Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Viễn ảnh tăng trưởng đen tối của kinh tế Pháp

Đăng ngày:

Gió đang xoay chiều : châu Âu bắt đầu chú trọng đến mục tiêu tăng trưởng khi tất cả các dự báo đều khẳng định là kinh tế Pháp sắp bước vào suy thoái. Hơn 11 % dân số trong tuổi lao động không có việc làm.

Thất nghiệp, mối đau đầu của Pháp
Thất nghiệp, mối đau đầu của Pháp Reuters
Quảng cáo

Từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF đến Tổ Chức Họp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE, từ Cơ Quan Quan Sát Tình Hình Kinh Tế Pháp OFCE đến Viện Thống Kê Quốc Gia INSEE, hay Ngân hàng Trung Ương Pháp Banque de France đều khẳng định là kinh tế Pháp sắp bước vào suy thoái, tăng trưởng ở số âm.

Vào lúc Paris vẫn duy trì dự phóng tăng trưởng là 0,1 % cho năm nay và 1,2 % vào năm tới, hầu hết các dự báo của các định chế tài chính, của các viện nghiên cứu đều đã giảm dự báo tăng trưởng của nền thứ nhì trong Liên Hiệp Châu Âu. Ủy ban cố vấn về ngân sách quốc gia – một cơ quan độc lấp với chính phủ - không ngần ngại đánh giá là chính phủ Pháp quá « lạc quan » về thực trạng kinh tế Pháp, bởi vì theo cơ quan này ít có khả năng kinh tế Pháp khởi sắc trở lại truớc năm 2015.

OCDE trong báo cáo công bố vào cuối tháng 3/2013 cho thấy GDP của Pháp giảm 0,6 % trong ba tháng đầu năm 2013 so với quý tư năm 2012 và đây là quý thứ nhì liên tiếp GDP của Pháp sụt giảm. Ngày 16/04/2013 Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đánh giá GDP của Pháp trong năm sẽ giảm 0,1 %.Chỉ một ngày sau, Cơ Quan Quan Sát Tình Kinh Tế Pháp, còn tỏ ra bi quan hơn khi cho rằng tổng sản phẩm nội địa sẽ giảm mất 0,2 % so với tài khóa 2012. OFCE nhấn mạnh : đây là thành tích quá kém cỏi để có thể hy vọng đưa kinh tế Pháp thoát khỏi khủng hoảng.

Đáng tiếc hơn nữa theo cơ quan này là 4 năm sau khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu, nước Pháp dù có tiềm năng để vươn lên, và hoàn toàn có thể hy vọng đạt được những mục tiêu tăng trưởng trên 2 % cho tài khóa 2013 và 2014 thế nhưng đà phát triển đó lại bị chính sách khắc khổ của bản thân nước Pháp cũng như là của toàn châu Âu chặn lại.

Theo dự phóng của OFCE chính sách cắt giảm chi tiêu mà Paris đã liên tục áp dụng từ năm 2010 tới nay đang đánh cắp mất 2,6 điểm của GDP trong năm nay và 2 điểm tăng trưởng của nước Pháp cho tài khóa 2014.

Về phần mình Viện Thống Kê Quốc Gia Pháp INSEE trong báo cáo gần đây nhất cho thấy tổng sản phẩm nội địa đã giảm 0,3 % trong bốn tháng cuối năm 2012. Nhìn chung cả năm 2012, tỷ lệ tăng trưởng là số không. Mãi lực của các hộ gia đình giảm đến 0,8 % trong quý tư so với quý ba và như vậy sức mua của người dân Pháp trong năm vừa qua giảm mất 0,4 % so với năm 2011.

Câu hỏi đặt ra là liệu nước Pháp, nền kinh tế lớn thứ nhì của Liên Hiệp Châu Âu, của khối euro phải chăng đang bị đe dọa lâm vào suy thoái ?

Theo định nghĩa thì một nền kinh tế bị suy thoái khi tổng sản phẩm nội địa sụt giảm trong hai quý liên tiếp. Trong trường hợp của nước Pháp, thuần túy về mặt kinh tế mà nói, tỷ lệ tăng trưởng là +0,1 % theo như thông báo của chính phủ hay là – 0,1 % như dự phóng của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, khác biệt không là bao nhiêu.

