Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Châu Âu tấn công vào thiên đường trốn thuế

Đang chìm trong khủng hoảng kinh tế, tăng trưởng âm, nợ công chồng chất, Liên hiệp châu Âu buộc phải quay sang mở cuộc tấn công vào các thiên đường trốn thuế để tìm cách thu hồi khoản tiền thất thoát khổng lồ về cho ngân sách nhà nước.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Thượng đỉnh Bruxelles (REUTERS /F. Lenoir)
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Thượng đỉnh Bruxelles (REUTERS /F. Lenoir)
Quảng cáo

Một nghìn tỷ euro, đó là ước tính số lượng tiền gian lận thuế trong Liên hiệp châu Âu. Gian lận thuế là chủ đề nóng trên các trang báo Pháp, nhân hôm nay tại Bruxelles diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh 27 nước châu Âu nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống gian lận thuế.

Các cụm từ « gian lận thuế », « thiên đường thuế » được lặp lại trên hầu hết trang nhất các báo Pháp ra hôm nay. Tờ l’Humanité nói rõ « 1000 tỷ vẫn còn nằm dưới ánh nắng mặt trời ». Trong khi đó trang nhất Libération đặt câu hỏi lớn « Ai đã che giấu hàng tỷ ? ». Nhật báo Le Figaro thì bình thản thông báo, «Châu Âu tấn công vào thiên đường thuế ».

Rõ ràng là trong lúc đang lao đao vì thiếu tiền, lãnh đạo các nước trong Liên hiệp châu Âu đã ý thức được Nhà nước đã phải trả giá rất đắt bởi những việc trốn thuế. Điều quan trọng hơn là các nước châu Âu phải cùng phối hợp tìm được biện pháp ngăn chặn việc trốn thuế đang ngày càng trở nên phổ biến.

Câu hỏi được đặt ra trước hết trong cuộc chiến này phải là : Ai gian lận thuế ? Nhật báo Cộng sản L’Humanité khẳng định đó là một số cá nhân giàu có và nhiều công ty lớn. Nhưng dù là những kẻ gian lận lớn hay nhỏ thì hàng năm ngân sách của châu Âu vẫn cứ bị mất đi 1000 tỷ euro. L’Humanité khẳng định, nếu không bị thâm hụt khoản tiền như vậy thì các nước châu Âu không đến nỗi phải đánh vật với nhau mỗi khi họp bàn về ngân sách và châu Âu có thể « đi đến một phương trình là : « Không có gian lận thì không phải khắc khổ ».

Le Figaro thì chạy tựa bài xã luận « Thiên đường và Địa ngục ». Tờ báo nhận định « đúng là vào thời kỳ khốn khó này khi mà nước nào cũng đòi hỏi công dân của mình phải thắt lưng buộc bụng, đồng thời Nhà nước thì phải đi bòn từng đồng bạc một thì quả thực trốn lậu thuế là một hành động hết chịu nổi.

Tuy nhiên tờ báo không nhất trí đổ hết lỗi cho việc trốn thuế để biện minh cho tình hình kinh tế đi xuống, nhất là đối với trường hợp của nước Pháp. Xã luận tờ báo viết : « Những kẻ gian lận thuế, khác với những gì người ta muốn chúng ta tin, không chỉ có riêng họ phải chịu trách nhiệm cho nỗi khốn khổ đang làm mòn mỏi cuộc sống của chúng ta. ». Ở Pháp nếu những kẻ gian lận đóng thuế đầy đủ thì liệu có giải quyết được vấn đề nợ công hay cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế hay không ?

Le Figaro cho rằng rồi đây « người ta cứ cố công xóa sổ những thiên đường thuế khóa trên trái đất, dỡ bỏ bí mật ngân hàng ở mọi ngóc ngách, nhưng nước Pháp sẽ vẫn đối mặt với vấn đề sưu cao thuế nặng ». Theo tờ báo, tiền đóng thuế của người Pháp chiếm tới 46% GDP. Bởi vậy tờ báo mới kết luận với trường hợp của nước Pháp, không hẳn những kẻ gian lận thuế tìm đến thiên đường (thuế) mà có khi đó là họ đang muốn chạy trốn khỏi địa ngục.

