Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Chính giới Brazil trước áp lực đường phố

Các cuộc biểu tình làm rung chuyển Brazil trong những ngày gần đây phản ánh nỗi bất mãn tột cùng của người dân, nhất là giới trẻ, trước những chính khách bất tài và tham nhũng. Trên khắp đất nước Brazil, hàng chục ngàn người đã xuống đường rầm rộ trong nhiều ngày qua.

Giới trẻ Brazil biểu tình đòi chính quyền cải thiện ngành y tế & giáo dục (REUTERS /Pedro Vilela)
Giới trẻ Brazil biểu tình đòi chính quyền cải thiện ngành y tế & giáo dục (REUTERS /Pedro Vilela)
Quảng cáo

Riêng trong ngày thứ Hai 17/06/2013, theo thẩm định của cảnh sát, đã có ít nhất 250 ngàn người biểu tình. Nhưng đặc điểm của các cuộc biểu tình lần này là những người xuống đường không thuộc đảng phái hay công đoàn nào, mà là hoàn toàn tự phát. 

Theo giải thích của dân biểu đảng Xã hội Chico Alencar với hãng tin AFP, « toàn bộ các chính đảng, kể cả đảng cấp tiến nhất, đều bị bất ngờ, vì đây là một phong trào nằm ngoài các khuôn khổ truyền thống. Đó là một phong trào của các cá nhân đi từ mạng xã hội Facebook ra đường phố ». 

Chánh văn phòng Phủ tổng thống Brazil, Gilberto Carvalho, cũng nhìn nhận ông không hiểu nổi phong trào này, vì ngay cả vào giai đoạn hưng thịnh nhất, Đảng Những người lao động ( đang cầm quyền ở Brazil ) cũng không huy động được 100 ngàn người xuống đường trong một đất nước nay có đến gần 200 triệu dân.

Từ 10 năm nay, Brazil do Đảng Những người lao động lãnh đạo, mà đảng này chính là thoát thai từ các phong trào đấu tranh xã hội và công đoàn dưới thời chế độ độc tài ( 1964-1985 ). Cựu tổng thống Lula da Silva nguyên cũng là một lãnh đạo công đoàn. Là người kế nhiệm ông Lula da Silva, nữ tổng thống Dilma Roussef nay lại phải đối diện với những phong trào tương tự. 

Đặc biệt tại thành phố Sao Paolo, thành phố lớn nhất và cũng là thủ đô kinh tế của Brazil, nơi xuất phát phong trào biểu tình cách đây khoảng 10 ngày, đa số người dân địa phương không còn tin tưởng vào các chính đảng, chính phủ, cũng như Quốc hội. 

Những người biểu tình chủ yếu phản đối quyết định tăng giá các phương tiện chuyên chở công cộng và chi phí quá lớn cho các cơ sở phục vụ Cúp Bóng đá thế giới 2014. Nhưng họ cũng bày tỏ nổi bất mãn với các định chế chính trị, từ các thị trưởng, các chính quyền bang, cho đến Quốc hội và chính phủ liên bang, đã không cải thiện được các dịch vụ công cộng, sau hai năm tăng trưởng kinh tế quá thấp và lạm phát tăng cao. Trên nóc tòa nhà Quốc hội hôm thứ hai vừa qua, những người biểu tình đã giương một biểu ngữ « Nhân dân đã bừng tỉnh ». 

Các phong trào biểu tình hiện nay đã nổ ra sau rất nhiều vụ tham nhũng trong những năm gần đây, liên quan đến nhiều nghị sĩ và bộ trưởng và dính đến toàn bộ các chính đảng, kể cả Đảng Những người lao động đang cầm quyền. Từ cuối năm 2012, nhiều cựu lãnh đạo của đảng này đã ra tòa do dính líu đến vụ mưu phiếu dân biểu. 

Sau khi phớt lờ những yêu sách của phong trào biểu tình, tổng thống Roussef, mà uy tín bắt đầu sụt giảm đáng kể, cuối cùng đã kêu gọi các chính khách Brazil hãy « lắng nghe tiếng nói của đường phố ». 

Trước mắt, chính quyền của hai thành phố Sao Paolo và Rio đã phải nhượng bộ trước sức ép của những người biểu tình, chấp nhận không tăng giá vé các phương tiện vận chuyển công cộng. Nhưng bất lực vì không thể chặn đứng được phong trào, chính phủ liên bang sáng hôm qua đã loan báo gởi lực lượng cảnh sát tăng viện để bảo vệ an ninh cho 6 thành phố Brazil đang tổ chức Cúp Liên đoàn các châu lục.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.