Đặc biệt là ai cũng biết, các dự báo như vậy sớm muộn gì cũng được điều chỉnh. Thực tế là tình trạng tăng trưởng của Pháp đen tối hơn những gì đã được các chuyên gia báo trước.

Nhưng về phương diện chính trị thì khác biệt giữa dự báo của chính phủ so với con số đã được IMF đưa ra vào tuần qua, lại hết sức quan trọng. Vì nếu như GDP tăng 0,1 % trong năm nay, dù là một tỷ lệ rất thấp, nhưng con số đó lại cho phép chính quyền tránh được hai chữ « suy thoái » gây ấn tượng xấu trong lòng người dân.

Theo ước tính của OFCE, nếu GDP của Pháp giảm đi mất 1 điểm thì nhà nước bị thất thu thuế khóa 10 tỷ euro. Điều đó có nghĩa là nếu quả thực tăng trưởng kinh tế Pháp là số âm như số liệu của IMF thay vì + 0,1 % như dự phóng của chính phủ, thì Paris sẽ thất thu đến 2 tỷ euro thuế.

Hai tỷ không phải là chuyện nhỏ khi biết rằng chính quyền của tổng thống Hollande đang ráo riết tiết kiệm từng đồng để đạt mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống dưới ngưỡng 3 % vào năm tới.

Paris cam kết giảm thâm hụt ngân sách nhà nước xuống còn 3,7 % trong năm nay. Nhưng tính toán đó dựa trên cơ sở tăng trưởng phải là 0,1 %. Nếu như trong tương lai Pháp phải hạ dự báo tăng trưởng, thì điều đó có nghĩa là chính phủ lại phải mạnh tay cắt giảm chi tiêu công cộng.

Trong bối cảnh này thứ tư tuần trước (17/04/2013) chính phủ Pháp đã thông báo « kế hoạch ổn định tài chính ». Trả lời đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia kinh tế Mathieu Plane thuộc OFCE trước hết nhắc lại kế hoạch đó là gì :

« Trước hết chương trình nói trên được đề ra chủ yếu là để thực hiện mục tiêu giảm bội chi ngân sách nhà nước. Cụ thể là từng bước kéo thâm hụt ngân sách xuống dưới ngưỡng quy định là 3 % tổng sản phẩm nội địa, trước cuối năm 2014. Câu hỏi đặt ra là chính phủ cần cải tổ ngân sách như thế nào trong tài khóa 2013, và nhất là cho tài khóa của năm tới để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Trước mắt, chính phủ dự phóng là nước Pháp sẽ phải tiết kiệm thêm khoảng 20 tỷ euro để giảm ngân sách nhà nước xuống dưới ngưỡng quy định 3 % GDP. 20 tỷ euro đó tương đương với 1 % tổng sản phẩm nội địa của toàn quốc. Điều đó có nghĩa là Paris tiếp tục áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng trong hai năm liên tiếp, 2013 và 2014.

Cần lưy ý là mức độ tiết kiệm vào năm tới sẽ đỡ khắt khe hơn so với những gì mà người Pháp đang phải hy sinh trong năm nay. Năm 2012, thâm hụt ngân sách nhà nước của Pháp tương đương với 4,8 % GDP. Nội các Ayrault dự trù giảm tỷ lệ đó xuống còn khoảng 3,7 % vào năm nay và thấp hơn 3 % cho năm 2014.

Tuy nhiên ẩn số lớn nhất đặt ra ở đây là tỷ lệ tăng trưởng có cho phép kinh tế Pháp đạt được những mục tiêu về ngân sách đó hay không.

Khi không có tăng trưởng, thì chi tiêu ngân sách nhà nước cho dù không tăng một đồng nào, tỷ lệ thâm thủng cũng sẽ tăng lên so với GDP. Tăng trưởng vào năm tới của Pháp sẽ rất khó khăn trong bối cảnh cả châu Âu đang đồng loạt áp dụng các biện pháp cắt giảm chi tiêu công cộng để lành mạnh hóa ngân sách nhà nước. Tôi e rằng đó sẽ là một yếu tố bất lợi cho tăng trưởng. Dự phóng GDP của Pháp sẽ tăng 1,2 % vào sang năm là quá lạc quan » !

Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Pierre Moscovici, trước bài toán đau đầu
Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Pierre Moscovici, trước bài toán đau đầu Reuters

Pháp đang vận động Bruxelles để thuyết phục Ủy ban châu Âu nới lỏng các biện pháp khắc khổ, đặt ưu tiên cho tăng trưởng. Về điểm này chuyên gia của OFCE, Mathieu Plane lưu ý : giảm bội chi ngân sách và nợ công bằng mọi giá vào thời điểm khó khăn như hiện nay là một sai lầm. Ông tiếc là Paris không thực sự có ý định đi ngược lại với đường lồi của Bruxelles :

« Tôi có cảm tưởng là trước mắt chính phủ không có ý định xét lại mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới ngưỡng 3 % GDP. Chúng ta cũng thấy là Pháp đã xin gia hạn thêm một năm để hoàn thành mục tiêu đề ra đó. Nhưng nhìn chung thì rõ ràng là hai năm 2013 và 2014 sẽ cực kỳ khó khăn. Theo dự phóng của OFCE, tăng trưởng vào năm tới sẽ chỉ là 0,6 % mà thôi - chứ không phải 1,2 % như chính phủ thông báo.

Trong bối cảnh cả châu Âu đang giảm chi tiêu như đã nói, thì kinh tế Pháp sẽ gặp nhiều khó khăn. Đành rằng tỷ lệ tăng trưởng sẽ ở trên số không vào sang năm nhưng đó là một tỷ lệ quá thấp để kỳ vọng đẩy lùi thất nghiệp. Hệ quả là OFCE chờ đợi tỷ lệ thất nghiệp sẽ còn tiếp tục tăng và sẽ đạt mức cao kỷ lục 11,5 %. Tóm lại Paris sẽ không đi ngược lại đường lối của Bruxelles và sẽ tiếp tục áp dụng chính sách khắc khổ. »

Theo nghiên cứu của OFCE, chỉ số tiêu thụ của các hộ gia đình trong năm nay không thay đổi so với năm 2012. Trong khi đó thì năm 2010 chỉ số này đã tăng 1,4 % so với tài khóa 2009. Đáng quan ngại hơn là tiêu thụ của các hộ gia đình được coi là một trong những cột trụ của nền kinh tế Pháp.

Nhìn đến một chỉ số khác là tỷ lệ thất nghiệp, theo OFCE, số người mất việc làm sẽ tiếp tục tăng thêm trong năm 2013 và 2014 : 10,7 và 11,5 %. Nước pháp cần tạo thêm 150 000 việc làm cho người dân hàng năm, nhưng theo thẩm định của OFCE, với một tỷ lệ tăng trưởng ở số không, thì cũng nền kinh tế Pháp bắt buộc phải thải 150 000 người ra ngoài thị trường lao động. Từ OCDE đến OFCE đều nhận thấy rằng đã đến lúc chính phủ Pháp cần giãn bớt các biện pháp khắc khổ. Chuyên gia Mathieu Plane phân tích thêm :

« Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chính phủ đặt được cùng lúc hai mục tiêu : khống chế bội chi ngân sách, kích thích tăng trưởng để qua đó tạo thêm công việc làm cho người dân. Đáng tiếc đó là bài toán nát óc, không có lời giải. Rõ ràng là Pháp đang thiên về mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách và trong bối cảnh đó không có nhiều hy vọng kinh tế Pháp sẽ được hưởng một làn gió mới. Theo tôi thì các nhà cầm quyền nên xét lại những ưu tiên của mình theo hướng chú trọng nhiều hơn đến mục tiêu tăng trưởng. Điều đó không có nghĩa là Paris phải thông qua các biện pháp kích cầu, nhưng cũng cần giảm chi tiêu một cách từ tốn hơn. Có như vậy mới tránh rơi vào cái vòng luẩn quẩn, không lối thoát. Trước mắt logique này chưa được mọi người hưởng ứng và chưa được chính phủ đào sâu thêm »

