Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trụ sở đài truyền hình trung ương Trung Quốc cũng bị ngạo là « nhạy cảm »

Đến với Trung Quốc, báo Le Monde cho biết trụ sở mới của tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc có hình dạng « sinh thực khí» của đàn ông đang trở thành đề tài châm biếm của cư dân mạng. Theo tờ báo, đây không phải là lần đầu tiên trụ sở mới của tòa soạn là đối tượng của sự châm biếm. 

Công trình trụ sở Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc,cũng bị đem ra chế diễu.
Công trình trụ sở Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc,cũng bị đem ra chế diễu. Nguồn: Internet
Quảng cáo

Một số người cho rằng mẫu thiết kế tòa nhà còn là « bản sao » từ một công trình kiến trúc tại Dubai. Le Monde còn cho biết thêm là trụ sở đài truyền hình trung ương (CCTV) cũng bị nhạo báng vì lối kiến trúc nhạy cảm.

Tờ báo viết, thật ra chuyện tòa soạn nhật báo Nhân dân Trung hoa, cơ quan ngôn luận của chế độ Bắc Kinh tự xây dựng cho mình một trụ sở mới hoành tráng để biểu thị quyền lực thì cũng là chuyện thường tình, không có gì phải đáng bàn cãi. Nhưng kiến trúc của tòa nhà lại đang làm trò cười cho thiên hạ.

Theo bản thiết kế, tòa nhà mới này cao 150 mét sẽ hoàn thành vào năm 2014. Nhưng nếu quan sát ở một góc độ nào đó, tòa nhà thuôn dài do kiến trúc sư trong nước thiết kế cho thấy có sự giống nhau kỳ lạ với cơ quan « nhạy cảm » của nam giới. Thế là, cư dân mạng Trung Quốc không bỏ qua cơ hội.

Người ta có thể đọc thấy những lời bình phẩm mỉa mai đại loại « thật ghê tởm ! », « Nhật báo Nhân dân là một cái ... khổng lồ ». Từ gần ba tuần nay, cư dân mạng Trung Quốc lấy làm thích thú khi đưa các bình phẩm chế giễu đăng kèm theo hình ảnh của trụ sở mới. Sự việc lan rộng đến mức mà cụm từ « tòa nhà mới của nhật báo Nhân dân » đã bị đưa vào trong danh mục bị kiểm duyệt.

Le Monde còn cho biết là nhiều cư dân mạng hài hước khi dùng các kỹ xảo vi tính để ghép hình ảnh tòa nhà của đài truyền hình nhà nước (CCTV), vốn được dân Bắc Kinh mệnh danh là « chiếc quần lót » vì hình dạng của nó. Tờ báo nhắc lại rằng trong vòng 10 năm xây dựng, trụ sở của CCTV cũng là đề tài tranh luận sôi nổi trong nước.

Một số người dân đã chỉ trích rằng hình dạng của tòa nhà CCTV được lấy cảm hứng từ một hình ảnh khiêu dâm. Về phía người thiết kế, kiến trúc sư của công trình cũng bị một số ký giả phương Tây lên án là đã dùng tài năng của mình phục vụ cho công tác tuyên truyền của đảng cộng sản Trung Quốc.

Trung Quốc : biểu tình chống các dự án công nghiệp gây ô nhiễm

Ô nhiễm giờ đây là mối bận tâm hàng đầu của người dân Trung Quốc. Nó cũng là nguyên nhân đâu tiên gây bất bình trong xã hội. Đây chính là nhận định chung của báo Le Figaro trong bài viết đề tựa « Trung Quốc : biểu tình chống các dự án công nghiệp gây ô nhiễm ».

Le Figaro cho biết, cuối tuần vừa qua, tại Trung Quốc đã diễn ra hai vụ biểu tình chống các dự án công nghiệp gây ô nhiễm. Vụ thứ nhất tại thủ phủ Côn Minh, tỉnh Vân Nam, gần 1000 người đã xuống đường biểu tình phản đối dự án nhà máy sản xuất chất paraxylen, một loại hóa chất độc hại được dùng trong công nghiệp dệt may.

