Vào nội dung chính
HOA KỲ-CHÂU ÂU

Đàm phán tự do mậu dịch Mỹ-Liên Hiệp Châu Âu

Ngày 08/07/2013 tại Washington, Ủy ban Châu Âu đại diện cho 28 nước thành viên trong Liên hiệp, chính thức đàm phán với Hoa Kỳ để tiến tới hiệp định tự do mậu dịch song phương. Vòng 1 cuộc đàm phán trên nguyên tắc sẽ khép lại vào ngày 12/07/2013. Trong 5 ngày làm việc, hai bên chủ yếu thảo luận về lịch làm việc và thành lập 15 tiểu ban đặc trách về các hồ sơ chính.

Getty Images
Quảng cáo

Theo các nhà quan sát, vòng 1 cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ với Liên Hiệp Châu Âu được chú ý tới nhiều do quan hệ giữa hai bên bờ Đại Tây Dương đang căng thẳng sau những tiết lộ Châu Âu bị ngành tình báo Hoa Kỳ theo dõi. Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu hiện là những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của nhau. Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều, năm ngoái lên tới 500 tỷ euro.

Một khi hoàn tất, 50 % GDP của thế giới, 30 % trao đổi mậu dịch toàn cầu và 20 % đầu tư trực tiếp nước ngoài của nhân loại sẽ nằm trong khuôn khổ khu vực tự do mậu dịch Mỹ -Châu Âu. Theo thẩm định của Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế CEPR trụ sở tại Luân Đôn, việc bãi bỏ các hàng rào thuế quan, các hoạt động kinh tế giữa hai bên bờ Đại Tây Dương sẽ tăng thêm 100 tỷ đô la hàng năm. Còn theo thẩm định của Ủy ban Châu Âu, với hiệp định tự do mậu dịch, mỗi năm, GDP của Liên Hiệp sẽ tăng thêm được khoảng 0,5 % so với hiện tại.

Trên nguyên tắc trong tuần này, các chuyên gia Âu Mỹ tại Washington chủ yếu thảo luận về lịch trình đàm phán. 15 tiểu ban sẽ được hình thành để san bằng những bất đồng trên những chủ đề nhạy cảm, đặc biệt là đối với các lĩnh vực như nông nghiệp, hàng điện tử hay chính sách đầu tư và cạnh tranh.

Trước mắt cả Bruxelles lẫn Washington cùng mong mỏi tiến trình đàm phán sẽ phải được kết thúc trước tháng 10/2014. Nhưng theo giới quan sát thì sớm lắm cũng phải đợi đến năm 2015 đôi bên mới mong tìm được đồng thuận để khu tự do mậu dịch lớn nhất thế giới chính thức bắt đầu hoạt động.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.