Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Mỹ thận trọng trước các động thái tại Ai Cập

Tối 03/07/2013, Tổng tư lệnh quân đội Ai Cập, tướng Abdel Fattah Al Sissi thông báo tạm thời đình chỉ Hiến pháp và tước quyền tổng thống của ông Mohamed Morsi, lên cầm quyền cách nay một năm, qua một cuộc bầu cử hợp pháp. Phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, tỏ thái độ thận trọng, nếu không muốn nói là có phần lúng túng, trước các diễn biến tại Ai Cập: Phải chăng đó là một cuộc đảo chính do quân đội tiến hành ?

Một biểu ngữ phản đối Tổng thống Mỹ Obama, trong cuộc biểu tình của những người chống ông Mohamed Morsi tại quảng trường Tahrir, Cairo ngày 07/07/2013.
Một biểu ngữ phản đối Tổng thống Mỹ Obama, trong cuộc biểu tình của những người chống ông Mohamed Morsi tại quảng trường Tahrir, Cairo ngày 07/07/2013. REUTERS/Amr Abdallah Dalsh
Quảng cáo

Hậu quả của việc đánh giá này rất quan trọng đối với ảnh hưởng của Mỹ, sự ổn định tại khu vực Trung Cận Đông và tiến trình dân chủ hóa tại Ai Cập.

Trong những ngày qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhiều quan chức cao cấp Hoa Kỳ, trong các phát biểu của mình, đã tránh dùng từ « đảo chính ». Theo giới phân tích, điều này cho thấy Washington không muốn làm suy yếu giới tướng lãnh Ai Cập, gây sức ép buộc nước này phải nhanh chóng tổ chức các cuộc bầu cử tự do, đồng thời Mỹ vẫn tiếp tục duy trì ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Đạo luật về ngân sách của Mỹ, năm 1985, quy định: « Không một ngân quỹ nào …có thể được dùng để tài trợ trực tiếp một khoản viện trợ cho một chính phủ mà người đứng đầu chính phủ đó được bầu lên một cách hợp pháp, lại bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự ». Văn bản này cũng nói rõ, những quốc gia, như trường hợp Ai Cập hiện nay, phải « yểm trợ tiến trình dân chủ hướng tới một chính phủ dân sự ». Tuy nhiên, từ năm 2012, các Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton và ông John Kerry đều gạt bỏ điều kiện này để có thể giải tỏa các tín dụng, nhân danh lợi ích an ninh quốc gia.

Viện trợ quân sự của Mỹ, khoảng 1,3 tỉ đô la trong năm 2013, chiếm tới 80% số lượng mua thiết bị quân sự hàng năm của quân đội Ai Cập. Các khoản tín dụng của năm 2013 đã được giải tỏa, nhưng trên thực tế, các hợp đồng mua mà Ai Cập ký kết với các nhà sản xuất vũ khí Hoa Kỳ được Washington chi trả trong nhiều năm, đặc biệt là các hợp đồng mua xe tăng và máy bay tiêm kích.

Theo ông Robert Satloff, giám đốc Viện Chính sách Cận Đông, ở Washington, được AFP trích dẫn, thì viện trợ của Mỹ không phải là một tấm ngân phiếu 1,3 tỉ đô la, được trao cho Ai Cập, « chính quyền Mỹ có thể quyết định không cho giao hàng » và Washington sẽ chờ xem tình hình tại Ai Cập biến chuyển ra sao trước khi ra mọi quyết định.

Một báo cáo độc lập của Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ cho biết, năm 2010, Ai Cập đã ký với tập đoàn Lockheed Martin một hợp đồng mua 20 tiêm kích F-16. Bốn chiếc đã được giao trong tháng Giêng. Nguồn tin của Fox News nói đến 12 chiếc, tính đến tháng Tư vừa qua. Kể từ năm 1980, Mỹ đã cung cấp cho Ai Cập 220 tiêm kích F-16. Cuộc thảo luận hiện nay tại Mỹ là có nên tiếp tục giao cho Ai Cập số máy bay còn lại trong hợp đồng này hay không. Điều đáng chú ý là việc hủy hợp đồng sẽ gây ra những hậu quả về công ăn việc làm tại Hoa Kỳ, trong lúc chỉ còn hơn một năm nữa thì sẽ có bầu cử lập pháp, được tổ chức vào tháng 11/2014.

Do vậy, Tổng thống Barack Obama bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về việc quân đội Ai Cập hạ bệ ông Morsi và nói rằng Washington sẽ « xem xét các hệ lụy pháp lý » liên quan đến viện trợ của Mỹ cho Ai Cập.

Bà Tamara Cofinan, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện làm việc tại Viện Brookings, cho rằng tuyên bố thận trọng của tổng thống Obama nhằm khuyến khích chính phủ chuyển tiếp tại Ai Cập nhanh chóng đưa ra những bảo đảm dân chủ. Theo bà, việc không nói đến cuộc đảo chính là « để cho chính phủ Mỹ và Ai Cập có thời gian tiến hành trao đổi với nhau về những ý định của quân đội về lộ trình và lịch trình » tiến tới một chính phủ dân sự do dân bầu ra.

Tại Quốc hội Mỹ, một vài nghị sĩ kêu gọi đình chỉ ngay lập tức viện trợ quân sự cho Ai Cập. Thượng nghị sĩ John McCain cảnh báo: « Chúng ta không thể lập lại những sai lầm mà chúng ta đã phạm phải trong quá khứ qua việc ủng hộ lật đổ những chính phủ được bầu lên một cách tự do ». Thế nhưng, đa số chính khách Mỹ lại thận trọng, tránh dùng chữ « đảo chính » và nhấn mạnh đến lợi ích an ninh quốc gia. Các lợi ích này bao gồm cả vấn đề an ninh kênh đào Suez, bởi vì tất cả tàu bè của Mỹ, khi đi về phía đông, đều phải qua kênh đào này và Địa Trung Hải để tới vùng Vịnh Persic.

Giới tướng lãnh Ai Cập dường như cũng hiểu được sự khó xử của Mỹ nếu muốn giúp họ. Do vậy, quân đội Ai Cập đã để một thẩm phán làm quyền tổng thống.

Lịch trình viện trợ của Mỹ cũng giúp cho Ai Cập có thêm chút thời gian để xoay sở: Viện trợ của Mỹ cho năm tài khóa 2014, bắt đầu từ tháng 10 năm nay, sẽ được Quốc hội Mỹ đem ra bỏ phiếu sau dịp hè.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.