Vào nội dung chính
BẮC PHI

Ai Cập : Quân đội làm chủ cuộc chơi

Hai tiếng rưỡi đồng hồ sau khi tối hậu thư kết thúc, quân đội Ai Cập đã chính thức tuyên bố lật đổ chính quyền của tổng thống Mohamed Morsi và công bố một lộ trình chuyển giao chính trị mới. Sự kiện này chiếm ưu tiên trên hầu hết các phương tiện truyền thông của Pháp. Báo chí Pháp hôm nay cũng dành nhiều bài cho chủ đề thời sự này.

Cairo, 04/07/2013
Cairo, 04/07/2013 REUTERS/Louafi Larbi
Quảng cáo

Nhật báo cánh hữu Le Figaro và nhật báo kinh tế Les Echos đồng chạy tựa lớn trên trang nhất : « Ai Cập : Quân đội lật đổ ông Morsi », nhật báo cánh tả Libération dành trọn trang nhất chạy tựa : «Quân đội làm chủ của cuộc chơi », nhật báo cộng sản L’Humanité cũng ưu tiên chủ đề này trên trang nhất : « Tối hậu thư hết hạn, ông Morsi bị quân đội dồn vào bước đường cùng », nhật báo Công Giáo la Croix thì nhìn sâu vào phe đối lập với bài viết : « Một phe đối lập chấp vá tại Ai Cập », nhật báo Le Monde thì lo ngại : « Ai Cập trong nguy cơ bất ổn ».

Các tờ báo đều thuật lại việc tư lệnh tối cao quân đội Ai Cập tướng Abdel Fattah al-Sissi đã đặt ra tối hậu thư cho tổng thống Morsi và sau khi tối hậu thư hết hạn, cũng chính ông đã tuyên bố chính thức bắt đầu đặt Ai Cập vào tiến trình chuyển tiếp dân chủ mới. Tổng thống Morsi đã bị lật đổ và hiện đang bị quân đội giam giữ.

Các tờ báo đều đăng ảnh biển người biểu tình chống Morsi ở quảng trường cách mạng Tahrir, và đều nói rõ là tiến trình chuyển tiếp dân chủ mới đã được thỏa thuận thông qua cuộc họp, do tướng Sissi chủ trì, với đủ thành phần tham dự : Đại diện phe đối lập El-Baradei, đại diện phong trào Tamarodd phản đối Morsi, tập hợp hơn 22 triệu chữ ký phản đối Morsi và là phong trào đứng ra kêu gọi biểu tình vừa qua, đại diện cho những người Copte ở Ai Cập, đại diện dòng Hồi Giáo Sunni tại Ai Cập. Đại diện các đảng phái thuộc tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo cũng được mời, nhưng đã từ chối tham dự.

Như để nhấn mạnh thêm sự « thức thời » của quân đội Ai Cập trong quyết định vừa qua, nhật báo cánh hữu Le Figaro nhận định rằng trong bối cảnh hiện tại, tướng Sissi trở thành « người đảm bảo ổn định » cho Ai Cập hơn bao giờ hết.

Về phần mình, nhật báo cánh tả Libération có bài « 60 năm thù hận giữa quân đội và phe Huynh Đệ Hồi Giáo ». Tờ báo lược lại quan hệ giữa hai bên, từ khi quân đội tiến hành đảo chính hồi năm 1952. Từ đó đến cuộc cách mạng năm 2011, các tướng lĩnh quân đội thay nhau làm tổng thống, giới quân đội chi phối xã hội Ai Cập từ kinh tế đến chính trị, trong khi đó những người thuộc Huynh Đệ Hồi Giáo thì bị chèn ép.

Sau cách mạng 2011, hồi giữa năm 2012, một thành viên của Huynh Đệ Hồi Giáo đã đắc cử tổng thống sau 18 tháng quân đội tạm điều hành đất nước. Sau đó, tổng thống Morsi đã có bước đi nhằm hạn chế quyền lực của quân đội bằng cách cách chức tổng tư lệnh quân đội khi ấy là tướng Hussein Tantaoui và bổ nhiệm tướng Sissi thay thế.

Thế nhưng, sau một năm điều hành đất nước, ông Morsi làm thất vọng ngay cả những người đã từng ủng hộ ông vì để kinh tế đình đốn, xã hội chia rẽ, mưu toan thâu tóm quyền lực vào tay nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo. Tức nước vỡ bờ, người dân Ai Cập lại xuống đường phản đối tổng thống, và lần này còn đông hơn năm 2011.

