Vào nội dung chính
CHYPRE

Quay lưng lại với châu Âu, Chypre trông chờ Nga giải cứu

Cả châu Âu lại ồn ào với kế hoạch giải cứu nền kinh tế đang trên bờ phá sản của thành viên nhỏ bé Cộng hòa Chypre, chiếm một nửa hòn đảo nằm gọn trong lòng Địa Trung Hải. Đây là một trong những chủ đề được báo chí Pháp quan tâm nhiều từ vài ngày qua, nhất là từ khi kế hoạch giải cứu của châu Âu bị Quốc hội nước này bác bỏ. 

Người biểu tình giương cờ Chypre bên cạnh cờ Hy Lạp trước trụ sở Liên hiệp châu Âu tại Athens ngày 19/03/2013.
Người biểu tình giương cờ Chypre bên cạnh cờ Hy Lạp trước trụ sở Liên hiệp châu Âu tại Athens ngày 19/03/2013. REUTERS/John Kolesidis
Quảng cáo

Sau khi kế hoạch cứu trợ của châu Âu kèm điều kiện đánh thuế tiền gửi ngân hàng bị bác bỏ, hôm nay các ngân hàng tại đảo Chypre vẫn đóng cửa, dân chúng phẫn nộ trong tuyệt vọng. Bruxelles đang loay hoay trong ngõ cụt đi tìm một giải pháp thay thế, Nicosie thì đôn đáo chạy ngược chạy xuôi kiếm nguồn tiền hòng cứu vãn tình thế. Chypre tính chuyện quay lưng lại với Bruxelles đi tìm sự trợ giúp của người Nga, đang ngày càng đông đến làm ăn ở hòn đảo nhỏ này. Nhật báo Libération nhận thấy kế hoạch « cứu giúp Chypre có mùi nước Nga ».

Để cứu hệ thống tài chính đang gần sụp đổ, chính phủ Chypre phải cần có 17 tỉ euro. Mười tỉ dùng để cứu các ngân hàng, bảy tỉ để vận hành bộ máy nhà nước và trả nợ. Liên hiệp châu Âu đã đặt lên bàn 10 tỉ, còn lại 7 tỉ chính phủ Chypre phải tự tìm lấy, mà theo như đề nghị của Bruxelles phải lấy từ việc đánh thuế các tài khoản tiền gửi ngân hàng có giá trị từ 100 nghìn euro trở lên. Đây là một điều kiện lần đầu tiên được Bruxelles đặt ra cho một nước thành viên để đổi lại sự cứu trợ khẩn cấp. Ai cũng biết từ lâu nay Chypre vẫn nổi tiếng là một « thiên đường trốn thuế », đầu tư và đặt tiền ở các ngân hàng này sinh lời rất nhanh. Người Nga đã nhanh chân đổ đến đây đặt tài sản ngày càng đông.

Nhật báo Le Figaro, trong bài phóng sự dài mang tựa đề « Đối với người Chypre đang phẫn nộ, cứu cánh phải đến từ Matxcơva ». Tờ báo cho biết, tuy nhỏ nhưng Chypre là một quốc gia biết thu hút vốn nước ngoài. Trong tổng số 38 tỉ tiền gửi ở các ngân hàng, có tới 40% là tiền của người nước ngoài. Chủ yếu trong đó là người Anh và Nga. Rất nhiều người Nga đến đây lập nghiệp và trở thành công dân Chypre trong những năm gần đây. Người Nga đầu tư nhiều nhất vào trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng và hàng hải. Và từ thứ Bảy vừa qua, người Nga ở trên hòn đảo này đang hết sức lo ngại về tài sản của họ sẽ bị mất nếu chính phủ Chypre chấp nhận điều kiện của châu Âu. Họ không muốn rời khỏi Chypre nhưng nếu phải đi khỏi đây thì sẽ là một tai họa cho kinh tế của đảo quốc này.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Le Figaro thì người Nga ở đây vẫn tin tưởng Maxcơva sẽ can thiệp giải cứu hòn đảo này vì lợi ích của mình. Còn người dân Chypre thì hoài nghi châu Âu gây áp lực với mình.

Tuy nhiên chính phủ Chypre không chỉ muốn người giàu mà cả tầng lớp trung lưu cũng như nghèo phải đóng góp cứu cả nước. Kết quả như đã thấy, người dân phẫn nộ xuống đường, Quốc hội thì bác bỏ kế hoạch cứu giúp của châu Âu. Ngân hàng từ thứ Bảy đã đóng cửa tạm ngừng hoạt động, ít nhất cho đến thứ Ba tuần tới.

