Vào nội dung chính
AI CẬP

Ai Cập bên bờ vực của cuộc nội chiến

Tình hình bất ổn chính trị tại Ai Cập vẫn là đề tài thu hút báo chí Pháp ra ngày đầu tuần và chiếm dòng tựa lớn trên các trang nhất. Báo Le Monde chạy tít : « Ai Cập đang trên bờ vực nội chiến ». Trang bên trong tờ báo có bài viết mang tựa : « Ai Cập chìm ngập trong bạo loạn ».

Quân đội canh gác gần trụ sở Vệ binh Cộng hòa tại Cairo, nơi số người chết vì bạo động lên tới 42 người ngày 08/07/2013.
Quân đội canh gác gần trụ sở Vệ binh Cộng hòa tại Cairo, nơi số người chết vì bạo động lên tới 42 người ngày 08/07/2013. REUTERS/Asmaa Waguih
Quảng cáo

Báo Le Monde đưa tin sau khi truất phế cựu Tổng thống Morsi, căng thẳng ngày càng dâng cao giữa hai phe ủng hộ và chống ông Morsi. Các cuộc đụng độ đã làm thiệt mạng 40 người và hàng nghìn người bị thương.

Báo Le Figaro có bài viết mang tựa : « Tại Ai Cập, thái độ cố chấp của đối lập đe dọa tiến trình chuyển tiếp ». Theo tờ báo, ông Mohamed El Baradeï, cựu Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử của Liên Hiệp Quốc cho tới năm 2009 và Giải Nobel hòa bình vào năm 2005, được Tổng thống lâm thời chỉ định làm Thủ tướng lâm thời, nhưng ngay trong nội bộ đảng chống đối ông Morsi đã phản đối gay gắt quyết định này. Theo phát ngôn viên của nhóm đối lập, họ « cần một nhân vật trung lập để có thể dẫn dắt tiến trình chuyển tiếp đầy khó khăn ». Trong một đất nước đang trên bờ vực phá sản và chìm đắm trong khủng hoảng chính trị, sứ mệnh mới của ông sẽ là chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội, nhưng bầu lúc nào thì vẫn chưa quyết định được.

Tiến trình chuyển tiếp tại Ai Cập gặp khó khăn hơn bao giờ hết khi mà đất nước vẫn loay hoay chưa bổ nhiệm được Thủ tướng. Đó là nhận định từ báo Les Echos. Tối hôm qua, theo tin từ phát ngôn viên của Tổng thống lâm thời thì chức Thủ tướng sẽ được giao cho ông Ziad Bahaa ElDin, thuộc khuynh hướng xã hội-dân chủ, còn ông Mohamed El Baradeï sẽ giữ chức Phó tổng thống. Báo Les Echos nhận xét tình hình bất ổn tại Ai Cập, chủ nghĩa cực đoan có nguy cơ lây lan sang các nước khác trong khu vực như Syria, Lybia. Tình hình bạo loạn này cũng khiến giới chức trách phương Tây quan ngại.

Báo Libération cũng quan tâm đến tình hình tại Ai Cập, ngay trên trang nhất là dòng tựa : « Nỗi sợ nội chiến ». Trang bên trong, tờ báo nhận định « quân đội đang bị chia rẽ ». Tổng thống Nga Vladimir Putin quan ngại : « Syria đã là nạn nhân của cuộc nội chiến và giờ đây Ai Cập cũng tiến theo cùng một hướng ». Về phía người dân, họ lo sợ vì chưa bao giờ đất nước của mình lại bị chia rẽ sâu sắc như vậy.

Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới ?

Trong mục kinh tế của báo Le Monde có bài viết khá thú vị mang tựa : « Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất hàng đầu các đồ dùng mùa hè ». Áo thun, bóng, đồ tắm, khăn mặt được sản xuất tại đâu ? Với giá thành bao nhiêu ? Bài báo nhận định vẫn chưa có sự thay đổi : Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới.

Ai từng nói rằng Trung Quốc không còn là công xưởng của thế giới ? Thảm họa sụp tòa nhà Rana Plaza, Bangladesh, làm thiệt mạng hàng ngàn công nhân, đã làm nổi bật điều kiện làm việc tồi tệ của công nhân Bangladesh, mà còn làm cho cả thế giới tưởng rằng các công ty phương Tây đã bỏ Trung Quốc để tìm đến các quốc gia có giá nhân công rẻ hơn để sản xuất hàng hóa.