Sau khi giữ yên lặng vào những giờ phút đầu của cuộc biểu tình, quân đội Ai Cập đã quyết định nắm thời cơ lấy lại quyền lực. Và thế là, cục diện hiện tại có vẻ là nằm trong cái « thù mới hận cũ » của 60 năm qua giữa quân đội và những người Hồi Giáo cực đoan.

Ai thay thế Morsi ?

Một câu hỏi đặt ra là : Morsi đã làm quần chúng thất vọng nên đã bị lật đổ, thế thì ai sẽ là người có thể thay ông để ổn định và phát triển đất nước ? Nhật báo La Croix nói rõ, trong hàng ngũ những người nổi dậy lần nầy có thể nhìn thấy 3 thành phần chính : thành phần ủng hộ Mubarak, thành phần những người từng ủng hộ Morsi, nhưng đã bị ông ta làm cho thất vọng, và thành phần những người từ trước tới nay không quan tâm chính trị, nhưng lần này xuống đường vì chính sách điều hành đất nước của ông Morsi không hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, một nhân vật đang nổi lên, đó là ông El Baradei. Ông này là cựu giám đốc Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế, đã được chọn làm người đại diện cho phe đối lập trong các cuộc thương thảo sắp tới. Thế nhưng, La Croix nhấn mạnh, nhiều thử thách đang chờ ông, mà trong đó khó khăn nhất là việc, nếu muốn chiến thắng, thì ông phải làm sao có đường lối tập hợp được sự ủng hộ của tất cả các bên - một điều dường như là không thể. Hơn nữa, tờ báo cho biết, ông này hiện chưa được lòng dân.

Và thế là, tình cảnh của phe phản đối Morsi hiện tại chưa chắc chắn như lời của một người xuống đường tại quảng trường Tarhir nói : « Phong trào của chúng tôi không có lãnh đạo, mà người lãnh đạo đó chính là nhân dân ».

Châu Âu không dám làm Mỹ mất lòng ?

Hôm tối thứ Ba vừa qua, một số nước Châu Âu đã đóng cửa không phận đối với chiếc phi cơ chở tổng thống Bolivia là ông Evo Morales khi ông này trên đường trở về sau cuộc công cán tại Nga. Nhật báo cánh tả Libération nhìn về sự kiện này với bài nhận định : « Snowden làm Châu Âu loạng choạng ».

Các nước Châu Âu đóng cửa không phận nói trên là Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Quyết định cấm chiếc máy bay nói trên đi qua không phận những nước này được đưa ra là vì có nghi ngờ rằng cựu nhân viên NSA của Mỹ Edward Snowden có mặt trên máy bay của tổng thống Bolivia. Nói cách khác, nghi ngờ rằng tổng thống Morales muốn đưa Snowden - người bị Mỹ truy đuổi - về Bolivia.

Phía Bolivia và cả vùng Châu Mỹ La Tinh đã có phản ứng dữ dội trước quyết định nói trên. Tổng thống Morales cho rằng đó là « một sai lầm mang tính lịch sử và là một sự khiêu khích » đối với Bolivia và cả vùng Châu Mỹ La Tinh. Ông bực tức : « Đó giống như là một vụ bắt cóc ». Máy bay của ông đã buộc phải hạ cánh tại Vienna của Áo và đã bị các lực lượng đặc trách của Áo lục soát. Còn tại thủ đô Bolivia, nhiều người đã tập hợp biểu tình phản đối trước đại sứ quán của Pháp và đã đốt cả cờ Pháp.

Qua sự việc này, Libération cho rằng, Snowden đã hết còn trông mong gì vào các nước Châu Âu trong việc tìm nước để tị nạn. Các nước Châu Âu đã mạnh tay với Snowden đến mức không chỉ không chấp nhận cho anh tị nạn, mà còn ngăn cản bước đường tìm chốn tị nạn của anh.

Tờ báo cũng cho biết, Hoa Kỳ đã ra sức ngoại giao hậu trường để truy bắt cho được Snowden. Kết quả là nhiều nước đã tuyên bố không chấp nhận cho Snowden tị nạn, trong đó có cả Nga và Trung Quốc. Và theo tờ báo, hy vọng của Snowden hiện tại chỉ còn là Bolivia, Venezuela hoặc Cuba.