Vụ biểu tình thứ hai diễn ra tại khu đô thị Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, chống lại dự án nhà máy lọc dầu, cách trung tâm tỉnh chừng 40km. Tuy nhiên, do chính quyền địa phương cho triển khai gần 1000 cảnh sát, nên cuộc biểu tình đã không quy tụ được đông người tham dự.

Theo nhận xét của Le Figaro, thì Trung Quốc, đang trả giá đắt cho sự phát triển kinh tế như vũ bão. Bản báo cáo có tiêu đề « Sống trong nguy hiểm » do tổ chức phi chính phủ Hòa bình xanh Greenpeace công bố hồi đầu tháng tư chỉ rõ tình trạng môi trường xuống cấp trầm trọng tại Trung Quốc trong thập niên vừa qua.

Tờ báo cho rằng chính sự không minh bạch trong các thông tin đã tạo ra những mối căng thẳng. Đúng như lời khẳng định của tờ Hoàn cầu thời báo : « thông tin liên quan đến hai dự án vẫn còn quá mơ hồ và được thông báo đến công chúng quá trễ ». Một cựu quan chức đảng nhận định, nạn ô nhiễm đang trở thành căn nguyên gây căng thẳng xã hội hàng đầu trong nước. Theo ước tính, tại Trung Quốc, mỗi năm có đến từ 300.000 đến 500.000 cuộc biểu tình, nghĩa là mỗi ngày có khoảng 82 vụ xuống đường.

Nữ tổng thống Hàn Quốc đến Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy đàm phán với Bắc Triều Tiên

Hôm nay, theo lịch trình, nữ tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sẽ gặp gỡ tổng thống Mỹ Barack Obama. Việc lãnh đạo hai quốc gia thăm viếng nhau đương nhiên là một thông lệ. Thế nhưng, đối với bà Park Geun-hye, chuyến đi lần này có một ý nghĩa đặc biệt do tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Theo Le Monde, « Nữ tổng thống Hàn Quốc đến Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy đàm phán với Bắc Triều Tiên ».

Cho đến giờ, không bên nào dám gạt bỏ khả năng Bình Nhưỡng tiếp tục leo thang. Nhưng mỗi bên đều cố gắng tìm kiếm một lối thoát. Vòng công du ba nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc hồi trung tuần tháng 4 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đánh tiếng mở lại đàm phán.

Phía Hàn Quốc, nữ tổng thống vẫn duy trì lời cam kết trong quá trình vận động tranh cử, mong muốn thiết lập bầu không khí « tin cậy lẫn nhau ».

Về phần mình, Bắc Triều Tiên sau một thời gian gây sóng gió, cũng bắt đầu hạ giọng. Tờ báo cho rằng, chiến dịch tập trận chung Mỹ-Hàn kết thúc và chuyến công du Hoa Kỳ của bà Park Geun-hye giải thích phần nào thái độ « hòa dịu » của Bình Nhưỡng : Các nhà lãnh đạo phía Bắc mong muốn biết rõ động thái nào sẽ được đưa ra sau cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn.

Trong trước mắt, ngoại trừ việc đóng cửa khu công nghiệp Kaesong và việc kết án 15 năm tù một người Mỹ gốc Triều Tiên về « tội chống chính phủ », Bình Nhưỡng cũng án binh bất động, không tiến hành một vụ thử tên lửa nào.

Bất chấp các cử chỉ « hòa dịu », mỗi bên vẫn khăng khăng giữ nguyên vị thế của mình. Đối với Bình Nhưỡng, điều kiện tiên quyết để nối lại đàm phán là phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua sau vụ thử tên lửa hồi tháng 12/2012 và vụ thử hạt nhân vào tháng hai năm nay.

Bên cạnh đó, Bắc Triều Tiên còn mong muốn được thế giới công nhận là cường quốc hạt nhân. Những điều kiện đối với Mỹ là không thể chấp nhận được. Hoa Kỳ cho rằng để nối lại đàm phán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (RPDC) phải tôn trọng các cam kết giải trừ hạt nhân của mình được đưa ra trong khuôn khổ đàm phán 6 bên (Trung Quốc, hai miền Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản và Nga) vào năm 2005 và 2007.

