Vào nội dung chính
PHỎNG VẤN

Ý : Silvio Berlusconi bị tư pháp tiếp tục buộc tội gian lận thuế

Ngày 08/05/2013 vừa qua, Tòa Phúc thẩm thành phố Milano đã y án 4 năm tù và 5 năm cấm giữ các chức vụ nhà nước (trong đó có cả chức đại biểu Quốc hội) đối với cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi về tội gian lận thuế. Đây là bản án đã được quyết trong phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 10/2012, nhưng không được ông Berlusconi chấp nhận nên ông đã quyết định kháng cáo, để rồi lại nhận lãnh đúng bản án.

Cựu thủ tướng Ý Silvio Berlusconi vẫn còn  hy vọng thoát nạn.
Cựu thủ tướng Ý Silvio Berlusconi vẫn còn hy vọng thoát nạn. REUTERS/Alessandro Bianchi
Quảng cáo

Từ Rôma, Thông tín viên Huê Đăng giải thích thêm về nguyên nhân đã khiến cựu Thủ tướng Ý bị kết án :

Huê Đăng : Theo lời cáo buộc của các thẩm phán thì trong thời gian từ năm 2001 đến 2003, tập đoàn truyền hình Mediaset của Berlusconi, xuyên qua những quá trình mua đi bán lại bản quyền phim ảnh để chiếu trên truyền hình, đã đội giá một cách giả tạo các bản quyền nói trên để che giấu các khoảng lợi nhuận và do đó đã tránh không phải khai thuế. Con số thuế thất thu được các tòa án đánh giá là 7 triệu Euro.

Vụ án bắt đầu được xét xử từ năm 2007 và liên tục đã phải tạm hoãn, bởi vì trong suốt thời gian những năm sau đó, với cương vị Thủ tướng nhà nước, Silvio Berlusconi đã nhiều lần từ chối không trình diện trước tòa án với lý do là bận việc của Hội đồng chính phủ. Tuy nhiên, đến tháng 10 năm 2012, Tòa án Milano đã kết thúc vụ xét xử với bản án kết tội Silvio Berlusconi như đã kể trên.

RFI : Tại sao báo chí và công luận Ý chú ý nhiều đến vụ án nói trên ?

Huê Đăng : Có nhiều lý do để công luận chú ý đến vụ án gian lận thuế này. Trước nhất phải nói là hiện tượng gian lận và trốn thuế ở Ý tương đối khá phổ biến, thậm chí đã trở thành vấn nạn trong xã hội bởi vì con số thất thu thuế hàng năm ước tính lên đến khoảng 180 tỉ Euro. Trên lý thuyết chỉ cần nhà nước Ý lấy lại được khoảng thuế thất thu hàng năm là người dân Ý đã không phải chịu đựng các biện pháp thắt lưng buộc bụng trong mấy năm gần đây.

Nhưng, theo các điều tra của tòa án, đặc biệt là vụ án gian lận thuế của cơ quan Mediaset của Silvio Berlusconi lại tiềm ẩn một vấn nạn khác của nước Ý: đó là tham nhũng hối lộ giới chính trị, bởi vì các khoảng tiền đội giá giả tạo trong quá trình mua đi bán lại bản quyền phim ảnh được đưa vào các quỹ đen của một số tập đoàn tài chánh nằm trong quỹ đạo của Mediaset ... và số tiền này được dùng để hối lộ giới lãnh đạo chính trị ở Ý.

Như vậy việc gian lận thuế chỉ là “bề nổi” của vụ án, thực chất đấy là một “mô hình” của Silvio Berlusconi để hối lộ giới chính trị nhằm tạo ra ô dù hay lá chắn che chở cho chính Berlusconi trong những hoạt động kinh tế tài chánh không mấy minh bạch hay trước những nợ nần công lý.

Nói chung là “mô hình” vừa kể trên đã được chính các tập đoàn kinh tế tài chánh của Silvio Berlusconi áp dụng rộng rãi kể từ giữa thập niên 80, lúc đó Silvio Berlusconi chỉ mới là một đại gia trên thương trường và đang cần có ô dù để có thể phát triển hoạt động kinh tế tài chánh, nhất là trong giai đoạn Silvio Berlusconi từ lãnh vực xây dựng bất động sản đang bước vào lãnh vực truyền thông, nơi mà cần phải có những đạo luật được đưa ra “đúng thời đúng lúc” để tạo thuận lợi cho Berlusconi.

RFI : Như chúng ta biết là hiện nay Ý có chính phủ “đại đoàn kết”, trong đó có sự tham gia của Đảng Dân chủ lẫn đảng Nhân dân Tự do của ông Silvio Berlsconi. Như thế thì quyết định y án buộc tội Berlusconi như vừa nói có ảnh hưởng gì đến chính phủ Ý hay không ?