Hiện nay, đang dịp nghỉ hè, báo Le Monde đã tìm hiểu xuất xứ của các đồ dùng trong hành lý của người Pháp. Kết quả là Pháp nhập khẩu hầu hết các đồ dùng sản xuất từ Trung Quốc. Ý tưởng cho rằng Trung Quốc giờ đây trở nên « đắt đỏ » chỉ là một ảo ảnh. Các chuyên gia trong ngành may mặc khẳng định rằng mức lương của công nhân đã được tăng lên rõ rệt, đặc biệt là vùng duyên hải phía Đông của đất nước, còn những vùng còn lại thì mức lương vẫn còn thấp. Thậm chí một số nhà đầu tư Trung Quốc dời xưởng sản xuất sang Việt Nam hay Bangladesh đối với các mặt hàng giá rẻ. Một số gọi đây là « xuất khẩu gián tiếp » bởi vì trên hàng hóa đề « made in Dacca » hay « Made in Hanoi » nhưng thực chất thì vẫn là Trung Quốc.

Trong cuộc chiến thế giới để giành thị phần tại Pháp, các quốc gia châu Á có giá thành rẻ đánh ngã các đối thủ khác. Bài báo nhận định thật khó mà cạnh tranh với các nước này, khi một bộ quần áo xuất xưởng tại Bangladesh với giá 10 euro và bán ra tại Pháp với giá 30-70 euro, trong đó dưới 2 euro là lương trả cho công nhân.

Theo tờ báo, tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng Ý là một quốc gia châu Âu để lại dấu ấn trong cuộc chơi này. Ý hiện là nhà in sách hàng đầu cung cấp cho Pháp và có vị trí quan trọng trong ngành sản xuất bóng và album tô màu.

Còn về hàng hóa Pháp hầu như không có trong hành lý của người đi nghỉ hè. Duy chỉ có ngành công nghiệp in ấn sách của Pháp và sản xuất hành lý là còn có khả năng lọt vào top các vật dụng được sản xuất tại Pháp.

Chìa khóa của Hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương

Báo La Croix hôm nay quan tâm đến các cuộc thương lượng nhằm ký kết một Hiệp ước thương mại giữa châu Âu và Hoa Kỳ diễn ra vào hôm nay tại Washington mặc dù sự việc Snowden khá nổi đình nổi đám và ảnh hưởng không ít đến quan hệ song phương. Báo La Croix đăng bài : « Những chìa khóa cho Hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương ». Theo đánh giá, nếu Hiệp định này được ký kết sẽ giúp tăng trưởng cho cả hai khối kinh tế : châu Âu và Hoa Kỳ.

Theo lời phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ vào thứ Năm vừa qua thì thương lượng nhằm ký kết Hiệp định tự do thương mại luôn là mối ưu tiên hàng đầu. Hôm nay, một nhóm bao gồm khoảng 60 viên chức châu Âu sẽ bắt đầu thương lượng trong vòng một tuần. Cứ hai tháng, hai phái đoàn sẽ họp lại, luân phiên nhau, tại Hoa Kỳ hoặc tại châu Âu. Mục tiêu là sau hai năm sẽ ký kết được Hiệp định tự do thương mại. Châu Âu và Hàn Quốc cũng đã từng làm như vậy. Một số các cuộc thương lượng thương mại đối với các đối tác khác cũng chưa thành công như Hiệp định với các quốc gia vùng Vịnh đã được bàn thảo từ hai mươi năm nay.

Tờ báo đặt câu hỏi vì sao lại tìm kiếm giải pháp Hiệp định tự do thương mại ? Mục tiêu là giúp thoát ra khỏi khủng hoảng bằng cách thúc đẩy trao đổi giữa hai khối kinh tế : châu Âu và Hoa Kỳ chiếm 40% GDP toàn thế giới. Một quan chức cấp cao ước tính « Hiệp định này sẽ kích thích tăng trưởng và tăng sức mua của mỗi hộ gia đình châu Âu thêm khoảng 550 euro ».