Pháp cũng như nhiều nước châu Âu đã hy sinh nhiều các khoản chi tiêu công cộng trong ba năm liên tiếp. Chuyên gia kinh tế thuộc cơ quan quan sát về tình hình kinh tế Pháp OFCE Mathieu Plane nhắc lại :

« Từ 2011 phần lớn các nước châu Âu đều đã nỗ lực cải cách, mà thực tế là mạnh tay áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng. Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cũng như của Liên Hiệp Châu Âu, trong hơn 3 năm 2011, 2012 và 2013, chi tiêu công cộng của các quốc gia này đã giảm đi 100 tỷ euro. Đây là mức giảm kỷ lục. Bước sang năm 2014 các bên sẽ tiếp tục thận trọng trong việc chi tiêu, nhưng sẽ nhẹ tay hơn trong việc cắt giảm ngân sách. Pháp cũng vậy nhưng sẽ giảm chi khoảng 10 tỷ euro thay vì 20 tỷ như năm nay.
Sai lầm của châu Âu là đòi hỏi các thành viên giảm bội chi ngân sách bằng mọi giá »

Nhìn rộng ra khu vực đồng tiền chung châu Âu, trong khối euro, có tới 7 nền kinh tế lâm vào suy thoái. Bảy nước đó gồm Pháp, Bồ Đào Nha (-2,3 %) , Hy Lạp (-4,2 %) Slovenia, Tây Ban Nha Ý và bất ngờ nhất có lẽ là trường hợp của Hà Lan : vì muốn chấm dứt vòng luẩn quẩn của thất nghiệp mà chính quyền cánh hữu của Hà Lan ngày 12/04/2013 đã quyết định tạm dời lại lịch trình giảm thâm hụt ngân sách nhà nước.

Kinh tế Hà Lan bị co cụm lại trong hai năm liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp đang từ 6 % nhảy vọt lên hơn 8 % trong vỏn vẹn vài tháng. Số lượng các doanh nghiệp bị khánh tận tăng thêm 48 % trong quý một năm nay so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Từ cuối 2012 chính phủ liên minh cầm quyền của thủ tướng Mark Rutte thuộc khuynh hướng tự do và đảng lao động đã cho ra đời một kế hoạch thắt lưng buộc bụng nhằm tiết kiệm 5 tỷ euro trong các khoản chi tiêu công cộng. Thế nhưng trước tình hình đen tối của nền kinh tế Hà Lan, nội các của thủ tưởng Rutte đã lùi bước.

Không phải tình cờ mà bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew, rồi giám đốc điều hành Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế bà Christine Lagarde, người đứng đầu Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE Angel Gurria và gần đây nhất là Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, José Manuel Barroso, đều khẳng định là đã đến lúc Châu Âu cần ngưng áp dụng chính sách khắc khổ bởi vì theo lời ông Barroso chính sách này đã cho thấy « những giới hạn của nó ».

Báo cáo của Viện thống kê châu Âu vừa công bố hôm qua (22/03/2013) cho thấy có đến 7 nước tham gia đồng euro đang bị suy thoái, nhiều thành viên châu Âu gặp khó khăn. Thâm hụt ngân sách nhà nước đã được thu hẹp lại so với thời điểm của năm 2008 nhờ những biện pháp cắt giảm chi tiêu không thương tiếc. Nhưng tỷ lệ nợ công so với GDP của những nền kinh tế đó thì vẫn không giảm đi chút nào.

Ở bên ngoài khu vực đồng euro, nước Anh của thủ tướng Camerone cũng đang trả giá đắt cho sai lầm đó : GDP của Anh bị tước đi 0, 4 điểm trong khi nợ công của vương quốc này không giảm đi lấy một xu. Tệ hại hơn nữa là sau Moody’s đến lượt cơ quan thẩm định tài chính Fitch vừa hạ điểm tín nhiệm đối với kinh tế Anh và Luân Đôn vừa đánh mất điểm tín nhiệm cao nhất là AAA.

Câu hỏi đặt ra là tại sao phải mất đến hơn 3 năm trời Bruxelles mới nhận thấy rằng chỉ chú trọng vào mục tiêu giảm bội chi ngân sách và nợ công là một sai lầm ? Nhiều nhà quan sát cho rằng, gió đang xoay chiều ở Bruxelles.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.