Vào nội dung chính
BRAZIL

Brazil: Biểu tình rầm rộ chống giá cả đắt đỏ

Ngày 17/06/2013, tại Sao Paulo và hầu hết các thành phố lớn khắp Brazil, hàng trăm nghìn người xuống đường chống việc tăng giá vé các phương tiện giao thông công cộng và chi phí tốn kém của giải vô địch bóng đá thế giới - World Cup 2014. Tại thủ đô Brazilia, những người biểu tình chiếm cả nhà Quốc hội.  

Biều tình rầm rộ trên toàn quốc Brazil. Ảnh ngày 17/06/2013
Biều tình rầm rộ trên toàn quốc Brazil. Ảnh ngày 17/06/2013 REUTERS/Ueslei Marcelino
Quảng cáo

Thông tín viên François Cardona tường trình từ Rio de Janeiro :

"Hàng trăm nghìn người xuống đường khắp Brazil, ở Porto Alegre, ở Belo Horizonte, ở Maceio, Fortaleza, Salvador và cả ở Belem thuộc Amazonie, để chống lại việc tăng giá phương tiện giao thông công cộng. Nhiều đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát đã nổ ra, nhiều người bị thương nhẹ.

Rio de Jaineiro, thành phố đông thứ hai đất nước, lập kỷ lục về số người tham gia, với hơn 100.000 người tuần hành tại khu trung tâm thương mại của thành phố. Vào đầu tối qua, cuộc tuần hành hòa bình biến thành cuộc đối đầu với cảnh sát, khi đoàn biểu tình tiến vào khu vực trụ sở Hội đồng dân biểu địa phương. Đụng độ với cảnh sát khiến nhiều người bị thương.

Chính phủ Brazil buộc phải lên tiếng, bởi vì đang diễn ra giải thi đấu của cúp các liên đoàn bóng đá thế giới của FIFA. Đây là trắc nghiệm đối với chính phủ Brazil, một năm trước Giải vô địch bóng đá thế giới 2014 mà Brazil đăng cai. 

Bộ trưởng Thể thao Brazil Aldo Rechelo cảnh báo những người biểu tình : “Sẽ không cho phép các cuộc tuần hành cản trở các sự kiện thể thao mà Brazil cam kết tổ chức”. Một lời kêu gọi biểu tình vào ngày hôm nay, thứ ba 18/06, đã phổ biến trên các mạng xã hội. Phong trào phản kháng chống giá cả đắt đỏ tại Brazil dường như mới chỉ bắt đầu".

Phong trào biểu tình phản kháng thoạt tiên khởi sự ở Sao Paulo, chống lại việc tăng giá xe buýt và vé xe điện ngầm, đã lan rộng khắp gần mười thành phố lớn của Brazil, với sự phẫn nộ trước ngân sách khổng lồ của chính phủ dành cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng chuẩn bị World Cup 2014, chuẩn bị cho Thế vận hội 2016, và nạn tham nhũng nói chung. Theo các nhà quan sát, đây là cuộc biểu tình quy mô lớn nhất tại Brazil kể từ năm 1992. Khi đó người dân Brazil xuống đường phản đối tổng thống Fernando Collor de Mello, bị cáo buộc tham nhũng.

Kinh tế Brazil đột ngột rơi vào tình trạng trì trệ, với tăng trưởng 0,9% GDP năm ngoái, trong khi vẫn là 7,5% năm 2010. Chi phí cho Giải vô địch bóng đá 2014 đã vượt quá 15% ngân sách dự kiến ban đầu là 24 tỷ real (tương đương hơn 8 tỷ euro).

Theo các nhà bình luận, đối với nữ tổng thống Dilma Rousseff, phong trào phản kháng kể trên đã nổ ra vào thời điểm nhạy cảm, khi bà đang chuẩn bị ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Trong hiện tại, tổng thống Brazil vẫn rất được lòng dân chúng, tuy nhiên trong vài tuần trở lại đây, chỉ số ủng hộ bà bắt đầu sụt giảm. Đây là lần đầu tiên, xảy ra một hiện tượng như vậy kể từ khi bà Rousseff nhậm chức vào năm 2011.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.