Vì sao lại có ít nước như vậy đón nhận Snowden ? Libération trả lời : Vì nước nào cũng sợ sẽ phải chịu « những đòn sấm sét » của Hoa Kỳ.

Trở lại trường hợp của Châu Âu, có nghị sĩ EU còn làm mát lòng Mỹ đến mức là trong cuộc họp Nghị viện Châu Âu vừa qua còn lớn tiếng cho rằng, Snowden là « kẻ phản bội », Libération cho rằng : Lời lẽ này cho thấy rõ ràng nhất quan điểm của các nước Châu Âu.

Trước thái độ đó, Libération chua chát : Snowden đã tiết lộ thông tin về việc Mỹ lén theo dõi Châu Âu, thế mà Châu Âu lại gây khó khăn cho anh ta, chỉ vì không đủ can đảm làm cho Mỹ « cáu giận ».

Tuy vậy, lập trường của EU cũng không thống nhất. Các nghị sĩ Đảng Xã Hội và Đảng Xanh tại Nghị viện Châu Âu đã đề nghị tạm hoản vòng đàm phán đầu tiên về hiệp ước tự do mậu dịch Mỹ-Âu. Họ cũng đã kêu gọi mở điều tra về hồ sơ gián điệp của Mỹ, và kêu gọi các nước Châu Âu nên chấp nhận cho Snowden tị nạn. Trong một bản thông cáo hôm qua, Đảng Cánh Tả Pháp chỉ trích rằng : « Chính phủ Pháp đã phạm một sai lầm nặng nề về chính trị và ngoại giao, một sai lầm làm mất uy tín nước Pháp ».

Các nước Châu Âu, mà trong đó hai nước đầu tàu là Pháp và Đức cũng chia rẽ về hồ sơ đàm phán thương mại với Mỹ. Tờ nhật báo Les Echos cho biết, hôm qua, phát ngôn nhân chính phủ Pháp cho biết Pháp thiên về lập trường « tạm thời đình chỉ trong vòng 15 ngày » cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Âu để chờ phía Mỹ có lời giải thích về hồ sơ gián điệp. Mấy giờ sau đó, người phát ngôn chính phủ Đức tuyên bố Đức ủng hộ lập trường của Ủy Ban Châu Âu trong việc bắt đầu đàm phán thương mại về tự do mậu dịch với Mỹ vào ngày thứ hai.

Và cuối cùng, dù chuyện gì đi nữa, thì đến hiện tại, cả hai tờ Les Echos và Libération đều nhận định là đàm phán tự do mậu dịch Mỹ-Âu sẽ bắt đầu vào thứ Hai tới đúng như dự định.

EU ngày càng lún sâu vì chính sách khắc khổ?

Cũng liên quan đến EU, các tờ báo tiếp tục bàn về chính sách khắc khổ đã và đang được áp dụng nhưng chưa thấy hiệu quả. Một minh chứng mới cho sự không hiệu quả này là thực trạng đáng lo ngại của Bồ Đào Nha. Libération cho rằng : « Bồ Đào Nha đang lún chìm trong khắc khổ ».

Tờ nhắc lại việc vừa qua đã có hai bộ trưởng trong chính phủ của ông Pedro Passos Coelho đã từ chức vì tình hình kinh tế đất nước ngày một thê thảm. Từ hơn 2 năm nay, theo điều kiện trợ giúp tài chính của bộ ba chủ nợ là Ủy Ban Châu Âu, Ngân hàng trung ương Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, chính phủ Bồ Đào Nha đã lao vào chính sách khắc khổ với việc cắt giảm chi tiêu và cắt giảm an sinh xã hội.

Kết quả là tình hình ngày càng tệ đi. Hồi năm 2011, tăng trưởng của Bồ Đào Nha ở mức -1,6%, nhưng đã xuống  -3,2% vào năm ngoái. Thất nghiệp trong ba tháng đầu năm 2013 là 17,7%, trong đó tỷ lệ thanh niên thất nghiệp lên đến 42,1%. Nợ công sẽ leo lên đến 124% GDP trong năm 2014. Hôm qua, lãi xuất cho vay hạn 10 năm của Bồ Đào Nha đã vượt mức 8%, thị trường chứng khoán Lisboa đã mất 5,31 điểm.

