Vào nội dung chính
Ý

Thành lập chính phủ liên hiệp : Nhiệm vụ đầy bắt trắc của tân thủ tướng Ý

Làm thế nào để thuyết phục đảng Nhân dân Tự do của cựu thủ tướng Berlusconi cùng chia sẻ quyền lực với đảng Dân chủ thuộc cánh trung tả ? Theo dự phóng của các phương tiện truyền thông Ý, nội các Enrico Letta phải được hình thành trước cuối tuần này để vào đầu tuần tới được Hạ viện và Thượng viện bỏ phiếu tín nhiệm.

Tân thủ tướng Ý Enrico Letta, 46 tuổi (REUTERS /M. Rossi)
Tân thủ tướng Ý Enrico Letta, 46 tuổi (REUTERS /M. Rossi)
Quảng cáo

Thành lập chính phủ liên minh là thách thức đầu tiên chờ đợi thủ tướng vừa được chỉ định, Enrico Letta. Nước Ý kỳ vọng vị thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử tháo gỡ bế tắc chính trị đã kéo dài từ hai tháng qua. Thông tín viên Huê Đăng từ Roma phân tích thêm : 

07:13

Thông tín viên Huê Đăng

Chỉ trong vòng chưa đầy 48 tiếng đồng hồ kể từ khi nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ II, ông Giorgio Napolitano hôm 24/04/2013, đã nhanh chóng chỉ định nhân vật đứng ra đi tìm đa số trong Quốc hội để thành lập chính phủ. Đó là ông Enrico Letta, phó tổng bí thư của đảng Dân chủ. 

Chính phủ mà ông Enrico Letta đang tìm cách thành lập sẽ là chính phủ “đại đoàn kết” như Tổng thống Giorgio Napolitano đề nghị. Có nghĩa là sẽ có sự hợp tác giữa hai lực lượng chính trị đối thủ của nhau trước đây, đó là đảng Dân Chủ (liên minh trung tả) và đảng Nhân Dân Tự Do (liên minh trung hữu) của ông Berlusconi. 

Phải hiểu chính phủ “đại đoàn kết” là do tình hình cực kỳ khẩn trương của nước Ý, do kết quả bất phân thắng bại trong kỳ bầu cử vừa qua, tình cảnh bế tắc trong Quốc hội với sự từ chối tuyệt đối của Phong trào 5 sao trước các đề nghị hợp tác của đảng Dân chủ. 

Do đó chính phủ “đại đoàn kết” phải được hiểu như một kiểu chính phủ lâm thời, với một số mục tiêu giới hạn như giải quyết cấp bách vấn đề trì trệ kinh tế, thất nghiệp tràn lan và cải tổ lại luật bầu cử cũng như một số tổ chức cơ chế nhà nước đẻ giảm bớt gánh nặng chi tiêu. 

Quyết định chọn ông Enrico Letta đã diễn ra sau khi (cựu) Tổng bí thư đảng Dân chủ, ông Pier Luigi Bersani đã thất bại trong quá trình tìm đa số trong Quốc hội để lập chính phủ, và nhất là sau những biến động chia rẽ ngay trong nội bộ của đảng Dân Chủ trong quá trình bầu tân Tổng thống.

Ông Pier Luigi Bersani đã phải từ chức vì đường lối nhất quyết từ chối mô hình chính phủ “đại đoàn kết”, và không thành công trong việc đi tìm sự đồng thuận của phong trào 5 sao. Thất bại của ông Bersani cũng đã khiến đảng Dân Chủ bị cánh trung hữu của Berlusconi tấn công tới tấp và bị phê phán là vô trách nhiệm khong quyết tâm thành lập chính phủ. 

Trước khủng hoảng nói trên của đảng Dân Chủ, trước những phê phán về đường lối của ông Bersani, Tổng thống Giorgio Napolitano bắt buộc phải “thay ngựa”, và nhất là phải chỉ định nhân vật nào trong đảng Dân Chủ có thể có được sự “đồng thuận” của phe trung hữu để có thể tiến hành kế hoạch chính phủ “đại đoàn kết”. Và đồng thời cũng phải chọn người được xem như đại diện cho quá trình “chuyển giao thế hệ”, một trong những yêu cầu đổi mới của công luận. 