Huê Đăng : Kết quả bầu cử Quốc hội hồi tháng 2 vừa qua đã đưa ra một kết quả “bất phân thắng bại”, do đó sau gần 3 tháng trời “đàm phán”, các lực lượng chính trị ở Quốc hội vẫn đã không đẻ ra được một chính phủ trong khi tình hình kinh tế tài chánh của nước Ý ngày càng thêm báo động và nhất là khủng hoảng kinh tế vẫn tiếp tục tác động xấu lên xã hội với những bức xúc khó khăn cho người dân ngày thêm chồng chất.

Sau cùng, chỉ còn có mỗi giải pháp là lập chính phủ “đại đoàn kết” trong đó có sự tham gia của hai lực lượng đối địch nhau là Đảng Dân chủ của liên minh trung tả và Đảng Nhân dân Tự do của Berlusconi.

Do đó Silvio Berlusconi, dù đã mất đến gần 50% số phiếu so với năm 2008, cũng đã nghiễm nhiên trở lại sân khấu chính trị với khả năng là có thể đe dọa sinh mạng của chính phủ bất cứ lúc nào ... nếu ông ta bị pháp lý đe dọa.

Câu hỏi mà công luận đặt ra là phán quyết y án của Tòa Phúc thẩm nói trên sẽ có ảnh hưởng gì đến “sinh mạng” của chính phủ Ý hiện nay ?

Ngay khi các mạng truyền thông vừa tung tin nói trên, bản thân của Silvio Berlusconi cũng như toàn bộ “quần thần” trong Đảng Nhân dân Tự do đã cực lực phản đối các thẩm phán với luận điệu trước nay là “người ta muốn thanh trừng một đối thủ chính trị qua bàn tay của ngành tư pháp”.

Ngay sáng nay, 11/05 Đảng Nhân dân Tự do đã tổ chức mít-tinh biểu tình ở thành phố Brescia (gần Milano) để phản đối tòa án và để tố cáo các âm mưu chính trị của ngành tư pháp.

Nhưng cũng chính Silvio Berlusconi tuyên bố là tạm thời đảng Nhân Dân Tự Do sẽ không rút ra khỏi chính phủ. Trên lý thuyết thì luận điệu của Berlusconi đưa ra là “phân biệt rõ ràng hoạt động của chính phủ với các quyết định pháp lý của ngành tư pháp”.

Trên thực tế là Silvio Berlusconi và các luật sư của ông ta đã tính những nước cờ khác. Vả lại, theo tuyên bố của chính luật sư của Berlusconi, cựu Thủ tướng đã tiên liệu trước là Tòa án Kháng cáo sẽ y án, bằng cớ là trong những ngày chót xét xử, luật sư biện hộ đã từ chối không tranh cãi trước tòa án.

Theo luật pháp thì Berlusconi vẫn còn có thể kháng án lên Tòa Án Tối Cao, và do đó, trong thời gian đợi Tòa Án Tối Cao xét xử, bản án nói trên sẽ tạm đình chỉ thi hành (tức là Berlusconi vẫn tiếp tục có thể đứng ra ứng cử đại biểu Quốc hội nếu nước Ý phải đi bầu lại).

Trên lý thuyết thì mãi đến năm 2014 vụ án nói trên mới hết hạn thời gian xét xử. Từ nay đến đó, Berlusconi và các luật sư của ông ta sẽ liên tục nhào nặn đủ thứ nguyên nhân, thậm chí đến bệnh tật như đã có lần xảy ra trong vụ án “Rubygate” (vụ án về quan hệ tính dục với trẻ vị thành niên và lạm dụng chức quyền). Cho nên rất có thể là vụ án sẽ bị “xù” vì hết thời gian xử án.

Tuy nhiên, bản thân Silvio Berlusconi còn tính một nước cờ khác cao tay hơn, và nếu nước cờ này thành công thì coi như là Bersluconi sẽ có lá chắn pháp lý vĩnh viễn : Ông hy vọng rằng trong thời gian sắp tới, để đánh đổi sự ra đời của chính phủ “đại đoàn kết”, một giải pháp mà chính Tổng thống Ý, ông Giorgio Napolitano, đã cực lực hỗ trợ, Tổng thống Ý sẽ phải phong Berlusconi làm thượng nghị sĩ mãn đời, và trong trường hợp đó, Berlusconi cũng sẽ hưởng được quyền “bất khả xâm phạm mãn đời”. Thế là coi như tất cả nợ nần công lý một sớm một chiều bị xóa sạch.

Chính vì những toan tính nói trên mà trước mắt Silvio Berlusconi vẫn còn “ngậm bồ hòn” chưa lật chính phủ và còn đang đợi động thái đến từ phía Dinh Tổng Thống.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.