Trong bối cảnh đó, các định chế và các nhà lãnh đạo Châu Âu vẫn tiếp tục thúc đẩy chính phủ Bồ Đào Nha theo đuổi khắc khổ. Thế là nước này đang trong cảnh tiến thoái lưỡng nan như lời nhận định của nhật báo Công Giáo La Croix về chủ đề này : « Chính phủ Bồ Đào Nha đang bị án treo ».

Nhật Bản : Thảm họa Fukushima vẫn chưa được kiểm soát

Nhìn sang Châu Á, Libération có bài đáng chú ý : « Fukushima vẫn chưa được kiểm soát ».

Tờ báo cho biết, hôm thứ Hai vừa qua, Tập đoàn khai thác nhà máy điện hạt nhân Fukushima Tepco đã đo được mức độ nhiễm xạ lên đến 4300 Becquerel (Bq) trong một một giếng đào cách bờ biển Thái Bình Dương 6m. Ba ngày trước đó, cũng ở địa điểm này, mức độ nhiễm xạ của nước được đo là 3000 Bq, tức cao hơn 100 lần mức cho phép.

Đến hiện tại, Tepco cho biết « Vẫn chưa thể xác định được nước phóng xạ có đổ vào lòng đại dương hay không ». Thế nhưng cơ quan an ninh hạt nhân Châu Âu thì khẳng định « có nhiều khả năng » nước nhiễm xạ chảy vào lòng đại dương. Hồi tháng Ba rồi, hai nghiên cứu khác cũng đã có cùng nhận định như vậy.

Như vậy, quá trình tẩy nhiễm ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima đến hiện tại vẫn còn nhiều chuyện để nói dù hơn hai năm thảm họa đã đi qua.

Được quyền bỏ phiếu từ lúc sơ sinh

Cũng liên quan đến Nhật Bản, nhật báo Les Echos đăng bài đáng chú ý : « Sẽ có quyền bỏ phiếu ngày từ lúc sơ sinh ».

Đề nghị này xuất phát từ thực trạng đáng lo ngại của hiện tượng lão hóa trong dân số Nhật Bản. Cử tri độ tuổi 20-29 chỉ chiếm có 7,6% cử tri trong cuộc bầu cử quốc hội 2010. Khi ấy, chỉ có 2 triệu cử tri độ tuổi 20-24 đi bỏ phiếu, trong khi đó có đến 8 triệu người độ tuổi 60-64, và 8 triệu người độ tuổi trên 75. Các đảng phái Nhật Bản đang dự định hạ tuổi đi bầu từ 20 xuống 18 tuổi. Thế nhưng, các nhà xã hội học vẫn lo ngại, vì dù như thế số cử tri « già » vẫn chiếm đa số tuyệt đối. Hiện tại số người 15 tuổi ở Nhật Bản chỉ chiếm có 13% dân số, trong khi những người trên 65 tuổi chiếm đến 24%. Từ thực tế này, Nikkei- nhật báo kinh tế Nikkei rất có uy tín tại Nhật Bản, vừa đăng bài đề nghị cho các bé quyền bầu cử. Theo đề nghị này, cha mẹ các bé sẽ đại diện các bé đi bỏ phiếu cho đến khi nào bé được 15 tuổi.

Les Echos nói thêm, thực trạng lão hóa dân số không khi đe dọa Nhật Bản, mà còn là một vấn đề nhức óc đối với các nước phát triển ở phương Tây.

Tiếp tục cảnh báo về hiện tượng trái đất nóng lên

Thập niên 2001-2010 là thập niên nóng nhất từ trước đến nay, đó là cảnh báo của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) vừa được công bố hôm qua, được đăng trên nhật báo Le Figaro, Les Echos và La Croix.

Kết luận trên dựa vào kết quả thu thập được từ cơ quan khí tượng của 139 quốc gia, theo đó, trong giai đoạn 2001-2010, nhiệt độ bình quân trên thế giới cao hơn 0,47°C so với mức bình thường được thiết lập trong giai đoạn 1961-1990. Khoảng cách so với mức bình thường này có độ chênh lệch lớn tùy theo các khu vực khác nhau trên thế giới, có nơi cao hơn mức bình thường đến 3,2°C.

WMO cũng cảnh báo, do hiện tượng băng tan, nên mực nước biển trong 10 năm nói trên đã tăng bình quân 3mm/năm, trong khi mức bình quân cho toàn thế kỷ 20 chỉ có 1,6mm/năm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.