Nếu như lần đầu tiên châu Âu ra điều kiện đánh thuế tiền gửi ngân hàng thì Chypre cũng là nước thành viên đầu tiên của Liên hiệp sắp vỡ nợ mà vẫn từ chối kế hoạch cứu giúp của châu Âu.

Theo Libération, sau khi quay lưng lại với Liên hiệp châu Âu, người Chypre quay sang tìm kiếm sự trợ giúp của người Nga. Hôm qua Bộ trưởng Tài chính Michalis Sarris đã vội vàng tới Matxcơva với hy vọng Kremlin mở hầu bao. Quả thực quyền lợi của Nga trên hòn đảo này là không nhỏ. Theo thẩm định của Moody’s tài sản của các công ty Nga đặt tại Chypre có thể lên tới ba chục tỉ euro. Tập đoàn Gazprom cũng đang ngấp nghé chiếm lĩnh quyền khai thác các mỏ khí đốt mới phát hiện ở ngoài khơi hòn đảo này. Tuy nhiên Matxcơva vẫn còn thận trọng nghe ngóng không muốn làm xấu thêm quan hệ với Bruxelles.

Tập đoàn Suntech của Trung Quốc thông báo phá sản một phần

Nhìn sang châu Á vẫn chủ đề kinh tế. Nhật báo Les Echos quan tâm đến Trung Quốc với nhận định « Năng lượng mặt trời : Khủng hoảng làm chao đảo công nghiệp Trung Quốc ». Hôm qua, nhà khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc Suntech đã phải đệ đơn khai phá sản một phần công ty vì làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất.

Theo Les Echos, Suntech là một biểu tượng của ngành công nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng mặt trời. Thành lập năm 2001, đến năm 2011, tập đoàn này sử dụng tới 17 nghìn lao động với doanh số 3,1 tỉ đô la nhưng cũng trong năm này con số thua lỗ của tập đoàn lên tới 1 tỉ. Hiện tại Suntech nợ ngân hàng tới 2 tỉ đô la. Hậu quả là tập đoàn phải nộp đơn báo phá sản ra tòa. Theo các nhà phân tích thì đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền trung ương Trung Quốc bắt đầu từ bỏ nâng đỡ các nhà sản xuất của họ. Trường hợp của Suntech có thể sẽ là điểm khởi đầu xuống dốc của một loạt các ngành công nghiệp Trung Quốc đang phải đương đầu với cuộc chiến thương mại với Mỹ và châu Âu.

Thành phố Choisy le Roi (Pháp) kỷ niệm ký Hiệp định Paris

Liên quan đến Việt Nam, trang thế giới báo L’Humanité có bài nói về hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Ngày kỷ niệm ký Hiệp định đã qua được gần hai tháng nhưng bắt đầu từ hôm nay ở thành phố Choisy-le-Roi thuộc tỉnh Val-de-Marne cách thủ đô Paris hơn chục km về phía tây nam tổ chức một loạt các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp định Paris giữa Việt Nam và Mỹ. Choisy-le-Roi là địa điểm mà năm 1972, các cuộc đàm phán giữa Washington và Hà Nội cùng các bên liên quan khác được bắt đầu để cuối cùng ngày 27 tháng Giêng Hiệp định Paris được ký kết.

Báo L’Humanité cho biết đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ giao lưu năm Pháp-Việt 2013 - 2014. Tối nay, tại rạp chiếu bóng Paul-Edouard của thành phố có buổi chiếu cuốn phim của đạo diễn Daniel Roussel và Yann de Sousa có tựa đề « Chỉ ai thức khuya mới thấy đêm dài », một bộ phim tài liệu lịch sử tập hợp các tư liệu và nhân chứng liên quan đến hậu trường của các cuộc đàm phán của Hiệp định Paris. Ngày mai tại Le Royal, một hội trường của thành phố, sẽ diễn ra cuộc tọa đàm với sự tham gia của nhiều nhà sử học và hoạt động Pháp cùng với bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch Việt Nam và ông Trịnh Ngọc Thái, nguyên đại sứ Việt Nam tại Paris, những người đã tham gia đàm phán. Thứ Bảy tới, thành phố sẽ tiến hành lễ khánh thành quảng trường mang tên Accords-de-Paris ( Hiệp định Paris ) và đặt tấm bia Hòa bình.

Irak 10 năm sau cuộc chiến, đất nước vẫn hỗn loạn

Về thời sự quốc tế, nhật báo Le Figaro đến với Irak sau 10 năm cuộc chiến tranh với nhận định « Mười năm sau chiến tranh, Irak vẫn còn là một quốc gia không Nhà nước ».

