Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Lãnh đạo cánh tả Ý thương lượng để thành lập chính phủ liên hiệp

Ngày 22/03/2013, Pier Luigi Bersani, lãnh đạo liên minh cánh tả, được tổng thống Ý trao nhiệm vụ tìm kiếm sự ủng hộ của các đảng phái khác để có thể thành lập được chính phủ mới, do đảng Dân chủ Ý không giành được đa số tuyệt đối tại Thượng viện.

Pier Luigi Bersani.
Pier Luigi Bersani. REUTERS/Tony Gentile
Quảng cáo

Đây là một nhiệm vụ được đánh giá là hết sức khó khăn. Lãnh đạo liên minh cánh tả Pier Luigi Bersani trong những ngày tới, phải vượt qua được một thách thức vô cùng lớn : Tìm ra được các đồng minh tại Thượng viện.

Vừa ra khỏi dinh tổng thống, lãnh đạo đảng Dân chủ đã có cuộc gặp với chủ tịch Hạ viện và Thượng viện Pietro Grasso và Laura Boldrini. Ông Bersani hứa hẹn sẽ tiến hành « các thay đổi cần thiết như người Ý trông đợi», cũng như « các cải cách hiến pháp và luật bầu cử ».

Liên minh cánh tả, về đầu trong các cuộc bầu cử cuối tháng 2/2013, chỉ có được đa số tuyệt đối ở Hạ viện, tại Thượng viện, đảng của ông Bersani đã giành được ghế chủ tịch nhờ sự ủng hộ của hơn một chục nghị sĩ Phong trào Năm sao, lực lượng chính trị về thứ ba trong kỳ bầu cử vừa rồi. Mà theo luật của Ý, để điều hành đất nước, thủ tướng Ý phải có được sự ủng hộ của Hạ viện và Thượng viện, vốn có quyền lực ngang nhau trong hệ thống chính trị nước Ý.

Nhiệm vụ của ông Bersani là rất khó khăn, vì lãnh đạo Phong trào Năm sao đã nhiều lần từ chối hợp tác, gần đây nhất là vào ngày thứ Năm 21/03, khi ông Beppe Grillo, cựu diễn viên hài, lãnh đạo Phong trào Năm sao, khẳng định với tổng thống Ý là Phong trào Năm sao sẽ không bỏ phiếu cho chính phủ của ông Bersani.

Cựu thủ tướng Berlusconi, đảng về thứ hai trong cuộc bầu cử, liên tục đề nghị « một liên minh lớn vì lợi ích đất nước » với ông Bersani, nhưng lãnh đạo cánh tả cũng liên tục bác bỏ khả năng hợp tác với cánh hữu.

Theo thông tín viên đài RFI  Anne Le Nir từ Roma, ông Pier Luigi Bersani sẽ không tìm cách thuyết phục các đảng phái, mà là các nghị sĩ, một mặt, dựa trên cơ sở của một cương lĩnh đáp ứng các đòi hỏi ưu tiên hướng đến sự thay đổi của cử tri, mặt khác, dựa vào sự lựa chọn nhân sự mà ông muốn bổ nhiệm vào các chức bộ trưởng. Và trong thành phần chính phủ dự kiến, sẽ không có mặt những người xuất thân từ giai tầng chính trị truyền thống, mà là các giáo sư đại học nổi tiếng hay các nhân vật có uy tín thuộc xã hội dân sự. Tóm lại là một dàn lãnh đạo mới, đoạn tuyệt với các mô hình cũ, để có thể thu hút được các đại diện của phong trào Năm sao, của cánh trung, của Liên minh phương Bắc, hay kể cả đảng Nhân dân tự do, đảng cánh hữu của ông Berlusconi.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.