Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Mỹ đối phó với vụ khủng bố hồi giáo tự phát trong nước

Đăng ngày:

Tamerlan và Dzokhar Tsarnaev, hai anh em gốc Tchetnia, nghi phạm đặt bom tự tạo trong vụ khủng bố ngày 15/04/2013 tại Boston đã sống 10 năm tại nước Mỹ. Vì sao cả hai thanh niên nhập cư này lại tấn công sát thương hàng trăm người từ bên trong đất nước đã đón tiếp và cưu mang họ trên đường tỵ nạn tránh bạo lực ? Giới điều tra đang tìm câu trả lời.

Dân chúng tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố Boston (REUTERS)
Dân chúng tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố Boston (REUTERS)
Quảng cáo

Tamerlan, 26 tuổi đã chết, Dzokhar, 19 tuổi bị trọng thương đang chờ ra tòa án liên bang về tội « sát thương hàng loạt ». Bốn ngày sau hai vụ khủng bố tại Boston, nhân cuộc chạy đua việt dã nổi tiếng hàng năm cũng là bốn ngày cả nước Mỹ nín thở theo dõi cuộc truy lùng thủ phạm của một lực lượng hùng hậu với hơn 9000 cảnh sát và an ninh Mỹ.

Sau khi hai nghi can gốc Trung Á bị vô hiệu hóa, các nhà điều tra Mỹ tìm hiểu động cơ dẫn đến hai vụ đặt chất nổ, làm dấy lên tâm lý lo sợ khủng bố tại Hoa Kỳ. Một nghi vấn khác là liệu hai anh em gia đình Tsarnaev hành động đơn lẽ hay có một mạng lưới điều hành sau lưng.

Theo người chú của hai nghi can này thì cả hai anh em tuy con đường học vấn hạnh thông, nhưng lại mang tâm lý của những người nhập cư không hội nhập được vào xã hội mới. Người em nhập quốc tịch Mỹ năm 2012 trong khi anh trai, do một lần có hành động bạo lực với vợ, một phụ nữ Mỹ cải đạo theo hồi giáo, nên đơn xin vào quốc tịch Mỹ bị chận lại.

Theo lời ông chú Ruslan Tsarnin thì hai đứa cháu « không hội nhập được » vào xã hội mới và có lẽ chính « sự thù ghét những người có khả năng hội nhập » mà hai anh em đã đặt bom chứ không phải vì ý thức hệ hồi giáo.

AFP, trong bài nhận định : hai anh em gắn bó với cội nguồn Tchetnia cho biết thêm là năm 2010, Tamerlan Tsarnaev đã thử thực hiện một quyển sách hình với tựa đề « Tôi đánh quyền Anh để được hộ chiếu », nói lên tâm trạng của một vận động viên thành công nhưng không hội nhập được vào xã hội Mỹ.

Hãng tin Reuters trích dẫn một nguồn tin tình báo Mỹ cho biết vào năm 2011, sở mật vụ Nga đã nhờ FBI Mỹ điều tra về các hành tung của Tamerlan mà Max cơva nghi ngờ có « thiện cảm » với hồi giáo võ trang ở Trung Á. Tuy nhiên FBI đã xếp lại hồ sơ vì không có chứng cớ Tamerlan hoạt động khủng bố.

Đối với số phận của Dzokhar, được biết là sinh viên năm thứ hai, Nhà Trắng cũng không sử dụng biện pháp xét xử đặc biệt. Dzokhar sẽ ra tòa án liên bang trái với mong mỏi của một bộ phận công luận nhất là của đảng Cộng Hòa đưa nghi can ra tòa án quân sự.

Chính phủ Mỹ « không xem » Dzokhar là « chiến binh thù địch » trong khi đó thì bản thân FBI cũng bị nghi ngờ không làm tròn nhiệm vụ bảo vệ an ninh, ngăn chận khủng bố. Vụ khủng bố tại Boston còn nhiều vùng tối mà chính phủ Mỹ chưa có câu trả lời.

Có lẽ nào chỉ vì bất mãn không hội nhập được vào xã hội mới mà hai thanh niên Trung Á quay về cội nguồn hồi giáo. Nhưng quay về cội nguồn bằng hai quả bom tự tạo bằng nồi áp suất thì đúng là có nhiều bí ẩn.

Thông tín viên RFI Caroline Larson từ Maxcơva cho biết là lực lượng nổi dậy đòi độc lập tại Trung Á khẳng định là họ « chiến đấu chống Nga xâm lược chứ không có thù nghịch với Hoa Kỳ ». Phe hồi giáo võ trang ở Kavkaz khuyên Hoa Kỳ nên chuyển hướng điều tra về « hoạt động của mật vụ của Putin để biết ai là kẻ chủ mưu » và « chấm dứt các tin đồn có lợi cho bộ máy tuyên truyền của Maxtcơva ».

Said Tsarnaev, một phóng viên nhiếp ảnh Tchetnia, và cũng một người bà con xa của hai nghi can hiện đang sống tại thủ phủ Grozny cũng cho rằng hai thanh niên này là nạn nhân của chính quyền Nga. Maxcơva cung cấp thông tin tình báo ngụy tạo cho Mỹ để gài bẫy Tamerlan. Một mặt, Nga muốn chứng tỏ phong trào hồi giáo võ trang đòi độc lập ở Kavkaz là « khủng bố » và đã lan tới Mỹ, mặt khác để tự do trấn áp phong trào tranh đấu đòi độc lập.

Trong khi chờ đợi kết quả điều tra chung cuộc, vụ khủng bố 15/04 vô tình gây tác động phụ cho hơn 11 triệu người nước ngoài đang mong chờ được hợp thức hóa tình trạng cư trú để xây dựng cuộc sống mới tại Hoa Kỳ. Từ Houston, nhà báo Hà Ngọc Cư, tạp chí Ngày Nay phân tích.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.