Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Ý vẫn trong ngõ cụt khiến châu Âu lo ngại

Một chính phủ kỹ trị hay chính phủ cánh tả thiểu số, một liên minh giữa các đảng hay phải bầu lại ? Cho đến ngày 01/03/2013, tình hình tại nước Ý vẫn chưa rõ ràng sau cuộc bầu cử Quốc hội mà không đảng nào chiếm được đa số áp đảo, gây lo ngại cho châu Âu.

Pier Luigi Bersani, lãnh đạo đảng cánh tả vẫn tìm kiếm liên minh.
Pier Luigi Bersani, lãnh đạo đảng cánh tả vẫn tìm kiếm liên minh. REUTERS/Tony Gentile
Quảng cáo

Thời gian không còn nhiều nữa, thị trường đang chờ đợi, nền kinh tế đứng thứ ba châu Âu đang ngập trong nợ nần và suy thoái cần có được một chính phủ để điều hành, nhưng trước mắt không có kịch bản nào đứng vững.

Người chiến thắng vẻ vang nhất trong cuộc bầu cử hôm 24 và 25/02/2013, diễn viên hài Beppe Grillo đứng đầu Phong trào 5 Sao vừa thu được một phần tư số phiếu, đã thẳng thừng bác bỏ lời mời liên minh của ông Pier Luigi Bersani, thủ lãnh cánh tả. Ông Bersani đề nghị phong trào này hợp tác trong một chương trình cải cách cụ thể (cắt giảm chi tiêu của chính phủ, có các biện pháp giúp người thất nghiệp và làm việc thời vụ).

Tuy chiếm đa số ở Hạ viện, nhưng đảng của ông Bersani chỉ là thiểu số ở Thượng viện. Ông cần có sự hỗ trợ hoặc là từ 54 nghị sĩ mới đắc cử của Phong trào 5 Sao, hoặc từ liên minh cánh hữu của ông Silvio Berlusconi để vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, cho phép chính phủ hoạt động.

Ông Berlusconi cho biết sẽ ủng hộ với một số điều kiện, nhưng cánh tả lại dứt khoát từ chối. Ngược lại, hai ông Berlusconi và Grillo đều không muốn hợp tác với nhau.

Nhằm trấn an Liên hiệp châu Âu, Tổng thống Ý Giorgio Napolitano hôm qua 28/02/2013 hứa hẹn là nước Ý sẽ đảm bảo trách nhiệm của mình, tuy nhiên ông nhìn nhận là không thể đẩy nhanh được tiến trình thành lập chính phủ.

Kết quả bầu cử Ý đã làm châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng hết sức bối rối, đồng thời làm khởi động trở lại cuộc tranh luận về chính sách khắc khổ mà Bruxelles và Berlin cổ vũ – đòi hỏi các nước đang gặp khó khăn tiếp tục siết chặt ngân sách.

Trong khi đó thị trường tài chính vẫn tỏ ra kiên nhẫn. Một chuyên gia cho rằng thị trường đã dần quen với sự bất ổn chính trị trong khu vực đồng euro. Một chuyên gia khác nhận định, Ý có thể trụ được đến mùa thu tới và tổ chức các cuộc bầu cử mới, sau đó các nước chủ chốt cần nghĩ đến việc thảo luận nghiêm túc về một chính phủ kinh tế châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.