Vào nội dung chính
HOA KỲ - CHÂU ÂU

Tự do thương mại: Châu Âu không đàm phán lĩnh vực "nghe nhìn" với Mỹ

Truyền thanh và truyền hình là trường hợp « ngoại lệ văn hóa», không phải là sản phẩm thương mại và do vậy, không nằm trong nội dung đàm phán tự do mậu dịch giữa Bruxelles và Washington. Đây được coi là một thắng lợi lớn của Pháp vào lúc Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ chuẩn bị đàm phán về hiệp ước tự do mậu dịch.

Bộ trưởng Ngoại thương Pháp Nicole Bricq và ủy viên châu Âu Karel de Gucht tại vòng đàm phán ở Luxembourg (AFP)
Bộ trưởng Ngoại thương Pháp Nicole Bricq và ủy viên châu Âu Karel de Gucht tại vòng đàm phán ở Luxembourg (AFP)
Quảng cáo

Sau 13 giờ thảo luận gay go tại Luxembourg, 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu vào chiều tối ngày hôm qua (14/06/2013) đạt đồng thuận để Ủy ban châu Âu bắt đầu đàm phán với Mỹ về một hiệp ước tự do mậu dịch song phương, và ngành truyền thanh, truyền hình không nằm trong danh mục các hồ sơ thương lượng.

Căn cứ trên nguyên tắc « ngoại lệ văn hóa », Pháp đã thành công trong việc thuyết phục Liên Hiệp Châu Âu không đàm phán về ngành truyền thanh và truyền hình trong khuôn khổ các cuộc thương lượng với Mỹ về tự do mậu dịch.

Paris nhất quyết không nhượng bộ trên hồ sơ này và thậm chí đe dọa dùng quyền phủ quyết trong trường hợp đòi hỏi của Pháp không được thỏa mãn.

Nguyên tắc này đã được áp dụng từ 20 năm qua và nó đã cho phép châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng, bảo vệ nét đa dạng về văn hóa, tài trợ cho các nhà làm phim độc lập, giúp đỡ và khuyến khích các nghệ sĩ sáng tác.Nhân danh « ngoại lệ văn hóa », các đài truyền hình Pháp chẳng hạn phải tôn trọng một số quy tắc về số giờ phát chiếu phim Mỹ.

Sở dĩ Pháp đòi ngành truyền thanh và truyền hình phải là ngoại lệ do Paris muốn tránh để thị trường phim ảnh, trò chơi điện tử, … của Mỹ tràn ngập thị trường châu Âu hay Washington đòi Bruxelles chấm dứt mọi chương trình tài trợ cho các nhà làm phim. Trong mắt Hoa Kỳ, biện pháp này là một hình thức bảo hộ. 

Tuy nhiên chính nhờ vào điều khoản « ngoại lệ văn hóa » đó mà Pháp được coi là đất lành chim đậu đối với các nhà làm phim độc lập quốc tế. Điều này một lần nữa đã được chứng minh qua chương trình Liên hoan điện ảnh Cannes vừa qua, khi kể cả các nhà làm phim Mỹ được Pháp tài trợ. 

Trước cuộc họp ngày hôm qua, quan điểm của Pháp muốn duy trì « nét đặc thù văn hóa » trong tiến trình đàm phán thương mại với Hoa Kỳ đã được Nghị viện châu Âu và bộ trưởng Văn hóa của 15 nước thành viên trong Liên Hiệp ủng hộ. Tuy nhiên, số này không tỏ thái độ rõ ràng và cứng rắn như Paris.

Thắng lợi của Paris mới chỉ được xem là tạm thời, vì Ủy ban châu Âu vẫn có quyền đưa hồ sơ « nghe nhìn » vào vòng đàm phán với Hoa Kỳ vào giờ chót. Bruxelles không muốn làm phật lòng Washington khi mà hiệp ước tự do mậu dịch song phương, một khi được áp dụng, sẽ cho phép Liên Hiệp Châu Âu thu về thêm 119 tỷ euro hàng năm qua các trao đổi mậu dịch với Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.