Vào nội dung chính
HOA KỲ - NGA

Mỹ - Nga : chiến tranh lạnh sẽ tái diễn ?

Mối quan hệ giữa hai siêu cường Mỹ và Nga xưa nay vốn căng thẳng và phức tạp. Giờ đây, nguy cơ một cuộc chiến tranh lạnh lại có thể xảy ra sau cái chết của luật gia Sergei Magnitski vào năm 2009. Sự kiện hôm qua, Mỹ đăng danh sách 18 quan chức Nga được cho là có liên can đến vụ Magnitski, có thể làm cho Nga tức giận và trả đũa. Báo Le Figaro có bài viết nhận định về vấn đề này.

Mộ phần của luật gia Sergei Magnitski. Ảtnh chụp 11/03/2013 (REUTERS /M. Voskresensky)
Mộ phần của luật gia Sergei Magnitski. Ảtnh chụp 11/03/2013 (REUTERS /M. Voskresensky)
Quảng cáo

Các quan chức nằm trong danh sách này bị cấm nhập cảnh vào nước Mỹ và bị phong tỏa tài khoản. Theo tờ báo, đây là một bước quan trọng trong cuộc chiến ngoại giao giữa hai cường quốc. Washington nghi ngờ 18 quan chức Nga nói trên đã vi phạm nhân quyền trong cái chết của luật gia Magnitski. Trước đó, lập pháp Mỹ dự định đưa ra danh sách 280 quan chức Nga tình nghi dính líu đến vụ việc, nhưng lo ngại làm sứt mẻ quan hệ hai nước, nên họ đã rút lại danh sách còn 18 người.

Ngay sau khi hay tin 18 quan chức bị đăng trong danh sách, lập tức Nga cho hay 18 vị này đã bãi nhiệm. Đây là một cách gián tiếp thừa nhận tội lỗi của mình. Tuy nhiên, Nga cũng không chịu thua, đòi trả đũa bằng việc đăng tải trong vài ngày tới danh sách công dân Mỹ bị nghi vi phạm nhân quyền.

Theo đó, các nhân vật này cũng sẽ không được đặt chân đến Nga. Danh sách này sẽ « tương xứng » với những gì mà Mỹ đã làm. Các quan chức và các luật sư Mỹ có liên quan đến vụ tống giam tay buôn lậu vũ khí Nga Viktor Bout cũng có thể sẽ bị trừng phạt.

Theo phát ngôn viên của ông Vladimir Putin, « việc đăng tải các danh sách này gây ra những hậu quả tiêu cực đến mối quan hệ hai bên ». Ngày 14 và 15/04, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tom Donilon sẽ có chuyến công du tại Máxtcơva. Trong dịp này, Hoa Kỳ mời gọi Nga « lại ngồi vào bàn đối thoại », mà đã được Nhà Trắng mở ra từ năm 2009. Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thì « thời điểm này là không thích hợp ». 

Venezuela bầu cử người kế nhiệm ông Chavez

Hơn một tháng sau khi lãnh tụ Hugo Chavez qua đời, giờ đây, Venezuela cần bầu ra người kế vị ông Chavez để dẫn đưa đất nước thoát ra cuộc khủng hoảng. Trước ngày bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày mai, báo chí Pháp hôm nay đa số đưa tin về các cuộc thăm dò dư luận về hai vị ứng cử viên tổng thống.

Le Figaro cho biết, theo thăm dò thì người được tín nhiệm để kế nhiệm ông Chavez là ông Nicolas Maduro có số phiếu vượt trội hơn đối thủ của mình là ông Henrique Capriles đến 20%. Do người dân dành nhiều tình cảm cho ông Chavez, nên ứng cử viên đối lập Capriles khó có hy vọng thắng được trong lần bầu cử này.

Trong cuộc meeting mới đây vào thứ năm, ứng cử viên đối lập Capriles đánh giá đây là « cuộc tranh cử khác thường ». Bởi vì, sau sự ra đi đột ngột của lãnh tụ Chavez, chỉ trong vòng một tháng, các ứng cử viên không có đủ thời gian để đưa ra kế hoạch tranh cử cũng như các hành động cụ thể sẽ thực hiện sau khi đắc cử. Đây được xem là cuộc tranh cử ngắn nhất trong lịch sử nước này.

Ông Nicolas Maduro thì tận dụng triệt để lợi thế được thừa kế sự tín nhiệm từ ông Chavez để củng cố hình ảnh của mình. Về phía mình, ông Capriles thì tấn công vào 100 ngày làm việc trên cương vị tổng thống lâm thời của đối thủ Maduro và ông tránh không động chạm đến Chavez, người được xem là một huyền thoại, một anh hùng dân tộc.

Trong khi đó, báo cánh tả Libération chạy tựa : « Tình hình Venezuela vẫn chưa được giải quyết sau khi ông Chavez qua đời ». Theo tờ báo, chủ nhật này, Venezuela phải bầu ra người kế nhiệm ông Chavez, nhưng chẳng có ứng cử viên nào thuyết phục được dân chúng.

