Vào nội dung chính
ĐỨC

Đông Đức : Sinh mạng con người như con chuột bạch

« Đông Đức, khi con người bị dùng để thử nghiệm thuốc như những con chuột bạch », « Các doanh nghiệp Pháp chọn chuyển hoạt động sang châu Âu », « Mỹ công nhận Damas sử dụng vũ khí hóa học » và « Bảo vệ di sản văn hóa khmer » là các thông tin chính mà các nhật báo Pháp ra ngày hôm nay đề cập tới.

Theo tuần báo Der Spiegel, các viện bào chế dược phẩmTây Đức đã  thử nghiệm thuốc trên khoảng 50 000 người Đông Đức (AFP)
Theo tuần báo Der Spiegel, các viện bào chế dược phẩmTây Đức đã thử nghiệm thuốc trên khoảng 50 000 người Đông Đức (AFP)
Quảng cáo

Vào ngày hôm nay 15/06/2013, Đức thành lập một ủy ban để điều tra về các vụ thử nghiệm dược phẩm trên con người của các phòng thí nghiệm Tây Đức trong thập niên 1980. Đặc phái viên báo Le Monde tại Berlin gửi về bài phóng sự điều tra với tựa đề : « Đông Đức, đất nước của những con chuột bạch », ý muốn nói là con người bị sử dụng như vật thí nghiệm.

Trong thập kỷ 80, khoảng 50 000 người Đông Đức bị sử dụng cho các thử nghiệm dược phẩm của các viện bào chế Tây Đức, mà họ không hề hay biết. Herbert Bruchmüller, nạn nhân sống sót duy nhất trong một cuộc thử nghiệm thuốc năm 1989, tố cáo các bác sĩ Đông Đức thời đó đã bán rẻ đồng hương của mình cho các phòng thí nghiệm dược phẩm Tây Đức.

Bác sĩ điều trị bệnh viêm cơ tim của ông cho ông biết về một loại thuốc điều trị mới tại một bệnh viện tư cách nhà ông khoảng 20 km. Tràn trề hy vọng, ông bị thử nghiệm một loại thuốc đặc trị bệnh huyết áp thấp mà ông không hề biết tên, cùng với khoảng 30 người khác. Trong một buổi kiểm tra hàng tuần, một người chết tại chỗ ngay cạnh ông, khi đang đạp xe.

Sáu người khác chết sau đó do tác dụng phụ của thuốc, hoặc do dùng song song hai loại thuốc điều trị. Sau chừng đấy thời gian, ông là người may mắn duy nhất còn sống. Ông nhớ lại : « Vào thời kỳ đó, ở đất nước chúng tôi tồn tại một dạng kiểu kỷ luật. Chúng tôi không đặt câu hỏi. Không ai nghĩ là có quyền được biết điều gì hết. Cũng có các bác sĩ tốt. Chúng tôi tin tưởng họ. Nhưng chúng tôi không có lựa chọn ».

Trong thập kỷ trước ngày hai miền được thống nhất, Đông Đức giống như một miền đất tuyệt vời cho các cuộc thử nghiệm thuốc của các phòng thí nghiệm phương tây. Nhân viên ngành y tế, từ vị trí thấp tới cao, đều được đào tạo cẩn thận để cung cấp thông tin các cuộc thử nghiệm, đồng thời cũng bị theo dõi chặt chẽ để họ không làm trái với quy định và thỉnh thoảng được tặng các món quà nhỏ để lấp bớt các thiếu thốn vật chất từ các nhà đại diện của các tập đoàn dược phẩm như : Bayer, Schering, Hoechst (hiện nay là Sanofi), Boehringer Mannheim (trong tập đoàn Roche hiện nay), Pfizer, Ciba Geigy, Sandoz hay Roche.

Vào thời đó, hệ thống y tế Đông Đức muốn trở thành một tấm gương phản ánh cho một chế độ tiên tiến luôn quan tâm tới việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Thế nhưng, do thiếu trang thiết bị y tế, công việc này trở thành sự đày ải hàng ngày. Họ thiếu đủ thứ, từ găng tay sử dụng một lần tới máy tính hay lồng ấp và máy dò, thậm chí cả cam hay chuối tặng bệnh nhân vào dịp lễ Noel.

Trong những năm 80, chừng 20% thuốc men không được chu cấp, do đó tỉ lệ tử vong tăng cao. Các cuộc thử nghiệm thuốc mà các phòng thí nghiệm phương tây đang cần trở thành chiếc phao cấp cứu cho một chế độ trong tình trạng tuyệt vọng. Gần 600 thử nghiệm được tiến hành tại khoảng 50 bệnh viện công và tư nhân trên cả nước.

Tuần báo Đức Der Spiegel, đang điều tra vụ này, ước chừng có khoảng 50 000 bệnh nhân được điều trị từ liệu pháp hóa học tới thuốc chống trầm cảm hay từ các thuốc trị tim tới trị bệnh nghiện rượu. Năm 1983, chính phủ Đông Đức mở một phòng quan hệ ngay Đông Berlin để đón tiếp mỗi tuần tới 40 cuộc viếng thăm của các nhà đại diện dược phẩm Tây Đức. Tùy theo quy mô hay tính chất phức tạp, các cuộc thử nghiệm có thể lên tới 800 000 mác Đức (khoảng 400 000 euros).

