Vào nội dung chính
TÂY BAN NHA

Tinh thần tương trợ "colchón" giúp dân Tây Ban Nha chống chọi với khủng hoảng

Trong tình hình kinh tế rất khó khăn, đồng lương bị giảm, thất nghiệp tăng vọt (tỷ lệ lên đến 55% trong thanh niên dưới 25 tuổi) thì người dân Tây Ban Nha xoay sở như thế nào ? Trong một bài dài trên trang văn hóa, báo Le Monde đã nêu bật tinh thần tương thân tương ái trong đại gia đình người Tây Ban Nha và của các hiệp hội. Đây  là nhân tố chính giúp dân nước này vượt qua cơn sóng gió hiện nay.

Các tổ chức trợ giúp phụ nữ, các hiệp hội gia đình biểu tình đòi ngưng cắt giảm trợ cấp ở Malaga (REUTERS)
Các tổ chức trợ giúp phụ nữ, các hiệp hội gia đình biểu tình đòi ngưng cắt giảm trợ cấp ở Malaga (REUTERS)
Quảng cáo

Mở đầu bài viết, tác giả nhấn mạnh là từ các nhà kinh tế, nhà xã hội học cho đến chính khách, tất cả đều đưa ra một giải thích : Nếu Tây Ban Nha không bị rơi vào cảnh "khói lửa", bạo động - mặc dù có đến 6 triệu người thất nghiệp, gia đình nào cũng có người lâm vào cảnh này, 1/ 5 người Tây Ban Nha sống dưới ngưỡng nghèo khó - đó là nhờ nền kinh tế ngầm (chiếm 20% GDP), và nhất là truyền thống đoàn kết tương thân, tương trợ mà người Tây Ban Nha gọi là "colchón" (chiếc nệm) của gia đình.

Chính nhờ chiếc nệm này mà Tây Ban Nha đứng vững được, các cuộc biểu tình chống khắc khổ, phản đối chính sách giáo dục, y tế, đều diễn ra trong không khí không bạo động, và cho dù người không nhà ở ngày càng nhiều thêm (nhưng vẫn ít hơn Paris).

Trong tinh thần tương trợ này, thì các bậc ông bà trong gia đình nỗ lực rất nhiều, từ việc chăm sóc, đưa đón cháu đi học, cho đến chia sẻ đồng lương hưu ít ỏi của mình, kể cả đồng tiền tiết kiệm. Cho nên, không ai ngạc nhiên khi một bản nghiên cứu nêu bật mức tiêu xài của những người trên 65 tuổi tăng cao, tăng 16%, trong lúc tiêu xài người trong lứa tuổi 16-30, lại giảm đến 12%.

Kinh tế châu Âu ảm đạm như thế nào ?

Dự báo kinh tế của Ủy ban Châu Âu, nêu lên tình hình ảm đạm của Liên Hiệp, cũng chiếm một số trang báo hôm nay. Le Figaro trong phần phụ trang kinh tế, nhìn về tình hình Pháp nêu bật : « Thâm thủng (ngân sách) : Bruxelles thông báo một kịch bản đen tối cho nước Pháp ». Ủy ban Châu Âu dự báo thâm thủng của Pháp năm 2013 là 3,7% GDP, và cuối năm 2014 sẽ lên 3,9%.

Các số liệu này, theo Le Figaro, chứng tỏ là bruxelles không tin tưởng vào các cố gắng của chính phủ Pháp. Paris phải ra sức thuyết phục. Trước mắt như chạy trong hàng tựa lớn, Le Figaro nhìn thấy là « Bruxelles đang đặt Pháp trong vòng giám sát ».

Tình hình Pháp là như thế, nhưng nhìn sang Tây Ban Nha, Le Figaro còn thấy nước này càng lún sâu hơn nữa vào khó khăn : Thủ tướng Rajoy đã thông báo thầm thủng ngân sách năm 2012 là 7% GDP, nhưng Bruxelles, bi quan hơn nhiều cho là phải đến 10,2%, Với mức thâm thủng ngày càng cao, tờ báo không tin là chính phủ Tây Ban Nha sẽ đạt mục tiêu đề ra là giảm xuống mức 6,3%.

Còn Anh Quốc thì cũng không sáng sủa : bị cơ quan thẩm định Moody’s đánh tụt trên vấn đề nợ và mất điểm 3 A. Nhưng chưa hết, sắp tới đây, đến lượt S&P cũng có thể hạ thấp điểm số của Anh.

Trong bối cảnh khá bi quan đó, Le Monde trong hàng tít lớn trang nhất thấy một điểm son, và tỏ vẻ lạc quan hơn : « Ailen ra khỏi khủng hoảng và gợi hứng cho Nam Âu ». Tờ báo tóm lược tình hình chung nhận thấy là « những hy sinh của Dublin đã mang lại kết quả, giá nhân công đã giảm, tăng trưởng đã trở lại ».