Thanh niên muốn rời Pháp để làm việc tại nước ngoài

Liên quan đến tình hình xã hội tại Pháp, báo cánh hữu Le Figaro hôm nay chạy tít lớn : « Thanh niên muốn rời khỏi Pháp ». Càng ngày càng có nhiều thanh niên Pháp muốn ra nước ngoài làm việc. Tờ báo dành hẳn hai trang lớn phân tích về tình hình này.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Ngoại giao, hơn 150 000 thanh niên Pháp từ 18-26 tuổi hiện đang sống tại nước ngoài. Nguyên nhân xuất ngoại là để tìm việc làm hoặc do chán ngán không khí ảm đạm tại Pháp. Khuynh hướng này thịnh hành vì hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi mà đa số các chương trình học trong các trường kỹ sư cũng như các trường lớn đòi hỏi một số thời gian sống và học tập tại nước ngoài. Ví dụ như thực tập hay trao đổi sinh viên với nước ngoài. Do đó, ngày càng đông sinh viên trẻ sau khi tốt nghiệp chọn nước ngoài để làm việc.

Một nửa trong số này làm việc trong các công ty đa quốc gia hay các công ty Pháp tại hải ngoại. Chính sự quốc tế hóa của các công ty thúc đẩy nhu cầu xuất ngoại của giới trẻ. Theo kết quả của Viện thăm dò ý kiến công chúng Pháp Ifop, có đến 27% thanh niên tốt nghiệp nghĩ rằng sẽ chọn nước ngoài để làm việc, trong khi chỉ có 13% vào năm 2012.

Trong đó, sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học dự định đi nước ngoài lập nghiệp đông hơn thành phần học các trường lớn. Tuy nhiên, sinh viên trẻ tốt nghiệp không dễ gì mơ tưởng đến các hợp đồng xuất ngoại, vì dạng này không nhiều và thường dành cho nhân viên lâu năm trong ngành và nhiều kinh nghiệm, ngạch « cán bộ ». Giới trẻ thường xuất ngoại dưới dạng tình nguyện cho các công ty hoặc được tuyển dụng theo hợp đồng tại nước sở tại.

Theo thống kê mà tờ báo đưa ra, đứng đầu các nước được thanh niên Pháp lựa chọn là Thụy Sĩ, chiếm 14,3% số thanh niên xuất ngoại. Sau đó lần lượt là các nước : Anh, Đức, Luxembourg, Bỉ, Mỹ, Canada và cuối cùng là Trung Quốc. Đối với giới trẻ, nguyên nhân xuất ngoại là do tình hình kinh tế tại Pháp khó khăn, vật giá đắt đỏ, họ không thể tìm được việc làm khi chưa có kinh nghiệm. Mặt khác, bằng cấp của họ được trọng dụng hơn ở Bỉ hay như cơ hội làm ăn tại Anh tốt hơn.

1/3 trong số 105 000 kỹ sư đang làm việc tại hải ngoại không muốn trở về Pháp. Theo kết quả thăm dò mới nhất, 42% có ý định quay trở lại Pháp, 32% không muốn quay về và 25% trả lời « không biết » hoặc « điều này không do họ quyết định ». Một số muốn quay về là vì họ lập gia đình, sinh con cái và thấy rằng giáo dục tại nước ngoài không giống tại Pháp. Do đó, họ muốn hồi hương để giáo dục con mình tại Pháp.

Hơn nữa, do nhớ nhà và muốn chăm sóc cha mẹ nên họ quay về. Bên cạnh đó, với tâm lý sống đâu quen đấy, thành phần lưỡng lự không muốn quay về là vì sợ mất một số mối quan hệ mà họ đã thiết lập suốt thời gian sống tại nước ngoài. Hơn nữa, tại nước ngoài, họ đảm nhận các trọng trách cao hơn, một vị trí xã hội cao hơn là tại Pháp. Theo nhận xét của một chuyên gia thì « tại châu Á người ta có thể là đứng đầu một chi nhánh trong khi về lại Pháp thì chỉ là con số thứ 50 trong công ty và chẳng được ai chào hỏi ».

Theo phóng viên báo Le Figaro từ Thượng Hải, ông Arnaud de la Grange, có 12 000 người Pháp sống tại đây, trong đó 41% là dưới 25 tuổi. Lý do là vì châu Âu già cỗi giờ đây thiếu luồng sinh khí thu hút giới trẻ và họ phải tìm đến nơi tạo cho họ động lực làm việc.

