việc vãn hồi trật tự, an ninh và ổn định chính trị. Thế nhưng đảng Ennahda cầm quyền, nhất là cánh cứng rắn, đã không chấp nhận "chia sẻ quyền hành".

Tuy nhiên nhiều ngưởi cũng chờ đợi ông Jebali sẽ được tín nhiệm trở lại qua một dự án chính phủ mới.

Sau khi được tin thủ tướng Tunisia từ chức, Ngoại trưởng Đức, Guido Westerwelle vào hôm nay, 20/02, trong một thông cáo, đã bày tỏ sự "kính trọng" của ông, đồng thời kêu gọi “tất cả các lực lượng chính trị Tunisia cùng tiến về phía trước trong tinh thần đối thoại, vượt qua những bất đồng đang chia rẽ Tunisia.” Theo ngoại trưởng Đức, Tunisia đang trong giai đoạn quyết định của tiến trình chuyển tiếp dân chủ.

Tunisia đã lại lâm vào tình trạng bất ổn từ sau vụ nhà đối lập cánh tả Chokri Belaid bị ám sát trước nhà ông, ngày mùng 06/02/2013 vừa qua, làm dấy lên các cuộc biểu tình xuống đường của những người chống đối cũng như phe ủng hộ chính phủ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI vào hôm qua cho biết là cuộc thương lượng với Tunisia về khoản tín dụng 1,78 tỷ đô la cho nước này vẫn tiếp tục, cho dù thủ tướng từ chức. Tuy nhiên, phát ngôn viên FMI nói là khi một chính phủ được đề cử, định chế tài chính này sẽ hỏi thêm chi tiết về ý định của họ. Khi tình hình chính trị sáng sủa hơn thì FMI sẽ xem phương cách nào tốt nhất để giúp Tunisia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.