Vào nội dung chính
PHỎNG VẤN - HUNGARY

Horn Gyula : Người dỡ bỏ bức màn sắt Đông Âu từ trần

Cựu thủ tướng Hungary Horn Gyula vừa qua đời chiều hôm qua, 19/06/2013, sau nhiều năm lâm trọng bệnh, thọ 81 tuổi. Năm 1989, trước ống kính truyền hình và truyền thông quốc tế, Horn Gyula trong cương vị Ngoại trưởng đã cùng người đồng nhiệm Áo, Alois Mock dỡ bỏ “Bức màn sắt” biểu tượng của hơn 40 năm chiến tranh lạnh.

Vào năm 1989, ông Horn Gyula cùng với Ngoại trưởng Áo Alois Mock dỡ bỏ "Bức màn sắt" ngăn chia hai khối Đồng -Tây (Reuters)
Vào năm 1989, ông Horn Gyula cùng với Ngoại trưởng Áo Alois Mock dỡ bỏ "Bức màn sắt" ngăn chia hai khối Đồng -Tây (Reuters)
Quảng cáo

Ông Horn Gyula là người có công với tiến trình thống nhất nước Đức. Thông tín viên Hoàng Nguyễn cho biết thêm về thân thế và vai trò của ông Gyula trong quá trình đưa Đông Âu về lại với châu Âu. 

07:41

Thông tín viên Hoàng Nguyễn, Budapest

Ông là một tượng đài của cánh tả Hungary thế kỷ 20, đồng thời, có lẽ là chính khách Hung được biết đến nhiều nhất ở nước ngoài trong 25 năm qua, người mà tên tuổi gắn liền với những quyết định hết sức ngoạn mục trong đối ngoại của Hungary năm 1989. 

Sự ra đi của ông chấm dứt quãng thời gian 6 năm liền ông phải nằm viện, nhiều lúc trong trạng thái hôn mê, ngay sau kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 được tổ chức trọng thể với sự hiện diện của nhiều cựu chính khách lớn, như Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, hay Ngoại trưởng Đức Hans-Dietrich Genscher. 

Một nhà ngoại giao kỳ cựu 

Horn Gyula sinh ngày 05/07/1932 tại Budapest trong một gia đình mà cả cha và mẹ đều là công nhân. Ông phải vào đời từ khi còn rất sớm, khi mới học lớp 5 cấp Tiểu học. Đầu thập niên 50, Horn được du học Cao đẳng Kinh tế và Tài chính tại thành phố Rostov cạnh bờ sông Đông (Liên Xô). 

Trở về nước, năm 1959, Horn được tuyển vào Bộ Ngoại giao và những năm sau, ông trở thành một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, từng làm việc tại Bulgaria, Nam Tư, rồi giữ chức Trưởng phòng Ngoại vụ thuộc Ủy ban Trung ương Ðảng Công nhân Xã hội Hungary (MSZMP, tức Ðảng Cộng sản Hung). 

Năm 1977, ông lấy bằng phó tiến sĩ Kinh tế và có thời gian giữ cương vị cao trong Bộ tài chính Hungary. Từ giữa thập niên 80, Horn lọt vào Ban lãnh đạo thượng đỉnh của Ðảng - trong hai năm 1988-1990, ông trở thành một gương mặt cấp tiến tiêu biểu của quá trình dân chủ hóa trong đảng và nhà nước Hungary. 

Năm 1989, Horn giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ của Thủ tướng Németh Miklós theo hướng cải tổ. Trên cương vị Ngoại trưởng cuối cùng của nước Hungary cộng sản, Horn đã có vai trò lớn trong việc CHND Hungary chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Nam Hàn, Israel, Cộng hòa Nam Phi và Tòa Thánh Vatican. 

Tuy nhiên, Horn Gyula chủ yếu được biết đến và trở thành chính khách hàng đầu của Hungary trong con mắt phương Tây, là nhờ những nỗ lực vượt bậc trong ngoại giao của ông trong năm 1989. 

“Quyết định lựa chọn Châu Âu” 

Với chủ trương đổi mới, vào ngày 27/06/1989, trước ống kính truyền hình và truyền thông quốc tế, Horn đã cùng người đồng nhiệm, Ngoại trưởng Áo Alois Mock dùng chiếc kìm cộng lực dỡ bỏ “Bức màn sắt” phân cách Đông - Tây trong hơn bốn thập niên thời Chiến tranh lạnh. 

Trong mùa hè và mùa thu năm 1989, cũng chính Horn Gyula là “kiến trúc sư” của một quyết định được quốc tế đánh giá là “quyết định lựa chọn Châu Âu” của chính phủ Hungary. Đêm 10/11, nước Hung đã mở biên giới Hung - Áo cho 60-70 ngàn người tị nạn Đông Đức qua ngả Áo sang phương Tây. 

