Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP QUỐC

LHQ chuẩn bị thông qua Hiệp định về buôn bán vũ khí

Sau khi bị ba nước Syria, Iran, Bắc Triều Tiên ngăn chặn cách nay gần một tuần, vào hôm nay 02/04/2013, văn bản Hiệp định về buôn bán vũ khí thông thường trên thế giới được đưa ra bỏ phiếu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Hiệp định này chắc chắn được thông qua vì số nước hậu thuẫn cho văn kiện chiếm đa số.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chuẩn bị thông qua Hiệp định về buôn bán vũ khí (REUTERS /Eduardo Munoz)
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chuẩn bị thông qua Hiệp định về buôn bán vũ khí (REUTERS /Eduardo Munoz)
Quảng cáo

Lẽ ra hiệp ước đề ra những khuôn khổ cho việc buôn bán vũ khí thông thường trên toàn thế giới đã phải được thông qua từ hôm 28/03 vừa qua, sau 10 ngày thuơng lượng tại New York. Tuy nhiên, vào lúc ấy, ba nước Syria, Iran, Bắc Triều Tiên đã chống lại văn kiện khiến cho sự đồng thuận cần thiết của 193 thành viên Liên Hiệp Quốc đã không hội đủ. 

Kenya với hậu thuẫn của 63 quốc gia - trong đó có Mỹ, Anh, Pháp ... - đã đề nghị Đại Hội Đồng thông qua một nghị quyết lấy lại văn kiện bị ngăn chặn, và như thế khi được thông qua, sẽ mở đường cho việc ký kết Hiệp định. 

Tại Đại hội đồng, việc thông qua dẽ dàng hơn vì chỉ cần đa số đơn thuần tán đồng, và trong tình hinh trước mắt thì chắc chắn Hiệp định sẽ được thông qua, vì văn kiện được hậu thuẫn của các nước phưong Tây, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh. 

Văn kiện 15 trang đã đươc thảo luận trong vòng 7 năm qua, là hiệp định đầu tiên đưa việc buôn bán vũ khí quy ước vào khuôn khổ, với một thị trường khoảng 80 tỷ đô la/năm. Đây là văn kiện lớn đầu tiên về giải trừ vũ khí, từ sau hiệp định cấm thử nghiệm hạt nhân năm 1996. 

Nguyên tắc của hiệp định này là mỗi quốc gia trước mọi giao dịch, phải đánh giá xem vũ khí bán ra có nguy cơ bị sử dụng một cách bất hợp pháp hay không, như để tránh né cấm vận vũ khí chẳng hạn, hay để phạm vào tội ác diệt chủng hoặc rơi vào tay quân khủng bố ... Trong các trường hợp này, quốc gia xuất khẩu sẽ không được quyền cho phép vụ bán buôn. 

Danh sách vũ khí bao gồm từ súng lục đến chiến đấu cơ, tàu chiến, hoả tiễn..., nhưng không có máy bay không người lái, xe chở quân lính hay trang thiết bị của lực lượng an ninh. 

Mỗi quốc gia sau đó sẽ ký kết và phê chuẩn hiệp định. Văn kiện sẽ có hiệu lực sau khi được 50 quốc gia phê chuẩn. Theo một nhà ngoại giao, tiến trình này có thể kéo dài hai năm. Trước mắt theo AFP, Chính quyền Hoa Kỳ sẵn sàng ký kết văn kiện nhưng không chắc là Quốc hội Mỹ sẽ phê chuẩn. Hoa Kỳ hiện cung cấp đến 30% vũ khí thế giới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.