Vào nội dung chính
KINH TẾ

G20 bắt đầu nới lỏng các biện pháp khắc khổ

Theo thông cáo chung kết thúc cuộc họp Bộ trưởng Tài chính G20 tại Washington ngày 19/04/2013, giải quyết nợ công vẫn là mục tiêu cần được hướng tới, nhưng không cần thiết phải mạnh tay áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng. Quốc tế đặc biệt theo dõi chính sách tiền tệ với mục tiêu kích thích tăng trưởng của Nhật Bản.

Cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính nhóm G20 tại Washington (REUTERS)
Cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính nhóm G20 tại Washington (REUTERS)
Quảng cáo

Thông tín viên Pierre-Yves Dugas tường trình từ New York : 

« Văn bản được công bố tại Washington, sau cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính nhóm 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới mở đầu bằng nhận định là còn rất nhiều việc phải làm để khắc phục những yếu kém của nền kinh tế toàn cầu.

Nhóm G20 ghi nhận nỗ lực của Nhật Bản và Hàn Quốc để kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, các bên không quên cảnh cáo rằng không một quốc gia nào được phép tự do phá giá đơn vị tiền tệ của mình để tiếp sức cho ngành xuất khẩu, xem đó là một công cụ để đem lại tăng trưởng.

Chính sách tiền tệ của Nhật Bản đang được nới lỏng và trong một chừng mực nào đó là của cả Anh Quốc lẫn Hoa Kỳ hiện vẫn còn có thể chấp nhận được bởi vì các biện pháp đó, trước mắt không nhằm làm giảm giá của đồng yen, bảng Anh hay đô la mà chỉ nhằm kích thích tiêu thụ nội địa.

Ngoài ra sau vụ tai tiếng thao túng lãi suất liên ngân hàng LIBOR, nhóm G20 yêu cầu hội đồng ổn định tài chính - trụ sở tại Bâle, Thụy Sĩ - nghiên cứu khả năng ấn định một số lãi suất chỉ đạo cho hầu hết các dịch vụ vay mượn tín dụng.

Cuối cùng, liên quan đến hồ sơ chống trốn thuế, G20 kêu gọi cộng đồng quốc tế nghiêng về giải pháp tự động trao đổi các thông tin ngân hàng. Cụ thể là tất cả các quốc gia phải được thông báo khi một công dân của họ mở tài khoản ở nước ngoài ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.