Một ủy ban điều tra, đứng đầu là Volker Hess, nhà sử học tại bệnh viện Charité ở Đông Berlin, được thành lập ngày 15/06/2013. Cuộc điều tra được tiến hành trong vòng hai năm rưỡi nhằm xác định trách nhiệm của các tập đoàn dược phẩm. Đặc phái viên báo Le Monde đã tranh thủ buổi phỏng vấn để thăm quan và miêu tả bảo tàng nằm ngay trong bệnh viện Charité, gần như có một không hai này. Tác giả khuyên những người yếu tim nên tránh xa vì họ có thể bị sốc với những bộ sưu tập nội tạng hãi hùng hay ảnh chụp minh họa chính sách thuần chủng dưới thời Đức Quốc xã.

Doanh nghiệp Pháp chọn chuyển hoạt động sang châu Âu

Quay sang một chủ đề khác mang tính thời sự hơn tại châu Âu, trang « Kinh tế » của báo Le Monde đăng bài «Di dời cơ sở họat động : các doanh nghiệp Pháp ưa thích châu Âu hơn ». Dựa theo báo cáo của Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (Insee), công bố ngày 12/06 vừa qua, tác giả cho biết trong những năm 2009 và 2011, 4,2% các công ty phi tài chính trên 50 nhân viên đã chuyển hoạt động của mình ra khỏi nước Pháp.

Con số này cao hơn trong lĩnh vực công nghiệp. Khoảng 8,8% doanh nghiệp Pháp trên 50 nhân viên di chuyển một trong số các hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Con số này lên tới 10,5% đối với các doanh nghiệp trên 100 nhân viên.

Việc di dời này khiến nước Pháp mất khoảng 20 000 việc làm từ 2009 đến 2011, như vậy khoảng 6 600 việc làm mỗi năm. Báo cáo cũng cho biết, trái với dự đoán, các cơ sở sản xuất di dời khỏi Pháp, lại chọn Liên hiệp châu Âu (55%) và chính xác hơn là 15 nước thành viên chủ chốt của Liên hiệp (38%), trừ một số trường hợp đặc biệt là một số nước gia nhập Liên hiệp từ năm 2004 như Ba Lan hay các nước Đông Âu nổi tiếng với giá nhân công rẻ. Tiếp theo là các nước châu Phi (24%), nơi Pháp vẫn giữ các mối quan hệ lịch sử và chủ yếu là ngôn ngữ, cuối cùng là Trung Quốc (18%) và Ấn Độ (18%).

Mục đích của việc di dời là tối ưu hóa chi phí chung. Giá thành lao động cũng nằm trong số này nhưng không phải là tiêu chí duy nhất. Ngoài ra, tại một số nước đang phát triển tồn tại nhiều bất cập khiến nhiều doanh nghiệp do dự chuyển sang các miền đất xa xôi, như : thuế hải quan, nguy cơ vi phạm bản quyền, vấn đề quản lý và chất lượng sản phẩm, giá vận chuyển, vân vân.

Một vài trường hợp trở lại Pháp minh chứng cho các bất cập trên. Phóng viên dẫn lại lời của hai nhà kinh tế học Pháp Patrick Aubert và Patrick Sillard đánh giá việc chuyển các hoạt động ra nước ngoài là triệu chứng của các khó khăn trong ngành công nghiệp.

Mỹ công nhận Damas dùng vũ khí hóa học

Liên quan đến cuộc nội chiến tại Syria, các nhật báo Pháp đều đồng loạt đưa tin về phản ứng của tổng thống Mỹ Obama công nhận Damas sử dụng khí sarin đàn áp phe đối lập. Báo Le Monde thông tin trên trang nhất « Washington công nhận việc sử dụng khí sarin ở Syria ». Ngày 13/06, Nhà Trắng khẳng định Damas đã vượt đường đỏ và nhiều lần sử dụng vũ khí hóa học, trong đó có khí sarin. Vì thế, lần đầu tiên, Washington quyết định « hỗ trợ quân sự » trực tiếp cho phe chống đối.

Báo cực tả Libération đăng tựa đề « Đối mặt với Al-Assad, Obama bị dồn vào chân tường » và giải thích do lo ngại phe đối lập sụp đổ dưới đòn giáng của chế độ Syria và Hezbollah, nên Nhà Trắng quyết định trang bị vũ khí cho phe đối lập. Còn theo nhật báo Le Figaro, sở dĩ tổng thống Obama quyết định giúp phe nổi dậy, ngoài lý do sử dụng vũ khí hóa học, còn có lý do chính quyền Damas chiếm lại được thành phố chiến lược Qoussair với sự trợ giúp của phe Hezbollah và Iran. Các báo Le Monde và Libération cũng cho biết thêm chính sự hậu thuẫn ngày càng lớn của Iran khiến phương tây lo lắng hơn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, khoảng 100 đến 150 người bị chết do vũ khí hóa học, nâng tổng số người chết lên hơn 90 000 người từ khi cuộc nội chiến bùng nổ. Các báo cho biết, trước mắt, Washington sẽ trang bị các vũ khí hạng nhẹ và đạn dược. Thậm chí, việc trang bị vũ khí chống tăng và phòng không cũng sẽ được xem xét tới (đây là điểm duy nhất có thể cân đối lực lượng).