Vấn đề về « ngoại lệ văn hóa » vẫn là một đề tài gây tranh cãi nhiều trong tiến trình thương lượng. Phía châu Âu đã cam kết không giảm quota việc trình chiếu phim ảnh châu Âu trên truyền hình. Châu Âu rất kiên định trong việc bảo vệ nét văn hóa riêng của mình. Cho tới nay, Mỹ chưa hề gọi thầu các công ty nước ngoài cho những công trình công. Do đó, Hiệp định tự do mậu dịch này giúp cho châu Âu xâm nhập được vào thị trường Hoa Kỳ và mang lại một lợi ích đáng kể cho châu Âu.

Trái lại, thị trường châu Âu đã mở cửa cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Mục đích của đàm phán là đi đến việc dỡ bỏ thuế quan giữa hai bờ Đại Tây Dương, nhưng với một lịch trình khác nhau tùy theo các sản phẩm. Quá trình này có thể kéo dài hàng năm. Một số mặt hàng bị loại ra khỏi vòng đàm phán, ví dụ như ngành sản xuất vũ khí.

Tàu chở dầu nổ tung tại Canada

Chuyển sang thời sự tại Canada. Báo Le Figaro đăng bài : « Nổ một đoàn tàu chở dầu tại Canada ». Theo tờ báo, vụ nổ đã làm thiệt mạng 5 người và 40 người mất tích vào hôm qua sau khi đoàn tàu bị trật đường ray và bốc cháy.

Qua bài viết trên báo Libération mang tựa đề : « Trật đường ray : Một cảnh tượng hãi hùng tại Québec », tờ báo cho biết vụ tai nạn xảy ra ngay tại trung tâm Lac-Megantic, một thành phố du lịch nhỏ thuộc tỉnh Quebec với 6.000 dân, nơi có nhiều cửa hàng, quán bar, một thư viện lớn… Đoàn tàu nổ tung, tạo ra một quầng lửa lớn cao hàng chục mét và phá hủy nhiều tòa nhà xung quanh. Hôm qua, chính quyền đã bắt đầu thu nhặt các mẫu ADN để xác định nhân thân của nạn nhân. « Cơ thể các nạn nhân trong tình trạng bị bỏng nặng, do đó, việc định dạng danh tánh của nạn nhân càng phức tạp hơn ». Đó là nhận định của một bác sĩ.

Hãng Montreal, Maine & Atlantic cho biết trước đó đoàn tàu này đã dừng tại một địa điểm bên ngoài thành phố, và không có ai lái tàu khi nó bị trật đường ray và nổ ở thành phố Lac-Megantic. Chính quyền Canada hy vọng tìm được “hộp đen” của tàu để xác định nguyên nhân gây tai nạn. Nhật báo « La Presse » của Montréal cho biết việc tàu của hãng Montreal, Maine & Atlantic bị trật bánh không phải là lần đầu tiên. Mới cách đây chừng vài tuần, hai vụ trật đường ray khác cũng xảy ra tại vùng này.

Bò Anh bị nhiễm bệnh xuất sang Pháp ?

Liên quan đến tình hình an toàn thực phẩm, báo Le Figaro hôm nay cho biết là theo tờ « Sunday Times », thịt bò bị nhiễm bệnh lao được xuất khẩu sang Pháp, Bỉ và Hà Lan. Thịt bò này này có vị hơi đắng. Tờ Sunday Times công bố vào tuần trước có 28.000 con được xét nghiệm có kết quả dương tính đối với bệnh lao được tiêu thụ hàng năm.

Sau khi hay tin, một số các hàng ăn từ chối bán loại thịt này. Loại này được bán chủ yếu trong các căng-tin trường học hay bệnh viện. Các con bò có kết quả dương tính với bệnh lao đã được tách ra khỏi đàn để tránh lây nhiễm. Theo báo Le Figaro thì ngành chăn nuôi Pháp không bị vướng vào căn bệnh này. Nguy cơ lây truyền từ vật sang người là rất thấp nhưng không phải là không có. Sự phát triển của bệnh lao có thể kéo dài trong nhiều năm nhưng rất khó tìm lại nguồn gốc của sự lây nhiễm. Ngoài thịt, sữa cũng có nguy cơ chứa vi khuẩn. Sở Y tế Anh đã tiến hành một nghiên cứu mới nhất để thử xác định nguồn gốc lây nhiễm mới đây của căn bệnh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.