Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - GIÁN ĐIỆP

Snowden nộp đơn xin tị nạn tại 21 nước

Trước sức ép bị dẫn độ về Mỹ ngày càng tăng, từ Sheremetyevo- Matxcơva, người tiết lộ chương trình theo dõi thông tin của Hoa Kỳ Edward Snowden đã nộp đơn xin tị nạn đến 21 nước gồm cả một số nước phương Tây. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Snowden có thể ở lại Nga nếu chấm dứt các hoạt động chống lại Mỹ.

Tổng thống Nga trả lời báo chí về Snowden. Ảnh ngày 01/07/2013
Tổng thống Nga trả lời báo chí về Snowden. Ảnh ngày 01/07/2013 Reuters
Quảng cáo

Trang mạng Wikileaks, ngày 01/07/2013 loan báo rằng Edward Snowden đã nộp đơn xin tị nạn tại nhiều nước như Iceland, Ecuador, Cuba, Venezuela, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Hà lan, Ba Lan, Áo, Thụy Sỹ, Đức và Pháp...

Trong một tuyên bố đầu tiên kể từ khi rời Hồng Kông cách đây 8 ngày và được đăng tải trên mạng Wikileaks, Snowden tố cáo tổng thống Mỹ Obama đã gây sức ép lên lãnh đạo các nước mà anh ta đang muốn tìm đến để được che trở.

Trong cuộc họp báo tại điện Kremlin, ngày 01/07/2013 được hỏi về số phận của cựu nhân viên tư vấn tin học của CIA, tổng thống Nga Putin khẳng định Matxcơva sẽ không « giao nộp ai hết ». Trong khi đó cơ quan mật vụ hai Nga và Mỹ vẫn đang tìm cách giải quyết vụ việc này.

Tuy nhiên, tổng thống Nga cũng tuyên bố là Edward Snowden phải chấm dứt « các họat động gây phương hại cho đối tác của chúng tôi » nếu anh ta muốn ở lại nước Nga. Ông Putin giả thích thêm : « Là một nhà bảo vệ nhân quyền, hiển nhiên anh ta không có ý định chấm dứt các hoạt động đó, vì thế anh ta phải chọn một nước » khác để đến.Trước đó, cũng trong ngày hôm qua có tin nói Snowden đã nộp đơn tỵ nạn tại Nga nhưng có lẽ sau tuyến bố trên của tổng thống Putin nên cựu nhân viên tư vấn tin học cho CIA này đã rút đơn.

Những tiết lộ của Snowden về chương trình theo dõi thông tin của an ninh Hoa Kỳ trên khắp thế giới lại tiếp tục gây lên làn sóng phản đối mới ở châu Âu sau khi có phát giác Hoa Kỳ theo dõi thông tin của Liên hiệp châu Âu. Tổng thống Pháp Hollande ngày 01/07/2013 đã lên án gay gắt hành động theo dõi gián điệp lẫn nhau, đồng thời ông lên tiếng yêu cầu Washington phải giải thích « ngay lập tức » nếu các thông tin trên được xác nhận. Các đảng phái chính trị ở Pháp như đảng Cánh tả, đảng Xanh cũng lên tiếng đề nghị Paris chấp nhận cho Snowden tị nạn chính trị.

Hiện tại số phận của Snowden vẫn chưa có lối thoát. Theo các nhà phân tích thì vụ việc này đang gây không ít đau đầu cho Nga. Một chuyên gia Nga còn ví « Snowden như chiếc vali không có tay xách. Trao (cho Mỹ) thì mất mặt, mà không trao thì sẽ làm tổn hại đến quan hệ với Hoa Kỳ ».

Trong ngày hôm nay nhiều nước liên quan đến đơn xin tị nạn chính trị của Snowden đã có phản hồi.

Các nước như Ấn Độ, Hà Lan, Ba Lan qua phát ngôn viên bộ Ngoại giao hoặc bộ Tư pháp đã trả lời bác đơn của Snowden. Các nước Bolivia, Đức và Ý thì cho biết đã nhận được đơn và sẽ xem xét giải quyết theo đúng trình tự luật định. Trong khi đó chính quyền Áo, Phần Lan, Iceland, Na Uy hay Tây Ban Nha thì trả lời sẽ xét đơn với điều kiện đương sự phải trực tiếp nộp đơn và có mặt trên lãnh thổ của họ. Pháp và Thụy Sĩ cho biết không nhận được đơn chính thức xin tị nạn của Snowden.
 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.