Ông Enrico Letta, vốn là người xuất phát từ nhóm của cựu dảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo, và trong quá trình tranh cử hồi đầu năm đã không phải “xuất đầu lộ diện” một cách trực tiếp để tranh cử với phe trung hữu, do đó được xem như là một trong những nhân vật “ôn hòa” để có thể có được sự đồng thuận của phe của Berlusconi. Vả lại, với 47 tuổi đời, ông Enrico Letta cũng được xem như là thuộc thế hệ trẻ trên sân khấu chính trị Ý. 

Báo chí, công luận đón nhận tin chỉ định ông Enrico Letta như thế nào ? 

Trước mắt là quyết định chỉ định ông Enrico Letta đã “gặt hái” được khá nhiều sự đồng thuận của báo chí và công luận. Có thể hiểu sự đồng thuận này là do công luận đã quá mệt mỏi với tình hình bế tắc của chính trị Ý. Đại đa số người dân nghĩ là chính phủ nào cũng được, miễn là có một chính phủ để có thể đối đầu với những vấn đề cấp bách về kinh tế tài chánh và những bức xúc trong xã hội. 

Bản thân cá nhân của ông Enrico Letta không gây trở ngại lớn trong việc đi tìm đa số trong Quốc hội. Dựa theo các tuyên bố của Berlusconi, thì xem ra chính phủ do ông Enrico Letta làm Thủ tướng cũng đang được ông Berlusconi “hoan nghênh”. Vấn đề là mô hình chính phủ “đại đoàn kết” đã gây ít nhiều chia rẽ trong nội bộ của liên minh trung tả. 

Ngay sau khi nhận được chỉ định của Tổng thống, ông Enrico Letta đã lập tức bắt đầu những cuộc gặp gỡ và đàm phán với tất cả các lực lượng chính trị để đi tìm đa số tín nhiệm chính phủ trong Quốc hội và cũng để “dàn xếp nhân sự” trong Hội đồng Bộ trưởng. 

Dựa theo kết của của các cuộc “hiệp thương” thì các đảng sẽ bỏ phiếu tín nhiệm cho chính phủ sẽ gồm có đảng Dân Chủ, đảng Nhân Dân Tự do, đảng “Danh sách dân sự” (đảng trung dung) của ông Mario Monti. 

Các đảng còn lại tuyên bố sẽ không bỏ phiếu tín nhiệm 

Trên lý thuyết, đứng về mặt số lượng, với số đại biểu Quốc hội hiện nay của hai đảng Dân Chủ và Nhân Dân Tự do, chính phủ sẽ có đủ phiếu tín nhiệm để ra đời. Nhưng đó là nói về mặt lý thuyết, trên thực tế, còn có một số vấn đề khúc mắc chưa giải quyết được, mà theo chính tuyên bố của ông Enrico Letta là cần có thêm thời gian “đàm phán”. 

Khúc mắc thứ nhất là nội bộ đảng Dân Chủ. Trong hai thập niên vừa qua, đối với đảng Dân Chủ, Berlusconi là đối thủ chính trị không khoan nhượng và bất cứ một phương án hợp tác nào cũng đều không khả thi. Lý do là do chính sự khác biệt về mục tiêu cũng như về những cách đánh giá các giá trị pháp lý và ý tưởng về tổ chức nhà nước giữa đảng Dân Chủ và đảng Nhân Dân Tự do mà biểu tượng chính là cá nhân ông Berlusconi. Do đó, đại bộ phận đảng viên của đảng Dân Chủ đều như “không muốn đội trời chung” với Berlusconi. 

Bởi thế mà hiện nay, trước khả năng thành lập chính phủ “đại đoàn kết”, rất nhiều bộ phận cơ sở của đảng Dân Chủ đã phản đối cực lực. Thậm chí ở một số địa phương đảng viên đã “chiếm cứ” trụ sở đảng để giăng biểu ngữ và dán bích chương tẩy chay chính phủ “đại đoàn kết”, dù rằng là một chính phủ đại đoàn kết vì tình hình khẩn trương của chính nước Ý. 

Khúc mắc thứ hai là vấn đề “nhân sự”: ông Berluconi đang gây áp lực lên đảng Dân chủ để đòi được một số ghế trong hội đồng bộ trưởng, quan trọng nhất là Bộ Tư Pháp, lý do là bởi vì chính ông Berlusconi, người đang phải đối đầu với hàng loạt vụ xét xử trước các tòa án, muốn có một Bộ trưởng Tư pháp là người “thân cận” để có thể “nặn đẻ” ra những ô dù cần thiết để che chắn cho Berlusconi trước những nợ nần công lý. 