Theo tờ báo, những cải tổ ở Tây Ban Nha và Bồ Nha tạo khả năng vực dậy kinh tế, nhưng trên bình diện sức cạnh tranh, thì Pháp và Ý vẫn ì ạch phiá sau.

Trong bài báo dài trang kinh tế, dưới tựa đề : « Sự vực dậy kinh tế của Ailen làm Madrid và Lisboa mơ ước,’’ Le Monde nhìn thấy, trong bối cảnh u ám hiện nay, tăng trưởng dự kiến của Ireland từ 1% đến 1,5% là một "succes story", một tấm gương thành đạt mà các quốc gia Nam Âu đang quan sát kỹ.

Nhưng thành công đó lại có một cái giá phải trả. Theo tờ báo, Ailen đã chiụ nhiều hy sinh - giá nhân công đã giảm, tiền lương cũng giảm – qua đó tăng cường được sức cạnh tranh vì chi phí nhân công giảm đã đẩy được năng suất đi lên. Kết quả là xuất khẩu của Ailen tăng lên trong năm 2012, thặng dư thương mại của một nước sống nhờ xuất khẩu (90% GDP), lên gần 43 tỷ euro.

Tấm gương này cũng có thể tái áp dụng cho các nước Nam Châu Âu. Ở Tây Ban Nha giá nhân công đã giảm, nhân công cũng giảm, đưa năng suất tăng lên và các công ty còn sống sót sau cơn bão tố giờ đây tỏ ra rất mạnh bạo, hung hăng hơn trên trường quốc tế, mạnh dạn cho giảm giá để thu hút đầu tư.

Chiến lược Tây Ban Nha đã bắt đầu có kết quả, ví dụ Lowe, nhãn hiệu sản phẩm da hạng sang (thuộc nhóm LVMH) quyết định tăng gấp đôi khả năng sản xuất ở Madrid, thu nhận thêm 180 nhà thủ công từ đây đến 2015, một quyết định mà giới trong ngành không ai không chú ý.

Triển lãm Nông nghiệp Paris và nỗi buồn của giới chăn nuôi

Triển lãm Nông nghiệp thường niên tại Paris khai mạc hôm nay, đã chiếm nhiều trang báo vào ngày cuối tuần này. Đây là chủ đề mà không báo nào bỏ qua đươc, nhất là với vụ xì căn đan thịt ngựa giả thịt bò hiện nay.

Le Monde đăng ảnh con bò được chọn làm biểu tượng của triển lãm - Bò cái Aronde, đến từ vùng Normandie - và ghi nhận bên trên : « Đằng sau vụ scandale, nỗi buồn các nhà chăn nuôi ». Theo Le Monde các nhà sản xuất thịt là người bị thua thiệt nhiều nhất, trong việc phân chia nguồn lợi nộng nghiẹp.

Tờ La Croix nhân dịp này đưa đọc giả đến trại nuôi bò sữa ở vùng Bretagne lân cận, khám phá lao động cực nhọc mà tờ báo nêu trong hàng tít : « Giới chăn bò sữa, một ngày dài vô tận ». Phóng viên La Croix đã cùng ở với các nhà chăn nuôi trong suốt 24 tiếng đồng hồ.

Libération tìm hiểu về chỗ đứng của sản phẩm gọi là bio (sinh học), báo động « quả thật là không bio chút nào », một hàng tít bên trên mõm một chú heo. Ở trang trong tờ báo chỉ trích gay gắt là cho dù được trợ cấp quan trọng, nông nghiệp Pháp tiêu xài năng lượng rất nhièu, lại không bình đẳng và rất nguy hiểm cho môi trường.

Hội chợ Nông nghiệp : Hollande theo chân Chirac

Riêng tờ Le Figaro, đưa tin ở trang trong, chú ý đến khía cạnh chính trị qua tựa đề : « Nông nghiệp : Hollande theo bước chân của Chirac ».

Le Figaro nhắc lại là triễn lãm nông nghiệp là nơi mà các lãnh đạo Pháp và giới chính khách, không thể bỏ qua. Lần đầu tiên trong cương vị Tổng thống ông Hollande khai mạc triễn lãm hôm nay.

Năm ngoái với tư cách là ứng viên tổng thống, ông đã ở suốt 11 tiếng đồng hồ tại triển lãm, năm nay thì mới 7 giờ sáng là ông đã có mặt. Ông Hollande, theo Le Figaro, đang đi theo bước chân ông Chirac trong lãnh vực này, vì ông Sarkozy trước đây tỏ vẻ không mấy ưa thích đến đấy.

Le Figaro còn nêu một khiá cạnh khác : Tổng thống Hollande muốn lấy lòng giới nông nghiệp, một thành phần cử tri không mấy ủng hộ ông.