Nhật báo Libération thì nhìn nhận vấn đề ở góc độ toàn cầu hơn. Tờ báo cho rằng « gian lận thuế là một vấn nạn của thế giới gây phẫn nộ dư luận công chúng » và « cách thức mà các tập đoàn siêu quốc gia, nhất là trong lĩnh vực tin học như Apple, Google, Microsoft hay Amazon, né tránh nộp nghĩa vụ thuế ở những nước họ cắm chân hoạt động mới thực sự là bê bối ». Chính điều này đã tạo sự bất công đối với những công ty nhỏ trong việc nộp nghĩa vụ thuế. Tờ báo nhấn mạnh : « chấp nhận đóng thuế là một trong những nền tảng dân chủ của chúng ta. Những ai muốn né tránh nghĩa vụ phải bị truy tìm liên tục ».

Cuộc đấu tranh chống trốn thuế muốn đạt được hiệu quả cần phải được phối hợp đồng bộ trên phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, các nước sẽ rất khó đạt được sự nhất trí hoàn toàn với nhau. Theo Libération : «dự luật do Ủy ban châu Âu trình quy định các nước phải trao đổi tự động thông tin về thu nhập, vốn, tiền gửi trong ngân hàng.

Thế nhưng Áo, và Luxembourg bỏ phiếu chống. Hai quốc gia này vẫn khăng khăng đòi giữ bí mật ngân hàng. Họ sẵn sàng đàm phán nhưng chỉ với điều kiện nếu Thụy Sĩ và một nước thứ ba nào trong Liên hiệp làm tương tự. Điều này dự báo các cuộc thương lượng sẽ bị sa lầy ». Như vậy cuộc chiến chống gian lận thuế của châu Âu mới chỉ bắt đầu bằng quyết tâm chính trị và hứa hẹn sẽ còn nhiều khó khăn cản trở.

Nga bị chỉ trích mạnh mẽ do truy bức các tổ chức phi chính phủ

Vẫn liên quan thời sự châu Âu. Báo Le Figaro quan tâm đến nước Nga với bài : « Nga bị bêu riếu vì bủa vây các tổ chức phi chính phủ ». Tới thăm Matxcơvan trước mặt tổng thống Putin, chủ tịch Hội đồng tòan châu Âu ( gồm 47 nước thành viên trong đó có Nga), ông Thorbjorn Jagland đã thẳng thắng lên án bộ luật của Nga nhằm truy bức các tổ chức phi chính phủ ở trong nước.

Đây là bộ luật được cho là đặc trưng của nhiệm kỳ thứ 3 của tổng thống Putin, theo đó tất cả các tổ chức phi chính phủ của Nga được nhận tài trợ từ nước ngòai và có hoạt động « chính trị » phải đăng ký theo quy chế của « cơ quan ngoại quốc ». Chủ tịch Hội đồng toàn châu Âu đã nói thẳng với ông Putin « bộ luật này sẽ gây hệ quả ức chế đối với xã hội dân sự ».

Theo tổ chức Human Rights Watch, đã có 5 tổ chức phi chính phủ ở Nga bị chính quyền kiện ra tòa vì không chấp nhận quy chế do bộ Luật áp đặt. Trong đó có các tổ chức nổi tiếng như Golos, chuyên giám sát các cuộc bầu cử, vừa bị phạt 10 nghìn euros. Ngoài ra, còn có 14 tổ chức phi chính phủ khác đang bị buộc phải đăng ký như là một cơ quan nước ngoài. Ông Thorbjorn Jagland đã cảnh báo chính quyền Nga rằng có thể họ sẽ bị kiện hàng loạt trước Tòa án nhân quyền châu Âu.

Siêu lốc san phẳng Oklahoma city

Chuyển sang khu vực châu Mỹ, hầu hết các báo đều đăng nhiều bài vở và ảnh chụp về cảnh hoang tàn gây ra bởi trận lốc xoáy kinh hoàng bất ngờ đổ xuống thị trấn Moore, thành phố Oklahoma của nước Mỹ hôm 20/05. Libération chạy tựa : « Oklahoma, thành phố nát vụn ». Le Monde thông báo : « Một trận lốc chết người đổ xuống Oklahoma ». Tựa của Le Figaro : Oklahoma bị siêu lốc quật ngã.

