Vào nội dung chính
BULGARI - KINH TẾ

Thất bại của mô hình kinh tế Bulgari

Thời sự nước Pháp chiếm rất nhiều trang trên các tờ báo Paris trong ngày : Cựu tổng thống Nicolas Sarkozy chính thức bị điều tra, còn đương kim tổng thống François Hollande lúng túng trong kế hoạch cải tổ chính sách thuế khóa, kinh tế nước Pháp chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại trước mùa hè.

Dân Bulgari biểu tình ở thủ đô Sofia phản đối tình trạng khó nghèo và hệ thống chính trị, 03/03/2013
Dân Bulgari biểu tình ở thủ đô Sofia phản đối tình trạng khó nghèo và hệ thống chính trị, 03/03/2013 REUTERS
Quảng cáo

Về quốc tế, chuyến xuất ngoại đầu tiên của tân chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình dành cho nước Nga cũng được các tờ báo Pháp chú ý. Nhưng trước hết xin điểm qua bài báo trên La Croix mang tựa đề « Bulgari thất bại trong giai đoạn chuyển tiếp kinh tế hậu chế độ cộng sản ». 

Thất bại của mô hình kinh tế Bulgari 

Tại quốc gia nghèo nhất trong Liên Hiệp Châu Âu này, tiền điện tăng giá là giọt nước làm tràn ly. Người dân Bulgari quá chán ngán vì tham nhũng, vì chính sách quản lý kinh tế kém cỏi của các chính quyền liên tiếp. Như lời một dân cư Sofia đã kể lại với phóng viên của La Croix thì dư luận nước này quá mệt mỏi khi trông thấy « các ông lớn thay phiên nhau cầm quyền đã làm giàu trên mồ hôi nước mắt của dân ». Tương lai con em Bulgari thì đen tối, khi mà có tới 28 % thanh niên dưới 25 tuổi không có việc làm và giới trẻ ồ ạt bỏ xứ tha phương cầu thực. 

Từ đầu tháng Hai tới nay, đã có 7 người Bulgari tự thiêu vì tuyệt vọng. Theo như phân tích của nhà chính trị học Ognyan Minchev, làn sóng phẫn nộ nói trên phản ánh sự « thất bại của Bulgari trong quá trình chuyển đổi kinh tế trong thời kỳ hậu chế độ cộng sản : Năm 1989, khi chế độ cộng sản Bulgari cáo chung, các doanh nghiệp Nhà nước chỉ do một vài người nắm giữ ». Từ đó tới nay, « toàn bộ hệ thống kinh tế nước này do một các nhà tài phiệt Bugari hoặc Nga kiểm soát. Giới này đã tận dụng thế độc quyền để làm giàu và mua chuộc các chính trị gia Bulgari ». 

Chuyên gia nói trên không ngạc nhiên là làn sóng phẫn nộ ở Bulgari bùng lên vào thời điểm này. Ngành năng lượng là khu vực kinh tế bị tham nhũng lũng đoạn nhất tại Bulgari. Còn trong mắt một chuyên gia kinh tế được La Croix trích dẫn thì làn sóng nổi dậy ở quốc gia đông Âu này là bằng chững rõ rệt nhất cho thấy xã hội dân sự Bulgari đã hình thành và sẵn sàng đấu tranh, bảo vệ những quyền lợi của dân. Điểm đáng lưu ý thứ nhì là các nhà lãnh đạo ở Sofia qua đây cũng ý thức được rằng đã đến lúc chính quyền cần « xét lại đường lối lãnh đạo đất nước » và họ bắt đầu phải « quan tâm đến nguyện vọng hay ít ra là lắng nghe tiếng nói của người dân ». 

BCE đe dọa bóp ngạt Chypre 

Cũng tại châu Âu, Chypre vẫn là điểm nóng. Le Monde nói đến một hòn đảo đang « Bị dồn vào chân tường » khi Ngân hàng Trung ương châu Âu ra « tối hậu thư » đe dọa « ngưng cấp tiền mặt » cho hai ngân hàng lớn nhất của Chypre. Chính quyền Nicosie trễ nhất là tới tối ngày 25/03/2013 phải tìm ra đồng thuận để nhận được gói hỗ trợ 10 tỷ euro của châu Âu. 

Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa « Cuộc chiến cuối cùng của Chypre để tránh vỡ nợ ». Trong khi đó, như nhận xét của Libération, người dân Chypre đang « nín thở » chờ hạn chót là thứ Ba tuần sau, khi các ngân hàng trên hòn đảo này mở cửa trở lại. Nhưng đối với hầu hết mọi người thì « Chypre đã bị phá sản ». Từ cả tuần nay, các hoạt động kinh tế bị tê liệt, khiến tinh thần bài châu Âu của dân cư Chypre càng dâng cao. Theo ghi nhận của phóng viên báo Libération, Chypre gia nhập Liên Hiệp Châu Âu từ năm 2004, nhưng vào thời điểm này thì không một ai tin tưởng vào « tinh thần liên đới giữa các nước châu Âu với nhau ». Thậm chí nhiều người còn cho rằng, kế hoạch giải cứu Chypre được Bruxelles đề xướng, là một « sự sỉ nhục » hay một « hình phạt » do Berlin áp đặt, bởi vì « nước Đức muốn đập đổ hệ thống tài chính của Chypre thâu tóm các nguồn dự trữ khí đốt của hòn đảo này ». Libération không quên lưu ý rằng : Đang bị châu Âu ngược đãi, người dân Chypre có khuynh hướng nghiêng về phía Nga ! 

Tập Cận Bình và ông bạn Putin 

Trước khi quay về với thời sự nước Pháp, xin điểm qua hai bài báo tập trung vào chuyến xuất ngoại đầu tiên mà ông Tập Cận Bình dành cho nước Nga. Theo báo Le Figaro chắc chắn là tổng thống Putin phải chú ý tới nhã ý của tân lãnh đạo Trung Quốc. Nga và Trung Quốc đã rất « tâm đầu » trên những hồ sơ quốc tế đặc biệt là đối với vấn đề Syria. Thái độ đó đã giúp Trung Quốc củng cố vị thế của mình trên sân khấu quốc tế, đồng thời hợp tác của trục Bắc Kinh -Matxcơva giúp đôi bên mở rộng ảnh hưởng để làm đối trọng với hai ông khổng lồ khác tại Châu Á Thái Bình Dương là Nhật Bản và Ấn Độ. Cũng không phải tình cờ mà ông Tập Cận Bình đã chọn đến thăm ông Vladimir Putin trong chuyến xuất ngoại đầu tiên ở cương vị Chủ tịch nước : Trung Quốc trong ba năm liên tiếp là đối tác kinh tế và thương mại số 1 của nước Nga, tổng kim ngạch mậu dịch hai chiều tăng hơn 11 % nội trong năm 2012. Bộ Thương mại Trung Quốc đã nhấn mạnh « năng lượng sẽ là trọng tâm hàng đầu » của đối thoại Nga-Trung. 

Dù vậy, báo kinh tế Les Echos nhắc lại rằng « Khí đốt của Nga : Đàm phán giữa Bắc Kinh và Matxcơva không hồi kết », do dự án xây dựng đường ống dẫn khí cho phép Nga cung cấp đến 68 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc tuy đã nhiều lần được thảo luận nhân các cuộc họp song phương, nhưng đến nay vẫn hoàn toàn bế tắc. Đơn giản là vì Nga muốn bán khí đốt cho nước láng giềng Trung Quốc với giá « bình thường » trong khi đó thì Bắc Kinh lại đòi Matxcơva phải bán cho Trung Quốc « với giá hữu nghị ». 

Nhìn rộng ra hơn, Les Echos trong bài báo mang tựa đề « Tập Cận Bình ưu tiên nhắm tới các nước đang trỗi dậy » cho biết là bên cạnh hồ sơ khí đốt, dầu hỏa và vũ khí sẽ là hai hồ sơ quan trọng khác mà tân lãnh đạo Trung Quốc chủ yếu đề cập tới với chủ nhân điện Kremly. 

Lợi dụng người già để moi tiền ?  

Trở lại thời sự nước Pháp, sự kiện nổi bật trong ngày là cựu tổng thống Nicolas Sarkozy vừa bị chính thức điều tra trong vụ bê bối mang tên « vụ án Bettencourt ». Ông Sarkozy bị nghi ngờ đã nhận tiền của nhà tỷ phú Liliane Bettencourt, chủ nhân tập đoàn mỹ phẩm L’Oreal để tài trợ chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2007. Đáng nói hơn nữa là bà Bettancourt, 90 tuổi bị mất trí nhớ từ năm 2006. 

