Vào nội dung chính
NGA

Nga sách nhiễu các tổ chức phi chính phủ : Ca sĩ nhóm Dire Straits bỏ biểu diễn

Hôm qua 05/04/2013, ngôi sao nhạc rock người Anh Mark Knopfler, thủ lãnh ban nhạc Dire Straits, tuyên bố hủy bỏ chuyến công diễn tại Nga, dự kiến vào ngày 7 và 8/6. Hành động phản đối chính sách kiểm soát chưa từng có của chính quyền Nga đối với hơn một trăm tổ chức phi chính phủ của ca sĩ người Anh đã nhận được nhiều phản ứng trái ngược.

Nghệ sĩ Mark Knopfler, thành viên sáng lập nhóm Dire Straits (DR)
Nghệ sĩ Mark Knopfler, thành viên sáng lập nhóm Dire Straits (DR)
Quảng cáo

Thông tín viên Anastasia Becchio tường trình từ Matxcơva,

« Đây không phải là lần đầu tiên nghệ sĩ Mark Knopfler bày tỏ thái độ chỉ trích. Mùa hè năm ngoái, ông đã nhận xét rằng việc chính quyền kết án hai năm tù đối với ba nữ ca sĩ ban nhạc Pussy Riot đã hạ thấp hình ảnh của nước Nga.

Lần này, nghệ sĩ Anh đã đi xa hơn, với việc hủy bỏ hai buổi hòa nhạc nằm trong chương trình biểu diễn tháng 6 tại Nga, để phản đối chiến dịch kiểm tra quy mô lớn nhắm vào khoảng 100 tổ chức phi chính phủ tại Nga. Nghệ sĩ Mark Knopfler cho rằng, đây là một dấu hiệu mới của ‘‘sự đàn áp từ phía chính quyền Nga’’.

Quyết định của ca sĩ Mark Knopfler ít được giới chức Nga bình luận. Đánh giá hành động của Knopfler là ‘‘đạo đức giả’’, ông Alexei Puchkov chủ tịch ủy ban đối ngoại ở Thượng viện Nga, nhận xét trên trang twitter cá nhân như sau : ‘‘tình trạng như địa ngục ở Irak đã không ngăn cản (Mark Knopfler) hát tại Hoa Kỳ’’.

Ngược lại, nhà phê bình âm nhạc Artemi Troitsky thì ca ngợi quyết định chưa từng có này và nhận xét rằng hành động của ca sĩ Anh ‘‘rất quan trọng đối với tất cả những người Nga nào không thờ ơ với những gì diễn ra trên đất nước mình’’.

Về phía công chúng, quyết định hủy bỏ chuyến công diễn tại Nga của ca sĩ Mark Knopfler đã được đón nhận khác nhau. Một số người hoan nghênh đây là một quyết định ‘‘đúng đắn’’ hay ‘‘đáng kính nể’’, một số người khác thì lại cho là bất công, vì theo họ, ‘‘chính ông Putin phải là đối tượng bị trừng phạt, chứ không phải là công chúng’’. Đây là ý kiến của một khán giả được gửi lên trên trang internet của ca sĩ.

Một số người khác thì lấy làm tiếc rằng Mark Knopfler đã không sử dụng cơ hội này để truyền đi một thông điệp, giống như Madonna đã làm tại Matxcơva hồi mùa hè năm ngoái, khi nữ ca sĩ cho in trên lưng mình dòng chữ ‘‘Pussy Riot’’ ».

Ca sĩ Mark Knopfler tuyên bố, ông « vẫn luôn luôn mong muốn biểu diễn tại Nga, rất yêu mến đất nước Nga và người Nga » và hy vọng « tình hình sẽ thay đổi nhanh chóng ».

Xin nhắc lại là, tháng 3/2013, chính quyền Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch kiểm soát các tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ từ nước ngoài. Theo luật có hiệu lực từ cuối 2012, các tổ chức nhận tài trợ nước ngoài và có hoạt động chính trị phải đăng ký vào danh sách các tổ chức có « nhân viên ngoại quốc ». Chiến dịch điều tra này bị nhiều chỉ trích từ các nước Phương Tây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.