YouTube tìm kiếm các tài năng trẻ

Gần đây, khán giả châu Âu và đặc biệt là Pháp hâm mộ ca sĩ Psy của Hàn Quốc với bản Gangnam Style. Hôm nay, vào lúc 11h30 theo giờ Paris, ca sĩ Psy biểu diễn chương trình nhạc sống tại Seoul và được truyền hình trực tiếp tại Paris. Fan hâm mộ của ca sĩ này đã đón chờ để lắng nghe anh trình bày lần này một clip mới mang tên « Gentleman ». Báo Le Monde hôm nay có bài viết đăng tải sự kiện này.

Buổi biểu diễn được truyền trực tiếp trên trang YouTube. Sự nổi danh của ca sĩ Psy một phần nhờ vào trang web này. Vidéo Gangnam Style của Psy lần đầu tiên đạt mức kỷ lục trên trang YouTube, vượt ngưõng hàng tỷ người xem. Tính đến thứ năm là đã có 2.18 tỷ lượt xem. YouTube không đưa ra con số nào nhưng theo ca sĩ Psy và nhà sản xuất , anh đã thu được 7 triệu đô-la nhờ được đăng trên trang này.

Trang web này giờ đây trở thành sàn diễn và bệ phóng cho các tài năng trẻ. Ví dụ ở Pháp cũng có Norman nổi tiếng với các vidéo hài của mình được quay tại nhà và mới đây, clip của anh được quay trong một đoạn phim. Trên trang này, « người ta được tự do đăng tải nội dung người ta muốn, dễ dàng tung ra một nội dung hơn là trên truyền hình », theo nhận định của một chuyên gia. Hơn nữa, từ năm 2008, YouTube còn quyết định chia lợi nhuận quảng cáo cho các tác giả của các clip vidéo. Chương trình này từ nay được áp dụng trên 20 nước trong đó có Pháp.

Phát ngôn viên của trang này cho hay YouTube sẽ trả phân nửa lợi nhuận thu được. Đối với các clip thu hút nhiều khán giả hơn thì « tùy từng trường hợp, họ có thể thỏa thuận thu từ 40-60% lợi nhuận và phần còn lại thuộc về trang này ». Để thu hút người xem và tăng lợi nhuận, trang web còn hỗ trợ các nhà sáng tạo chọn tựa cho clip của mình …

Thế nhưng, vấn đề không hề đơn giản tí nào đối với các nghệ sĩ. Một ca sĩ và người viết blog trên trang Guardian nhận xét : « Khi ta chỉ là một ca sĩ bình thường, thật khó mà thương lượng với YouTube. Chỉ có các hãng dĩa lớn mới thương lượng được với YouTube về chia phần trăm lợi nhuận. Hơn nữa, tại các nước anglo-saxon, không phải lúc nào họ cũng rót lợi nhuận cho nghệ sĩ. »

Theo tờ báo, chiến lược của YouTube là ngay từ đầu, họ chỉ cho đăng các clip quay bởi các cư dân mạng. Nội dung thường chấp vá mỗi chỗ một ít. Sau đó để tăng lợi nhuận thì họ muốn đề nghị đăng tải các nội dung hợp pháp, chất lượng và độc đáo.

Thatcher tiếp tục chia rẻ sâu sắc nước Anh

Sau khi cựu thủ tướng Anh, bà Margaret Thatcher qua đời, nước Anh bị chia rẻ sâu sắc. Hai đảng Bảo thủ và Đối lập lao động đang trong vòng lộn xộn vì một số ý kiến chống đối « người đàn bà thép này » vẫn còn đó. Theo báo Le Monde, nhật báo Daily Telegraph, thân đảng bảo thủ thuộc phe bà Margaret Thatcher đã phải ngăn chận một số lời phỉ báng bà Thatcher của một bộ phận chống đối trên trang web.

Thủ tướng Anh David Cameron thuộc đảng cầm quyền, trong bài diễn văn tưởng niệm người quá cố, nhận xét : « Bà đã viết nên lịch sử và chúng ta có thể nói rằng bà đã làm cho nước Anh lớn mạnh ». Ngược lại, phe cánh tả và các công đoàn không giấu lòng căm ghét bà. Một số tòa thị chính thuộc đảng lao động từ chối để cờ rủ để tang bà. Bài hát « Ding Dong ! Mụ phù thủy đã chết » rút từ bộ phim « Thầy phù thủy Oz » được phe đối lập dùng để đả phá bà Thatcher.

Việc nữ hoàng Anh dự lễ an táng bà Thatcher tại nhà thờ Saint Paul cũng bị lên án gay gắt bởi vì bà chưa từng dự lễ tang của bất cứ vị thủ tướng nào của Anh. Nữ hoàng Anh bị chỉ trích là « vi phạm nguyên tắc nền quân chủ phải đứng trên các đảng phái ».

Cảnh sát tại Luân Đôn lo ngại thành phần cực đoan cánh tả gây bạo động. Cảnh sát đã được huy động cho buổi tang lễ của bà. Ước tính chi phí lễ tang lên đến 10 triệu bảng, chi phí đắt nhất trong lịch sử nước Anh, một điều có thể lại gây tranh cãi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.