Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Nga xét xử nhà đối lập Navalny : Án kinh tế để « trả thù chính trị »

Số phận của nhà đối lập hàng đầu Nga Alexei Navanyl sẽ được ấn định vào ngày 18/07/2013 tới đây trong một phiên tòa kéo dài xét xử ông với tội danh biển thủ công quỹ. Phe đối lập cũng như đông đảo dư luận tại Nga lên án đây là một phiên tòa chính trị hóa, được dàn dựng từ đầu tới cuối nhằm loại khỏi chính trường nhà đấu tranh chống tham nhũng nhiệt thành nhất nước Nga, một gương mặt đối lập hàng đầu với Tổng thống Putin.

Nhà đối lâp Nga Alexeï Navalny lúc đến tòa án ngày 24/04/ 2013.
Nhà đối lâp Nga Alexeï Navalny lúc đến tòa án ngày 24/04/ 2013. Karpukhin / Reuters
Quảng cáo

Bị truy tố từ cuối năm 2012, đến ngày 17/4 năm nay, Navalny, 37 tuổi, được đưa ra xét xử sau nhiều lần tòa phải hoãn đi hoãn lại dưới sức ép của đối lập. Ông bị truy tố vì tội biển thủ 16 triệu rúp (400 nghìn euro), gây thiệt hại cho ngành khai thác rừng, từ hồi năm 2009 khi còn làm cố vấn cho Thủ hiến vùng Kirovles. Mới đây Viện Công tố Nga đã đề nghị mức án đối với Alexei Navalny là 6 năm cải tạo và phạt một triệu rúp (23 nghìn euro).

Navalny phản đối kịch liệt các cáo buộc của tư pháp, khẳng định vụ việc đã được dàn dựng hoàn toàn. Tuần trước, trên đài Tiếng vọng Matxcơva, Navalny tuyên bố « Tất cả những ai theo dõi phiên tòa này đều nói Navalny vô tội ».

Tuy nhiên bản thân nhà đối lập cũng hiểu được rằng dù gì thì chính quyền vào ngày 18/07 tới đã định sẵn cho ông một mức án nào đó bởi như ông đã lên án nhiều lần phiên tòa với cái án kinh tế này là một « sự trả thù chính trị » vì những cáo giác chính quyền tham nhũng và vì vai trò tiên phong của ông trong chiến dịch chống lại Putin trở lại cầm quyền hồi tháng 12/2012. Trong thời gian diễn ra phiên xử Navalny, phe đối lập vẫn khẳng định không nghi ngờ gì về việc đích thân Tổng thống đã chỉ thị cho các nhà điều tra cũng như tư pháp trong vụ án này.

Ở nước Nga, giờ đây, Alexei Navalny đã trở nên nổi tiếng không chỉ trong giới đối lập. Là một luật sư được đào tạo có bài bản, Navalny đã liên tục tấn công vào những vùng đất cấm của Tổng thống Putin, vẫn bị tố cáo áp dụng chế độ tòan trị ở Nga nhằm duy trì quyền lực tuyệt đối. Từ năm 2007, Navalny đã mở cuộc đọ sức với chính quyền, tố cáo các vụ tham nhũng ở các tập đoàn nửa Nhà nước nửa tư nhân như tập đoàn dầu lửa Rosneft và Gazprom, trong các vụ mua bán cổ phiếu đầy mờ ám. Trên trang mạng riêng của mình ( Rospil), Navanyl cho đăng đủ các bài viết về vụ tham nhũng ở nước Nga. Vài tháng trước đây, trang mạng chống tham nhũng của ông đã gây rắc rối cho nhiều nhân vật tai to mặt lớn của chính quyền khi đưa lên những phát giác họ sở hữu nhiều bất động sản không khai báo ở nước ngoài.

Là một diễn giả có sức thuyết phục, Navalny nhanh chóng trở thành một gương mặt nổi trội của phong trào phản kháng chính quyền lớn chưa từng có ở Nga, ra đời từ cuối năm 2011 trong cuộc bầu cử Quốc hội. Ông chính là người đưa ra khẩu hiệu nổi tiếng « đảng của những tên trộm và lừa đảo » để định danh cho đảng Nước Nga Thống nhất đang cầm quyền. Trên các diễn đàn, những phát biểu cùng với uy tính và sức thu hút của mình, Navalny không tiếc lời chỉ trích hệ thống chính trị tham nhũng của Nga dễ dàng làm dấy lên không khí sôi sục của người biểu tình. Cuộc đấu tranh của ông không chỉ gây tiếng vang lớn ở trong nước. Navalny xuất hiện trên trang nhất của báo chí phương Tây. Thậm chí hồi tháng 04/2012, tờ Times xếp Navalny là một số 100 nhân vật có ảnh hưởng trên thế giới

Với một phác thảo chân dung như vậy, rõ ràng nhà đối lập Alexei Navalny trở thành một cái gai của chính quyền. Loại bỏ nhân vật này ra khỏi chính trường Nga bằng con đường tư pháp là cách thường dùng ở nước Nga dưới thời ông Putin, nhất là khi quyền lợi chính trị và kinh tế của hệ thống chính quyền bị đe dọa.

Ông Marc Ournov, Chủ nhiệm khoa chính trị đại học Kinh tế Matxcơva nhận định : « Phiên xử Navalny và phán quyết của tòa nhằm mục đích gửi đi một tín hiệu mạnh với nội dung : Đừng có động đến tiền của chúng tôi ! Tham nhũng là nền tảng của hệ thống quan liêu ở nước Nga và cấm ai được phá hệ thống đó ».

Với luật sư bào chữa cho Navalny, bà Olga Mikhailova, vụ án này đi ngược lại hoàn toàn với pháp luật hiện hành của Nga và « phiên toà này không đáp ứng được chuẩn mực pháp lý nhưng lại dựa trên duy nhất một động cơ chính trị nhằm hạ uy tín Alexei Navalny ».

Phiên tòa xử nhà đối lập Navalny làm người ta nhớ lại vụ án Mikhail Khodorkovski, nhà tài phiệt trong ngành dầu mỏ của Nga đang phải ngồi tù từ năm 2003 cũng chỉ vì dám đứng ra đối lập với Kremlin. Từ trong tù, mới đây Khodorkovski bày tỏ sự ủng hộ với Alexei Navanyl, ông tố cáo mục đích của phiên tòa này nhằm « làm cho đối lập và những cử tri có ý thức chính trị tích cực sợ hãi, mất tinh thần ».

Phiên tòa xét xử Navalny ngày 18/07 tới đây có thể sẽ kết thúc như ý muốn của chính quyền, nhưng còn mục tiêu loại bỏ đối lập chính trị bằng thủ pháp lập án kinh tế quen thuộc càng chứng tỏ sự bế tắc của một chế độ chuyên quyền.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.