Tin này đã rơi xuống rất trễ đêm hôm qua 21/03/2013 nhưng cũng đã được hai tờ báo lớn là Le Figaro và Libération đưa kịp. Tờ báo thân hữu, Le Figaro chạy tựa ngắn gọn : « Bettencourt : Sarkozy bị chính thức điều tra ». 

Tờ báo chỉ tường thuật lại những gì xảy ra tại văn phòng của thẩm phán Gentil, nhưng không bình luận. Riêng tờ Libération thiên tả « độc » hơn với hàng tựa tương tự như của Le Figaro, nhưng nói thêm Nicolas Sarkozy bị điều tra vì « lợi dụng thế yếu » của bà tỷ phú Bettancourt. Theo Libération thì « một cú sét đã nổ ra ở tòa án Bordeaux tối ngày hôm qua ». Nhưng trên thực tế điều quan trọng là uy tín của cựu tổng thống Pháp bị sứt mẻ vào thời điểm Nicolas Sarkozy dường như có tham vọng quay trở lại chính trường. Ở Pháp, tội danh « lạm dụng tình trạng yếu kém » của người khác để chuộc lợi, có thể bị phạt tới 3 năm tù giam và 375 000 euros tiền phạt. 

Hollande trong cơn bão táp 

Báo chí Paris trong ngày không khoan nhượng hơn với người ngồi vào chiếc ghế tổng thống sau ông Sarkozy. Libération chơi chữ để chế nhạo François Hollande đang « chìm xuồng » vì chính sách cải tổ hệ thống thuế khóa. Cụ thể là trong thời gian tranh cử ứng, cử viên tổng thống Hollande hữa sẽ đánh thuế đến 75 % các hộ gia đình có thu nhập trên 1 triệu euro một năm. Kế hoạch này, đã bị Hội đồng Bảo hiến bác bỏ vì coi là vi hiến, lại vừa bị Tham Chính viện khuyến cáo không nên vượt quá 66%.

Tờ báo kết luận : Hứa hẹn đánh thuế vào các tay nhà giàu của ông François Hollande vừa bị khai tử. Cho dù biện pháp đánh thuế nói trên chỉ là mang tính tượng trưng, vì có bao nhiêu hộ gia đình ở Pháp thực sự có thu nhập trên 1 triệu euro một năm ? Trong khi đó, các chuyên gia nêu lên câu hỏi là đến khi nào thì chính phủ mới thực sự mạnh dạn cải tổ hệ thống thuế khóa ? 

Le Figaro chạy tựa trên trang nhất « thuế khóa, gánh nặng của Hollande ». Ở trang trong tờ báo bồi thêm « Hollande và đảng Xã hội rơi vào bẫy của hồ sơ thuế » và đảng cầm quyền chắc chắn sẽ « đau đầu » để tìm ra một loại thế khác đánh vào các tay nhà giàu. Les Echos gọi đây là « sự sa lầy » của chính quyền Hollande.

Hội chợ sách Paris 2013 : Một thế kỷ văn học Roumani

Cũng về nước Pháp, nhưng trong lĩnh vực văn hóa, hôm nay, Hội chợ sách Paris 2013 khai mạc. Le Monde và Libération dành rất nhiều trang cho sự kiện này.

Năm nay, Roumani là khách mời danh dự, cho nên Le Monde dành hẳn phụ trang giới thiệu sách phát hành vào mỗi thứ Sáu đề cùng nhìn lại « Một thế kỷ thăng trầm, hy vọng và ảo tưởng, sự hồi sinh » của nền văn học Roumani. Theo lời dịch giả Laure Hinckel, trả lời báo La Croix thì đó là một nền văn học đã bị « khóa miệng trong suốt những năm tháng Ceaucescu. Văn học đương đại Roumani mới chỉ chào đời từ những năm 1990 ». L'Humanité cho biết, ban tổ chức đã mời ít nhất 27 nhà văn Roumni đến Paris dự hội chợ sách lần thứ 33.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.