Nhật Bản với quyền trẻ em

Liên quan đến Châu Á hôm nay, Libération nhìn sang Nhật Bản, với tựa đề : Nhật có lẽ sẽ thông qua công ước về bắt cóc trẻ em. Bắt cóc ở đây liên quan đến việc được quyền giữ, thăm viếng con trong trường hợp ly dị, và liên quan đến các cập vợ chồng Nhật và nước ngoài.

Tác giả bài báo cho là có lẽ cuộc tranh luận rất đớn đau, kéo dài từ 30 năm nay, sắp đến hồi kết thúc : Nhật Bản dự kiến, từ đây đến tháng 7, sẽ phê chuẩn công ước La Haye về việc ‘bắt cóc trẻ em’, có từ năm 1980. Nhật là nước duy nhất trong nhòm G8 chưa phê chuẩn công ước này.

Tại Nhật, nhiều người nước ngoài có vợ người Nhật gặp rất nhiều khó khăn để có quyền giữ hay thăm con trong trường hợp chia tay, ly dị. Tại đây, trên thực tế, người mẹ giữ con và người cha không có quyền gì cả, rất ít được tiếp xúc với con. Nếu họ muốn đến gần thì không ít khi bị cảnh sát ngăn chận. Riêng Pháp có ít nhất 33 hồ sơ về trường hợp những người nản chí, tuyệt vọng trước tình cảnh này.

Phải nói là tình hình trên , theo bài báo, đã dẫn đến một số thảm kịch : không đươc quyền thăm viếng con, 3 người Pháp đã tự tử trong những năm gần đây.

Không chỉ có Pháp, Anh cũng đứng trước tình hình nan giải nói trên với 39 hồ sơ, Hoa Kỳ còn đến 81 hồ sơ. Washington đã nỗ lực nhiều nhiều nhất trong cuộc ‘đọ sức ngoại giao kéo dài triền miên này’.

Hồ sơ này đối với Mỹ quan trọng đến nỗi nó sẽ nằm trong chương trình nghị sự cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Barack Obama và thủ tướng Nhật Shinzo Abe cuối tuần này. Bài báo cũng nhắc lại là Washington từng gây sức ép lên Tokyo, đe dọa xem xét lại một số thỏa thuận song phương nếu Nhật không phê chuẩn công ước.

Bài báo còn nhắc lại chính quyền cánh tả Nhật trước đây đã có dự kiến phê chuẩn, hiện nay thì thủ tướng cánh hữu cũng tỏ quyết tâm làm việc này.

Ông Shinzo Abe giải thích quyết định của ông là do hôn nhân giữa người nước ngoài và người Nhật đã tăng cao những năm gần đây, cùng lúc các vụ ly dị cũng tăng lên: Từ 7.700 trường hợp những năm 1990, đã tăng lên 19.000 vào năm 2010. Trong tình hinh đó, và dưới sức ép của các đối tác, Tokyo phải nhanh chóng hành động.

Tuy nhiên việc phê chuẩn, theo giới chuyên gia, chỉ là « đi nửa đoạn đường mà thôi » vì còn phải đưa ra luật cụ thể. Việc này không kém phần gay go, phải đấu tranh và chiến thắng thành phần bảo thủ nghi kỵ người nước ngoài ở Nhật cũng như cánh bảo vệ triệt để quyền phụ nữ.

Một khiá cạnh khác nữa là việc phê chuẩn không chắc giải quyết các bi kịch hiện nay, vì không có dự trù việc đạo luật tương lai sẽ có hiệu lực hồi tố, áp dụng cả cho những sự kiện diễn ra trước.

Indonesia lãnh đạo Tổ chức Thương mại Thế giới ?

Cũng nhìn về Châu Á, Le Figaro chú ý đến triển vọng một bộ trưởng Indonesia lên đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới (OMC/ WTO). Đó là bà Mari Pangestu, cựu Bộ trưởng Thương mại Indonesia, và đang giữ chiếc ghế bộ trưởng Du Lịch và Kinh tế Sáng tạo. Trong mắt Le Figaro, bà Pangestu có rất nhiều triển vọng lên thay thế ông Pascal Lamy vào tháng 9 tới đây.

Ưu thế của bà trước tiên là Indonesia với số 240 triệu dân, tăng trưởng hơn 6%, đang được xem là quốc gia đang vươn lên vững chắc nhất thế giới. Và lần này theo Le Figaro, chủ yếu là các nước đang vươn lên có vai trò áp đảo : trong số 9 ứng viên vào chiếc ghế lãnh đạo WTO, thì 8 người đến từ khối nước này, như Brazil, Hàn Quốc, Mêhicô... và lần đầu tiên có đến 3 phụ nữ tranh tài.

Các ứng viên bước vào vòng loại tuần lễ đầu tháng Tư và Le Figaro chờ đợi người thắng cuộc sẽ được thông báo trước cuối tháng 5.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.