Vào nội dung chính
THỔ NHĨ KỲ

Châu Âu yêu cầu Ankara điều tra việc cảnh sát dùng vũ lực thái quá

Hôm nay, 06/07/2013, kết thúc chuyến làm việc 5 ngày tại Thổ Nhĩ Kỳ, ủy viên Châu Âu về Nhân quyền khẳng định chính quyền Ankara phải tiến hành điều tra về các hành động bạo lực thái quá của cảnh sát trong các cuộc đàn áp phong trào biểu tình chống chính phủ nửa đầu tháng 6/2013.

Trong đợt biểu tình vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ, có 3 người biểu tình và 1 cảnh sát thiệt mạng, và gần 8.000 người bị thương (REUTERS)
Trong đợt biểu tình vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ, có 3 người biểu tình và 1 cảnh sát thiệt mạng, và gần 8.000 người bị thương (REUTERS)
Quảng cáo

Trong cuộc họp báo tại Ankara hôm nay, với hai chủ đề chính : quyền tự do hội họp và bạo lực của cảnh sát, ủy viên nhân quyền Châu Âu Nils Muiznieks nhấn mạnh : « Mọi hành động sử dụng vũ lực thái quá của cảnh sát phải trở thành đối tượng của một cuộc điều tra thực sự và phải bị trừng phạt tương xứng ».

Đại diện nhân quyền Liên Âu giải thích rằng, cách duy nhất để lấp đi hố sâu khác biệt giữa các quan niệm, cho phép xã hội yên bình trở lại, là chính quyền đảm bảo tiến hành « một cuộc điều tra thực sự, độc lập và không thiên vị ». Hiện tại mới chỉ có ba cảnh sát bị Bộ Nội vụ đình chỉ chức vụ, bất chấp nhiều cáo buộc vi phạm nhân quyền. 

Đại diện Liên Âu cũng kêu gọi chính quyền không cho phép diễn ra các hoạt động trả đũa và đe dọa chống lại các nhóm nghề nghiệp đã tham gia vào các cuộc biểu tình hòa bình như các bác sĩ, luật sư, nhà báo và giới đại học. 

Theo Hiệp hội các bác sĩ, trong cuộc phản kháng chưa từng có tại Thổ Nhĩ Kỳ chống lại chính quyền hồi giáo theo xu hướng bảo thủ của đảng AKP, tại vị từ hơn 10 năm nay, có ba người biểu tình và một cảnh sát thiệt mạng, và gần 8.000 người bị thương. 

Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại mô hình dân chủ hồi giáo bị tổn thương 

Việc tổng thống Mohammed Morsi, theo chủ trương hồi giáo, bị lật đổ tại Ai Cập khiến Thổ Nhĩ Kỳ mất đi một đồng minh quan trọng trong khu vực và mô hình liên kết dân chủ với đạo hồi của đảng AKP (đảng Công lý và Phát triển Thổ Nhĩ Kỳ) bị thách thức nghiêm trọng. 

Hôm qua, thứ Sáu 05/07, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cực lực lên án « cú đảo chính » của quân đội Ai Cập lật đổ tổng thống Morsi ngày 03/07, như một « xâm phạm đến nền dân chủ ». Thủ tướng Erdogan nhấn mạnh là : Nền dân chủ chỉ có thể được hình thành dựa trên lá phiếu của cử tri. Chính biến tại Ai Cập là một cú sốc đối với thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, khiến ông phải bỏ kỳ nghỉ để trở về điều hành một cuộc họp khẩn cấp với các bộ trưởng chủ chốt và người đứng đầu cơ quan tình báo. 

Theo đánh giá của một giới chức cao cấp về ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara hiện nay « không hiểu rõ về khu vực Trung Đông », cụ thể là việc lựa chọn những đồng minh, như Syria, Irak và Ai Cập, đã tỏ rõ thất bại. Theo các nhà phân tích, các biến cố tại Ai Cập cho thấy chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phải thận trọng hơn, đặc biệt sau làn sóng phản kháng chưa từng thấy hồi tháng trước. 

Cựu đại sứ Châu Âu tại Thổ Nhĩ Kỳ Marc Pierini nhận xét : « Bài học trực tiếp từ các biến cố 12 tháng gần đây tại Ai Cập cho thấy, các cuộc bầu cử tự do không đủ để giải quyết các vấn đề phức tạp của một quốc gia, nếu không có những cuộc đối thoại thực sự (giữa chính quyền) với các thành phần khác nhau của xã hội ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.