Le Figaro nhận thấy, ở cả Washington cũng như Bagdad, không mấy ai để ý đến dịp kỷ niệm 10 năm khởi phát cuộc chiến tranh Irak lật đổ chế độ độc tài Saddam Husein. Thủ tướng Irak Nouri Al Maliki cũng như Tổng thống Mỹ Barack Obama tỏ ra rất kín đáo với sự kiện này. Ông Obama ca ngợi « sự hy sinh »của các binh sĩ Mỹ ở chiến trường nhưng lại không nhắc gì tới 110 nghìn thường dân Irak, nạn nhân của cuộc chiến tranh do người tiền nhiệm của ông là G. Bush phát động. Còn với ông Maliki, trong chương trình làm việc của ông vào thời điểm này không hề có từ nào liên quan đến kỷ niệm.

Theo tờ báo, mặc dù so với thời kỳ năm 2006 đến 2008 các vụ bạo lực đã giảm rõ rệt nhưng chưa bao giờ dứt hẳn. Giới quan sát đều có chung nhận định Irak vẫn là một đất nước không có Nhà nước. Sự phân chia quyền lực không cân bằng đã làm cho đất nước càng bị chia rẽ sâu sắc về tôn giáo, sắc tộc và phe phái. Nếu trước chiến tranh Irak chỉ có một người đứng đầu là Saddam Hussein thì nay Irak có không phải một là là tới bốn, năm thủ lĩnh. Đất nước này vẫn là miếng mồi cho cuộc tranh giành quyền lực, ảnh hưởng tôn giáo dai dẳng. Vì thế mà người dân vẫn chưa thể được hưởng thành quả của tự do thực sự.

Nhà sáng lập Wikileaks : Ẩn cư vẫn khao khát tự do

Đã lâu người ta không nhắc đến Julian Assange, chủ nhân của trang Wikileaks gây ồn ào cả thế giới một thời và giờ đang là người tị nạn chính trị nổi tiếng nhất nước Anh. Từ 9 tháng nay Julian Assange vẫn sống ẩn mình trong tòa đại sứ của Ecuador tại Luân Đôn. Le Figaro hôm nay có bài về nhân vật này : « Assange, người ẩn cư mơ được tự do ».

Không để cuộc sống tị nạn trong bốn bức tường trở nên nhàm chán, nhà sáng lập WikiLeaks mới đã cho xuất bản một cuốn sách viết về tình trạng theo dõi trên mạng ở nhiều quốc gia.

Phóng viên của Le Figaro đã vào tòa đại sứ Ecuador để gặp Julian Assange nhân ông vừa xuất bản cuốn sách mang tựa đề « Đe dọa tự do của chúng ta, internet theo dõi chúng ta ra sao, làm thế nào để chống lại ». Cuốn sách được nhà xuất bản Robert Lafont phát hành tại Pháp.

Sau khi gây náo động cả thế giới thông tin bởi công bố hàng nghìn bức điện mật ngoại giao, giờ đây nhà sáng lập WikiLeaks lại lên tiếng báo động Internet đang trở thành công cụ cho phép các Nhà nước theo dõi công dân.

Theo tác giả bài viết, bên trong hậu trường hiện nay, các cuộc thương lượng giữa chính phủ Ecuado và Anh Quốc vẫn đang diễn ra để có thể tìm được một cho tự do của Assange. Ông cũng tin tưởng là cuối cùng rồi mình sẽ thắng dù sẽ còn phải chịu cảnh tị nạn như hiện nay vài ba năm nữa. Julian Assange cũng hy vọng là chính quyền Anh cũng đã quá mệt mỏi với vụ việc của ông. Luân Đôn tháng trước phàn nàn là đã phải tốn tới 3 triệu bảng chi cho việc cảnh giới theo dõi xung Julian Assange.

Một hướng khác để đi đến đích tự do. Julian Assange đang chuẩn bị đơn ứng cử vào Thượng viện Úc, quê hương gốc của ông với hy vọng nếu thắng cử sẽ có quyền hưởng quy chế miễn trừ ngoại giao của một thượng nghị sĩ. Nhưng cuộc bầu cử này phải đến tháng 9 năm 2014 mới diễn ra.

Dù gì thì Julian Assange vẫn là một nhân vật hấp dẫn. Hãng phim DreamWorks đang làm một bộ phim lấy cốt chuyện từ cuộc đời thực của Julian Assange.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.