Lốc xoáy vẫn thường xảy ra ở Mỹ, nhưng cơn lốc vừa đổ xuống Oklahoma đã gây thiệt hại lớn về người và vật chất. Theo thông tin ban đầu có 91 người chết, nhưng sau đó được cải chính lại chỉ còn 24 nạn nhân thiệt mạng. Về tài sản thì chưa thể thống kê hết.

Nhiều bức ảnh của báo chí cho thấy khung cảnh Oklahoma sau lốc trông như một bãi chiến trường, nhà cửa nát vụt từng mảnh, xe cộ bị gió cuốn chồng chất lên nhau. Cả một thành phố 55 000 dân bỗng chốc rơi vào cảnh hoang tàn đổ nát, người dân thảng thốt chưa hết sợ hãi trước trận thiên tai bất ngờ đổ xuống đầu họ.

Đến bao giờ, Obama mới đóng cửa Guantanamo ?

Vẫn liên quan đến nước Mỹ, nhật báo Công giáo La Croix quan tâm đến nhà tù nổi tiếng của Mỹ. Đó là nhà tù Guantanamo, nơi hơn 100 tù nhân từ nhiều tháng nay đang tuyệt thực để thu hút dư luận về cam kết của tổng thống Mỹ Obama cho đóng cửa trại tù này.

Lời hứa của ông Obama cho đóng cửa nhà tù đến nay đã được 4 năm nhưng vẫn không thực hiện được. Nơi đây hiện còn giam giữ 166 phạm nhân bị bắt trong « cuộc chiến chống khủng bố » do tổng thống George W. Bush phát động từ đầu thập niên trước.

La Croix đặt câu hỏi : Tại sao việc đóng cửa Guantanamo lại khó khăn ? Tờ báo lý giải, việc đóng cửa Guantanamo đặt ra rất nhiều vấn đề. Trước tiên là việc di chuyển những phạm nhân được xác định « có thể thả được », hiện số này có khoảng 86 người.

Nhưng vấn đề là phải tìm cho họ nơi thả. Về quê, họ có thể bị đối xử tồi tệ hơn. Tìm một nước thứ 3 cho họ thì cũng là một giải pháp, nhưng phải tốn công thương lượng ngoại giao. Không mấy nước muốn tiếp nhận những tù nhân của Guantanamo vì họ cho đấy là những đối tượng phức tạp.

Một khó khăn khác mà tổng thống Barack Obama tố cáo chính là Quốc hội Mỹ cản trở ông thực hiện lời hứa từ năm 2009 và nhất là giờ đây ông Obama đã nhận thấy « Guantanamo không còn cần thiết để bảo vệ nước Mỹ ».

Một con chim bồ câu giá hơn 300 nghìn euro

Phần cuối của mục điểm báo xin điểm lại thông tin khá thú vị trên trang kinh tế báo Le Figaro về việc giới chơi chim bồ câu Trung Quốc bỏ cả trăm ngàn để mua một con bồ câu đưa thư. Le Figaro cho biết mới đây trong cuộc bán đấu giá một người Trung Quốc đã mua được một con chim bồ câu đưa thư vô địch thế giới, tên gọi là Bolt với giá 310 nghìn euro.

Ngoài thương vụ kỷ lục này, toàn bộ trại nuôi cùng với 530 con chim bồ câu của ông Leo Hermans, một trong những chuyên gia hàng đầu của Bỉ trong lãnh vực nuôi chim bồ câu đưa thư, cũng đã được bán với giá 4 triệu euros.

Theo bài báo, từ vài năm trở lại đây, những khách mua người Trung Quốc đã làm cho thị trường bé nhỏ này cất cánh. Ông José de Sousa, chủ tịch hội chơi chim bồ câu đưa thư của Pháp cho biết ở Trung Quốc có tới 300 nghìn người thích chơi chim bồ câu đưa thư, bằng đúng phần còn lại của thế giới.

Hiện nay, thị trường chim bồ câu đưa thư thu hút nhiều khách hàng là Hà Lan và Bỉ. Ở Pháp một con chim bồ câu đưa thư bình thường được bán với giá khoảng 300 euro, nhưng một khi con chim này thắng cuộc trong các giải đua lớn như ở Barcelona thì giá của nó sẽ nhân lên gấp hàng trăm thậm chí cả nghìn lần.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.