Dự án thiết lập một khu vực cấm bay được đưa ra ban đầu đã nhanh chóng bị loại bỏ. Một số chính trị gia Mỹ, trong đó có nghị sĩ John McCain, không hài lòng khi tổng thống Obama không đề cập tới việc thiết lập khu vực cấm bay. Tuy nhiên, theo báo Libération, ý tưởng can thiệp vào cuộc nội chiến tại Syria bị phần lớn người dân Mỹ phản đối. Còn chính phủ Pháp vẫn cam kết sẽ không giao vũ khí cho phe đối lập Syria trước ngày 01/08 tới. Báo Le Figaro cho biết thêm, nếu Mỹ ủng hộ quân sự, dù gián tiếp, cho phe đối lập, Nga sẽ cung cấp cho chính quyền Damas tên lửa S300.

Mọi cố gắng để hai bên ngồi vào bàn đàm phán tại cuộc gặp gỡ Geneve II trở nên khó khăn hơn. Chính vì thế, vấn đề Syria sẽ được tổng thống Obama và các đồng nhiệm khối G8 thảo luận trong hội nghị thưởng đỉnh sẽ diễn ra vào ngày 17 và 18/06 tới tại Bắc Ai-len. Các nguyên thủ quốc gia sẽ cố gắng thuyết phục tổng thống Nga Putin gây sức ép lên chế độ Assad. Hiện tại, Nga không muốn bỏ rơi đồng minh duy nhất của mình tại Trung Đông.

Bảo vệ di sản văn hóa khmer

Trong trang điểm các sự kiện văn hóa sắp tới, báo La Croix cho biết cuộc họp hàng năm lần thứ 37 của Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO sẽ diễn ra vào ngày mai chủ nhật 16/06/2013 tại Phnom Ppenh. Còn tờ báo cánh hữu Libération dành trọn bốn trang trên phụ trang « Tạp chí » đăng một bài điều tra về hai bức tượng sành khmer mới được Bảo tàng Nghệ thuật đương đại (Metropolitan) ở New York trả lại cho người Cam-bốt sau 20 năm trưng bày tại đây. Tờ báo đánh giá sự hồi hương của hai bức tượng cho thấy quy mô và bí mật của việc buôn bán đồ khảo cổ.

Tình trạng khai thác và ăn trộm ở các quần thể kiến trúc tại Cam-bốt đã xuất hiện từ những năm 1960 và hiện tại vẫn không dừng. Các di sản được quân đội hộ tống sang Thái Lan và từ đây được chuyển tới các nhà sưu tập giầu có phương tây. Nhiều nhà sưu tập, người buôn đồ cổ và quản đốc bảo tàng đều nhắm mắt làm ngơ trước nguồn gốc của các di vật.

Phải tới tận năm 2008, hiệp hội giám đốc các bảo tàng Mỹ mới quyết định yêu cầu giấy xác nhận mua bán. Họ từ chối các đồ vật không có bằng chứng xuất khẩu hợp pháp, đặc biệt những đồ vật được được đưa ra khỏi nước trước năm 1970. Năm này được coi như cột mốc vì Unesco công bố bản thỏa thuận quốc tế chống buôn bán bất hợp pháp di sản văn hóa.

Phẫn nộ trước nạn ăn trộm di sản văn hóa tại các ngôi đền ở Cam-bốt, bà Anne Lemaistre, đại diện của Unesco tại Phnom-penh, cho biết : « Những năm gần đây, sau khi đã ăn cắp hết các tượng, kẻ trộm quay sang lấy các phần kiến trúc. Các kí tự được khắc trong đá bị cắt thành từng mẩu và bị bán như những tác phẩm nghệ thuật. Năm 2011, Unesco cử một đoàn tới ngôi đền lớn Preah Khan de Kompong Svay, rất khó vào. Nhìn mà nghẹn ngào. Trong những năm 2000, chắc tới khoảng 2006, nó bị phá vỡ một cách tàn bạo… Ngôi đền bị biến thành tro bụi ở một số nơi ».

Về phía mình, Cam-bốt cũng nỗ lực đòi lại các di vật bị đánh cắp. Nhà nước thắt chặt an ninh tại các đền lớn mở cửa cho khách thăm quan. Với sự trợ giúp của Unesco và nước Pháp, chính phủ đã thành lập một bộ phận cảnh sát di sản và đào tạo nhân viên hải quan. Tuy nhiên, rất khó để bảo vệ cho một đất nước với hơn 3000 địa điểm khảo cổ, thường tách biệt nhau.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.