Trong khi đó, phía Hàn Quốc có ý định tách rời hồ sơ hạt nhân ra khỏi đàm phán và hợp tác liên triều. Thế nhưng, chính bản thân bà cũng không đưa ra được một đề xuất cụ thể nào theo chiều hướng này.

Theo đánh giá của Le Monde, rõ ràng lập trường cơ bản của các bên là quá khác biệt, đến nỗi mà giả như các bên có muốn nối lại đàm phán, có lẽ lại phải bắt đầu từ những vấn đề hạn chế hơn. Ví dụ như là mở lại khu công nghiệp Kaesong và trả tự do cho công dân Mỹ, trước khi có thể đề cập đến một cuộc đàm phán về sự ổn định cho bán đảo. Một hồ sơ đòi hỏi công việc tỉ mỉ.

Syria : Phương Tây quan ngại nguy cơ xung đột lan rộng ra Trung Đông

Diễn biến chiến sự ngày càng phức tạp tại Syria là chủ đề thời sự nóng bỏng trên một số báo Paris hôm nay. Le Monde và Le Figaro báo động : « Chiến tranh tại Syria : nguy cơ leo thang trong khu vực »« Syria : nước Pháp báo động cuộc chiến sẽ lan sang phần còn lại của Trung Đông ». Theo hai tờ báo, các vụ không kích của Israel lên lãnh thổ Syria và khả năng sử dụng vũ khí hóa học bởi quân chính phủ hay quân nổi dậy ( ?) khiến phương Tây lo ngại rằng chiến sự sẽ biến cả khu vực Trung Đông thành một « Hỏa Diệm Sơn » mới.

Le Figaro trích dẫn nhận định của ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, cho rằng : « Tình hình tại Syria thật sự làm một thảm kịch ». Bởi vì, chiến sự đang bắt đầu lan sang các nước lân cận như Li-băng, hay Jordan. Theo ngoại trưởng Pháp, cần phải có một giải pháp chính trị đó là thành lập một « chính phủ Syria lâm thời ». Theo đó, chính phủ lâm thời cũng phải bao gồm các thành viên của chế độ Damas.

Thế nhưng, giải pháp này cũng có những trở ngại. Trong đó, tổng thống Bachar al-Assad có một vai trò khá lớn. Bởi vì, cho đến giờ Nga vẫn ủng hộ hết mình và từ chối thúc đẩy Assad ra đi. Một khó khăn khác không kém phần quan trọng đó là sự bất lực của một phe đối lập bị chia rẽ sâu sắc và mất khả năng cơ cấu hoàn toàn.

Theo quan điểm của Paris, việc cung cấp vũ khí cho phe đối lập cũng nằm trong triển vọng này. Thế nhưng, cho đến giờ Pháp vẫn tỏ ra thận trọng. Nhiều tiếng nói lên tiếng chỉ trích cho hành động chậm trễ này của Pháp đang gây thiệt hại cho phe đối lập, vì Damas vẫn nhận được sự tài trợ từ phía Nga. Người ta bắt đầu tin rằng một khi được trang bị vũ khí, quân nổi dậy có thể gây áp lực buộc Bachar Al-Assad ngồi vào đàm phán. Thế nhưng, tổng thống Pháp vừa qua bất ngờ hãm phanh khi cho rằng tình hình còn quá mù mờ để có thể trang bị cho phe nổi dậy.

Hoa Kỳ cũng thận trọng trên hồ sơ Syria

Thái độ thận trọng này còn được nhìn thấy từ phía Mỹ. Đối với Le Figaro « Barack Obama cố gắng trấn an cuộc chơi ». Việc bà Carla Del Ponte khẳng định rất có thể phe nổi dậy đã sử dụng vũ khí hóa học đã khiến cho Nhà Trắng bối rối, không biết bước kế tiếp phải làm gì. Trong mớ hỗn độn đó tại Syria, ông Obama buộc phải thận trọng hơn và như vậy, ông sẽ có thêm nhiều thời gian để suy nghĩ.