Nói chung là tình hình đàm phán vẫn còn đang diễn ra và mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, đảng Nhân Dân Tự do vẫn còn đánh giá rằng các cuộc gặp gỡ song phương đều đang diễn ra trong “bầu không khí xây dựng”. 

Một trong những điểm nóng trong các vòng đàm phán song phương là lời hứa “trả thuế bất động sản của năm 2012” mà ông Berlusconi xem như “câu thần chú” để có thể lôi cuốn cử tri. Thuế bất động sản là thuế mà trước đây đã từng hiện hữu, nhưng năm 2008, khi đại thắng cử vẻ vang, ông Silvio Berlusconi đã bãi bỏ thuế. Đến năm 2011, khi ông Mario Monti thành lập chính phủ kỹ trị trong hoàn cảnh nguy cơ vỡ nợ nhà nước của Ý, Monti bắt buộc đã phải tái lập lại thuế bất động sản để gây nguồn thu cho cán cân nhà nước vốn bị bội chi. 

Vấn đề đặt ra là nếu chính phủ của Enrico Letta chấp nhận bãi bỏ thuế bất động sản như Berlusconi yêu cầu thì nhà nước lấy đâu ra nguồn thu để trám vào khoảng thuế bị bãi bỏ ? Nhất là khi Ý đang phải ra sức chấn chỉnh ngân sách bội chi như Châu Âu đã yêu cầu. 

Chính vì ý thức được nhiều khó khăn cần phải đối phó trong quá trình thành lập chính phủ, dù rằng hoàn toàn triệt để ủng hộ sáng kiến chính phủ “đại đoàn kết”, ông Enrico Letta cũng đã tuyên bố ngay rằng ông không có ý định là “Phải lập chính phủ bằng mọi giá”. 

Chiến lược “đại đoàn kết” do Tổng thống Giorgio Napolitano đề ra, và ông Enrico Letta đang tìm cách thực hiện có thể được xem như là lá bài cuối cùng để cứu vãn tình hình chính trị bế tắc của nước Ý hiện nay. Nếu như lá bài này không thành công, thì chỉ còn có kịch bản giải tán Quốc hội và đi bầu lại. Nhưng đó là kịch bản tồi tệ nhất cho nước Ý. 

Cả ông Giorgio Napolitano lẫn ông Enrico Letta đều ý thức được tính chất “lâm thời” của mô hình chính phủ đại đoàn kết, do đó cả hai ông đều đang cố gắng đưa ra những đường lối để có thể thực hiện những chính sách nhằm đối phó với những khó khăn bức xúc của nước Ý hiện nay. 

Một vài nét về ông Enrico Letta 

Ông Enrico Letta, 47 tuổi, trong quá khứ, đã từng giữ chức vụ Bộ trưởng trong các chính phủ của ông Massimo D’Alema, ông Giulio Amato và là Thứ trưởng của Văn phòng hội đồng chính phủ dưới thời chính phủ Romano Prodi. 

Trong thời kỳ của nền Đệ Nhất Cộng hòa Ý, ông hoạt động trong hàng ngũ của Đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo. Đến vào đầu thập niên 90, khi nền Đệ Nhất Cộng hòa sụp đổ, các đảng phái lớn cũng tan rã, ông cùng một số lãnh đạo “cánh tả” của Đảng Dân Chủ Thiên chúa giáo lập ra đảng “Hoa cúc”, và sau đó thì gia nhập đảng Dân Chủ. 

Kể từ năm 2009, ông là phó Tổng bí thư của Đảng Dân chủ. Một chi tiết nhỏ, không dính dáng gì đến hoạt động chính trị của cá nhân ông Enrico Letta: ông Enrico Letta là cháu gọi ông Gianni Letta là Bác. Ông Gianni Letta là “cố vấn chính trị đặc biệt”, và là “đạo diễn” của tất cả các chính sách đường lối chính trị của các chính phủ của Berlusconi. 

Như vậy là trong một dòng họ, một ông Bác thì là “cố vấn” của Berlusconi, một ông cháu thì từng là phó tổng bí thư của Bersani. Bây giờ thì Bác cháu lại cùng nhau “đại đoàn kết” !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.