Biến cố này được coi là đã góp phần không nhỏ vào sự sụp đổ của thể chế cộng sản Đông Đức, cũng như cho sự thống nhất của nước Đức sau đó một năm. Như khẳng định vào năm 1990 của thủ tướng cuối cùng của CHDC Đức Lothar de Maiziere: “Sự sụp đổ của bức tường Berlin khởi đầu ở Hungary”. 

Điều này cũng được nhấn mạnh trong phát biểu của Thủ tướng Helmut Kohl tại buổi lễ trọng thể vào ngày thống nhất nước Đức 03/10/1990: “Chúng ta hãy đừng quên rằng đất dưới cổng Brandenburg là đất của Hungary! Người Hungary đã dỡ viên gạch đầu tiên của bức tường Berlin…”. 

Bên cạnh đó, Horn Gyula còn là người khởi thảo và vào tháng 3/1990, ông đã đặt bút ký thỏa thuận về việc rút quân đội Liên Xô khỏi Hungary, sau 45 năm “đồn trú tạm thời”. Trong số tất cả các chính khách đương thời của Hungary, Horn cũng là người đầu tiên đưa ra khả năng Hungary có thể gia nhập khối NATO, cũng như Liên hiệp châu Âu. 

Quốc tế trọng vọng, Hungary “lừng chừng” 

Sau biến cố 1989-1990, vẫn có vị trí đáng kể trên chính trường Hungary: ông từng là thủ tướng thứ ba của Đệ tam Cộng hòa Hungary (nhiệm kỳ 1994-1998), và giữ cương vị Chủ tịch Đảng Xã hội Hungary (thoát thai từ Đảng Cộng sản trước kia) trong thời kỳ 1990-1998. 

Horn được coi là một sáng lập viên cựu trào, người đã đưa Đảng Xã hội Hungary từ đống tro tàn trong cuộc bầu cử năm 1990, thành một trong hai đảng mạnh nhất của Hungary, trong nhiều năm giữ cương vị đảng cầm quyền tại nước Hung, mà không cần phải thật sự đoạn tuyệt với quá khứ cộng sản. 

Tuy nhiên, trong những năm sau, sự đánh giá của công luận Hungary với Horn Gyula không đồng nhất, vì vai trò của ông trong cuộc cách mạng 1956. Sau khi cuộc cách mạng Hung bị đàn áp, Horn Gyula gia nhập Đảng Cộng sản Hung, rồi tham gia lực lượng “công an vũ trang cách mạng”, được lập ra để đàn áp các chiến sĩ cách mạng 1956. 

Vai trò của ông Horn trong các biến cố sau cách mạng 1956 chưa được tìm hiểu thật rõ ràng, chỉ biết một năm sau, ông được tặng huy chương vì thành tích trong đội “công an vũ trang” và đó là phần thưởng dành cho các thành viên tích cực và năng nổ. Cho đến cuối đời, Horn vẫn có quan điểm rằng ông chỉ “bảo vệ trị an thời đó một cách hợp pháp”. 

Đó là lý do khiến Horn Gyula đã hai lần bị các vị tổng thống Hungary khước từ việc trao Huân chương Nhà nước (nhân dịp ông thượng thọ 70 và 75 tuổi), vì họ quan niệm rằng vai trò của ông thời 1956 đi ngược lại với tinh thần và hệ thống giá trị của Hiến pháp Hungary. 

Tuy nhiên, đối với nước ngoài, tên tuổi Horn Gyula gắn liền với những chuyển biến dân chủ của Hungary năm 1989, mà theo nhận định của ký giả Thụy Sỹ Andreas Oplatka, đã khởi động một “phản ứng dây chuyền mang tính cách mạng”, dẫn đến sự thống nhất của nước Đức và khiến các quốc gia Đông Âu có cơ hội trở về với “mái nhà chung” Châu Âu. 

Horn Gyula thuộc nhóm những chính khách Hung chủ lực đã đưa ra những quyết định cứng cáp mà nếu thiếu nó, theo một đánh giá khác, “lịch sử của toàn Châu Âu sẽ đi theo một hướng khác”: “Từng có một khoảnh khắc mà Hungary đã cống hiến cho Châu Âu và Châu Âu không quên điều đó”. 

Đó là lý do khiến ở Đức, Horn Gyula thuộc hàng những người Hung được biết đến nhiều nhất của mọi thời đại - sinh thời, đã có đường phố mang tên ông tại một thành phố nhỏ tại Đức. Ngay sau khi ông qua đời, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle ra thông cáo khẳng định : "người Đức không bao giờ quên những hành động quả cảm của Horn Gyula". 

Bởi lẽ, như đánh giá của nước Đức, trong một khoảnh khắc quyết định, Horn Gyula đã hành xử đúng đắn, và đã sống theo những giá trị tự do và nhân đạo của Châu Âu - bằng cách ấy, ông đã “vĩnh viễn đảm bảo vị trí của mình trong sử sách” (lời Ngoại trưởng Đức).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.