Le Monde thì nhận thấy rằng « sự trì hoãn của ông Obama trên hồ sơ Syria » thể hiện sự bất lực và thiếu vắng một đường lối ngoại giao rõ ràng. Tờ báo nhắc lại rằng, vào ngày 20/03/2013, tại Israel, ông đã khẳng định rằng việc Syria sử dụng vũ khí hóa học đã vượt quá « lằn ranh đỏ » và đang làm « thay đổi cục diện ». Thế nhưng, khi được các phóng viên chất vấn về sự « thay đổi cục diện » đó là gì, ông Obama đã có hành động thoái lui khi cho rằng việc này không chỉ riêng của nước Mỹ mà còn là của cả cộng đồng quốc tế.

Nói tóm lại là đối với chủ nhân Nhà Trắng, « lằn ranh đỏ » đó chính là « lằn ranh đỏ chung và mỗi bên phải gánh vác lấy một phần trách nhiệm ». Đó chính là kim chỉ nam của chính sách ngoại giao thời Obama, Le Monde nhận xét.

Quyết định trên của tổng thống Obama đã gây sốc cho mọi người, nhất là các đại biểu thuộc phe Cộng hòa và giới báo chí. Hành động trì hoãn của ông đã biến thành chủ đề châm biếm trên các tờ báo Mỹ. Đối với báo giới, « lằn ranh đỏ » của ông Obama giờ được hiểu như là những đường chấm chấm.

Không kích Syria, một tính toán sai lầm của Israel ?

Một quan điểm khác cũng được hai tờ báo đồng quan tâm đến là ý đồ của Israel khi không kích Syria. Theo quan sát của cả hai tờ báo, trái với thường lệ, hành động lần này của Israel đã không thận trọng. Các vụ oanh kích đã diễn ra gần với dinh tổng thống.

Lẽ đương nhiên với hành động thanh thiên bạch nhật của Isrel, lần này chính quyền Bachar Al-Assad cũng không việc gì phải vờ giả câm giả điếc như mọi khi nữa. Phía Syria cho biết sẽ có hành động trả đũa.

« Thế là nỗi ám ảnh thường xuyên lo sợ chiến sự lan rộng ra cả khu vực bỗng nhiên trở thành hiện thực », Le Figaro nhận xét. Quân đội Israel đặt cả khu vực biên giới phía bắc trong tình trạng báo động và cho triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa « Vòm sắt ». Điều ngạc nhiên là thủ tướng Netanyahou không có vẻ gì lo ngại. Ông vẫn thực hiện chuyến đi thăm Trung Quốc như dự kiến, cứ như là không có chuyện gì xảy ra.

Giải thích cho thái độ dửng dưng này của Israel, Le Figaro cho biết một trong những chính sách « bất di bất dịch » của triều đại Assad là thái độ cẩn trọng tuyệt đối với Israel. Đối với Damas, sẽ chẳng có lợi ích gì nếu xảy ra đụng độ quân sự với Israel. Từ hai năm nay, chính quyền Bachar al-Assad chiến đầu cầm cự với quân nổi dậy để bảo tồn sự sống còn của mình. Do đó, Tổng thống Syria hiểu rất rõ rằng một sự đối đầu quân sự với Israel chỉ thúc đẩy nhanh hơn sự sụp đổ của chế độ.

Như vậy, theo lập luận của Le Figaro, thông qua các vụ không kích vừa qua, dường như Israel muốn « dằn mặt » Iran. Không giống như chính quyền Obama, Netanyahou muốn Iran cũng phải tôn trọng « lằn ranh đỏ » do chính họ vạch ra. Chính vì thế, Israel đã cho oanh tạc vào các kho vũ khí tối tân mà Syria có ý định chuyển giao cho phe Hezbollah. Le Figaro tự hỏi không biết Iran có hiểu được thông điệp ngầm ấy hay không.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.